Văn Cảm nhận đoạn trích "Làng" của Kim Lân

Yoshida

Variety is spice of life
Thành viên thân thiết
Tham gia
15/5/2020
Bài viết
1.451
Kim Lân là nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Vốn gắn bó và am hiểu về cuộc sống nông thôn, nhà văn hầu như chỉ viết về sinh hoạt làng quê và cảnh ngộ của nông dân. "Làng" là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Kim Lân miêu tả tâm trạng đau xót, tủi hổ của ông Hai ở nơi tản cư khi nghe tin đồn làng theo giặc, niềm tự hào, vui sướng khi tin làng được cải chính, qua đó thấy được tình yêu quê hương, tình yêu kháng chiến của người nông dân.

Ông Hai là một người nông dân chất phác, nồng hậu, chân chất ở làng Chợ Dầu. Nhưng để phục vụ cho kháng chiến gia đình ông phải tản cư đến một nơi ở khác. Ban đầu, ông có ý định để cho vợ con đi thôi, còn ông thì ở lại phụ giúp anh em kháng chiến. Tuy nhiên, vì bận bịu chăm lo cuộc sống gia đình, chỉ một mình vợ con sẽ không kham nổi, ông buộc lòng bấm bụng phải di dời chốn ở. Dù xa làng, nhưng niềm tự hào của ông Hai về làng chưa phút nào nguôi. Ở nơi tản cư, ông thường hay qua nhà hàng xóm, khoe về làng của mình đẹp thế nào, đổi mới thế nào, con người ra sao... Ông thường hay nghĩ ngợi, nhớ về làng Chợ Dầu. Ông nghĩ về những ngày làm việc với anh em, bỗng thấy sao muốn về làng. Ông muốn về làng cùng phụ giúp anh em "đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá,...", bâng khuâng không biết "cái chòi gác đầu làng đã dựng xong chưa?" hay "Những đường hầm bí mật chắc còn là khướt lắm." Rồi tự nhiên, bao nhiêu kỉ niệm, cảm xúc ùa về làm ông nhớ cái làng, "nhớ cái làng quá!", khao khát được trở về nơi chôn rau cắt rốn chợt trỗi dậy trong lòng ông. Trời nắng như thiêu như đốt, nhưng, cứ đều đặn, không sót hôm nào, ông Hai cũng đến phòng thông tin nghe đọc báo. Vì không biết chữ, nên ông phải chờ có người đọc lớn tiếng để cùng nghe. Biết bao là tin hay, toàn những tin thắng trận. Ông Hai vui sướng khi nghe tin, vui đến mức "ruột gan ông lão cứ múa cả lên". Ông tự hào, hãnh diện về làng mình. Thể hiện một tình yêu làng quê sâu sắc gắn liền với tinh thần kháng chiến.

Nhưng đó, chỉ là trước khi biến động xảy ra. Ông gần như hoàn toàn sụp đổ khi biết được tin, làng Chợ Dầu theo Tây. Trên đường từ phòng thông tin về, với tâm trạng mừng vui phơi phới, ông lão ghé quán nước nghỉ mát, tránh cái nắng gay gắt của buổi trưa oi ả. Bắt chuyện với những người từ Gia Lâm lên đây tản cư, ông biết tin Tây chuyển sang khủng bố làng Chọ Dầu. Ông Hai dường như đặt hết hy vọng vào người làng mình, mong muốn được nghe tin thắng trận, nhưng tất cả những gì mà ông nhận lại được đó là một gáo nước lạnh tái tê lòng: "Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây còn giết gì nữa!". Ngay lúc này đây, tác giả đã tinh tế tái hiện lại tâm trạng sửng sốt, bất ngờ, đau đớn của ông Hai. Cổ ông nghẹn lại, da mặt tê rân rân, người lặng đi, không thể thở được. Một lúc lâu, ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ, rặng hỏi lại, khao khát một câu trả lời khác đi, mong rằng đó chỉ là một sự nhầm lẫn. Nhưng sự thật tàn nhẫn đã đánh gục ông. Ông cười nhạt, đứng lảng ra chổ khác, rồi đi thẳng. Ông gầm mặt xuống mà đi. Những câu miêu tả tâm trạng ngắn ngủi, ta có thể cảm nhận sâu sắc sự xấu hổ, sợ hãi, đau đớn của ông Hai khi vừa nghe tin làng minh theo giặc.

Về đến nhà, ông nằm vật ra gi.ường, miên man nghĩ suy về ch.uyện ấy. Bất giác nhìn lũ con chơi ngoài kia, ông lão tủi thân, nước mắt trào ra, rồi tức giận rít lên. Đó không chỉ là sự tức giận thông thường, bên trong nó chất chứa những sự thất vọng, biết bao hy vọng bấy lâu đang bị nứt nẻ, vỡ tan nát đi, khiến ông không cầm lòng được. Dường như một tia hy vọng nào đó trong lòng ông vẫn chưa hoàn toàn vụt tắt, ông ngẫm lại, kiểm điểm lại từng người, từng người một trong làng. "Toàn là những người có tinh thần cả mà", ông thoáng nghĩ qua, nhưng chợt ngưng lại "...không có lửa làm sao có khói.", ông tự nhủ bản thân, và cảm thấy, chao ôi là nhục nhã. Đêm đó, ông tràn trọc, mãi vẫn không ngủ được, cứ lo nghĩ về tin đồn ấy thôi. Việc miêu tả nhân vật qua hành động, cử chỉ, kết hợp với độc thoại, độc thoại nội tâm, đã đưa người đọc chìm sâu vào tâm tư, suy nghĩ, những bối rối, âu lo hay cả sự buồn tủi, tức giận của nhân vật ông Hai, khi về đến nhà.

Kể từ ngày hôm đó, ông cũng chẳng dám bước chân ra khỏi nhà, suốt ngày chỉ ru rú mà nghe ngóng tin tức từ bên ngoài. Mỗi lần, cứ thấy một nhóm người tụm lại xôn xao bàn tán, ông lại lủi ra góc nhà "lại chuyện "ấy" rồi!". Nó đã trở thành một nỗi ám ảnh day dứt, nặng nề trong lòng ông. Nó thật đáng sợ. Nhưng, còn có chuyện đáng phải sợ hơn, đó là, mụ chủ nhà. Từ hôm biết chuyện, mụ chủ nhà suốt ngày cứ nói bóng nói gió về chuyện làng ông, làm lòng ông đau như cắt. Những lúc như thế, ông lão chỉ vờ cười cười xem như chẳng hiểu gì cho qua chuyện. Hôm nay, mụ chủ nhà có ý đuổi gia đình ông đến nơi khác, vì dân ở đây bảo có lệnh không cho người Chợ Dầu sống ở đây nữa, làm ông khổ tâm hết sức. Đầu óc ông rối bời bời. Bây giờ mà đi, ông biết phải đi đâu? "Hay là quay về làng?" Vừa mới nghĩ đến, ông liền gạt phắt ngay suy nghĩ ấy. Ông theo kháng chiến, theo Cụ Hồ. Làng bây giờ đã đổ đốn ra thế đấy, nếu quay về làng, chẳng khác nào "bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ"? Đến đây, nước mắt ông lão giàn ra: "Không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.". Một cuộc giằng xé nội tâm gay gắt, giữa lòng yêu làng và yêu nước, giữa tình quê hương với kháng chiến, ông Hai đã rơi vào bế tắt và tuyệt vọng. Nỗi uất ức trong lòng không cách nào tỏ bày, ông chỉ biết tâm sự, thủ thỉ với con nhỏ, nhất quyết ủng hộ Cụ Hồ, đi theo kháng chiến. Dù biết nói với con cũng chẳng để làm gì, nhưng ông vẫn nói. Nói để "ngỏ lòng mình", nói để tự "minh oan cho mình", để "Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ soi xét cho bố con ông." Ông muốn nói để tỏ tấm lòng thành với nước, nguyện không thay lòng đổi dạ, đó là tấm lòng của cả bố con ông, tấm lòng chung thuỷ với làng quê, với kháng chiến. Qua diễn biến tâm trạng, cuộc tranh đấu gay gắt trong tâm trí của ông Hai, chúng ta không thể phủ nhận tình cảm thiêng liêng, sâu nặng, bền vững mà ông dành cho làng quê, cho kháng chiến. Đó là cơ sở của lòng yêu nước.

Trải qua bao nỗi day dứt, dằn vặt lòng, cuối cùng, mọi thứ tốt đẹp cũng đã đến với ông lão. Chiều hôm ấy, ông biết tin đồn làng Chợ Dầu theo Tây là giả. Ông mừng quá, vội vã ra ngoài quên dặn cả lũ trẻ trông nhà. Cái mặt buồn thiu lúc nào bông vui vẻ hẳn lên. Ông mua quà bánh chia cho lũ trẻ, rồi hối hả thông báo với mọi người. Ông đi từng nhà, khoe với họ nhà mình đã bị Tây đốt nhẵn, tin làng theo giặc là sai hết, "sai sự mục đích" cả. Ông cứ lặp đi lặp lại những câu ấy mãi chẳng ngán, rồi nhanh chóng sang nhà khác, để người khác còn mau mau biết chứ! Ai cũng mừng cho ông, kể cả mụ chủ nhà cũng mừng, cho gia đình ông tiếp tục ở lại, còn bảo phải nuôi cả con lợn ăn mừng. Ông Hai sang bên bác Thứ- nhà hàng xóm, "xén quần lên tận bẹn" mà kể về chuyện làng ông bị Tây khủng bố, chúng nó bao nhiêu, đánh thế nào... thật chi tiết và tỉ mỉ như ông vừa mới đánh trận xong về vậy. Ông háo hức, vui mừng, thể hiện tình yêu và niềm tự hào sâu sắc về làng.

[Có thể liên hệ các nhân vật trong tác phẩm khác cùng chủ đề để làm sáng tình yêu quê hương, đất nước. VD: Phương Định (Những ngôi sao xa xôi - Lê Minh Khuê); Anh thanh niên (Lặng lẽ Sa-pa - Nguyễn Thành Long)...]

Với tình huống truyện đơn giản, gây ấn tượng, tác giả đã đặc nhân vật vào tình huống tự khắc để bộc lộ hoàn toàn tình yêu làng quên, tình yêu đất nước. Miêu tả cụ thể diễn biến tâm lí, sử dụng nghệ thuật đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm nhằm khắc hoạ rõ nét, diễn tả sâu sắc tâm trạng của nhân vật. Ngôn ngữ giàu tình khẩu ngữ mang đến cho người đọc cảm giác gần gũi, dễ thấu hiểu, thông cảm, đồng cảm, cảm nhận chính xác cảm xúc của nhân vật được tập trung miêu tả.

Bằng việc khéo léo sử dụng từ ngữ, các biện pháp nghệ thuật miêu tả đặc sắc, đoạn trích đã tái hiện diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai- hình ảnh của những con người, đặc biệt là nông dân Việt nam, làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của những người nông dân chất phác, vừa yêu làng, vừa yêu nước, nghĩa tình với Cách mạng, bất kể hoàn cảnh ra sao, vẫn giữ một lòng trung thành với nước.
-Yoshida-​

*Vui lòng không sáo chép
 
Hiệu chỉnh:
Lần đầu phân tích truyện, có nhiều sai sót, mong mọi người giúp đỡ :P
 
×
Quay lại
Top