10 phát minh nổi tiếng trên thế giới phát sinh từ những giấc mơ

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
Thỉnh thoảng, những giấc mơ đôi khi không chỉ gợi lại những hồi ức, vẽ nên một thế giới khác mà còn mang đến những ý tưởng độc đáo cho tương lai. 10 phát minh sau đây chính là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này:


1. Bài hát Yesterday

Yesterday là một trong những ca khúc vang danh trong lịch sử âm nhạc thế giới, được trình bày bởi nhóm nhạc huyền thoại The Beatles. Và thật ngạc nhiên làm sao, giai điệu nhịp nhàng, trầm ấm của bài hát này lại được sáng tác nhờ vào giấc chiêm bao của Paul McCartney, một thành viên trong nhóm.


bestie-phat-minh-tu-giac-mo-1-20170203235102.jpg



Tỉnh dậy sau một đêm, trong tâm trí của Paul McCartney cứ vang vọng lên những giai điệu đặc biệt. Ban đầu, anh cứ nghĩ chắc hẳn đây là giai điệu của một bài hát nào đó anh từng nghe, đã theo vào giấc ngủ của anh. Thế nhưng, dù đã tìm hiểu rất nhiều, McCartney cũng không thể nào tìm ra xuất xứ của những giai điệu này.

Sau đó, anh dùng đàn piano đánh lại các giai điệu cho bạn bè thưởng thức, ai cũng trả lời rằng chưa từng nghe bản nhạc trước đó. Lúc đó, McCartney mới chắc chắn rằng chính anh mới là người đầu tiên nghe và đánh lên những giai điệu này. Anh tiếp tục phổ lời, hoàn thiện bài hát và ra mắt ca khúc Yesterday cùng nhóm nhạc của mình. Cũng chính nhờ giấc chiêm bao của mình mà McCartney đã mang đến cho nền âm nhạc thế giới một giai điệu sống mãi theo tháng năm.

2. Tiểu tuyết Frankenstein

Khi nhắc về những ý tưởng nổi tiếng toàn cầu từng sinh ra từ các giấc mơ, không thể không nhắc đến cuốn tiểu thuyết kinh dị giả tưởng Frankenstein của nhà văn Mary Shelley. Bà đã sáng tác ra tác phẩm này sau một đêm chìm trong mộng mị.


bestie-phat-minh-tu-giac-mo-2-20170203235152.png


Vào thời gian đó, bà cùng một số nhà văn đang tổ chức cuộc thi giao hữu kể về một câu chuyện rùng rợn. Thế là Mary đã cố gắng suy nghĩ ra một cốt truyện thật ly kỳ, ghê sợ. Có lẽ sự thôi thúc sáng tác đã hằn sâu vào tâm trí Mary nên đến khi ngủ, bà đã trải qua một giấc mơ kinh dị. Đó là cảnh tượng một nhà khoa học dùng dòng điện để tái tạo sự sống cho những cái xác mà anh ta thu gom ở khu mộ.

Qua ngày hôm sau, bà bắt đầu viết ra tác phẩm với ý tưởng tuôn trào từ cơn mộng mị của mình. Frankenstein ra lò từ đó, trở thành một trong những cuốn tiểu thuyết ma được nhiều người biết đến nhất trên thế giới.

3. Bộ phim Inception

Inception vốn là kiệt tác của làng điện ảnh năm 2010, có nội dung độc đáo, kịch tính, được nhiều khán giả săn lùng một thời. Nội dung phim xoay quanh nhân vật Dom Cobb cùng với nhóm cộng sự của mình, xâm nhập vào giấc mộng của người khác để lấy cắp thông tin trong bộ não của họ.


bestie-phat-minh-tu-giac-mo-3-20170203235228.jpg


Có lẽ không nhiều người biết rằng, ý tưởng để đạo diễn Christopher Nolan xây dựng nên tình tiết của Inception, cũng đến từ những trải nghiệm trong các giấc mơ của ông.

Qua các giấc chiêm bao của mình, Nolan nhận ra một điều rằng, ông có thể điều khiển được giấc mơ và thay đổi nó theo chiều hướng tốt. Để làm được điều này, bạn phải phân biệt được thế giới trong mơ và cuộc sống thực tại. Tức là ngay khi chìm vào giấc mộng, bạn cũng phải biết rằng bạn đang mơ. Chính kinh nghiệm trong việc phân biệt giữa thế giới thực và trong mơ, đã trở thành chất liệu để Nolan làm ra bộ phim Inception.

4. Tiểu thuyết Bác sĩ Jekyll và ông Hyde

Cuốn tiểu thuyết Bác sĩ Jekyll và ông Hyde của nhà văn Robert Louis Stevenson, vốn là một kiệt tác văn chương truyền cảm hứng cho nhiều bộ phim điện ảnh, vở kịch sân khấu. Nhiều tạp chí thuộc lĩnh vực văn chương trên thế giới đã công nhận, tác phẩm Bác sĩ Jekyll và ông Hyde nằm trong danh sách 100 cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại.


bestie-phat-minh-tu-giac-mo-4-20170203235300.jpg


Bộ tiểu thuyết này kể về vị bác sĩ Jekyll có nhân cách bị rối loạn, trong ông luôn tồn tại hai con người thiện và ác. Jekyll đã tìm ra được cách thay đổi gương mặt của mình thành một người khác. Dưới diện mạo mới, ông lấy cái tên là Hyde, và gây ra nhiều vụ giết người vô cùng tàn độc. Câu chuyện này tiêu biểu cho hội chứng đa nhân cách ở một số người, khi nội tâm của họ luôn bị giằng xé và đấu tranh giữa cái thiện và ác.

Năm 1886, nhà văn Stevenson đang gặp khó khăn về tài chính và bị áp lực bởi sự hối thúc của nhà xuất bản. Thế là trong những ngày đó, ông đã phải căng não ra để suy nghĩ về các cốt truyện. Vào một buổi tối khi đi ngủ, ông mơ thấy một cơn ác mộng đáng sợ đến mức ông đã phải la hét to giữa đêm. Tuy sau đó, vợ ông đã đánh thức ông dậy, nhưng những cảnh tượng xung quanh một vị bác sĩ đa nhân cách vẫn còn hằn sâu trong tâm trí Stevenson.

Không bỏ lỡ phút giây nào, Stevenson đã chắp bút viết một bản thảo ngay sau đó, với cốt truyện đến từ cơn ác mộng của ông. Sau khi ra đời vào năm 1886 với tựa đề Bác sĩ Jekyll và ông Hyde, cuốn tiểu thuyết của ông đã được rất nhiều độc giả đón nhận, số lượng tiêu thụ cao chót vót.

5. Tập truyện Tintin ở Tây Tạng

Những cuộc phiêu lưu của Tintin từng là bộ truyện tranh nổi tiếng nhất ở thế kỷ 20, do họa sĩ người Bỉ Georges Remi chắp bút dưới bút danh Herge. Truyện nói về hành trình phiêu lưu mạo hiểm của anh chàng nhà báo Tintin cùng chú chó Milou trung thành.


bestie-phat-minh-tu-giac-mo-5-20170203235733.jpg


Trong sêri của bộ truyện tranh này, ý tưởng sáng tác bối cảnh tập Tintin ở Tây Tạng, lại đến từ giấc mơ của Herge. Herge kể rằng, ông đã mơ thấy mình ở trong một nơi có không gian trắng toát, cảm giác rất đau đớn. Có lúc, Herge lại chiêm bao thấy mình ngồi trong góc tường trắng xóa, xuất hiện một bộ xương trắng toát đuổi bắt ông. Sau đó, khung cảnh trước mắt Herge đã chìm trong màu trắng hoàn toàn.

Về sau, khi tập truyện Tintin ở Tây Tạng được ra mắt, người ta đã liên tưởng ngay đến giấc mơ về không gian trắng của Herge. Bởi bối cảnh trong tập này là dãy núi Alps được bao phủ bởi tuyết trắng ngút ngàn. Thật thú vị là sau khi được xuất bản, tập truyện Tintin ở Tây Tạng trở thành một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Herge.

6. Cuốn sách Necronomicon

Necronomicon là một cuốn sách được xếp vào hàng hiếm có khó tìm trên thế giới. Lần đầu tiên Necronomicon được nhắc đến là vào năm 1924, với nội dung nói về những sinh vật huyền bí, các loại ma thuật kỳ lạ trên hành tinh. Khi đọc Necronomicon, người xem luôn có cảm giác mọi sự việc ghi chép trong đó đều có thật.


bestie-phat-minh-tu-giac-mo-6-20170204000237.jpg


Thực tế thì Necronomicon chỉ là một sản phẩm được tạo ra từ trí tưởng tượng của nhà văn danh tiếng Howard Phillips Lovecraft. Những câu chuyện được ghi lại trong sách đều xuất hiện trong giấc mơ của ông. Ngay cả cái tên cuốn sách cũng được ông lấy từ giấc mộng. Theo ông, Necronomicon có nghĩa là: Luật của người chết.

Cuốn sách này có ảnh hưởng mãi cho đến tận ngày nay, khi những câu chuyện ma quái của nó được sử dụng để làm tư liệu cho các tác phẩm văn học, điện ảnh trên thế giới.

7. Thuyết tương đối

Albert Einstein vốn là một nhà khoa học tài ba với những phát minh giúp ích cho nhân loại. Trong đó, khám phá nổi bật nhất của ông chính là thiết lập ra Thuyết tương đối, có tầm quan trọng rất lớn đối với ngành Vật lý.


bestie-phat-minh-tu-giac-mo-7-20170204000353.jpg


Học thuyết vĩ đại này của Albert Einstein đến từ một giấc mơ thú vị của ông. Khi đó, ông mơ thấy có những con bò thò đầu ra khỏi hàng rào điện để ăn cỏ, nhưng chúng lại không hề bị giật điện. Einstein thử chạm tay vào đó và biết rằng không có dòng điện chạy qua hàng rào, nên những con bò mới không có phản ứng gì. Ngay sau đó, ông lại thấy ở gần đấy, có người nông dân đang nối dây với nguồn điện. Thế là những con bò đã bị giật bắn người lên khi chạm phải luồng điện đang chạy qua hàng rào.

Điều thú vị ở chỗ, khi tiến lại nói chuyện với người nông dân, Einstein nói nhìn thấy tất cả các con bò cùng nhảy lên đồng loạt. Nhưng người nông dân thì lại thấy con bò ở gần ông nhảy trước, rồi lần lượt những con sau nhảy lên tiếp theo.

Kết thúc giấc mơ này, Einstein chợt nhận ra, cùng một sự việc, mỗi người lại có sự quan sát không giống nhau. Người này sẽ thấy thứ gì đó diễn ra đồng loạt, nhưng người kia lại thấy sự việc xảy ra theo trình tự. Thuyết tương đối của Einstein được hình thành dựa trên cơ sở này.

8. Google

Thật ngạc nhiên làm sao, nền móng phát triển Google cũng thuộc một trong những ý tưởng nổi tiếng toàn cầu từng sinh ra từ một giấc mơ. Năm 1996, chàng sinh viên Larry Page đang theo học tại trường Đại học Stanford, Mỹ đã trải qua một giấc chiêm bao khá đặc biệt.


bestie-phat-minh-tu-giac-mo-8-20170204000505.jpg


Trong giấc ngủ, Larry mơ thấy mình tải được toàn bộ trang web mà trên đó, anh nhìn thấy tất cả mọi thông tin của thế giới, bằng việc kiểm tra liên kết giữa các trang. Không bỏ lỡ giấc mơ vàng ngọc này, ngay khi thức giấc, Larry nảy ra kế hoạch thiết lập công cụ tải xuống toàn bộ thế giới internet, chỉ giữ lại những đường link.

Tất cả đã trở thành cơ sở cho một thuật toán nền tảng hỗ trợ công cụ tìm kiếm mới. Công cụ này nhanh và tiện lợi hơn nhiều so với các phương thức tra cứu trước đó, mà về sau này nó được đặt tên là Google.

9. Phim Kẻ hủy diệt (The Terminator)

Ra mắt vào năm 1984, bộ phim điện ảnh Kẻ hủy diệt của đạo diễn James Cameron đã gây sốt trên toàn thế giới. Nó cũng được xem là một trong những bộ phim hành động - khoa học viễn tưởng nổi danh nhất mọi thời đại.


bestie-phat-minh-tu-giac-mo-9-20170204000619.jpg


Ít ai biết rằng, ý tưởng để James viết bản thảo phim lại xuất hiện từ cơn ác mộng chập chờn trong giấc ngủ, khi ông bị sốt cao trên 39°C. Trong cơn mộng mị, ông thấy hình ảnh một con robot bước ra khỏi vụ nổ, trên tay cầm những con dao nhọn.

Thế là từ giấc chiêm bao đó, James đã lên ý tưởng làm phim, với nhân vật và hình ảnh giống như những gì ông đã thấy trong mơ. Ban đầu, ý định làm bộ phim về con sát thủ robot không được người đại diện của ông ủng hộ. Ông đã sa thải người này và vẫn quyết tâm thực hiện bằng được kế hoạch của mình.

Quyết tâm và sự cố gắng của James không vô nghĩa, phim Kẻ hủy diệt trở nên nổi đình nổi đám, với doanh thu cao chót vót sau khi được công chiếu. Từ một đạo diễn ít tên tuổi, James Cameron đã thành công vang dội nhờ ý tưởng đến từ giấc mộng của mình.

10. Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học

Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học là phát minh vĩ đại của nhà khoa học người Nga Dmitri Mendeleev. Nguồn gốc của phát minh lừng danh này cũng khá kỳ diệu, khi nó được hoàn thành nhờ vào giấc ngủ của ông.


bestie-phat-minh-tu-giac-mo-10-20170204000700.jpg


Năm 1869, Dmitri Mendeleev đã tạo ra những khái niệm cơ bản đầu tiên về các nguyên tố hóa học, khi ông viết tên của từng yếu tố lên mỗi tấm thẻ khác nhau. Ở mỗi tấm thẻ, Dmitri ghi chú thêm tính chất riêng biệt của các nguyên tố.

Lúc này, ông nhận ra rằng, trong hệ thống các nguyên tố, khối lượng của nguyên tử là nhân tố rất quan trọng. Thế nhưng, ông không biết làm cách nào để sắp xếp chúng theo một sơ đồ thật hoàn chỉnh và logic.

Dmitri đã cố gắng ngồi di chuyển, sắp xếp các tấm thẻ qua lại để tìm ra phương án tối ưu nhất. Việc nghiên cứu chưa hoàn thành nhưng ông đã ngủ thiếp đi một giấc. Điều kỳ diệu xảy ra khi trong lúc ngủ, Dmitri mơ thấy một sơ đồ hoàn chỉnh, với các nguyên tố được đặt theo những vị trí chính xác.

Khi thức dậy, ông đã lập tức ghi lại ngay vào giấy những gì mình mơ thấy. Tất cả mọi thứ mà ông trăn trở bấy lâu nay về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, thế là đã được hoàn thành nhờ vào một cơn mộng mị như thế.

Theo thethaovanhoa.vn
 
Ko thể tin nổi :v
Mấy bài hát hay tiểu thuyết còn tin là từ mơ, ai ngờ cả thuyết tương đối, bảng nguyên tố :v
 
×
Quay lại
Top