Ứng xử với… tiền

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Trang không ngần ngại cặp kè với một anh chàng lớn tuổi, nhà giàu và vòi vĩnh những món quà đắt tiền để bạn bè… nể phục.
Sau những ý kiến trong bài viết Nghĩ về tiền đăng trên số báo tuần trước, Mực Tím tiếp tục nhận được những câu chuyện chia sẻ của các bạn. Trong đó có cả những câu chuyện đau lòng đã xảy ra chỉ vì các bạn chưa hiểu đúng giá trị thật của đồng tiền...


Khi tiền “dẫn” đi lạc lối
T.T (lớp 12 THPT thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp) luôn nổi bật hơn những bạn trong lớp do cứ đến giữa học kì là Trang lại thay một bộ áo dài mới, lụa đẹp và mỏng hơn. Vào lớp, điện thoại của Trang luôn ở chế độ chuông và chỉnh “volume” to nhất để thu hút sự chú ý của bạn bè. Thế nhưng, bạn bè ai cũng biết gia đình Trang không mấy khá giả, ba mẹ đều làm nghề may nhưng vì cưng chiều cô con gái một nên Trang muốn gì ba mẹ cũng đều đáp ứng. Vì muốn có điện thoại nên Trang không ngần ngại cặp kè với một anh chàng lớn tuổi, nhà giàu và vòi vĩnh người yêu mua những món quà đắt tiền cho mình để bạn bè… nể phục. “Trang làm thế chỉ vô tình làm khoảng cách giữa bạn ấy và cả lớp càng lớn. Vì lớp mình chơi với nhau rất đoàn kết và không phân biệt giàu nghèo, nếu biết gia đình Trang khó khăn, có thể cả lớp sẽ chung tay góp tiền giúp đỡ bạn ấy, không cần Trang phải gồng lên để “giả giàu” với chúng mình đâu” – Một người bạn chung lớp của Trang cho biết.



Buồn hơn là chuyện của bạn Nguyễn Phú An (lớp 11 trường THPT Kinh Môn, Hải Dương). Gia đình An đều làm ruộng, cuộc sống cơ cực nhưng bố của An cũng cố gắng sắm cho bạn một chiếc xe máy để đi học. Vì không muốn bạn bè biết hoàn cảnh của mình nên An lúc nào cũng thoải mái vung tiền với bạn bè. An còn đem sổ đỏ của gia đình ra cầm cố để lấy tiền chở bạn gái vi vu ra Hà Nội chơi. Lúc xin tiền ba mẹ không cho, An đem chiếc xe máy đi cầm để lấy tiền khao bạn bè ăn chơi tiếp. Trở lại trường bằng chiếc xe đạp, An tự thấy xấu hổ với bạn bè nên quyết nghỉ học và bỏ nhà ra Hà Nội làm thêm kiếm sống. Ở quê nhà, ba mẹ vẫn phải vất vả làm việc để trả nợ…



Trong một phiên tòa tại Nam Định vào tháng 8/2011 vừa qua, mọi người ngỡ ngàng khi thủ phạm là một bạn gái 17 tuổi tên N.H.T. đã sát hại chị gái mình chỉ vì chị dọa mách bố mẹ chuyện em trộm vàng. Trước đây nhà T. giàu, bố mẹ cho tiền tiêu thoải mái, một năm T. có thể đổi 3,4 cái điện thoại. Khi thói quen tiêu tiền như nước đã ngấm vào T. thì bố mẹ vỡ nợ, mọi nguồn chi tiêu đột ngột cắt giảm. Muốn đổi điện thoại nhưng xin mãi bố mẹ không cho, T. đã trộm hai chỉ vàng mẹ cất kín trong tủ, bán lấy tiền đổi điện thoại. Chị gái T. biết được, thay vì răn dạy em thì lại biến điều này thành cái cớ để dọa dẫm “mách mẹ” mỗi khi có chuyện không hài lòng. Hậu quả, người chị chết ngay trên đường đi cấp cứu, T. đối diện với án hình sự giết người. Đánh mất tuổi xuân trong nhà tù, nhưng cái án từ lương tâm mà T. phải trả chắc chắn sẽ còn đeo đẳng T. đến suốt đời.



Hiểu đúng về tiền
Dù mỗi ngày chỉ được ba mẹ cho 10 ngàn đồng tiền ăn vặt, nhưng bạn Phạm Thị Thanh Thủy (lớp 12A3 trường THPT Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng vui vẻ nhận lấy, không dám đòi thêm vì: “Ba mẹ mình làm việc cực khổ, mình đã không giúp được rồi thì cũng không nên tiêu xài hoang phí, dù ba mẹ cho 1 ngàn đồng mình cũng trân trọng. Mình không mặc cảm vì mỗi gia đình một hoàn cảnh, quan trọng là cách tụi mình chấp nhận và bước qua nó như thế nào”. Cả lớp đều biết hoàn cảnh của Thủy nhưng không ai có thái độ ứng xử cách biệt với bạn ấy. Trái lại, Thủy luôn là một tấm gương cho bạn bè noi theo vì suốt 12 năm liền bạn là học sinh giỏi, luôn nằm trong Top 3 của lớp và năng nổ trong những hoạt động Đoàn trường. Biết hoàn cảnh của Thủy nên cô chủ nhiệm cũng xin nhà trường miễn giảm học phí để bạn có điều kiện học tập tốt hơn.



Thạc sĩ Lê Văn Thành (Viện Phát triển TP.HCM) cho biết, rất nhiều bạn trẻ hiện nay nhầm lẫn giữa giá trị đồng tiền và giá trị cuộc sống. Họ bị đồng tiền đẩy đến những cách hành xử, cách sống không phù hợp, thậm chí cả trái pháp luật. Nguyên nhân chính vì các bạn không được giáo dục để hiểu đúng về đồng tiền, thậm chí cách hành xử với đồng tiền của các bậc phụ huynh góp phần không nhỏ làm hư các bạn.



“Tiền chỉ là phương tiện cuộc sống và đồng tiền có ý nghĩa nhất là đồng tiền do mình làm ra. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cần phải ý thức đồng tiền mình có là mồ hôi nước mắt của ba mẹ mà mình vay mượn, mình phải ráng học hành để sau này báo hiếu với cha mẹ. Nếu có được suy nghĩ như vậy, chắc chắn bạn sẽ có cách ứng xử đúng đắn với đồng tiền và không để nó dẫn đường lạc lối”, Thạc sĩ Thành nhắn nhủ.
QUỲNH TRÂN – THU HƯƠNG
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
ôi tiền $$$$$$$$$$$$$$$$$ ta iu mày!!! bởi vì mày quá xấu xa!!!:KSV@05:
 
×
Quay lại
Top