Tuổi thơ của người hạnh phúc

Totoro

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
17/12/2011
Bài viết
5.437
Ngày xưa… có một đứa bé tên là Noel Moore mắc bệnh ban đỏ khi lên 5 tuổi. Vào ngày xưa đó, cách nay khoảng 120 năm, trẻ con có thể chết vì bệnh ban đỏ. Vì vậy Noel được mẹ chăm sóc cẩn thận, nhưng đương nhiên nó buồn lắm vì phải nằm trên gi.ường, không được chạy ra ngoài chơi với chúng bạn. Mẹ của Noel là một cô giáo kèm trẻ tại tư gia. Nhiều năm trước, bà làm gia sư trong gia đình Potter, dạy viết dạy vẽ cho tiểu thư Beatrix. Nay Beatrix lớn rồi, không cần gia sư nữa, nhưng vẫn giữ liên lạc với cô giáo cũ. Khi biết Noel đang bệnh nặng, Beatrix viết một lá thư cho đứa bé:

Em Noel yêu quí, chị không biết viết gì cho em, nên chị sẽ kể cho em nghe câu chuyện bốn con thỏ con tên là Lăn-tăn, Múp-míp, Đuôi-bông, và Bít-tơ.


Ảnh: Phạm Công Thắng

Thực ra thì đâu phải Beatrix không biết viết gì, nhưng đứa bé 5 tuổi thì có thể đọc gì? Dĩ nhiên mẹ có thể đọc cho con nghe, nhưng Beatrix muốn đứa bé được xem bằng mắt nó bức thư được gởi cho chính nó. Nên bức thư đầy hình vẽ những con thỏ dễ thương, y như thỏ thật, nhưng đi đứng trên hai chân sau và mặc áo quần như người ta.

Bảy năm sau, Beatrix gặp lại Noel và hỏi mượn lại lá thư. Đương nhiên Noel vẫn còn giữ nó như báu vật. Trong hơn 100 năm sau đó, và có thể trăm năm sau nữa, cha mẹ của trẻ em nhiều thế hệ nối tiếp nhau trên trái đất đều muốn cám ơn Noel đã đưa lại Beatrix lá thư đó. Bởi vì từ câu chuyện và hình vẽ trong thư, Beatrix Potter đã xuất bản Cuộc đào thoát của Bít-tơ (The Tale of Peter Rabbit), quyển truyện tranh thiếu nhi được yêu thích nhất, tái bản liên tục suốt từ khi in lần đầu năm 1902 cho đến tận bây giờ.

Cuộc đào thoát của Bít-tơ và những sáng tác tiếp theo của Beatrix Potter như Sóc Lấc Xấc (xuất bản lần đầu năm 1903), Cuộc mạo hiểm của Ben Bân-ny (1904), Ông Câu Dèm (1906)… tính ra cả trăm năm tuổi, kể như chuyện đời xưa, nhưng luôn hiện đại vì vẫn đang được bày bán trên kệ sách thiếu nhi, không chỉ ở Anh, Pháp, Mỹ, Canada, châu Úc, châu Âu, châu Phi, mà ở Trung quốc, Nga, Nhật. Sách được dịch ra hơn 36 thứ tiếng và đã bán ít nhất 45 triệu bản, được liệt kê trong tất cả danh sách truyện thiếu nhi hay nhất từ trước tới nay, và là một trong những quyển sách “bán chạy nhất” mọi thời đại.


Năm 1936 Walt Disney muốn chuyển những tác phẩm này thành phim hoạt hình, nhưng Beatrix Potter từ chối. Bà muốn những câu ch.uyện ấy nằm trong những quyển sách in nho nhỏ mà cha mẹ cùng đọc với con sau bữa cơm chiều. Những hình vẽ, mỗi bức như một tấm tranh nghệ thuật, sẽ kích thích trí tưởng tượng trẻ em, và những dòng chữ giản dị, súc tích, dí dỏm sẽ giúp trẻ em tập đọc. Độc giả của Beatrix Potter có khi mới 5 tuổi, như độc giả đầu tiên Noel Moore, và câu chuyện cần được cả cha/mẹ và đứa con cùng khám phá. Quyển sách nhỏ rồi sẽ cũ hay rách hay bị mất đi, quên đi, nhưng tình cảm nảy sinh trong bối cảnh đó vĩnh viễn không phai và vĩnh viễn là cái neo để giữ bình yên tâm hồn mỗi con người khi đã qua tuổi ấu thơ.

Mặc dù Beatrix không có con và chưa bao giờ là nhà giáo dục, nhưng các nhà tâm lý hiện đại đều công nhận bà đã có một quyết định chính xác. Ngày nay các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh đều lo âu khi trẻ em bị hút chặt vào màn hình (TV và máy tính), dễ dãi thụ động để cho những hình ảnh ảo thay đổi liên tục dẫn dắt thị hiếu, chi phối cách tiếp thu tri thức và sự kết nối với thế giới. Điều này khiến bọn trẻ trở nên khó tập trung tâm trí, ù lì, béo phì, vô cảm. Trừ những bà “mẹ hổ”, các phụ huynh đến một lúc nào đó đành buông con mình cho nó “trôi theo thời đại” với những cuộc bơi đua theo tiến bộ khoa học kỹ thuật, mà phần lớn thực chất chỉ là các sản phẩm thương mại rườm rà ngoại hình nhưng khô héo nội tâm.


Sau khi Beatrix Potter qua đời nhiều chục năm, tác phẩm của bà hết hạn bảo hộ bản quyền, trở thành tài sản văn hóa của nhân loại. Thiên hạ đua nhau “chế biến” những truyện tranh thiếu nhi của Beatrix Potter thành kịch truyền hình nhiều kỳ (đài BBC, 1982), trình diễn trên sân khấu ca-múa-nhạc (đoàn Royal Ballet, London, 1971). Và mới đây Hollywood trộn cả cuộc đời và tác phẩm của Beatrix Potter thành một bộ phim ăn khách Miss Potter (2006). Ấy là không kể vô số kịch truyền hình và phim hoạt hình và đồ chơi nhái theo, phỏng theo, hoặc mượn đỡ ý tưởng từ tác phẩm của Beatrix. Nhưng, hàng năm, những quyển sách in với nguyên dạng hình ảnh và chữ nghĩa Beatrix đã viết và vẽ vẫn được tái bản và bán chạy.

Cái gì khiến cho câu chuyện những con thỏ, con sóc, con chuột, con nhái ấy có sức sống bền bỉ trên giá sách như vậy? Như ta biết, Cuộc đào thoát của Bít-tơ được Beatrix viết và vẽ cho một đứa bé đang bệnh để làm nó vui lên. Khi đó bà không nhắm mục tiêu thương mại hay giáo dục. Bà xuất phát từ tình thương đối với đứa bé, cụ thể là Noel Moore. Và những “chuyện kể” của bà được xây dựng bằng các nguyên liệu bền vững là tình yêu thiên nhiên, kinh nghiệm đời sống xã hội, và tài năng văn học bẩm sinh. Thế nên đó không chỉ truyện thiếu nhi, mà là tác phẩm văn học kinh điển.

Công bằng mà nói, trẻ em và cả người đọc trẻ hôm nay có quá nhiều món ăn hiện đại, hay “thời thượng” thì đúng hơn. Các món ấy thật đa dạng, phong phú, khoái khẩu. Truyện của Beatrix Potter so ra, về giá trị tinh thần, như sữa mẹ. Lớn một chút, một người sẽ tự do lựa chọn thứ mình khoái: coca, nước giải khát “tăng lực”, bia, rượu, hay cà phê, cacao… Nhưng con người hạnh phúc (và có sức khỏe tốt) là người được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ năm đầu tiên của đời mình. Con người hạnh phúc là người được mẹ/cha tập cho đọc những cuốn sách hay, xem những bức tranh đẹp, khi bắt đầu tiếp xúc với văn chương nghệ thuật.

Theo SVVN
 
×
Quay lại
Top