Meika
Thành viên
- Tham gia
- 26/12/2023
- Bài viết
- 62
II
XÊDA LÂM NẠN (1)
XÊDA LÂM NẠN (1)
Dạ hội ấy là ngọn lửa rơm cuối cùng của mười tám năm thịnh vượng nay đã gần tàn. Tám hôm sau, ngôi nhìn khách qua lại ngoài đường, qua khung kính của cửa hiệu, Xêda suy nghĩ đến mọi công việc làm ăn rộng lớn và cảm thấy nó rất nặng nề ! Từ trước đến giờ, trong đời ông, cái gì cũng đơn giản : ông sản xuất rồi bán đi hoặc mua rồi bán lại. Ngày nay thì nào là vụ đất cát, nào là phần lợi nhuận trong hãng A.Pôpinô và công ty, nào là vấn đề hoàn lại số tiền mười sáu vạn phrăng vay vứt cho bọn nhà băng. Vấn đề này lại đòi hỏi hoặc phải mua bán thương phiếu, việc mà vợ ông chả thích, hoặc phải đạt những thắng lợi vô cùng to lớn ở hãng Pôpinô. Tất cả những cái đó đã đẻ ra vô số ý nghĩ làm ông hoảng sợ. Ông có cảm tưởng mình có trong tay quá nhiều cuộn chỉ mà mình không sao nắm xuể. Con thuyền của mình, Ăngxem chèo lái làm sao đây ? Ông đã xử trí với Pôpinô như ông giáo tu từ xử trí với một anh học trò. Ông không tin ở năng lực hắn, và lấy làm tiếc là không kèm cặp được hắn. Hôm ở nhà ông Vôcơlanh, ông hất vào chân hắn đề bảo hắn lặng im, điều đó có nghĩa là anh nhà buôn non trẻ kia làm cho ông lo ngại. Tuy vậy, Birôttô giữ ý không để cho một ai đoán biết, với con gái, cả mấy anh ký cũng vậy. Có điều bây giờ ông như một người chèo thuyền trên sông Xen mà ngẫu nhiên một vị bộ trưởng lại giao cho chỉ huy một chiến hạm. Bao nhiêu ý nghĩ ấy hợp thành một đám sương mù trong đầu óc ít khả năng ngẫm nghĩ của ông, ông đứng im, tìm cách nhìn cho rõ. Vừa lúc đó, ngoài phố hiện ra một khuôn mặt ông ác cảm dữ dội, đó là của lão chủ nhà thứ hai, lão Môlinơ loắt choắt. Mọi người đều từng mơ những giấc mơ đầy biển cổ, bình dung cả một cuộc đời, trong đó thường hiện ra một nhân vật quái lạ hay mang lại những việc chẳng lành, như vai nịnh trong một tấn tuồng. Đối với Birôttô, Môlinơ hình như đã được thời vận trao cho một vai trò tương tự trong cuộc đời ông. Giữa đêm vũ hội, khuôn mặt ấy đã nhăn nhó như quỉ sứ khi nhìn mọi vẻ huy hoàng với con mắt hằn học. Thấy lão trở lại, Xêda càng nhớ lại những cảm tưởng do lão chết vằm ấy gây ra ( danh từ này là của riêng ông ), đến nỗi ông cảm thấy một sự ghê tởm mới khi lão hiện ra đột ngột trong lúc ông đang mơ màng.
- Thưa ông, lão già loắt choắt nói bằng một giọng quá đỗi vô hại, chúng ta làm nhanh quá các việc đến nỗi ông quên chứng nhận chữ ký vào văn khế.
Birôttô cầm tờ văn khế lên để thêm vào chỗ bỏ quên. Nhà kiến trúc bước vào, chào ông nhà buôn và đi vòng quanh, vẻ mặt rất ngoại giao.
- Thưa ông, anh ta cuối cùng mới nói vào tai ông, ông biết bước đầu của một nghề nghiệp khó khăn dường nào ; ông tỏ ra bằng lòng công việc tôi làm, vậy xin ông hết sức giúp tôi, tính dùm cho chỗ thù lao.
Birôttô trong lưng sạch bách vì đã đưa hết tiền mặt và chứng phiếu cho người ta rồi, liền bảo Xêlêxtanh làm một thưởng phiếu hai nghìn phrăng thời hạn trả là ba tháng, và chuẩn bị một thu chứng.
- Tôi rất sung sướng được ông gánh luôn cho số tiền trả dần của ông láng giềng, Môlinơ nói với vẻ chế nhạo ngấm ngầm. Người gác cổng của tôi sáng nay có đến cho tới biết tòa án hòa giải đã niêm phong vì Kerông đã biến mất.
- Miễn là tôi khỏi bị xẻo mất năm nghìn phrăng, Birrôttô nghĩ thầm.
- Ông ấy được tiếng là làm ăn tốt, Luôcđoa vừa bước vào để đưa cái đơn thanh toán cho Birrôttô và nói.
- Người đi buôn chỉ tránh được thua lỗ khi biết sống tăm tối, lão Môlinơ nhỏ bé vừa nói vừa xếp tờ văn khế một cách hết sức đều đặn.
Nhà kiến trúc nhìn kỹ lão già nhỏ bé với vẻ thích thú của người nghệ sĩ thấy được một biếm họa xác nhận quan miệm của mình về con người tư sản.
- Khi người ta có nói ô trên đầu, thông thường người ta nghĩ rằng đầu mình đã có cái che, nếu trời mưa, nhà kiến trúc nói.
Môlinơ nhìn nhà kiến trúc nhưng lại quan sát râu mép trên và râu mép dưới nhiều hơn là gương mặt. Và lão khinh bỉ Granhđô cũng ngang ông này khinh bỉ lão. Rồi lão đứng lại để cào cấu ông ấy một cái lúc bước ra. Sống mãi với lũ mèo lão đã nhiễm vào cử chỉ cũng như trong đôi mắt một cái gì như là của giống hổ báo.
Giữa lúc ấy. Ragông và Pidơrô buớc vào.
- Chúng tôi có nói chuyện của ta với ông thẩm phán. Ragông nói vào tai Xêda ; ông ấy cho rằng, trong một vụ đầu cơ kiểu này, chúng ta phải có thu chứng của những người đứng bán, và làm cho xong các văn khế, để trở thành thực sự là chủ nhân, cộng hữu...
- A ! Các ông làm vụ ở Mađơlen ? Luốcđoa nói. Người ta đang bàn tán đến việc đó, có nhiều nhà sẽ phải xây dựng. Ông thợ sơn mong được thanh toán chóng vánh, cảm thấy không thúc ép ông nhà buôn chất thơm là có lợi.
- Tôi đã trao cho ông đơn thanh toán của tôi, vì là cuối năm, chứ tôi có cần cái gì đâu, ông nói vào tai Xêda.
- Này, Xêda, anh sao vậy ? Pidơrô bảo khi nhìn thấy ông ngạc nhiên, hốt hoảng trước con số của đơn thanh toán và chẳng trả lời cho Ragông cũng như cho Luôcđoa.
- A ! Một chuyện vặt, tôi nhận năm nghìn phrăng thương phiếu của ông buôn ô bên láng giềng, ông phá sản. Nếu là phiếu không dùng được thì coi như tôi đã bị lừa như một thằng ngốc.
- Thì tôi đã nói điều đó với anh từ lâu, Ragông kêu lên : kẻ sắp chết đuối bao giờ cũng bám vào chân bố mình đề thoát nạn, và cả hai đều chết chìm. Tôi đã chứng kiến bao nhiêu lần người ta vỡ nợ ! buổi đầu của tai họa đúng là người ta không định ăn cắp đâu, nhưng rồi vì bức bách người ta sẽ làm như thế.
- Đúng vậy, Pidơrô nói.
- Ồ ! Nếu ví thử tôi vào Hạ nghị viện, hay tôi có chút uy tín trong chính quyền... Birôttô vừa nói vừa kiễng chân lên rồi thả người xuống.
- Thì ông sẽ làm gì ? Ông là một người khôn ngoan mà, Luốcđoa nói.
Môlinơ cảm thấy thích thú trước mọi cuộc thảo luận về luật pháp, nên nán lại trong cửa hiệu ; còn Pidơrô và Ragông, trước sự chăm chú của những người khác cũng trở thành chăm chú, lại biết ý kiến của Xêda, nên cũng lắng nghe, vẻ nghiêm trang không kém ba người xa lạ kia.
- Tôi muốn có được, ông nhà buôn chất thơm nói, một tòa án với những quan tòa vĩnh cửu và một viên công tố xử được hình sự. Sau dự thảm là giai đoạn mà một thẩm phán làm ngay lập tức những nhiệm vụ như hiện nay cảnh sát, quản tài và thẩm phán thanh lý làm, và nhà buôn kia sẽ được tuyên bố là phá sản trả được hay vỡ nợ. Phá sản trả được thì sẽ phải trả tất cả ; anh ta giữ lấy của cải, cả của cải của vợ, bởi vì mọi quyền lợi, mọi thừa kế, tất cả đều thuộc chủ nợ : anh ta quản lý dùm cho họ và dưới một sự giám sát ; tóm lại, anh ta có thể tiếp tục các công việc buôn bán và ký tên là : ông gì đó, phá sản, cho đến khi trả được tất cả. Còn vỡ nợ thì anh ta phải xử như ngày xưa vào tội đem bêu trong phòng Sở chứng khoán, suốt hai giờ, bắt đội mũ nồi xanh. Của cải anh ta, của vợ và các quyền lợi sẽ qui về cho chủ nợ, và anh ta sẽ bị đuổi ra khỏi vương quốc.
- Có thế nghề buôn mới được chắc chút ít, Luốcđoa nói, và người ta phải nhìn đi nhìn lại trước khi làm một việc gì.
- Luật pháp bây giờ không được người ta chấp hành, Xêda nói, giọng bực tức. Một trăm nhà buôn thì trên năm mươi đã bảy mươi lăm phần trăm dưới tầm công việc của mình, hoặc cứ bán hàng hóa của mình hai mươi lăm phần trăm dưới giá vào sổ, chính họ làm cho nghề buôn suy bại.
- Ông nói đúng, Môlinơ nói, luật pháp bây giờ rộng rãi quá. Chỉ có hoặc từ bỏ tất cả hoặc ô nhục.
- Với lại, đáng sợ quá ! Xêda nói, cứ theo kiểu như mọi sự hiện nay, một nhà buôn sẽ trở thành một kẻ ăn cắp có môn bài. Với chữ ký của mình, hắn có thể thò vào két bạc của mọi người.
- Ông không mềm mỏng chút nào, ông Birôttô ạ, Luốcđoa nói.
- Anh ấy có lý, ông già Ragông nói lại.
- Tất cả những người phá sản đều đáng nghi, Xêda nói. Ông tỏ ra bực tức vì số tiền nho nhỏ bị mất, nhưng số tiền ấy lại vang lên bên tại ông như tiếng còi báo hiệu con nai đã cùng đường. Cùng lúc ấy, người đầu bếp mang đến hóa đơn của Sơvê. Rồi một trẻ thợ phụ lò bánh Phêlix, một người hầu bàn của cà phê Phoi, một người thổi kèn của Côlinê, đều kéo tới, mang theo những đơn thanh toán của chủ mình.
- Mười lăm phút Rabơle, ông Ragông vừa nói vừa mỉm cười.
- Thú thật, ông đã tổ chức một dạ hội quá đẹp, Luốcđoa nói.
- Tôi bận, Xêda nói với tất cả những người vừa đến và họ dành để lại đó các thứ hóa đơn.
- Ông Granhđô, Luốeđoa nói, khi nhìn thấy nhà kiến trúc gấp cái thương phiếu do Birôttô ký, xin ông xem lại và điều chỉnh cho cái đơn thanh toán của tôi ; nhìn qua thôi, mọi giá cả đều do ông nhân danh ông Birôttô thỏa thuận cả rồi.
Pidơrô nhìn Luốcđoa và Granhđô.
- Giá cả mà do nhà kiến trúc và nhà thầu thỏa thuận với nhau à ? Ông chú rỉ tai cháu, anh bị người ta ăn cắp rồi. Granhđô bước ra cửa, Môlinơ theo chân và đến gần, vẻ bí mật.
- Thưa ông, lão nói với nhà kiến trúc, ông có lắng tai nghe tôi nói, nhưng ông không hiểu tôi ; tôi chúc ông có một cái ô.
Granhđô lo sợ. Món lợi càng phi pháp, người ta càng bám chặt ; thế tình là vậy. Nhà nghệ sĩ, thật ra, có nghiên cứu căn nhà với tất cả tấm lòng mình. Anh ta đã bỏ vào đấy tất cả tri thức và thì giờ ; anh ta đã lao tâm khổ tứ vì món tiền mười nghìn phrăng, và thấy mình bị lòng tự ái của mình lừa phỉnh ; mấy tên thầu khoán lại quyến rũ anh ta một cách dễ dàng. Lý lẽ thật không sao cưỡng nổi, họ lại dọa chơi khăm và vu cáo, điều này thì anh ta hiểu ngay. Nhưng những cái đó vẫn không mạnh bằng việc Luốcđoa nhận xét về vụ đất cát ở khu Mađơlen : Birôttô không định cất cái nhà nào ở đấy sất, hắn chỉ đầu cơ về giá cả đất đai. Nhà kiến trúc và nhà lãnh thầu gắn bó nhau như tác giả và diễn viên, họ phụ thuộc lẫn nhau. Birôttô bảo Granhđô qui định giá cả, nhưng Gianhđô lại đứng về phía bọn làm nghề, nghĩa là chống lại các nhà tư sản. Do đó, mà ba nhà lãnh thầu bự là Luốcđoa, Sáppharu và Tôranh thợ sườn nhà, đều tuyên bố rằng một trong những chú em tốt bụng mà họ rất thích thú được cùng làm việc là Granhđô. Granhđô đoán rằng các đơn thanh toán trong đó anh ta có phần chia của mình sẽ được trả bằng thương phiếu như tiền thù lao của mình, nhưng lão già bé nhỏ lại vừa gieo cho anh ta một nỗi nghi ngờ. Thế thì anh ta sẽ quyết liệt, theo kiểu nghệ sĩ, nghĩa là những người hung ác nhất đối với những nhà tư sản. Vào cuối tháng chạp, Xêda có tất cả sáu mươi nghìn phrăng hóa đơn phải thanh toán. Phêlix, cà phê Phoi, Tăngrađ và những chủ nợ nhỏ phải trả tiền mặt, đã ba lần cho người đến ông nhà buôn chất thơm. Trong nghề buôn bán, những việc lăng nhăng như vậy còn hại hơn một tai nạn, và nó báo trước tai nạn. Số tiền mất mát biết được thì bao nhiêu đã rõ ; nhưng sự hốt hoảng thì không còn có giới hạn nào. Birôttô thấy quỹ nhà mình trống trơn. Ông sinh ra lo sợ vì cả đời buôn bán của ông, có bao giờ xảy ra tình hình như thế này đâu. Giống như những kẻ chưa từng bao giờ phải vật lộn với nghèo đói, và bản lĩnh vốn yếu đuối, gặp hoàn cảnh này, một hoàn cảnh quá ư không thường trong đời sống của phần lớn các nhà buôn nhỏ ở Pari, Xêda cảm thấy đầu óc rối bù.
Ông sai Xêlêxtanh gửi hóa đơn đến các khách hàng quen thuộc, nhưng, trước khi thi hành, người trưởng ký đề nghị ông nhắc lại cái lệnh phi thường ấy. Những người buôn lẻ thường gọi những người mua quen của mình bằng cái danh từ thanh nhã là khách hàng ; Xêda cũng dùng danh từ ấy, mặc dù bà vợ không thích và cuối cùng chỉ nói : « Anh gọi họ tên gì tùy anh, nhưng cốt là họ trả tiền cho mình ! ». Thì ra khách hàng ấy là những nhà giàu, với họ thì chẳng lo gì họ quịt, nhưng họ thanh toán rất tùy hứng, và ở họ, Xêda thường có năm hay sáu mươi nghìn phrăng. Người phụ ký lấy số hóa đơn và bắt đầu chép ra những cái to tiền nhất. Xêda lấy làm ngại vợ mình. Cơn lốc của tai nạn đã dấy lên trong lòng ông bao nỗi lo âu. Không để cho vợ trông thấy, ông muốn đi ra ngoài.
- Chào ông, Granhđô nói và bước vào với vẻ thoải mái của người nghệ sĩ nói đến lợi ích của mình mà lại muốn tỏ ra mình không thèm để ý đến. Tôi không thể kiếm ra một đồng nào với tờ giấy của ông, tôi đành phải yêu cầu ông đổi nó cho tôi thành tiền thật. Tôi là người chịu khổ nhất trong việc này, nhưng tôi không đem đến bọn cho vay nặng lãi, tôi không muốn đem bán rao chữ ký của ông, tôi cũng biết giao thiệp tàm tạm để hiểu rằng như vậy là làm nó mất giá trị, cho nên tốt hơn cho ông là...
- Thưa ông, Birôttô sửng sốt nói, ông nói nhỏ cho ; ông này mới thật kỳ lạ hết sức.
Luốcđoa bước vào.
- Luốcđoa này, Birôttô nói và mỉm cười, ông có hiểu không ? Birôttô ngừng lại. Ông nhà buôn tội nghiệp sắp nhờ Luốcđoa lấy hộ cái thương phiếu của Granhđô và chế giễu anh kiến trúc sư với lòng thành thực của người tự tin. Nhưng may, ông nhìn thấy một vệt mây trên trán Luốcđoa, và ông rợn người thấy mình thiếu chín chắn. Cái chế giễu vô tội ấy có nghĩa là cái chết của một sự tín nhiệm đã bị nghi ngờ. Trong trường hợp như vậy, một nhà buôn giàu sẽ lấy lại thương phiếu của mình và không đưa cho ai nữa cả. Birôttô cảm thấy đầu mình hơi bối rối dường như phải nhìn vào đáy sâu của một vực thẳm không cùng.
- Thưa ông Birôttô thân mến, Luốcđoa vừa nói vừa kéo ông ta vào tận cuối kho, đơn thanh toán của tôi đã được xem kỹ rồi, điều chỉnh, thử lại rồi, tôi xin ông ngày mai ông sắp sẵn tiền cho. Tôi gả con gái tôi cho cậu Crôtta, cậu cần tiền, chưởng khế không thương lượng bao giờ ; với lại, người ta chưa bao giờ thấy chữ ký của tôi.
- Ngày kia, ông cho người tới, Birôttô nói một cách tự hào, vì anh tin các đơn thanh toán của anh được người ta trả xong. - Và cả ông nữa, anh ta nói với Granhđô.
- Tại sao không trả ngay ? anh kiến trúc sư hỏi.
- Tôi đang phải trả cho thợ của tôi ở ngoại ô, Xêda nói, dù ông chưa bao giờ biết nói dối.
Ông cầm mũ để bước ra cùng với họ ; nhưng anh thợ nề Tôranh, và Sáppharu ngăn lại khi ông vừa khép cửa
- Thưa ông, Sáppharu nói, chúng tôi rất cần tiền.
- Này nhé ! tôi không là Thạch Sùng, Xêda nói, hơi nóng ruột, và đi nhanh trước họ những trăm bước.
- Thế là có cái gì đàng sau rồi. Cái vũ hội chết giẫm ! ai cũng tưởng đây có hàng triệu. Nhưng mà Luốcđoa có vẻ không tự nhiên, chắc có âm mưu gì đây.
Ông đi trên đường Xanh Ônôrê mà không biết đi về đâu, cảm thấy người mình như tan ra, và bỗng dưng chạm phải Alécdăngđr ở một góc đường, như con cừu chạm phải một con cừu, hay nhà toán học tâm lực dồn hết vào cách giải một bài toán vấp phải một kẻ khác.
- A, thưa ông, anh chưởng khế tương lai nói, xin ông cho hỏi một câu ! Rôganh có đưa bốn mươi nghìn phrăng của ông cho Claparông không ?
- Việc ấy làm trước mặt ông kia mà, ông Claparông có làm cho tôi giấy biên nhận nào đâu ; các chứng khoán của tôi đều để... thương lượng….. Rôganh tất phải đưa lại cho ông ấy….. hai trăm bốn mươi nghìn phrăng bạc thật của tôi. Đã thỏa thuận là các văn tự bán sẽ được làm xong dứt khoát... Ông thẩm phán Pôpinô cho rằng… Tờ thu chứng ! Nhưng sao anh lại hỏi điều này ?
- Vì sao tôi có thể hỏi ông câu hỏi như thế này à ? Để biết số tiền hai trăm bốn mươi nghìn phrăng của ông ở nơi Claparông hay ở nơi Rôganh. Rôganh với ông là chỗ có liên hệ từ lâu, chắc có thể ông ta tránh tiếng nên đã đưa lại cho Claparông, và như vậy ông không nắm gì được ông ta cả ! Tôi ngu quá ! ông ta đã mang đi số tiền ấy với cả tiền của Claparông, tay này may quá mới chỉ gởi có một trăm nghìn phrăng. Rôganh đã bỏ trốn, ông ta đã lấy của tôi số tiền bán chức vụ của ông ta là một trăm nghìn phrăng, nhưng mà tôi cũng chẳng có thu chứng, tôi đã đưa ông ta như tôi gởi tiền lưng của tôi vậy. Các chủ bán đất cho ông không nhận được lấy một xu. Họ ở nhà tôi ra. Số tiền mà ông vay, cố vào chỗ đất cát ấy coi như không có đối với ông cũng như đối với người cho vay, Rôganh đã ngoạm hết số một trăm nghìn phrăng ấy của ông… mà ông ta... cũng chẳng còn từ lâu rồi... Như thế là số một trăm nghìn phrăng sau cùng của ông là mất rồi, tôi nhớ đã đi nhận từ Ngân hàng quốc gia về kia mà.
Cặp mắt Xêda mở to quá độ đến nỗi ông chỉ còn nhìn thấy có mỗi một ngọn lửa đỏ rực.
- Một trăm nghìn phrăng của ông do Ngân hàng quốc gia trả, một trăm nghìn phrăng của tôi trả cái chức vụ của ông ta, một trăm nghìn phrăng đưa cho Claparông, thể là ba trăm nghìn phrằng bị cướp mất, chưa kể những vụ khác nay mai sẽ phát hiện ra, anh chưởng khế trở tiế lời. Ra Rôganh thì không còn trông cậy gì được. Tidê đã ngủ đêm với bà. Tidê thế mà đã tránh được. Rôganh đã quấy nó suốt một tháng để kéo nó vào vụ đất cát này, nhưng may là nó đã đặt tất cả vốn liếng của nó vào một vụ đầu cơ với hãng Nuyxanhgiăng. Rôganh có viết để lại cho vợ một lá thư đáng tởm ! tôi vừa đọc xong. Ông ta lợi dụng tiền của khách hàng từ năm năm nay, như vậy để làm gì ? Chính là vì một còn tình nhân, cái cô xinh đẹp người Hà Lan ấy, ông ta bỏ cô ấy mười lăm ngày trước khi làm vụ này. Cái cô tiêu xài như phá ấy bây giờ trong tay không còn một xu, người ta đã bán đồ đạc của cô, cô cũng đã ký những thương phiếu. Để tránh khỏi bị truy tố, cô ta đã ẩn vào một ngôi nhà của Hoàng Cung, ở đấy tối hôm qua cô lại bị một viên đại úy ám sát. Thế là Chúa đã trừng phạt cô ngay, vì nhất định cô đã ăn tiêu hết sự nghiệp của Rôganh. Có những người đàn bà họ không coi có cái gì là thiêng liêng cả ; chao ôi ! tiêu ma cả một chức vụ chưởng khế ! Bà Rôganh chỉ còn chút của cải nào là dựa vào quyền chấp trái có trước bạ của bà, tất cả tài sản của anh khốn nạn ấy còn xa mới đủ số nợ. Chức vụ đã bán ba trăm nghìn phrăng ! Phần tôi, tôi tưởng mình làm được một việc khá, và bắt đầu bằng việc trả cái ghế của mình hơn một trăm nghìn phrăng nữa, nhưng lại không có chứng từ. Có những công việc chưởng khể sắp thu hút cả phụ đảm lẫn ký quỹ, các chủ nợ sẽ nghĩ rằng tôi cũng là cánh của ông ta, nếu tôi nói đến món trăm nghìn phàng của tôi. Bắt đầu nghề gì cũng phải giữ gìn thanh danh của mình. Nghề ông, kiếm được non ba mươi phần trăm lãi đã khó. Còn tôi, tuổi này mà mất một cú như thế kia ! Một lão năm mươi chín tuổi đầu mà nuôi một mụ tình nhân !... cái lão già tệ thật ! Cách đây hai mươi hôm lão bảo tôi đừng lấy cô Xêdarin, vì không bao lâu ông sẽ không có cái ăn, cái tên quỉ sứ !
Hình như Alécdăngđr nói rất lâu, Birôttô đứng im như hóa đá. Bao nhiêu lời là bấy nhiêu nhát búa. Ông chỉ nghe như một tràng tiếng chuông đám tang, cũng như bắt đầu hồi nãy ông chỉ nhìn thấy có ngọn lửa của đám cháy. Riêng Alecdăngđr Crôtta vốn tưởng ông nhà buôn chất thơm danh giá là người có bản lĩnh và nhiều năng lực, bấy giờ đâm ra hoảng sợ khi thấy ông tái mét và cứng đờ. Anh chàng thừa kế Rôganh không biết rằng lão ấy đã cướp đi còn nhiều hơn sự nghiệp của Xêda. Ý nghĩ tự sát xẹt qua trong trí ông nhà buôn hết sức ngoan đạo. Tự sát trong trường hợp này là một cách trốn nghìn cái chết, còn chấp nhận lấy một lại hình như có lý. Alecdăngđr Crôtta chìa cánh tay cho Xêda và muốn đưa ông bước đi, nhưng vô hiệu, hai chân ông không còn đứng vững như người đang say rượu.
- Ông sao vậy ? Crôtta hỏi. Ông Xêda kính mến ơi, xin ông vững tâm cho ! Không thể như thế mà chết người được ! Với lại, ông sẽ lấy lại...
- Xăngđrô, ông nhà buôn chất thơm nói, giọng đầy nước mắt, vì bấy giờ nước mắt mới trào ra và nới lỏng bớt cái vòng sắt vít chặt vào đầu ; nhờ anh tạt qua nhà tôi, bảo Xêlêxtanh dùm tôi một tiếng. Anh bạn ạ, anh bảo rằng đây là việc can hệ đến tính mạng tôi và nhà tôi. Rằng, bất kể lý do nào, không một ai được kháo lên việc Rôganh mất tích. Anh bảo người nói Xêdarin xuống và anh yêu cầu cháu ngăn cản để đừng ai nói đến việc này với mẹ cháu. Thôi chớ mà tin những bạn bè tốt nhất, ông Pidơrô, ông bà Ragông, tất cả mọi người...
Giọng nói của Birôttô bỗng dưng thay đổi làm Crôtta hết sức ngạc nhiên. Anh chàng hiểu ngay tính chất quan trọng của lời dặn dò. Phố Xanh Ônôrê đưa đến nhà ông thẩm phán ; anh chàng thực hiện những lời căn dặn của Birôttô mà Xêlêxtanh và Xêdarin nhìn thấy đang ngồi ở cuối xe, mặt mày tái nhợt, như ngây như dại, không nói không rằng, và cả hai trong lòng đều hốt hoảng.
- Xin anh giữ kín việc này cho, ông nhà buôn chất thơm nói.
- Ô ! Xăngđrô nghĩ thầm, ông ấy tỉnh rồi ! hồi nãy ta sợ ông nguy mất.
Câu chuyện giữa Alécdăngđr Crôtta và ông thẩm phán kéo dài khá lâu ; người ta cho đi tìm ông chánh quản phòng chưởng bạ ; người ta mang Xêda đi khắp nơi như mang một chiếc thùng, ông không nhúc nhích và không nói năng lời nào. Khoảng bảy giờ thì Crôtta đưa ông về nhà. Ý nghĩ phải ra trước Côngtxăng khiển ông có chút tươi tỉnh. Anh chưởng khế trẻ lại có lòng tốt tới trước để báo cho bà Birôttô biết ông chồng vừa bị một cơn máu dồn lên não.
- Ông hơi nói lãng, anh ta làm một điệu bộ miêu tả sự loạn óc, có lẽ phải là hay cho đỉa hút bớt máu.
- Phải đến như thế này thôi, Côngxtăng nói, hoàn toàn không biết tí gì về sự sụp đổ ; mùa đông rồi mà anh ấy có chịu uống thuốc đề phòng gì đâu, hai tháng nay anh ấy lại làm việc như một tên tù khổ sai, tưởng như người không có hạt cơm bỏ miệng.
Vợ và con gái đến năn nỉ Xêda vào gi.ường nằm, và cho người đi mời ông bác sĩ già Hôđri, thầy thuốc của Birôttô. Ông lão Hôđri là một thầy thuốc trường phái Môlie, một nhà thực hành và rất hầu với các bài thuốc xưa của các nhà bào chế. Ông cho con bệnh uống đủ các thứ cây cỏ chẳng khác tí gì những ông lang băm, mặc dù ông là bác sĩ thăm bệnh hẳn hoi. Ông đến, nhìn kỹ sắc mặt Birôttô, cho dán ngay một miếng thuốc cao vào gan bàn chân, vì ông thấy có triệu chứng máu ứ trên não.
- Nguyên nhân sao mà nhà tôi nên bệnh như thế ? Côngtxăng hỏi.
- Tại trời âm quá, ông bác sĩ đáp, khi Xêdarin đến bên ông nói một điều gì.
Nhiều khi thầy thuốc thấy có trách nhiệm buông ra một cách có ý thức đôi điều ngờ nghệch, cốt để bảo vệ danh dự hay tính mệnh của những người khỏe mạnh đang vây quanh con bệnh. Ông bác sĩ có tuổi từng trải nhiều nên chưa nói hết lời ông đã hiểu. Xêdarin theo chân ông đến tận cầu thang và nhờ ông chỉ vẽ cho một cách chăm sóc đúng mức.
- Yên tĩnh và im lặng, sau đó chúng ta sẽ thử cho uống thuốc bổ lúc cái đầu đã bớt nặng.
Hai ngày liền bà Xêda ở luôn bên cạnh gi.ường chồng, vì Birôttô có vẻ như nói lãng. Nằm trong căn phòng màu xanh xinh xắn của vợ, ông nói những gì khó hiểu đối với Côngxtăng, khi nhìn những loại màn, thảm, đồ đạc và các thứ trang hoàng lộng lẫy.
- Bố con điên con ạ, bà nói với Xêdarin vào lúc Xêda ngồi xổm dậy trên gi.ường và trích dẫn bằng giọng trịnh trọng từng mẫu trong các điều khoản của bộ luật thương mại.
- Nếu sự tiêu pha được xét là quá đáng... Lột các thứ màn thảm kia đi !
Ba ngày liền trí óc của Xêda ở vào trạng thái nguy ngập. Nhưng sau đó, bản chất nông dân xứ Tuaron lại trỗi dậy, và đầu óc ông trở lại nhẹ nhõm. Ông Hôđri cho uống thuốc bổ, bắt ăn thật tốt, và sau một tách cà phê thật đúng lúc, ông ngồi dậy, đi lại bình thường. Nhưng Côngxtăng quá vất vả lại nằm xuống.
- Tội nghiệp cho nhà tôi ! Xeda nói và nhìn vợ mình đang thiếp đi.
- Nào, bố ơi, dũng cảm lên bổ ạ. Bố hơn người bao nhiêu, bố sẽ chiến thắng bố ạ. Chả chuyện gì đâu. Ông Ăngxem sẽ giúp bố.
Những lời mơ hồ đó, Xêdarin nói ra một cách êm dịu, nhưng lòng thương lại càng làm mềm mỏng thêm lên. Nó đem lại dũng cảm cho người gục ngã, cũng như giọng hát của lòng mẹ làm giảm đi những đau đớn của đứa con đang tướt mọc răng.
- Phải, con ạ, bố sẽ phấn đấu. Nhưng không được nói một lời nào với bất kỳ ai, cả cho Pôpinô nó yêu thương chúng ta, cả cho ông chú Pidơrô. Bổ sẽ viết thư ngay cho bác con ; hiện giờ bác là chức sắc trong Giáo hội, trợ tế một nhà thờ lớn, bác chẳng tiêu gì, nên chắc có tiền. Tính mỗi năm bác tiết kiệm một nghìn êqui, thì hai mươi năm nay, bác phải có một trăm nghìn phrăng. Ở tỉnh, giáo sĩ họ có vốn.
Xêdarin vội vã mang đến cho bố một cái bàn con và những gì để viết, rồi hỏi bố số giấy hồng in thiếp mời hôm dạ hội để ở đâu.
- Đem hốt hết các thứ ấy di! ông nhà buôn xẵng giọng. Thật quỉ tha ma bắt bố mới tổ chức các vũ hội ấy. Bố mà sụp đổ thì bố ra vẻ một tên ăn cắp. Thôi, đừng nói nữa.
Thư Xêda gởi Phrăng xoa Birôttô
Anh thân yêu,
Anh thân yêu,
« Em đang lâm vào một cuộc khủng hoảng thương mại khó khăn đến mức em cầu xin anh gởi cho em tất cả tiền nong anh có thể có, dù anh có đi vay chăng nữa cũng được.
Kính yêu anh,
Xêda.
Xêda.
Cháu gái anh, cháu Xêdarin, thấy em viết thư này trong khi nhà em đang ngủ, rất trông mong ở anh và xin gởi đến anh tất cả tấm lòng quí mến của cháu. »
Câu tái bút ấy do yêu cầu của Xêdarin được thêm vào. Nàng mang bức thư đưa cho Raghê.
- Bố ơi, nàng nói khi trở lên, ông Lơba đến, ông muốn nói chuyện với bố.
- A, ông Lơba, ông thẩm phán, Xêda kêu lên, hoảng hốt vì cứ tưởng rằng sự suy sụp của mình đã khiến mình thành kẻ phạm tội.
- Ông Birôttô thân mến của tôi ơi, tôi rất chú ý đến ông, nhà buôn thảm cự phách vừa nói vừa bước vào, chúng ta biết nhau quá lâu, chúng ta lại được bầu lần đầu tiên làm thẩm phán với nhau. Nói như thế để cho ông biết rằng một tay Biđô, biệt hiệu là Gigônnê, một tay cho vay nặng lãi nào đó, đang có trong tay những thương phiếu từ ông chuyển sang nó do ngân hàng Claparông với ghi chú là : không bảo đảm. Mấy chữ ấy không những là một sự lăng mạ, mà còn là vấn đề tiếng tăm của ông đi đứt.
- Ông Claparông muốn nói chuyện với ông, Xêlêxtanh vừa xuất hiện vừa nói, có cần tôi báo ông ấy lên không ?
- Chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao có sự sỉ nhục ấy, Lơba nói.
- Thưa ông, Birôttô nói với Claparông khi thấy y bước vào. Đây là ông Lơba, thẩm phán ở tòa án thương mại, bạn tôi...
- Ồ, ông đây là ông Lơba, Claparông ngắt lời, tối rất hân hạnh được sự may mắn này. Ông Lơba ở tòa án, có biết bao nhiêu ông Lơba, không kề những ông ba và những ông bảy...
- Ông Lơba đây, Birôttô ngắt lời tên bẻm mép, có thấy những thương phiếu tôi trao cho ông, mà theo ông là không lưu hành được ; ông đây đã trông thấy những chữ : không bảo đảm.
- Đúng thế, Claparông nói, những thương phiếu đúng là không lưu hành được, bây giờ nó ở trong tay một người cùng tôi chung cùng trong nhiều việc, đó là ông lão Biđô. Đây là lý do vì sao tôi ghi không bảo đảm. Nếu là thương phiếu lưu hành được thì ông đã chuyển trực tiếp cho tôi. Ông thẩm phán sẽ thông cảm cho cương vị của tôi. Những thương phiếu ấy căn cứ trên những cái gì ? trên giá tiền một bất động sản do ai trả ? do Birôttô. Tại sao tôi lại đi bảo đảm cho Birôttô bằng chữ ký của tôi ? Chúng ta phần ai nấy phải trả phần mình trong cái vốn là giá tiền kia. Vậy liên đới chịu trách nhiệm đối với những chủ bán cho ta, thế chưa đủ sao ? Trong nghề chúng tôi, qui tắc thương mại là cứng rắn ; chuyện gì mà tôi chịu bảo đảm một cách vô ích cũng như tôi viết thu chứng làm gì đối với một số tiền người ta gửi cho tôi. Tôi đề phòng tất cả những gì có thể xảy ra. Ai ký tên người ấy phải trả. Tôi không muốn rơi vào tình trạng phải trả những ba lần.
- Ba lần ! Xêda nói.
- Vâng, thưa ông, Claparông đáp. Tôi đã chịu bảo đảm cho Birôttô đối với các chủ bán, tại sao tôi còn bảo đảm nữa đối với nhà ngân hàng ? Chúng ta đang ở vào những điều kiện rất gay go. Rôganh cuỗm đi của tôi một trăm nghìn phrăng. Như vậy, phần nửa đất cát của tôi giá lên đến năm trăm nghìn phrăng chứ không phải bốn trăm nghìn. Rôganh cũng cuốm đi hai trăm bốn mươi nghìn của Birôttô. Ông sẽ làm như thế nào ở vào trường hợp tôi, thưa ông Lơba ? Xin ông đặt mình vào địa vị tôi. Tôi không có hân hạnh được quen ông, cũng như tôi cũng chẳng biết gì ông Birôttô. Xin ông nghe tiếp cho. Chúng tôi chung nhau một áp phe, mỗi bên một nửa. Ông mang tất cả phần tiền của ông đến ; tôi, tôi tính toán phần tiền của tôi trong chứng khoán của tôi ; tôi cho ông những chứng khoán ấy ; ông có lòng tốt vô chừng, ông nhận lo cho việc đổi chứng khoán thành tiền. Ông được biết là Claparông, ngân hàng gia giàu có, trọng vọng tôi xin nhận tất cả mọi đức tốt trên đời, — Claparông đạo đức đang lâm vào một cuộc phá sản với sáu triệu nợ phải trả ; bấy giờ, chính lúc bấy giờ, có thể nào ông đem chữ ký của ông bảo đảm cho chữ ký của tôi không ? Nếu có thì ông là người điên ! Đó thưa ông Lơba, ông Birôttô đang ở tình trạng mà tôi giả thiết Claparông bị lâm vào. Ông thấy ngay là tôi có thể trả cho những người mua với tư cách là có liên quan, và còn buộc phải hoàn lại phần tiền của Birôttô cho đến ngang với số tiền trong thương phiếu của ông ấy nếu tôi đứng ra bảo đảm, mà không...
- Bảo đảm đối với ai ? Birôttô ngắt lời hỏi.
- Mà không có được phần nửa số đất, Claparông nói tiếp, không kể có sự ngắt quãng, bởi vì tôi chẳng được tí đặc quyền nào : tôi lại phải mua nữa ! Như vậy là tôi có thể trả đến ba lần.
- Trả cho ai ? Birôttô cứ hỏi.
- Cho người thứ ba nắm thương phiếu, nếu tôi chịu trách nhiệm và nếu ông gặp tai nạn.
- Tôi nhất định sẽ trả, thưa ông. Birôttô nói.
- Tốt, Claparông nói. Ông đã từng làm thẩm phán, ông lại là người buôn giỏi, ông biết rằng người ta phải đề phòng tất cả, nên xin ông đừng ngạc nhiên là tôi phải làm nghề nghiệp của tôi.
- Ông Claparông nói có lý, Lơba nói.
- Tôi có lý chứ, Claparông tiếp lời, có lý một cách rất thương mại. Nhưng việc này lại là việc đất cát. Thế thì, tôi, tôi phải nhận cái gì ?... nhận tiền, vì phải trả tiền cho những chủ bán đất. Số hai trăm bốn mươi nghìn phrăng, thôi để ra một bên, ông Birôttô sẽ tìm ra được, tôi chắc như thế, Claparông vừa nói vừa nhìn Lơba. Hôm nay tôi đến để xin ông cái món nho nhỏ hai mươi lăm nghìn phrăng, y vừa nói vừa nhìn Birôttô.
- Hai mươi lăm nghìn phrăng ! Birôttô kêu lên, vì cảm thấy trong mạch máu chỉ còn băng giá chứ không có máu nữa. Nhưng, thưa ông, vì lẽ gì !
- Ồ, thưa ông, chúng ta phải thực hiện việc mua bán, trước mặt chưởng khế. Mà, về giá cả thì chúng ta có thể thỏa thuận với nhau được, còn với thuế vụ, người đầy tớ của ông ! Thuế vụ họ không đùa bằng những lời vô bổ, họ làm tiền từ bàn tay cho đến chiếc túi, và chúng ta phải nhả ra bốn mươi bốn nghìn phrăng tiền thuế trong tuần này. Đến đây tôi không ngờ lại phải nghe những lời trách móc như thế này, bởi vì, đoán rằng số hai mươi lăm nghìn ấy có thể gây khó khăn cho ông, tôi có điều này để báo với ông là do một sự tình cờ vô cùng may mằn tôi đã cứu ông...
- Cái gì ? Birôttô bật ra một tiếng kêu cứu mà chẳng ai có thể làm lẫn được.
- Một sự cùng khốn ! hai mươi lăm nghìn phrăng thương phiếu trên những khoản linh tinh mà Rôganh đã đưa lại tôi để thương lượng, tôi đã ghi dùm ông vào sổ nợ về khoản trước bạ và lệ phí mà tôi sẽ tính và gởi đến ông ; còn trừ chút tiền công thương lượng phải khấu nữa thì ông sẽ nợ tôi sáu hay bảy nghìn phrăng.
- Tất cả những cái đó, theo tôi, hình như hoàn toàn đúng đắn, Lơba nói. Vào địa vị ông đây, một người tỏ ra rất thạo việc làm ăn, tôi cũng sẽ hành động như vậy đối với một người mình không quen.
- Ông Birôttô chả vì những cái đó mà chết đâu, Claparông nói, phải mấy phút mới giết được một con chó sói già ; tôi đã thấy những con sói đầu đã cắm đạn rồimà vẫn chạy... trời ơi, vẫn chạy như sói.
- Ai còn có thể ngờ một hành động tàn bạo như hành động của Rôganh ? Lơba nói trong bụng hoảng hốt khi thấy Xêda im lặng cũng như thấy vụ đầu cơ đồ sộ rất xa lạ đối với nghề buôn chất thơm.
- Thiếu chút nữa là tôi đã viết thu chứng bốn trăm nghìn phrăng cho ông đây, Claparông nói, và tôi đã chết đứng. Tôi đưa cho Rôganh một trăm nghìn phrăng hôm qua. Lòng tin của chúng tôi đối với nhau đã cứu tôi. Tài sản để ở văn phòng chưởng khế hay để ở nhà tôi cho đến ngày xong mọi giao ước cuối cùng, điều đó đối với chúng tôi chả có sao cả.
- Tốt hơn là mỗi người hãy giữ lấy tiền mình ở Ngân hàng quốc gia cho đến lúc trả, Lơba nói.
- Rôganh là ngân hàng quốc gia đối với tôi, Xêda nói. Nhưng ông ấy cũng ở trong áp phe, ông nói tiếp và nhìn Claparông.
- Vâng, ông ta chung vào một phần tử, nhưng là nước bọt, Claparông đáp. Đã dại để cho lão ta cầm đi số tiền của mình, tôi sẽ ngu quá sá nếu tôi lại đưa thêm cho lão. Nếu lão gởi cho tôi số tiền một trăm nghìn phrăng của tôi và hai trăm nghìn khác phần của lão, bây giờ sẽ hay ! Nhưng chắc là lão chẳng dại gì mà gởi cho tôi để bỏ vào một áp phe nhì nhằng mất những năm năm trước khi đem lại đồng lời. Nếu lão chỉ mang đi ba trăm nghìn phăng như người ta nói, thì lão phải có mười lăm nghìn quan thực lợi để sống đàng hoàng ở nước ngoài.
- Đồ ăn cướp !
- Trời ! vì say mê mà đến thế đó, Claparông nói. Có cụ già nào dám trả lời rằng mình nhất định không để mê muội lôi cuốn bởi một tật già nào đó của mình ? Chúng ta, những người đứng đắn, chẳng ai biết mình sẽ chấm dứt cuộc đời như thế nào cả. Mốt mối tình cuối cùng, chao ôi ! nó mãnh liệt bậc nhất. Các ông xem, các ông Cácđô, Camuydô, Matipha... tất cả đều có tình nhân ! Và nếu chúng ta bị nuốt chửng, cái đó không phải lỗi tại chúng ta sao ? Sao chúng ta lại không hề nghi ngờ gì khi một ông chưởng khế lại góp phần vào một vụ đầu cơ ? Bất kỳ chưởng khế nào, người hối đoái nào, người môi giới nào mà dự vào một áp phe là đáng nghi tất. Phá sản đối với họ là vỡ nợ gian lận, họ phải ra tòa đại hình, nhưng họ lại chọn việc đi ra nước ngoài. Tôi sẽ không đề xướng cái trường phái như thế. Đúng, chúng ta khá yếu hèn chúng ta không dám buộc tội vắng mặt những kẻ đã mời chúng ta đến cơm nước, đã cho chúng ta dự những vũ hội, những kẻ trong giới thượng lưu đó thôi ! Chẳng ai phàn nàn, đó là sai lầm.
- Sai lầm lớn, Birôttô nói ; luật pháp về các vụ phá sản, các vụ suy bại đều phải làm lại cả.
- Nếu ông cần đến tôi, Lơba bảo Birôttô, tôi xin hết lòng.
- Ông đây chẳng cần ai cả, anh chàng nghìn lần bẻm mép nói, theo cái đà Tidê cho nước vào khi đã mở cổng đập. ( Claparông lắp lại một bài học do Tidê khôn khéo mớm cho ). Việc của ông đây đã rõ : sự phá sản của Rôganh sẽ cho năm mươi phần trăm phần chia, đó là theo lời cậu Crôtta nói với tôi. Ngoài số phần chia ấy, ông Birôttô còn lấy lại được bốn mươi nghìn phrăng mà người cho vay không có. Rồi ông đây lại có thể vay trên đất cát của mình. Với lại, chúng tôi chỉ phải trả hai trăm nghìn phrăng cho chủ bán trong vòng bốn tháng nữa. Từ đây đến đó, ông Birôttô sẽ trả các thương phiếu của mình, bởi vì ông không nên dựa vào số tiền Rôganh đã cuỗm đi để thanh toán được. Tuy vậy, ông Birôttô cũng có ít nhiều chật vật... nhưng, với một vài vụ chuyển lưu, ông sẽ giải quyết được.
- Ông nhà buôn chất thơm đã lấy lại được sự dũng cảm khi nghe Claparông phân tích việc làm của mình, rồi tóm tắt lại và vạch ra cho ông một đường hướng xử lý. Do đó, thái độ của ông trở nên vững chắc, dứt khoát, và ông cảm thấy anh chàng nguyên là ký lục chào hàng này là một người có rất nhiều mánh khóe. Tidê đã tính trước một việc rất thích hợp là để cho Claparông làm cho người ta lầm tưởng hắn cũng là nạn nhân của Rôganh. Hắn đã đưa cho Claparông một trăm nghìn phrăng để trao cho ông Rôganh và lão này đã trả lại cho hắn. Claparông đâm ra lo lắng, và vì thế đóng vai trò của mình một cách rất tự nhiên. Y nói với bất kỳ ai muốn nghe là Rôganh làm cho y mất một trăm nghìn phrăng. Tidê không đánh giá y là người có bản lĩnh cao cường, hắn còn tưởng y vướng vít quá nhiều những nguyên tắc về danh dự và xã giao nên không giao kế hoạch mình với tất cả tầm cỡ của nó ; với lại hắn biết y không đủ khả năng đoán biết được điều đó.
- Nếu người bạn đầu tiên của chúng ta không phải là kẻ đầu tiên bị chúng ta lừa phỉnh, thì chúng ta không tìm đâu ra một người thứ hai để chúng ta lừa gạt nữa, đó là lời hắn nói với Claparông, cái hôm nghe được những lời quở trách của tên mối lái nhà buôn, hắn đập tan luôn tên đó như đập tan một đồ dùng cũ nát.
Ông Loba và Claparông cùng bỏ đi với nhau.
- Ta có cơ thoát được nạn, Birôttô nghĩ thầm. Số nợ bằng thương phiếu phải trả, lên đến hai trăm ba mươi lăm nghìn phrăng, tách bạch ra thì : bảy mươi lăm nghìn phrăng về cái nhà, và một trăm bảy mươi lăm nghìn phrăng cho đất cát. Mà, để có trả thì ta được phần chia tài sản của Rôganh nó có thể vào khoảng một trăm nghìn phăng ta lại có khả năng xóa bỏ món tiền vay dựa trên đất cát, tất cả một trăm bốn mươi. Vấn đề là phải kiếm ra một trăm nghìn phrăng với dầu sọ não, và nhờ một số thương phiếu hay một ngân khoản ở một ngân hàng, kéo dài cho đến lúc ta bù đắp được chỗ mất mát và các mảnh đất đã có lãi.