9 thói quen khiến người lãnh đạo đưa ra những quyết định sai lầm

Linh Nhi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/7/2015
Bài viết
1.309
tai-xuong-1--1.jpg

Dĩ nhiên bất kỳ ai cũng có thể quyết định sai nếu gặp áp lực về thời gian hoặc không có đủ thông tin cần thiết. Tuy nhiên, để hiểu được nguyên nhân gốc rễ dẫn đến những quyết định tồi tệ thì không đơn giản như vậy. Jack Zenger và Joseph Folkman - CEO và chủ tịch của Zenger/Folkman, một công ty tư vấn về phát triển khả năng lãnh đạo đã thực hiện một cuộc khảo sát với hơn 50,000 nhà lãnh đạo và so sánh hành vi của những người thường đưa ra quyết định sai lầm với những người thường đưa ra những quyết định đúng đắn. Từ đó, Zack và Joseph đã rút ra được 9 thói quen khiến mọi người dễ quyết định sai lầm, được liệt kê bên dưới theo thứ tự quan trọng nhất đến ít quan trọng:

  1. Lười biếng: Thói quen này thể hiện ở việc không kiểm chứng lại thông tin hay giả thiết, không dám bắt đầu thực hiện ý tưởng mới, không thu thập thêm thông tin để hỗ trợ cho quá trình quyết định. Nhìn chung, những người có thói quen này thường rất trễ nải trong công việc và ngại thử thách bản thân. Họ dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ và cho rằng kết quả đạt được đơn giản chỉ là một phép ngoại suy từ quá khứ.

  2. Không chuẩn bị tinh thần cho những biến cố bất ngờ: Việc liên tục cân nhắc khả năng xảy ra những biến cố tiêu cực trong cuộc sống dễ gây chán nản, do đó, hầu hết mọi người đều tránh phải nghĩ rằng điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Thật không may, những điều tệ hại lại xảy ra khá thường xuyên. Một nghiên cứu đã chứng minh rằng nếu một người dành thời gian để xem xét những điều xấu nào có thể xảy ra, người đó sẽ có khả năng dự đoán các vấn đề có thể nảy sinh. Tuy nhiên, nhiều người quá phấn khích với quyết định của mình mà quên mất việc xem xét thấu đáo vấn đề.

  3. Do dự: Sự do dự đôi khi còn tệ hại hơn cả việc quyết định sai. Những người bị tê liệt bởi nỗi sợ là những người tin rằng một lỗi lầm có thể hủy hoại toàn bộ sự nghiệp của họ, và do đó, tránh việc phải chấp nhận rủi ro. Điều này khiến họ đánh mất đi nhiều cơ hội quý giá.

  4. Quá chìm đắm trong quá khứ: Một vài người quyết định sai bởi họ luôn “tái chế” những thông tin hoặc quy trình cũ. Những người này quen với các cách tiếp cận đã từng hiệu quả trong quá khứ và không có xu hướng tìm kiếm những cách tiếp cận mới, mặc dù những cách mới có thể giải quyết vấn đề tốt hơn. Các giả thiết hay cách tiếp cận cũ có thể không còn đúng trong hiện tại và điều đó khiến quyết định đưa ra trở nên không phù hợp.

  5. Không cân nhắc mức độ phù hợp của quyết định với định hướng chiến lược của tổ chức: Đối với những nhà lãnh đạo tại các công ty, tổ chức, các quyết định sai lầm đôi khi xuất phát từ việc người đưa ra quyết định không thể liên kết vấn đề với chiến lược tổng thể. Khi không có một chiến lược rõ ràng nhằm tạo ra một bức tranh toàn cảnh, sẽ có nhiều hơn một giải pháp hợp lý. Tuy nhiên một khi vấn đề được liên kết chặt chẽ với chiến lược, những giải pháp tốt hơn sẽ nhanh chóng trở nên rõ ràng hơn đối với người đưa ra quyết định.

  6. Quá phụ thuộc: Một vài quyết định không bao giờ được đưa ra bởi sự phụ thuộc chằng chéo giữa người này với những người kia. Những người có khả năng quyết định hiệu quả thường tìm cách hành động độc lập khi cần thiết.

  7. Cách ly với nguồn thông tin: Một vài nhà lãnh đạo thường chờ đợi thông tin bởi vì họ không tự thu thập thông tin đó trong thời gian hợp lý hoặc không thiết lập đủ các mối quan hệ để cho phép họ lấy thông tin từ những người thông thạo hơn. Đôi khi, điều này là do thiếu kỹ năng networking hoặc do người đó không muốn để người khác tham gia vào quá trình quyết định nhằm dành hết công lao về mình. Thật không may, cùng với việc được khen ngợi cho một quyết định đúng, những người này còn phải chịu sự chỉ trích vì những quyết định sai.

  8. Thiếu kiến thức chuyên sâu: Các tổ chức ngày nay rất phức tạp, và ngay cả người lãnh đạo giỏi nhất cũng không thể có đủ kiến thức chuyên sâu để hiểu một cách triệt để những vấn đề đa chiều. Mặt khác, nếu người đưa ra quyết định chỉ dựa vào những kiến thức của người khác mà không có bất kỳ chính kiến nào, người đó cũng sẽ gặp khó khăn trong việc kết hợp thông tin để quyết định hiệu quả. Những nhà lãnh đạo tốt nhất là những người có kiến thức chuyên sâu để có thể hiểu được ý nghĩa của những quyết định mà họ cần đưa ra, và nếu họ không có được kiến thức ấy, họ sẽ tìm kiếm những tài năng giỏi nhất để giúp họ làm điều đó.

  9. Thất bại trong việc truyền đạt quyết định của mình: Một số quyết định đúng đắn trở thành quyết định sai lầm chỉ bởi người khác không hiểu hoặc thậm chí là không biết về chúng. Giải thích một quyết định, lý do và ý nghĩa của nó, đóng vai trò quyết định đối với sự thành công của việc thực hiện một quyết định.
Như vậy, có nhiều lý do để người lãnh đạo mắc sai lầm trong các quyết định. Con đường đến với những quyết định sáng suốt không phải lúc nào cũng rộng mở. Tuy nhiên, cần nhớ rằng những lỗi lầm và khiếm khuyết có thể khiến bất kỳ người lãnh đạo nào trở nên tốt hơn. Biết cách cân nhắc các quyết định và học từ thất bại là yếu tố mấu chốt để bản thân hoàn thiện hơn.

(Theo Harvard Business Review)​
 
×
Quay lại
Top