7 điều làm nên nhà lãnh đạo tuyệt vời

Linh Nhi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/7/2015
Bài viết
1.309
tai-xuong-6-.jpg

Google vừa một lần nữa dẫn đầu danh sách 100 công ty có môi trường làm việc tốt nhất do tạp chí Fortune bình chọn. Đây là lần thứ 6 Google lọt vào danh sách này và lần thứ 2 trở thành người chiến thắng.


Hầu hết mọi người đều cho rằng Google đứng đầu danh sách này nhờ có nhiều phúc lợi “khủng” cho nhân viên. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần. Quan điểm của Google là: “Không phải nhân viên rời bỏ công ty mà họ rời bỏ những người lãnh đạo không phù hợp”. Do đó, không phải chỉ tập trung chiêu mộ những nhà quản lý giỏi giống như các công ty khác, Google còn chú trọng đến việc đào tạo nên những nhà lãnh đạo “trong mơ” cho nhân viên.

Sau khi nghiên cứu những tố chất làm nên những nhà quản lý giỏi tại Google – những người mà tất cả nhân viên đều muốn được làm việc cùng, Google thiết kế chương trình đào tạo để tất cả nhà quản lý biết cách phát triển những tố chất này. Khi một người quản lý hoàn thành chương trình học, Google sẽ “đo” hành vi của họ để đảm bảo rằng họ có tiến bộ và trở thành nhà quản lý mà mọi nhân viên Google đều muốn được “phò tá”.

Nói về chiến lược đào tạo nên những nhà lãnh đạo tuyệt vời, Laszlo Bock - người phụ trách nhân sự của Google cho biết: “Những nhà quản lý giỏi nhất của chúng tôi tạo nên những đội ngũ làm việc tốt hơn, duy trì hiệu quả hoạt động của đội tốt hơn và giúp các thành viên hạnh phúc hơn. Họ làm cho tất cả mọi thứ đều trở nên tốt hơn”.

Tuy vậy, chương trình đào tạo của Google không phải là giải pháp duy nhất để trở thành một nhà lãnh đạo tuyệt vời. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể tìm hiểu và học hỏi những bí quyết của họ để trở thành một vị sếp mà tất cả nhân viên đều muốn được làm việc cùng.

Theo TS. Travis Bradberry - Chủ tịch Công ty TalentSmart, đồng tác giả của quyển sách nổi tiếng Thông minh cảm xúc 2.0 (Emotional Intelligence 2.0) – sau đây là 7 điều làm nên một nhà lãnh đạo tuyệt vời.

1. Có niềm đam mê

Không gì khiến nhân viên nản bằng việc sếp của họ luôn cảm thấy chán ngán với công việc và cuộc sống của mình. Nếu ngay cả người quản lý còn không quan tâm đến những gì họ làm thì tại sao các nhân viên lại phải quan tâm?

Nhà lãnh đạo giỏi luôn đam mê những gì họ làm. Họ tin vào những gì mình đang cố gắng hoàn thành và dốc sức làm việc một cách vui vẻ. Điều này sẽ truyền cảm hứng cho đội ngũ của họ.

2. Bảo vệ nhân viên

Nhà lãnh đạo giỏi quan tâm đến sự an toàn của nhân viên ngay cả trước khi nhân viên của họ gặp nguy hiểm. Đôi khi họ còn âm thầm “dọn dẹp” những trở ngại có thể cản bước phát triển công việc của tập thể. Và trong trường hợp không thể tránh khỏi “hiểm họa”, họ sẵn sàng trở thành người đứng mũi chịu sào.

3. Thấu hiểu từng nhân viên

Hãy suy nghĩ về sự khác biệt. Chẳng hạn như trong môn cờ đam, chức năng của tất cả các quân cờ là như nhau. Đó chính là ví dụ điển hình cho một mô hình quản lý kém hiệu quả.

Mặt khác, trong môn cờ vua, mỗi quân cờ có mỗi chức năng, nhiệm vụ và điểm hạn chế riêng. Nhà lãnh đạo giỏi cũng chính là những “kỳ thủ cờ vua” tài ba. Họ nhận ra điểm độc đáo của mỗi thành viên trong đội. Họ biết điểm mạnh, điểm yếu cũng như những gì từng nhân viên thích hoặc không thích, và dùng những hiểu biết này để tối ưu hóa công việc của từng cá nhân.

4. Luôn là chính mình

Lãnh đạo giỏi không nói dối để lấp liếm sai lầm và không đưa ra những lời hứa giả tạo. Nhân viên của họ cũng không cần phải cố gắng để “tìm hiểu” về động cơ cũng như “dự đoán” những hành động tiếp theo của sếp.

Thay vì “tích trữ” thông tin và bí mật củng cố quyền lực của mình, nhà lãnh đạo giỏi luôn chia sẻ thông tin và kiến thức một cách rộng rãi.

5. Giữ bình tĩnh trong mọi tình huống

Khi có sự cố hoặc tệ hơn là một cuộc khủng hoảng xảy ra, nhà lãnh đạo giỏi sẽ không dễ dàng trở nên rối trí, ngược lại, họ luôn hết sức bình tĩnh để tìm ra hướng giải quyết vấn đề.

Những nhân viên được làm việc cùng với những lãnh đạo tuyệt vời như vậy thường luôn ngạc nhiên trước sự điềm tĩnh của sếp mỗi khi nhớ lại một cuộc khủng hoảng từng xảy ra trong quá khứ. Đó chính là lý do vì sao đã 45 năm trôi qua kể từ vụ khủng hoảng tàu Apollo 13 trên đường lên mặt trăng (khi con tàu đã bay được 3/4 quãng đường lên mặt trăng với vận tốc 2.000 dặm/giờ, một trong những bình chứa oxy chính của tàu phát nổ), mọi người vẫn còn nhớ đến khả năng lãnh đạo và xử lý khủng hoảng tài tình của Giám đốc điều phối bay Gene Kranz.

6. Rất “người”

Lãnh đạo giỏi là những con người bình thường và họ không sợ thể hiện điều đó. Họ biết rằng mỗi người đều có những cảm xúc riêng và họ không ngại thể hiện cảm xúc của mình. Họ tương tác với nhân viên trước hết là với tư cách con người, sau đó mới dưới vai trò là nhà lãnh đạo. Mặt khác, họ cũng là người giỏi kiềm chế và kiểm soát cảm xúc.

7. Khiêm tốn

Những nhà lãnh đạo xuất sắc đều không nghĩ rằng họ "cao" hơn bất kỳ ai hoặc bất kỳ điều gì. Khi phạm sai lầm, họ công khai thừa nhận và tìm cách giải quyết vấn đề để mọi người cùng học hỏi và rút kinh nghiệm. Sức mạnh từ sự khiêm tốn của họ khiến nhân viên càng khâm phục và tin tưởng hơn.

(Theo Doanh Nhân Sài Gòn)​
 
×
Quay lại
Top