Tương lai di động tại Việt Nam

ghost_rider

Thành viên
Tham gia
17/2/2012
Bài viết
19
Thời điểm chuẩn bị kết thúc năm, mỗi ngành, lĩnh vực thường có những tổng kết và đề ra những chiến lược phát triển cho một năm mới sẽ tới gần. Với mục tiêu tạo thêm động lực cho sự phát triển vượt trội của ngành di động, các diễn giả là các nhà quản lý ngành, nhà mạng, các chuyên gia nước ngoài đã mang tới Hội nghị Mobile Vietnam 2012 được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức cuối tháng 10 những nội dung thú vị về các khía cạnh thông tin di động, một ngành đang phát triển năng động và tác động đến đông đảo mọi người, mọi nơi trong xã hội ngày nay.Mở rộng khái niệm di động

Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2012 của Bộ TT&TT và Sách trắng 2012 số lượng thuê bao Việt Nam là 120 triệu thuê bao di động. Dân số của Việt Nam gần 88 triệu dân. Nhìn vào những con số này có thể thấy các nhà khai thác tiếp tục mở rộng thị phần di động là khó khăn. Thực tế, năm 2011 và 2012, các nhà khai thác dịch vụ di động Việt Nam gồm cả Viettel, tốc độ phát triển thuê bao chậm, đặc biệt trong năm 2012. Rõ ràng thị trường của Việt Nam đã vào ngưỡng bão hòa, như vậy, Viettel đặt ra bài toán phải tiếp tục phát triển kinh doanh, mở rộng thị phần, tăng doanh thu, theo đó, Viettel mở rộng khái niệm thuê bao di động nhưng trên cơ sở phát triển các ứng dụng mới.

Ông Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel cho biết ngành nên mở rộng khái niệm về thuê bao di động dựa trên phát triển ứng dụng CNTT, các ứng dụng mới. Tại sao phải mở rộng khái niệm thuê bao di động?

Theo ông Sơn vào năm 2000, người sử dụng di động chủ yếu là khối doanh nghiệp vì chi phí đầu cuối, cước phí sử dụng dịch vụ di động cao. Đến nay, Việt Nam là một trong những thị trường phát triển di động nhanh trên thế giới. Từ thành thị đến nông thôn hiện nay việc sở hữu một chiếc điện thoại di động hết sức phổ cập.

Thuê bao thông thường hiện nay sử dụng dữ liệu, thoại, nhắn tin. Ví dụ, một thuê bao phát sinh cước hàng tháng từ 100.000 - 150.000 đồng thì nay Viettel cung cấp giải pháp, dịch vụ mới dựa trên nhu cầu của khách hàng muốn có thêm dịch vụ như dịch vụ quản lý con đến trường gồm có thông tin điểm số, nhận xét của cô giáo, liên hệ học sinh phụ huynh, cô giáo… và dịch vụ này phát sinh thêm cước 50.000 đồng nữa. Với chi phí chấp nhận được, thuận lợi cho người sử dụng, những thuê bao sử dụng thêm dịch vụ này có thể định nghĩa là thuê bao mới. Thứ hai, những thuê bao thuần, không nhắn tin, gọi điện thoại nhưng là phương tiện để kết nối liên lạc, ví dụ, phát triển hệ thống quản lý giao thông, SIM dịch vụ không phát sinh thoại, nhắn tin nhưng là phương tiện kết nối liên lạc giao thông. Đây cũng được tính đến là một thuê bao mới.

Khai thác giá trị của 3G

3G chính thức có mặt tại Việt Nam vào cuối năm 2009, kể từ đó dịch vụ này đã có sự phát triển nổi bật và luôn giữ được đà tăng trưởng mạnh. Doanh thu có được từ dịch vụ này cũng vì thế ngày một tăng cao. Theo thống kê gần đây của Bộ TT&TT, Việt Nam hiện đang có 16 triệu thuê bao 3G, chiếm 15% tổng dân số quốc gia. Tỉ lệ sử dụng 3G của người tiêu dùng trong nước hiện đang theo kịp với xu thế thị trường nói chung, đặc biệt là khi so sánh tỉ lệ này của Việt Nam với một vài quốc gia trong khu vực, nơi đã triển khai công nghệ 3G trước đó như Philippine hay Indonesia.

Nghiên cứu của Ericsson ConsumerLab dự đoán rằng trong vòng 6 tháng tới, tỉ lệ người sử dụng smartphone tại Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 16% lên 21%; trong cùng khoảng thời gian đó, tỉ lệ người dùng máy tính bảng tăng từ 2% lên 5%. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong việc sử dụng smarphone và máy tính bảng tại Việt Nam đang và sẽ tạo tiền đề phát triển đầy tiềm năng cho ngành kinh doanh dịch vụ 3G trong nước.

Để có thể khai thác toàn diện tiềm năng đó, việc tập trung triển khai và mở rộng mô hình mạng 5 “S” theo Ericsson là vô cùng quan trọng, trong đó:

Smart networks - Thông minh: cho phép các nhà mạng trở thành các “Ống dẫn thông minh” (Smartpipe) - mang đến chất lượng dịch vụ khác biệt với các gói dịch vụ có chi phí linh hoạt để từ đó tối đa hóa doanh thu.

Simple networks - Đơn giản: giúp các nhà mạng giảm chi phí vận hành bằng việc đơn giản hóa kiến trúc mạng và tối đa hóa chất lượng mạng và lưu lượng truyền tải.

Scalable networks - Có thể mở rộng: cho phép khả năng mở rộng mạng lưới liên tục mà vẫn tiết kiêm chi phí. Đảm bảo mạng lưới phủ sóng có vai trò quan trọng đến sự thành công của dịch vụ 3G, vì khách hàng luôn mong muốn sẽ nhận được kết nối Internet di động ở “bất cứ đâu” và vào “bất kỳ thời điểm nào”.

Superior networks - Ưu việt: đảm bảo khả năng vận hành mạng đầu cuối (cho đến người sử dụng cuối) luôn đạt được chất lượng tốt nhất, góp phần xây dựng hình ảnh nhà cung cấp có uy tín, củng cố thương hiệu và tạo điểm khác biệt, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường một cách có ý nghĩa và bền vững.

Secure networks - Bảo mật: Như đúng tên gọi của nó, các nhà mạng phải đảm bảo rằng mạng lưới họ cung cấp luôn được an toàn khỏi những đe doạ bên ngoài, các thông tin trao đổi trên đó phải có tính bảo mật cao.

Ericsson cũng cho rằng sự phổ cập smartphone với giá thành hợp lý đi kèm với các gói dịch vụ 3G sáng tạo, dịch vụ dữ liệu và ứng dụng có tính chất địa phương sẽ là những yếu tố kiên quyết giúp kinh doanh 3G phát triển mạnh và bền vững.

Phó Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam, Lào và Campuchia Denis Brunetti chia sẻ: “Mạng di động luôn đóng vai trò trung tâm trong tầm nhìn “Xã hội kết nối” (Networked Society) mà Ericsson đang phát triển tại Việt Nam trong hai năm qua. Để có thể hiện thực hóa được những lợi ích của “Xã hội kết nối” và tối đa hóa tiềm năng của 3G tại Việt Nam, các nhà mạng trong nước cần tiếp tục giải quyết 5 yếu tố “S”.

Cũng với mong muốn để 3G giành thắng lợi, ông Mike Mc Donald, Giám đốc Công nghệ khu vực Đông Nam Á của Huawei cho biết cần phải có sự hợp lực của “thiết bị đầu cuối, hạ tầng mạng viễn thông và điện toán đám mây”. Các thiết bị thông minh không chỉ có điện thoại, máy tính bảng và máy xách tay mà còn là M2M (Machine-to-Machine). Hạ tầng mạng là ứng dụng công suất mạng siêu cao nhận biết mạng với độ bao phủ mọi nơi. Và Đám mây là các ứng dụng không nhận biết thiết bị sáng tạo sẽ thúc đẩy hơn nữa sự cộng tác xã hội.

Chuyển mạng giữ số để nhà mạng cạnh tranh chất lượng


Theo ông Tom Kershaw, Phó Tổng giám đốc Telecordia Technologies, công ty vừa được Ericsson mua lại, cho biết giải pháp “Chuyển mạng giữ số (MNP) sẽ rỡ bỏ rào cản cạnh tranh giả tạo và cho phép các nhà mạng cạnh tranh dựa trên chất lượng và sáng tạo; Giúp giảm ARPU do hiện tượng đa SIM; nhiều nhà mạng tăng trưởng sau khi MNP được triển khai và trong khoảng thời gian 2 năm, các mạng quốc gia sẽ bùng nổ, hiện đại và sẵn sàng cho tăng trưởng.

Việt Nam triển khai hệ thống MNP tại thời điểm này là “rất đúng lúc”. Công nghệ này hiện đã ổn định và chín muồi trên thế giới, nhiều nước đã triển khai thành công và có nhiều bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể áp dụng, ông Tom Kershaw phân tích. Chẳng hạn như Ấn Độ, một quốc gia Nam Á đã thực hiện chuyển mạng thành công cho một thị trường có tới 850 triệu thuê bao, sẽ tăng lên 1,1 tỷ thuê bao vào năm 2015 và 14 nhà khai thác ở 22 khu vực riêng rẽ. Cục Viễn thông của nước này đã quyết định chia Ấn Độ thành hai khu vực để triển khai MNP theo quyết định được ban hành vào năm 2009, hoạt động vào ngày 20/1/2011. Tổng chi phí ước tính là 250 triệu USD. “Trên thực tế, Ấn Độ có hệ thống chuyển mạng giữ số lớn nhất thế giới và họ đã thành công”, ông Tom Kershaw cho biết.

Nhiều chuyên gia tại Hội nghị cho rằng công nghệ MNP không còn là rào cản mà quy hoạch phù hợp mới là chìa khóa quan trọng. Tuy nhiên, việc chuyển mạng giữ số cần phải có vài năm để xây dựng kế hoạch hợp lý, khi triển khai thực tế sẽ đạt kết quả tốt hơn.

“Việc triển khai MNP không phải chuyện bất khả thi. Vấn đề chỉ nằm ở thời gian: đâu là thời điểm phù hợp và cách triển khai như thế nào. Thực tế vẫn có khoảng 5 - 6 nước triển khai mỗi năm. Một số nước mất một tháng mới có thể chuyển mạng giữ số, nhưng tại Mỹ, dịch vụ này chỉ mất đúng một giờ", ông Tom Kershaw nói thêm.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam cần xây dựng một trung tâm dữ liệu tập trung. Kho số chung quốc gia là một tài nguyên quốc gia rất quan trọng và cần có một hệ thống mới để quản lý. Lý tưởng nhất là do bên thứ ba quản lý để có thể thúc đẩy và điều phối các nhà khai thác công bằng, hiệu quả. Việt Nam cũng cần xem xét thiết kế nội dung và thương mại để hướng tới các ứng dụng và tính năng mới.

6 logic kinh doanh gia tăng giá trị cho băng rộng di động
Trong đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2009, băng rộng di động có tác động mạnh mẽ vào kinh tế - xã hội của toàn cầu và của các nước. Nếu có 10% dân số truy cập băng rộng thì tương đương 1,21% tăng trưởng GDP với các nước đang phát triển và 1,38% GDP với các nước đang phát triển.

Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT Đoàn Quang Hoan cho biết việc phát triển băng rộng không chỉ là phát triển hạ tầng mà phải quan tâm đến các dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ nội dung số.

Trong khi đó, Ericsson gợi ý 6 logic kinh doanh giúp các nhà mạng gia tăng giá trị cho dịch vụ băng rộng di động, thông qua việc giảm thiểu các thuê bao ngưng sử dụng dịch vụ, cải thiện APRU, thúc đẩy khả năng thâm nhập thị trường, mang đến các giá trị gia tăng ngoài việc cung cấp kết nối và đảm bảo doanh thu dài hạn.

Ericsson đang triển khai chiến dịch UNPLUG! với các khách hàng trên toàn thế giới để chia sẻ sâu hơn 6 logic kinh doanh này. “Unplug” không có nghĩa chúng ta phải phá bỏ các nguyên lý cơ bản mà nó cần được hiểu là theo nghĩa vượt qua những cách tiếp cận thông thường, phá vỡ tư duy cũ hay những lối mòn trong suy nghĩ. Chúng ta nên nhìn nhận “Unplug” như là một khái niệm để chỉ sự khơi dậy những ý tưởng sáng tạo, mở ra các khả năng kinh doanh tiềm tàng và phát huy tối đa giá trị những tài sản chúng ta vốn có.
6_logic_unplug_cua_ericsson.jpg
6 logic UNPLUG của Ericsson

Theo cách tiếp cận của Ericsson, “Unplug” bao gồm 6 logic cơ bản:

The Incentivist - Logic về sự “khuyến khích”: Đây là logic về việc đưa ra những ý tưởng để tạo ra những chương trình khuyến mại có thể áp dụng đối với việc kinh doanh di động băng rộng, theo đó, nguyên lý cơ bản đó là người sử dụng sẽ càng được lợi và được ưu tiên nếu họ sử dụng dịch vụ ngày càng nhiều

The here and now - Logic về tính thời điểm: Logic này gợi ý các nhà mạng về việc dự đóan những trường hợp mà ở đó người sử dụng có nhu cầu sử dụng dịch vụ cao hơn so với bình thường và dựa vào đó, tạo ra những gói cước ngắn hạn, phù hợp theo nhu cầu của họ tại thời điểm đó với mức giá thành hợp lý.

The one-trick pony - Logic về sự tập trung: Dựa vào logic này, thay vì đưa ra nhiều lựa chọn khác nhau cho tất cả đối tượng người sử dụng trong cùng một gói cước, các nhà mạng cần tìm hiểu kỹ hơn nhu cầu sử dụng của từng đối tượng khách hàng và chỉ tập trung phát triển các gói cước phù hợp với nhu cầu thực tế của họ.

The add - on - Logic về giá trị gia tăng: Chúng ta cần nghĩ đến việc tạo ra các giá trị “thêm”, đưa ra gói dịch vụ “all-in-one” cho phép dùng chung và kết nối tất cả các thiết bị khách hàng theo tiêu chuẩn của gói dịch vụ đó.

The management - Logic về hiệu quả quản lý: Logic đề cập đến việc sử dụng dịch vụ di động băng rộng cho hoạt động quản lý kinh doanh với việc sử dụng những gói dịch vụ dành riêng cho các doanh nghiệp nhằm mục đích giúp các công việc điều hành, quản lý và hậu cần của họ trở nên dễ dàng, tiết kiệm và thông minh hơn

The Invisible: Các nhà mạng nên hướng đến việc mang đến sự kết nối liên tục bằng việc tích hợp dịch vụ di động băng rộng vào các thiết bị mà ở đó người sử dụng không bị bắt buộc phải đăng ký sử dụng di động băng rộng, thay vì thế tiêu dùng nó như một chức năng “sẵn có” trong thiết bị.

Thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của việc sử dụng dịch vụ dữ liệu di động cho điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị kết nối thông minh khác. Sự phát triển này là một tín hiệu mừng đối với một thị trường đang dần trở nên ngày một bão hòa với các dịch vụ thoại cơ bản khi các nhà mạng trong nước có thể xây dựng và phát triển các dịch vụ dữ liệu di động. Cánh cửa kinh doanh mở ra cho tất cả những nhà kinh doanh dịch vụ viễn thông và người chiến thắng là người có những phương thức kinh doanh mới, tạo ra những giá trị sử dụng thích hợp nhưng khác biệt và ưu việt cho người tiêu dùng dịch vụ của họ.

Di động đang thay đổi nền kinh tế

Vừa qua, Gangnam Style - màn trình diễn của ca sỹ Hàn Quốc Park Jae Sang sẽ chẳng thể nào trở thành hiện tượng âm nhạc khiến cả thế giới “choáng váng” nếu không có sự hỗ trợ đắc lực từ truyền thông xã hội.

“Nhưng điều đáng chú ý là Mỹ là quốc gia xem Geangnam style nhiều nhất, sau đó là Anh, Canada, Hàn Quốc. Điều này chứng tỏ truyền thông di động không bó hẹp người dùng ở đâu, thiết bị gì được sử dụng. Trong 1, 2 năm tới tổng lưu lượng trên mạng sẽ tăng đột biến”, ông James T.C Tan, Trưởng bộ phận chiến lược và tìm kiếm di động của Google cho biết.

Tại Việt Nam, giá cước 3G đã rẻ, giá smartphone dưới 4 triệu đồng, sắp tới còn còn rẻ hơn, truy cập trên bất cứ nền tảng nào (platform) nào đã thúc đẩy lưu lượng mạng đáng kể.

Di động (mobile) đang thay đổi nền kinh tế thật, thay đổi thế giới, ông Nguyễn Thế Tân, Phó Tổng giám đốc Công ty Truyền thông cho biết. Lấy ví dụ dễ nhận thấy như nhiều người muốn đi taxi họ không cần phải gọi đến tổng đài điện thoại của công ty taxi để gọi xe nữa mà họ chỉ tìm ứng dụng taxi gần nhất. Điều này tương tự với việc đặt nhà hàng qua ứng dụng. Như vậy các ứng dụng taxi, nhà hàng trở thành chủ của hãng taxi, nhà hàng. Điều này làm thay đổi nền kinh tế thật, đó là doanh thu sẽ đến từ phí tải ứng dụng, phí thuê bao, phí ứng dụng.

Các bên tham gia vào nền kinh tế này có Apple, Google, nhà sản xuất thiết bị Android, các công ty viễn thông, nhà phát triển ứng dụng, nhà cung cấp nội dung, nhà phân phối ứng dụng, cửa hàng ứng dụng, cửa hàng không chính thức, mạng quảng cáo.

Có thể nói tương lai di động Việt Nam cần phải nắm lấy các cơ hội ứng dụng di động đang bùng nổ cũng như hợp tác sâu sắc hơn nữa giữa các công ty khi tham gia vào nền kinh tế di động.
 
×
Quay lại
Top