Ai cũng BIẾT nhưng mấy ai HIỂU!!!

nostosalgos

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
2/1/2013
Bài viết
24
Ai Cũng Biết Nhưng Mấy Ai Hiểu!

Chúng ta đều biết rằng việc đọc sách rất quan trọng và cũng biết rằng nó có lợi cho chúng ta nhưng bạn có bao giờ kiên nhẫn đọc hết một cuốn sách và hiểu hết những gì mà cuốn sách đó mang lại cho bạn? Cuộc sống của chúng ta từ khi đi học đã gắn liền với những cuốn sách. Sách là người bạn đáng quý mà chúng ta cần trân trọng và nâng niu chúng. Đọc sách là nhu cầu của mỗi người và đừng quên đọc sách mỗi ngày.


Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc tìm kiếm thông tin trở nên dễ dàng hơn. Mặc dù vậy, chúng ta không thể phủ nhận một điều, sách là nguồn tri thức vô tận của nhận loại đến bây giờ và mai sau, sách là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta.

Từ xa xưa, con người ta đã tìm ra nhiều phương thức để lưu trữ thông tin mà người ta tích lũy được bằng việc khắc họa lên đá, khắc trữ lên các thanh tre, viết lên giấy… Cho đến bây giờ những thành quả tri thức nhân loại vẫn được lưu trữ chủ yếu thông qua sách. Sách là nơi lưu truyền mọi tri thức, mọi thành tựu mà loài người tích luỹ được qua các thời đại. Lênin đã dạy rằng: “Không có sách, không có tri thức. Không có tri thức, không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.

Chúng ta phải thừa nhận rằng trong cuộc sống, con người không thể thiếu sách. Thật vậy, bất kì ai cũng cần được đọc sách, bởi vì hiểu biết của con người do đọc sách mà có, đọc sách là nhu cầu không thê thiếu của mỗi con người. Đặc biệt đối với các bạn trẻ, đang nắm giữ chìa khóa của tương lai cần phải trang bị cho mình một vấn kiến thức phong phú. Chúng ta muốn phát triển bản thân, làm giàu thêm kho tàng tri thức nhân loại thì cần phải biết kế thừa những tri thức, thành quả cũ. Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại, cần được khai thác hiệu quả để mở ra cánh cửa tri thức nhân loại, nhằm phát hiện thế giới mới. Theo Ngọc Bích (2011) đánh giá trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò rất quan trọng: Sách là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh. Có thể nói sách chính là người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi vui, buồn sâu kín của mỗi con người, và đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người trên thế giới.

Bắt đầu từ khi được làm quen với sách, chúng ta được học đọc các con chữ kèm theo đó là những hình ảnh minh họa, dần dần chúng ta hình thành nên năng lực liên tưởng, tưởng tượng. Khi chúng ta đọc được từ “quả chanh”, ngay trong suy nghĩ của chúng ta đã hình thành nên hình ảnh quả chanh mà chúng ta đã được nhìn thấy đâu đó, rồi kèm theo đó chúng ta còn có cảm nhận thấy vị chua chua của nó, nếu như chúng ta đã từng được ăn một quả chanh một lần nào đó. Mọi sự vật sự việc đều nằm trong mối quan hệ tổng thể của nó, không thể tách riêng rẽ. Chính vì vậy, trong quá trình đọc, chúng ta cũng hình thành sự liên tưởng, so sánh, những vấn đề, những sự vật, sự việc trong cuốn sách với những gì ngoài thực tế, cũng như với những thông tin chúng ta đã biết ở một cuốn sách.

Ngôn ngữ là phương tiện chúng ta giao tiếp với mọi người. Nhờ có ngôn ngữ, ta khám phá nhiều hơn về thế giới và về chính chúng ta. Năng lực ngôn ngữ của chúng ta được hình thành dựa trên nhiều yếu tố, trong đó đọc sách là một cách tiêp cận với ngôn ngữ một cách có hiệu quả. Thông qua quá trình đọc, chúng sẽ tích lũy cho mình vốn từ vựng phong phú, điều đó giúp chúng ta có thể hiểu và trình bày, diễn đạt làm sáng tỏ một vấn đề nào đó một cách khéo léo, uyển chuyển theo đúng cấu trúc ngữ pháp. Với một quá trình đọc sách lâu dài, biết tiếp thu có hiệu quả sẽ là con đường dẫn đến sự hình thành những kĩ năng ngôn ngữ đó.

Không những đọc nhiều sách giúp hình thành kỹ năng ngôn ngữ mà nó sẽ giúp tăng cường khả năng giao tiếp. Tuy rằng khi chúng ta đọc sách, chúng ta chỉ tham gia vào quá trình giao tiếp một chiều giữa ta và tác giả, nhưng với quá trình đọc sách lâu dài sẽ giúp bạn dễ dàng nắm bắt vấn đề, học được các cách trình bày của tác giả về các vấn đề, dần dần chúng ta tổng hợp và kết hợp chúng, hình thành cho chúng một lối văn, cách trình bày vấn đề rõ ràng, rành mạch. Từ những vốn kinh nghiệm thu được thông qua việc đọc sách chúng ta áp dụng vào giao tiếp trực tiếp trong đời sống hằng ngày, như vậy là vừa học vừa hành và cuối cùng kỹ năng giao tiếp của chúng ta được nâng cao rõ rệt.

Nhìn một cách bao quát tổng thể, đọc sách là một cách giúp bạn sống tốt trong xã hội và làm người? M.Goroki từng nói : "Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú và đến tới gần con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khác cuộc sống." Những giá trị tinh thần của những cuốn sách luôn hướng con người ta cái hay, cái đẹp; hướng tới lợi ích bản thân trong mối quan hệ với lợi ích chung của những người xung quanh. Theo Dr.Gúerin, sách không những để nâng cao trí thức mà còn nâng cao nhân cách. M.An-cốt có câu: “Một cuốn sách tốt mở ra thì gợi niềm hy vọng, khép lại thì đem lại điều hữu ích”. Cũng giống như khi bạn cầm trên tay một cuốn sách học tiếng anh, với hy vọng bạn sẽ học tốt tiếng anh. Và rồi, sau khi đọc và hiểu nó, bạn biết nói tiếng anh. Điều đó, thực sự có ích cho cuộc sống của bạn. Tóm lại, sách đem đến cho con người một cuộc sống tốt đẹp, hòa hợp giữa bản thân với cộng đồng, môi trường xung quanh, xã hội và cả nhân loại. Nhưng trước hết, đọc sách giúp chúng ta hoàn thiện mình càng tốt hơn.

Bên cạnh những lợi ích cho mỗi cá nhân đọc sách, những cuốn sách con là cây cầu xây dựng những mỗi quan hệ tốt đẹp trong xã hội. Ta đọc một cuốn sách hay và muốn đem chia sẻ với mọi người. Khi ta mua được cuốn sách quý và muốn lưu lại cho con cháu... Những cuốn sách đó là sợi dây nối liền tình cảm gia đình khi cha mẹ cùng con đọc sách, thông qua sách để dạy con và hiểu con. Các bạn trẻ tặng nhau những cuốn sách, gửi gắm vào đó là những tình cảm của mình... Và chính những người viết nên mỗi cuốn sách thực sự mong muốn xây dựng một cộng đồng đọc sách, mọi người gắn kết lại với nhau, xây dựng các mối quan hệ hài hòa giữa con người với con người và con người trong tổng thể xã hội.

Khi đọc sách, chúng ta không dùng qua nhiều sức lực như lao động. Đọc sách với tư thế thích hơp sẽ giúp bạn được thư thái. M.Mông-tê-guy đã từng nói: “Không có cách giải trí nào rẻ hơn đọc sách, cũng không có sự thú vị nào bền lâu hơn đọc sách”. Còn với Môngtexkiơ, thích đọc sách tức là biết đánh đổi những giờ phút buồn tẻ không thể tránh được trong cuộc đời lấy những giờ phút lý thú. Chúng ta tìm đến sách không chỉ để biết thêm thông tin mà đó cũng là môt cách để giải trí và thư giãn.

Đọc sách là một nét văn hóa, mọi người cần giữ gìn và phát huy: Ngày nay đọc sách đã trở thành một nét văn hóa- văn hóa Đọc. Đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi cá nhân trong xã hội là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh của họ. Đó chính là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học suốt đời, một yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại.

Đọc sách không chỉ là thói quen, sở thích mà còn là một nhu cầu không thể thiếu, một lối sống, là cái đích hướng đến của tất cả mọi người trong khát vọng trinh phục tri thức. Những gì chúng ta được biết chỉ như một hạt cát trong sa mạc, một giọt nước trong đại dương bao la. Đọc sách đúng là nhu cầu không thể thiếu được trong xã hội hiện đại. Đó là con đường để tích lũy tri thức, kĩ năng, chuẩn bị cho sự hòa nhập cộng đồng, thích ứng với môi trường và cống hiến cho xã hội. Tất cả mọi người ai cũng có khát vọng được trinh phục tri thức và đọc sách là một con đường dẫn đến khát vọng đó.

Đọc sách cũng là một nghệ uật tinh tế của đời sống tinh thần, thậm chí là một nghệ thuật sống. Biêlinxki đã có câu: “Đọc một cuốn sách xấu thì thà không đọc còn đỡ tệ hại hơn”. Cho nên, phải biết lựa sách để đọc cho phù hợp với bản thân. Mục đích cuối cùng của kỹ năng đọc là đọc có hiệu quả cao nhất, nắm chắc nội dung cốt lõi và biết vận dụng những điều đã đọc được vào cuộc sống của chính người đọc. V. I. Lênin đã từng có câu nói nổi tiếng: “Đọc cũng là một nghệ thuật”. Vì vậy phải chọn một quyển sách hay có giá trị, nội dung tốt, bổ ích chứ không phải cái nào cũng là hay là quý cả? Mọi thứ đều phải có sự chắt lọc mới có kết quả như ý! Damiron đã noi: “Lựa sách mà đọc cũng như lựa bạn mà chơi. Hãy coi chừng bạn giả”.

Ngày nay, sách rất nhiều, nhưng sự thờ ơ của người đọc hôm nay là điều đáng quan tâm. Nhiều bạn trẻ cho rằng đọc sách là tốn thời gian, không đọc sách cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của mình. Đó là một quan niệm sai lầm, chúng ta không nên chỉ nhìn vào một khía cạnh để đánh giá vấn đề mà phải xem xét vấn đề đó trong cái tổng thể chung nhất, để có những nhận định và đánh giá xác đáng.

Văn hóa đọc không chỉ thể hiện ở việc bạn đọc hì hục đọc mỗi ngày bao nhiêu trang sách mà còn thể hiện ở việc bạn đối xử với sách và việc đọc thế nào? Xu hướng đọc hiện nay ít nhiều có biểu hiện lệch lạc. Giới trẻ - đối tượng chúng ta đang hướng tới xây dựng thế hệ đọc tương lai - có xu hướng đọc những chuyện tranh với những nội dung đơn giản, vô bổ, thậm chí thiếu lành mạnh, ngại đọc các loại sách kinh điển, lý luận, đặc biệt các sách dày, nhiều tập. Đọc nhiều sách sẽ rất có ích cho mình, tuy nhiên, cũng cần phải lựa những cuốn sách hay và thật cần thiết để tránh tình trạng "đọc nhiều mà không hiểu được bao nhiêu". N.Ô-xtơ-rốp-xki nói: “Sách có thể ít đi một chút nhưng phải tốt đẹp hơn, không nên đặt 1 cuốn sách tầm thường lên giá sách, đừng ăn cắp thời gian của người lao động”. Sách là người bạn tri kỉ mà mỗi người đọc sách có được vì vậy hãy biết quý trọng và gìn giữ chúng.

Dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của đọc sách trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Cần duy trì và phát triển hơn nữa để văn hóa đọc nói chung và việc đọc sách nói riêng luôn là nhu cầu không thể thiếu của mỗi công dân, đặc biệt la giới trẻ thời đại văn minh ngày nay. Mỗi chúng ta hãy biết trân trọng , gìn giữ và nâng niu những cuốn sách, đồng thời cần tạo cho mình thói quen đọc sách hằng ngày như V.Ôbrưsép đã nói: “Thế giới vô cùng vĩ đại. Cặp mắt của bạn chỉ thấy được một phần nhỏ bé không đáng kể. Bởi vậy bạn hãy tìm lấy các sự kiện ở trong sách. Hãy tích lũy đều đặn hàng ngày các sự kiện ấy”. “Hãy yêu quý sách vì đó là nguồn gốc của mọi tri thức” – câu nói của M.Gorki.

-- Nguồn: VietNamLIB --
 
Quay lại
Top