6 chiến thuật tâm lý giúp giải toả nỗi sợ đi phỏng vấn

nguyen6495

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
31/7/2018
Bài viết
407
Cuối cùng thì bạn cũng đã giành được cuộc hẹn phỏng vấn ở công ty yêu thích. Nhưng giờ đây lòng bạn đầy xáo động, tim đập thình thịch, lòng bàn tay ướt đẫm và đầu óc căng cứng như thể ai hỏi mình tên gì bạn cũng quên mất chứ đừng nói đến bất cứ chi tiết nào trong bản lý lịch. Bạn nhắc mình hãy thả lỏng và cố gắng hít thở, nhưng dường như mọi thứ đã đông cứng lại. Tên bạn được xướng lên. Và thế có nghĩa là cuộc phỏng vấn đã kết thúc thậm chí trước cả khi nó bắt đầu.

Tình huống trên không quá xa lạ với một số người. Trước mỗi buổi phỏng vấn, tâm trạng chúng ta thường luôn bồn chồn, lo lắng. Bên cạnh mối quan tâm rằng mình sẽ bị hỏi những gì, thể hiện sao cho tốt thì còn có nhiều nỗi lo lắng to nhỏ đáng có lẫn không đáng có nữa.

Dù đây là phản ứng tự nhiên rất thường gặp của hầu hết ứng viên nhưng hãy nhớ rằng, lo lắng chính là “kẻ huỷ diệt”! Sau tất cả, nếu bạn quá căng thẳng mà đánh rơi tự tin hay quên mất năng lực thực sự của mình, nghĩa là bạn đã tự tay đóng lại cánh cửa đến với công việc mơ ước cùng mức lương hấp dẫn. Tất cả mọi thứ nhà tuyển dụng cần nhìn thấy ở bạn chỉ là một vẻ ngoài chuyên nghiệp và mạnh mẽ kể cho họ biết bạn là ai, có thể đóng góp điều gì vào cho mục tiêu chung của tổ chức.

Hãy cùng ghi nhớ nhanh 6 chiến thuật tâm lý giúp giải toả lo lắng và sẵn sàng đối diện với người phỏng vấn trong diện mạo và tinh thần tốt nhất nhé!

2018050702.jpg

1. Chuẩn bị đường đi nước bước

Một hoặc hai ngày trước khi phỏng vấn, hãy tìm hiểu về nơi mình sẽ đến, dự kiến đường đi và khoảng thời gian di chuyển. Nếu tự chạy xe, hãy xác định trước bãi giữ xe và chính xác tên người liên hệ, tầng lầu và số phòng (nếu có) của toà nhà mình đến phỏng vấn.

Vào ngày phỏng vấn, nên dành ra một khoảng thời gian đủ rộng rãi để thong thả đi đến điểm hẹn và chỉnh trang diện mạo trước khi chính thức gặp gỡ người phỏng vấn. Nhưng nhớ rằng, điều này không có nghĩa là bạn trình diện công ty sớm cả tiếng so với giờ hẹn nhé! Hãy dùng thời gian “dự phòng” này đi dạo loanh quanh làm dịu tâm lý hoặc ôn lại những câu trả lời mình đã chuẩn bị. Việc nhận ra những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến kết quả phỏng vấn đã nằm trong dự kiến và tầm kiểm soát của mình sẽ giúp bạn duy trì sự điềm tĩnh.

2. Thúc đẩy tâm trạng

Hãy tạo ra một danh sách phát (playlist) các bài hát giúp bạn thấy hưng phấn hoặc tạo thêm sự tự tin. Nếu cứ nghe lặp đi lặp lại bài “Niềm tin chiến thắng” mà có thể khiến bạn cảm giác như mình sẽ hoàn thành mọi nhiệm vụ thì hãy cứ làm như vậy. Hay thử xem vài đoạn clip hài hước để có nhiều cảm xúc tươi vui, hào hứng hơn. Một tiếng cười sảng khoái có thể giúp xua tan những lo lắng và sợ hãi đồng thời giảm bớt căng thẳng.

3. Tiếp “nhiên liệu”

Dù là sáo ngữ nhưng vẫn đúng: Hãy thưởng thức một bữa điểm tâm ngon lành đầy đủ chất để khởi động não bộ và nâng cao sự tập trung lẫn năng suất trong suốt buổi sáng. Bổ sung các thực phẩm tốt cho não như bột yến mạch hoặc trái cây trong bữa sáng và bạn sẽ thấy tình trạng tinh thần mình phấn chấn hơn khi chuẩn bị đối diện với những khoảng khắc quan trọng.

2018050703.jpg

4. Vận động

Tập thể dục vài giờ trước khi dự phỏng vấn sẽ giúp giải phóng một lượng endorphins làm giảm căng thẳng. Thêm vào đó, bạn có thể tận dụng quãng thời gian luyện với dụng cụ hoặc trên máy tập để mường tượng về khả năng tự kiểm soát và thử trả lời những câu phỏng vấn dự kiến sẽ được hỏi.

5. Hình dung

Việc hình dung về những điều mình làm được sẽ có tác động tích cực đến biểu hiện và thực sự mang lại kết quả tốt cho bạn. Con người thường kích thích và vận động các phần não bộ của mình khi hình dung ra các hành động giống như khi họ thực sự thực hiện hành động đó. Vì thế, thông qua việc vận dụng hình ảnh một cách tích cực, bạn có thể tối ưu khả năng trí não nhằm chinh phục nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn.

6. Hỏi rõ quy trình

Nghe có vẻ không hợp lý lắm, nhưng đôi khi người phỏng vấn cũng có những lo lắng và hồi hộp riêng. Ví dụ như chuyên viên tuyển dụng hoặc sếp tương lai của bạn đang chịu áp lực phải nhanh chóng tìm được nhân tài để lấp đầy chỗ trống. Tuy nhiên, phải luôn nhớ rằng khi được gọi phỏng vấn nghĩa là bạn đã bước qua vòng lọc hồ sơ. Họ nhìn thấy ở bạn tiềm năng phù hợp với vị trí tuyển dụng, nên đừng giao tiếp với họ như hai người thuộc hai chiến tuyến. Thay vào đó, hành xử cân bằng và chừng mực. Bạn có thể khéo léo hỏi han trước một số thông tin cơ bản về quy trình tuyển dụng của công ty trong tình huống phù hợp. Làm rõ quá trình có thể giúp bạn bớt đi những lo lắng về buổi hẹn phỏng vấn sắp tới.

Phỏng vấn cho bất cứ vị trí nào đều cũng có thể là nhiệm vụ nặng nề. Nhưng đừng quá băn khoăn, nếu bạn cảm thấy mình quá choáng ngợp trước buổi phỏng vấn thì hãy cố giành lại quyền kiểm soát tâm trí. Nhớ chuẩn bị và dành ra khoảng thời gian đủ dư dả để điều hoà cảm xúc và xây dựng phong thái tự tin cho mình bạn nhé!

Nguồn: CareerBuilder Vietnam

(*) Endorphins là một chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ có tác dụng tạo cảm xúc tích cực, cải thiện tâm trạng, giảm đau và nhiều hơn thế nữa.

 
Hiệu chỉnh:
×
Quay lại
Top