Vì sao sinh viên thất nghiệp?

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Trong bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận: “Thực tế hiện nay có tình trạng nhiều sinh viên (SV) tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm trái với chuyên ngành đào tạo”.


Hiện tượng sinh viên ra trường thất nghiệp hiện nay khá phổ biến. Em Trần Quang Phúc, cựu sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Hưng Yên đã ra trường được 2 năm nhưng chưa xin được việc. Phúc đã nộp hồ sơ nhiều nơi ở Hưng Yên nhưng đều bị từ chối với lý do hết biên chế. Thế là ước mơ đứng trên bục giảng của sinh viên khoa Văn - Sử Trần Quang Phúc chưa thể thực hiện được. Phúc cho biết: “Muốn có việc, gia đình em phải bỏ ra khoảng 70 triệu và còn chưa biết có được nhận hay không. Với gia cảnh nhà nông, nhà em không thể lo được số tiền đó. Em đã lên Hà Nội tìm việc làm nhưng ở đâu cũng yêu cầu bằng đại học nên hiện tại em vẫn chưa đi làm”.
20130114111633_sv.jpg

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thậm chí, sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu nhưng vẫn thất nghiệp. Thu Hương, tốt nghiệp bằng giỏi chuyên ngành kinh tế (Trường ĐH Kinh tế quốc dân). Cầm tấm bằng đỏ - Hương nộp hồ sơ xin việc tại 6 ngân hàng và nhận được lời hứa hẹn: “Em cứ để hồ sơ tại đây, khi nào có kết quả ngân hàng sẽ thông báo”. Hơn 1 năm ra trường, Hương đã lọ mọ đi khắp các nơi tìm việc nhưng cho đến tận bây giờ vẫn thất nghiệp. Quanh quẩn ở nhà phụ giúp gia đình bán quán giải khát ở cạnh trường cấp 3.

Lớp ĐH của Hương cũng có không ít trường hợp bằng giỏi ra trường mà vẫn long đong với hai chữ “công việc”. Ngọc là trường hợp như thế. Ra trường cùng nhau, cũng là đôi bạn thân cùng tiến trong suốt 4 năm trên giảng đường ĐH nhưng cho đến thời điểm này mỗi khi gặp nhau hai người lại thở ngắn, than dài cho số phận.

Lý giải về hiện tượng này, người đứng đầu ngành giáo dục đã chỉ ra các nguyên nhân chính. Cụ thể, từ khi tiến hành đổi mới, Nhà nước không phân công công tác cho các SV tốt nghiệp ra trường, dẫn đến quy mô, cơ cấu đào tạo của các trường đại học, cao đẳng không ăn khớp với nhu cầu của thị trường lao động. Hiện nay, hệ thống quản lý lao động và việc làm ở cấp trung ương không cung cấp thông tin dự báo nguồn nhân lực theo trình độ và ngành đào tạo trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, không đưa ra các cảnh báo kịp thời cho các nhà trường và xã hội.

Các cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo chủ yếu dựa vào năng lực đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, không tổ chức nghiên cứu để cập nhật, phát triển các chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội (chỉ đào tạo những ngành trường có khả năng, chưa đào tạo những ngành xã hội cần); Trong thời gian vừa qua, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh chủ yếu căn cứ vào năng lực đào tạo của cơ sở giáo dục đại học mà chưa tính đến nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội.

Quyền đăng ký tuyển sinh và lựa chọn ngành đào tạo do người học tự quyết định. Xã hội hiện nay vẫn còn tư duy tập trung cho con đi học những ngành nghề hiện tại đang được đánh giá cao, không tính đến tương lai khi tốt nghiệp ra trường.

Tình hình suy thoái kinh tế thoái trong 2 năm qua dẫn đến hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm, làm cho sinh viên sau tốt nghiệp gặp càng nhiều khó khăn hơn trong công tác tìm kiếm việc làm.

Bên cạnh đó, cũng phải xét tới năng lực, trình độ và kĩ năng của các em khi ra trường. Bên cạnh nguyên nhân là hệ thống giáo dục lạc hậu, đào tạo sinh viên không theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thì bản thân sinh viên hiện nay đang có những sự trì trệ. Thiếu kỹ năng mềm: thuyết trình, thuyết phục người đối diện, vi tính, ngoại ngữ… là những cái thiếu nhất của sinh viên Việt Nam hiện nay.

Mặt khác, các em thường bị động khi tìm việc Đây là một những trong lỗi thường mắc phải của sinh viên mới ra trường. Thường thì họ sẽ dựa vào hoặc ỷ lại vào bố mẹ, tận dụng các mối quan hệ của bố mẹ hoặc chờ đợi một công ty, cơ quan nào đó đến tìm mình.

Việc lý tưởng hóa công việc cũng là điều các em hay mắc phải. Khi mới ra trường, bạn là một người có kiến thức nhưng lại thiếu kinh nghiệm, trong khi công việc ở những vị trí quan trọng với mức lương hấp dẫn đòi hỏi phải có sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố này.

Vì vậy bạn đừng nên kỳ vọng quá cao và lý tưởng hóa công việc, ví dụ như đừng đòi hỏi rằng bạn phải ngay lập tức được làm trưởng phòng hoặc trưởng nhóm trong một công ty lớn, điều đó là rất hoang đường.

Hãy chấp nhận vị trí khởi nghiệp là một nhân viên bình thường, sau đó trải qua quá trình làm việc thực tế, tích lũy kinh nghiệm, bạn sẽ dễ dàng có cơ hội thăng tiến và được ngồi vào vị trí mà bạn mong muốn. Mặt khác, các em thường coi thường việc phỏng vấn. Nếu bạn được lọt vào vòng phỏng vấn, hãy chuẩn bị thật kỹ về kiến thức, trình độ, ngoại hình, phong cách ứng xử của mình để nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là một người thật chuyên nghiệp trong công việc, một nhân viên đầy tiềm năng, hứa hẹn sẽ đem đến cho công ty những đóng góp mới, thành công mới. Đến buổi phỏng vấn với trang phục như đi học hoặc đi chơi, nói năng thiếu chững chạc... bạn chỉ có một kết quả là bị loại.

Để giải quyết tình trạng này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện các giải pháp như rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trong cả nước.

Chỉ đạo chặt chẽ việc cho phép thành lập mới các trường đại học, cao đẳng bảo đảm yêu cầu về chất lượng theo quy định của Luật Giáo dục Đại học và các quy định của pháp luật, phù hợp với Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, đáp ứng nhu cầu nhân lực của các địa phương.
nguồn :tinmoi.vn

<br>
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top