Tuổi thơ của tôi qua trang chuyện " Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của Nguyễn Nhật Ánh

bigbang4ever

Thành viên
Tham gia
14/9/2016
Bài viết
18
Bài giới thiệu sách:

Cuốn sách: "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ"

Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh

**************

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, dường như chúng ta đang bị cuốn theo cái nhịp hối hả, bận rộn của cuộc sống mà lãng quên đi cái gọi là quá khứ. Trong quá khứ đó có một quãng đời mà ai trong chúng ta cũng phải trải qua, đẹp và trong sáng nhất, đó là tuổi thơ. Nếu bạn bỏ quên khá lâu những suy nghĩ của ngày thơ ấu, đã lỡ vô tình quên mất những khoảnh khắc ngây ngô ngày nào thì háy đến với Nguyễn Nhật Ánh để nhận tấm vé lên con tàu thời gian để trở về tuổi thơ. Tấm vé ấy- " Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" cho ta bắt gặp nhứng phút giây, những suy nghĩ ngây thơ ngày nào của một đứa trẻ. Ở tác phẩm này, Nguyễn Nhật Ánh nói lên được cái mà chúng ta ngỡ rằng nó chỉ có thể tồn tại trong kí ức mà không thể diễn tả bằng ngôn ngữ.

Tập truyện được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2008, từng là một trong những cuốn sách bán chạy nhất tại Hội sách Thành phố Hồ Chí Minh năm 2008 và cũng vinh dự trở thành tác phẩm đại diện cho Việt Nam tham dự Giải thưởng văn học ASIAN lần thứ 11 năm 2010.

Có thể nói nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từ lâu đã được rất nhiều những độc giả nhỏ tuổi yêu mến bởi ông là nhà văn của các em, viết cho các em, vì các em. Thế nhưng, cuốn " Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ", đúng như chính nhà văn đã tựthú nhận trong chương Năm của cuốn sách, nó không hề giống bất cứ một cuốn sách nào ông từng viết và độc giả từng đọc trước đây. Ở cuốn sách này, nhà văn

chọn một lối viết không giống những tác phẩm trước của mình. Lồng vào những trang văn dí dỏm về hồi ức tuổi thơ, có nhiều đoạn tác giả đã thể hiện những cảm nhận của một người lớn tuổi khi ngẫm nghĩ về thời thơ ấu.

Tác phẩm mở ra một thiên đường đầy tiếng cười trẻ thơ, cả các nhìn hài hước, châm biếm về những đổi thay và sự khác biệt giữa thế giới trẻ con và người lớn. Có những tình huống ngộ nghĩnh gây cười, nhưng đằng sau tiếng cười đó người đọc nhận ra triết lý sống của người viết " Một đứa trẻ sống trong ngôi nhà của mình cũng tự nhiên và máu thịt như sống trong bản thân mình. Cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra thì đứa trẻ ấy cũng trở về nhà. Chỉ có người lớn mới có thể bỏ nhà ra đi". Người lớn tiếp nhận thế giới bằng óc phân tích, còn trẻ con cảm nhận thế giới bằng trực giác. Và người lớn cũng cần biết rằng trẻ con phát xét họ cũng nghiêm khắc như họ phán xét chúng. Cả lời dạy của người lớn dành cho một trò nghịch ngợm của trẻ con cũng gợi nhiều suy nghĩ: " Khi nào rượt đuổi ai hay bị ai rượt đuổi con người mới phải chạy. Còn lúc khác, những người đứng đắn đều đi đứng khoan thai". Rất nhiều những triết lý được tác giả truyền tải mà bạn đọc có thể bắt gặp ở các chương trong tác phẩm.

Có thể nói cho dù cuốn sách có một nội dung mới mẻ thì Nguyễn Nhật Ánh vẫn cứ là Nguyễn Nhật Ánh khi ông luôn giữ nét đặc biệt trong văn phong của mình - chất hài hước nhẹ nhõm, đáng yêu - khiến trong khi đọc từ đầu tới cuối cuốn sách, độc giả không thể không cười. Đây, đúng như tác giả nói là " Một bản tham luận" về đề tài xã hội, phân tích mọi khía cạnh tâm sinh lý trẻ em dưới con mắt của một- đứa- trẻ- đã- trưởng- thành, hay nói cách khác, một người lớn chưa thoát khỏi tuổi thơ của mình. Có cảm giác, không còn phân biệt câu chuyện này là

của quá khứ và hiện tại hay là câu chuyện của hiện tại và tương lai. Những thời thế ấy cứ đan xen trong lời kể của tác giả.

Giọng văn của Nguyễn Nhật Ánh thiên về giản dị nhưng hàm súc và giàu hình ảnh, lại có thêm nét hồn nhiên tinh nghịch ở các tác phẩm dành cho thiếu nhi, cộng thêm sự châm biếm và trải đời. những điều đó đã làm nên một phong vị rất riêng của câu chuyện này. Chính phong vị viết mà như không, nhẹ và bay đó đã cuốn hút tâm trí độc giả và một chuyến đi thú vị - hành trình trở về thời thơ ấu.

"Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" là cuốn truyện hữu ích cho cả người lớn và trẻ em. Qua tác phẩm, nhà văn đã kéo các thế hệ lại gần nhau hơn. Đọc nó, những người lớn vô tâm mải miết với cuộc sống cơm áo, gạo tiền có thể sẽ dừng bước đôi chút mà ngoái về sau, nhớ lại mình thời thơ ấu, cùng nhà văn gắng hiểu con em mình để rồi có một phương pháp tiếp cận chúng từ một tư cách khác, tư cách của những người bạn- để xóa đi cái lằn ranh giới giữa trẻ con và người lớn, mà nhà văn cho là khó ngang với xóa bỏ ranh giới giàu và nghèo trong xã hội. Và không chỉ vậy, cuốn sách cũng cho độc giả người lớn có cơ hội hiểu rõ mình hơn bằng cách chịu đựng sự phán xét xác đáng của trẻ thơ với một loạt những so sánh về các trò chơi của trẻ con và người lớn! Còn với lứa tuổi thiếu niên, cuốn sách hẳn cũng đem lại cho các em niềm vui thích nhưng ở góc độ khác và cung bậc khác.

Với tác phẩm "Cho tôi một vé đi tuổi thơ", Nguyễn Nhật Ánh không chỉ xin cho mình một chỗ ngồi trên chuyến tàu về lại tuổi thơ mà mang tặng tất cả mọi người một tấm vé để tìm về nơi trong trẻo, ngây ngô và yên bình nhất của đời người. Khi cầm tấm vé này trong tay, bạn thực sự có cho mình một viên ngọc quí giá. Tuổi thơ, nó không còn là một cái gì đó nhớ nhớ- quên quên mà nó đã được hiện hình một cách đầy đủ bằng ngôn ngữ. Ta có thể trở về tuổi thơ bất cứ lúc nào ta muốn. Nếu không muốn tuổi thơ của mình là một góc khuyết trong tâm hồn thì hãy tìm và giữ trong tay mình tấm vé đó, tuổi thơ đã được ta lưu giữ mãi trong tim dù ta có đi xa hơn nữa với tuổi thơ do sự trôi đi vô tình của thời gian.

Tập truyện trên đây chỉ là một trong số rất nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, trong thư viện của chúng tôi vẫn còn rất nhiều tác phẩm khác của ông cũng như của các tác giả khác mà chúng tôi chưa có dịp giới thiệu với các bạn. Mong các bạn đón nhận và đến thư viện trường tôi tìm đọc.

Hẹn các bạn ở buổi giới thiệu sách lần sau!
 
Còn nhiều sách của bác lắm như Tôi là Bê tô, chúc ngày mới tốt lành :)
 
×
Quay lại
Top