10 câu cửa miệng của sếp tồi

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Những lời nhà quản lý nói ra có một trọng lượng lớn đối với cấp dưới, và những phát ngôn sai lầm của sếp có thể hủy hoại tinh thần và động lực làm việc của nhân viên. Tuy nhiên, nhiều câu nói sai lầm đã trở thành “câu cửa miệng” của các sếp tồi.

Dưới đây là 10 câu nói như thế:


ImageHandler.ashx

Ảnh minh họa..

1. “Anh/chị có việc làm đã là may mắn lắm rồi”.


Đây là một “điệp khúc” ưa thích của các sếp tồi khi muốn ám chỉ với cấp dưới rằng: “Anh/chị nên cảm thấy biết ơn vì có công ăn việc làm trong thời buổi thị trường lao động khó khăn như thế này, và vì thế không nên phàn nàn về bất kỳ điều kiện nào ở nơi làm việc cả, cho dù mọi chuyện có tệ đến đâu”.

Những vị sếp nói câu này thường là những người không tìm ra được cách giải quyết mang tính xây dựng đối với các vấn đề hoặc phản hồi của nhân viên. Nếu sếp của bạn nói câu này, hãy xem đây như một tín hiệu bạn đang phải làm việc với một ông/bà sếp “không ra gì”.

2. “Hãy tự tìm giải pháp xem nào”.

Chắc chắn là có những lúc nhân viên có thể tự mình tìm giải pháp, nhưng nhìn chung, những nhà quản lý nói câu này là những người bỏ bê trách nhiệm hướng dẫn và chỉ bảo cấp dưới. Ngay cả nếu chuyện xảy ra là vấn đề mà một nhân viên biết việc nên tự mình giải quyết, một nhà quản lý nên nói rõ ràng rằng: “Đây là một việc mà tôi muốn anh/chị tự giải quyết bằng các nguồn lực X, Y và Z”. Câu “Hãy tự tìm giải pháp xem nào” thể hiện cả sự lười biếng lẫn nghiệt ngã của vị sếp.

3. “Tôi nhận được một bản báo cáo nặc danh…”

Các nhà quản lý tốt sẽ làm tất cả mọi việc để có thể tránh phải sử dụng thông tin trong những bản báo cáo nặc danh khi nói chuyện với nhân viên. Đôi khi, các nhà quản lý cần phải giải quyết vấn đề mà họ được thông báo theo kiểu nặc danh. Tuy nhiên, khi điều đó xảy ra, một sếp giỏi sẽ không đặt trọng tâm vào việc người báo tin nặc danh, mà sẽ nhằm vào hành vi có vấn đề thực sự cần phải được giải quyết.

4. “Tôi không có thời gian để đánh giá công việc của anh/chị, nhưng anh/chị làm tốt đấy”.

Một phần trong công tác quản lý tốt là đưa ra những phản hồi rõ ràng và hợp lý. Không nhất thiết sếp phải đưa ra một bản đánh giá chính thức đối với công việc của nhân viên, nhưng câu “Anh/chị đang làm tốt đấy” là một phản hồi “không ra đâu vào đâu”. Các nhân viên xứng đáng được biết họ đang làm tốt việc gì, làm thế nào để họ có thể làm tốt hơn, và họ nên tập trung cải thiện chất lượng công việc ở mảng nào.

5. “Đó là một ý tưởng ngốc”.

Trên thực tế, không phải ý tưởng nào cũng tuyệt vời. Nhưng các nhà quản lý giỏi biết rằng, họ sẽ không bao giờ được nghe những ý tưởng tuyệt vời nếu nhân viên sợ nhận được sự xúc phạm và gạt bỏ khi trình bày ý tưởng của mình. Những ý tưởng tuyệt vời luôn đến từ những môi trường an toàn để có những suy nghĩ khác lạ và trình bày ý tưởng một cách thoải mái nhất, cho dù đó là ý tưởng tốt hay xấu.

6. “Bộ quần áo đó che lấp hết cả đường cong”.

Nhận xét về vẻ bề ngoài của nhân viên, nhất là cơ thể họ, là một việc làm khiến nhân viên cảm thấy không thoải mái. Chẳng mấy ai muốn sếp đánh giá độ hấp dẫn của mình cả. Thậm chí, những nhận xét như vậy có thể bị liệt vào hành vi “quấy rối”.

7. “Anh/chị không cần biết làm việc này để làm gì, cứ làm những gì mà tôi bảo”.

Chắc chắn, cách nhanh nhất là chỉ ra lệnh mà không đưa ra bối cảnh hay lý do. Nhưng với cách làm này, sếp rốt cục sẽ chỉ có một đám nhân viên không biết nghĩ gì xa hơn những việc họ yêu cầu được làm, và không cảm thấy vai trò làm chủ công việc. Trong khi đó, một vị sếp giỏi sẽ biết tạo ra một môi trường mà ở đó, nhân viên cảm thấy có quyền lợi cá nhân của mình trong công việc.

8. “Anh/chị làm sao thế?”

Những phản hồi ở công sở không bao giờ nên mang tính cá nhân. Những nhà quản lý giỏi biết tập trung vào hành vi cần sự thay đổi, chẳng hạn các kỹ năng viết lách, sự chú ý tới chi tiết, cách đánh giá… Họ không đưa ra những đánh giá mang tính chất cá nhân và công kích khả năng hiểu biết, mức độ thông minh hay giá trị của nhân viên.

9. “Việc của anh/chị là làm những gì tôi bảo”.

Thực sự thì đúng là như vậy, việc của bạn là làm những gì sếp giao. Nhưng những sếp tồi thường nói điều này khi nhân viên có ý không muốn làm những công việc bên ngoài công việc chính. Ngược lại, một sếp giỏi sẽ giải thích tình huống khi một nhân viên cần đảm nhiệm hoặc thay đổi công việc, thay vì chỉ tuyên bố “Tôi kiểm soát những gì mà anh/chị làm”.

10. “Anh/chị làm việc này giỏi hơn anh/chị A/B/C nhiều”.

“Dìm hàng” một nhân viên, cho dù là để khen ngợi một nhân viên khác, là một tín hiệu để nhân viên được khen hiểu rằng, một ngày nào đó, anh/cô ấy cũng sẽ bị sếp “dìm” tương tự. Nhân viên thường tin tưởng hơn khi nhà quản lý đưa ra những phản hồi một cách riêng tư và không bình phẩm gì về đồng nghiệp khác.

Theo Dân Trí
 
×
Quay lại
Top