"Totto-chan bên của sổ" - Tuổi học trò qua trang sách

Lisel

No pain, no gain
Thành viên thân thiết
Tham gia
31/10/2014
Bài viết
139
totto-chan-10-jpg.5765

Cuốn sách này thậm chí không hẳn là một câu chuyện, một cuốn tiểu thuyết. Nó chỉ đơn giản là Totto-chan thôi, là tất cả những gì em đã trải qua, là những trang nhật kí không bị phai mờ bởi thời gian, là những câu chuyện mà ta thấy thật vô nghĩa như cái lần em kể về bài hát của trường. Ấy vậy mà đưa tất cả những câu chuyện tưởng chừng như vô nghĩa ấy vào những trang sách thì nó lại thành một thước phim quay chậm muôn màu muôn vẻ và hầu như ở đâu cũng thấy được hình ảnh của Totto-chan- cô bé bị đuổi khỏi trường tiểu học vào năm lớp một! Em nhanh nhẹn và em sinh động như một chú chim, em chạy nhảy, leo trèo như một con sóc. Em có cái cách của riêng mình để nhìn nhận về một người qua lần đầu gặp mặt, như lần em nhận xét về ông thu vé ở nhà ga :“Ông ta to béo, đeo kính, trông có vẻ tốt bụng.”. Có thể người lớn sẽ cho rằng : “Đúng là trẻ con .”. Nhưng họ không biết một điều vì Totto-chan là trẻ con và vì em nhìn nhận về người khác không phải chỉ bằng ánh mắt mà bằng cả trái tim và tấm lòng nên em mới thấy được cái mà người lớn không thấy. Họ không thấy nên họ bảo: “Trẻ con đúng là dễ bị lừa bởi vẻ ngoài.”. Và em bày tỏ đầu tiên là với người thu vé sau đó là mẹ mình về việc em muốn làm người bán vé. Và thật may là cả hai đều không tìm cách dập tắt ước mơ của em phần vì người thu vé cũng khá tốt bụng và ông cũng muốn con trai mình làm nghề này, còn mẹ em thì đã quen với hành động của Totto-chan rồi. Thật vậy! Chẳng mấy chốc em đã đổi ý: “ Có lẽ con sẽ vào một đội nhạc đường phố

Totto-chan bộc lộ cái ngây ngô và trong sáng của mình qua cách em hỏi mẹ: “Mẹ có nghĩ là đội nhạc đường phố cũng sẽ đến trường mới này không ?” Ôi, cô bé đáng thương !... Nhưng cũng thật may cho em, Totto-chan có một người mẹ tuyệt vời và có lẽ tôi sẽ không cần nói gì thêm về tình yêu thương bà dành cho đứa con bé bỏng của mình vì tự Totto-chan cũng đã thấy được điều ấy. Trái tim em đẹp đẽ và lấp lánh như đôi mắt em trong lần đầu tiên nhìn thấy đoàn tàu trên sân trường- lớp học của em hay chính là đoàn tàu trở ước mơ, hy vọng và tuổi thơ em từ giây phút ấy cho đến bây giờ và cả mai sau .

Totto-chan không chỉ may mắn vì có một bà mẹ tuyệt vời mà em còn may mắn vì em đã gặp được người thầy- ông “trưởng ga” – người mà em thật sự yêu thương- thầy hiệu trưởng Sosaku Kobayashi. Tôi nói thế vì nếu không có thầy thì sẽ không có câu chuyện này và bởi vì thầy đã nghe Totto-chan nói suốt bốn tiếng đồng hồ vào ngày em đến xin học. Thầy để mẹ Totto-chan ra về và để em nói thay vì hỏi câu hỏi như “ Tại sao em bị đuổi học ?” Thầy coi em như một người phụ nữ trưởng thành và qua đó ta thấy thầy rất tôn trọng em. Mặc dù người lớn luôn cho rằng trẻ em chẳng biết gì nhưng thực ra chúng còn nhạy cảm hơn cả họ. Việc thầy đã ngồi yên nghe Totto-chan nói mà không ngáp hay tỏ ra buồn chán, ngược lại còn rất chú ý khiến Totto-chan yêu quý thầy là một minh chứng cho việc trẻ em cũng biết nên yêu ai, ghét ai và chúng cũng có lòng tự trọng. Chỉ là càng lớn chúng ta càng biết nhiều thì càng đa nghi và như vậy chúng ta chẳng còn tin vào những sự thật trước mắt nữa. Câu thầy nói : “Thôi được, từ nay em là học sinh trường này.”đã mở đầu cuộc phiêu lưu của Totto-chan bằng đoàn tàu nằm im lìm trong ánh nắng ban trưa. Từ đó em phát hiện ra nhiều điều đặc biệt của ngôi trường Tomoe như : số học sinh, bài hát trước bữa ăn, các giờ học, giờ ra chơi,…Tôi không muốn kể chi tiết về những điều đặc biệt ấy vì tôi mong những ai sau khi đọc xong bài cảm nhận này có thể tìm đọc cuốn sách “ Totto-chan - cô bé bên cửa sổ” và tự phát hiện những thú vị nho nhỏ đó.

Một điều nữa khiến tôi ấn tượng về Totto-chan là tình bạn của em với Rocky – con chó lai Đức. Vì em là trẻ con nên em thấy được những điều mà người lớn không thấy, em hiểu những điều mà người lớn không hiểu. Vậy nên em càng yêu quý Rocky hơn. Đặc biệt vào cái lần Rocky gây tai nạn cho em. Dù đau nhưng Totto-chan vẫn nghĩ đến Rocky sợ nó bị đuổi, bị phạt nên em cố nói đỡ cho nó : “Bố mẹ đừng mắng Rocky! Đừng mắng Rocky!”Thậm chí đến chỗ bác sĩ em cũng không khóc vì sợ bố mẹ giận con chó. Về nhà khi không thấy nó đâu em mới bật khóc. Chính tình yêu thương và lòng tốt của Totto-chan đã giúp em và Rocky thân thiết hơn bao giờ hết. Ngoài người bạn là Rocky, Totto-chan còn có nhiều người bạn khác nữa học cùng lớp như Tai-chan thích thí nghiệm Vật Lý, Sakko-chan, cô bé có đôi mắt to mặc tạp dề hình con thỏ, Amadera cô bé rất yêu loài vật và muốn trở thành bác sĩ thú y, nhưng người mà tôi thấy yêu quý nhất và tôi tin chắc Totto-chan cũng thấy thế là Yasuaki Yamamoto. Khi thấy cách đi kì lạ của cậu Totto-chan đã hỏi chuyện và được biết cậu bị bại liệt. Em rất thương bạn và thấy ngại vì đã hỏi bạn như vậy. Yasuaki đã tự giới thiệu tên mình và thế là hai người trở thành bạn vào ngày đầu đi học của Totto-chan.

Một điều về trường Tomoe khiến cho Totto-chan rất thích là những cuộc đi dạo – ngay cả bản thân tôi cũng rất thích và chắc các bạn cũng vậy. Vì mỗi lần đi như thế bản thân các em thấy yêu các giờ học hơn (dù không có nó các em đã thích sẵn rồi ) mỗi em học và quan sát được nhiều điều hơn. Trường Tomoe dạy cho các em về thành quả lao động như vậy đấy. Đâu chỉ các lớp học, các giờ đi dạo mà ngay cả thầy hiệu trưởng – người đã được nhắc đến ở trên cũng dạy cho các em nhiều điều – những điều các em không thể học trong sách vở. Nhất là lần Totto-chan đánh rơi chiếc ví xuống hố phân, em đã cố múc phân ra khỏi hố để tìm lại nó ngay cả khi tiếng chuông vào học vang lên. Thầy hiệu trưởng đi qua khi biết em tìm chiếc ví, thầy không bắt em vào lớp mà chỉ bảo : “ Thế à?” Lần thứ hai đi qua thấy em vẫn chưa tìm ra, thầy chỉ nhắc : “Làm xong nhớ đổ lại tất cả nhé.”Dù cuối cùng không tìm lại được chiếc ví nhưng em đã có được những bài học đầu đời về việc biết chịu trách nhiệm. Và hơn cả em càng yêu quý, tin tưởng thầy em. Và thầy cũng thế luôn tôn trọng và tin tưởng ở em.

Trên “đoàn tàu” của những năm tháng thơ ấu Totto-chan đã được tham gia không ít những cuộc phiêu lưu như lần ngủ lại trường để đón toa tàu mới, hay buổi đi cắm trại, đi suối nước nóng,…nhưng cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất lại là ngày Totto-chan hẹn với cậu bạn bị bại liệt Yasuaki-chan – một cuộc hẹn bí mật. Em đã dùng hết sức lực của một bé gái sáu tuổi để giúp bạn trèo lên cái cây của em. Em đã nỗ lực hết mình, không bỏ cuộc và cả Yasuaki-chan cũng thế. Dù biết làm vậy là nguy hiểm nhưng cả hai rất vui. Chỉ tiếc hai đứa trẻ ấy không biết đó là lần cuối cùng “ngôi nhà” của Totto-chan được chào đón cậu bạn Yasuaki-chan. Em đã mất đi người bạn của mình không lâu sau đó...

Trong cuốn sách này có không ít những kỉ niệm nho nhỏ của Totto-chan với bạn bè khiến em nhớ mãi mà tôi muốn chia sẻ với những ai đang bỏ chút thời gian quý báu ra đọc bài cảm nhận này. Trong lần thi thử gan dạ dù chẳng em nào đi hết đường và “những con ma” thì đều sợ quá mà bỏ về nhưng ai cũng thấy vui. “ Sau đêm ấy các học sinh Tomoe không còn sợ ma nữa. Vì dù sao thì ma cũng còn sợ ma nữa kia mà, phải thế không ạ ?”Một kỉ niệm khác nữa là khi các em đi thăm mộ bốn mươi bảy tráng sĩ Rônin. Để không cảm thấy đường xa các em đã bắt trước lời nói của ông Rihey Amanoya khi ông bị bắt trong câu chuyện thầy phó chủ nhiệm kể cho các em nghe: “Ta là đấng trượng phu Rihey Amanoya đây.” Dù không hiểu lắm ý nghĩa của câu chuyện nhưng cách ông Maruya – phó chủ nhiệm kể lại khiến các em nhớ đến thầy hiểu trưởng. Có thể thấy học sinh Tomoe yêu quý thầy biết nhường nào. Có rất nhiều lí do để Totto-chan yêu quý thầy mà một trong số đó là lần em bị cậu bạn Oe bắt nạt và em đã mách thầy. Thầy an ủi em bằng cách khen mái tóc đuôi sam của em rất đẹp. Sau đó Oe đã phải xin lỗi Totto-chan. Oe nói : “Thầy hiệu trưởng vừa mắng tớ, thầy bảo phải nhã nhặn với con gái và phải chăm sóc họ.”Có thể thấy thầy đã ngầm phản đối, lên án chế độ trọng nam khinh nữ - thứ đã được loại bỏ ở những đất nước thầy từng đến và dạy dỗ học sinh của mình phải biết quý trọng phái yếu. Oe thấy điều đó hơi kì quặc nhưng sau ngày hôm ấy em không bao giờ bị thầy hiệu trưởng trách mắng nữa. Rồi cả cái lần Oe và Totto-chan nghe thấy thầy mắng một cô giáo trong nhà bếp sau khi cô vô tình xúc phạm Takahashi. Thầy thật đáng kính phải không các bạn? Thầy hiệu trưởng luôn khen Totto-chan là em rất ngoan và em thực sự ngoan và ngoan về nhiều mặt. Không chỉ tốt bụng, em còn yêu quý và sẵn sàng giúp đỡ những bạn bị khuyết tật, kể cả với con vật cũng thế. Cứ xem cách em đối xử với Rocky thì biết. Dù hay làm những trò nghịch dại như lần em nhảy vào tờ báo mà thực ra là hố phân, nhảy lên đống vữa mà tưởng là bãi cát,… nhưng sâu trong tâm hồn em là trái tim non nớt tò mò và sẵn lòng vị tha. Tâm hồn em quý giá vì vốn không thể bán nó được và cũng chẳng ai đủ tiền mua nó. Có thể thấy câu nói của thầy hiệu trưởng mang ý nghĩa rất sâu sắc. Thầy đã thấy được nét đẹp trong tâm hồn em- cái mà không phải ai cũng thấy: “Totto-chan, em biết không, em là cô bé ngoan thật đấy.” Để chứng minh thầy Kobayashi nói đúng, khi nghe thấy học sinh trường khác chế diễu trường mình, em cố đuổi theo chúng nhưng thất bại, lúc quay về em đã thay đổi lời bài hát chế diễu kia và hát cho các bạn đang chơi trong sân trường nghe. Em làm vậy vì em yêu trường mình. Tất cả các bạn em cũng làm thế. Các em cảm thấy gắn bó với nhau hơn bao giờ hết. Thầy hiệu trưởng ngồi trong văn phòng nghe thấy vậy cũng thấy rất hạnh phúc.

“Trường Tomoe là trường tuyệt vời
Bên trong và bên ngoài đều là trường tuyệt vời.”

Và hình như bác bảo vệ hôm ấy cũng nghe thấy tiếng hát của các em.
“Hôm đó chuông báo hết giờ đánh muộn hơn ngày thường.”

Để nói lên hết những gì mà ngôi trường và thầy hiệu trưởng đã mang lại cho các em thì thật khó. Vì hầu như nó luôn được nhắc đến bằng cách này hay cách khác trong mỗi mẩu chuyện. Như việc thầy đề nghị học sinh mặc quần áo tồi nhất đến trường, rồi cho các em vào bữa trưa thay phiên nhau đứng giữa vòng, kể một câu chuyện bất kì và cả các tiết học thể dục nhịp điệu nữa. Tôi rất ấn tượng về cách thầy hiệu trưởng tổ chức lễ hội thể thao. Thầy luôn biết cách làm cho các em vui sướng. Ngoài những môn thi giống các trường khác, còn lại đều là những môn do thầy tự nghĩ ra như Đua cá chép, Đua tìm mẹ, …Trong các môn thi nhiều lúc không chỉ các em học sinh mà cả các phụ huynh, các thầy cô giáo cũng tham gia trong tiếng nhạc vui tươi như một lễ hội thực thụ vậy. Giải thưởng của cuộc thi cũng đặc biệt vì toàn là thực vật dù các em không thích lắm nhưng thầy đã an ủi các em rằng các em đã cung cấp thức ăn cho gia đình bằng chính sức mình. Một điều nữa thể hiện tâm huyết của thầy với học sinh là mong muốn Takahashi – cậu học trò nhỏ không bao giờ lớn lên được nữa có thể xóa đi mặc cảm, tự tin vào bản thân và thầy rất thành công trong việc ấy.

Một trong những cách giáo dục hay của thầy Sosaku Kobayashi là luôn kết hợp giữa học và chơi mà đã chơi thì nhất định phải học được một điều gì đó. Thầy để cho các học sinh dùng phấn viết nốt nhạc bằng những hình đặc biệt lên sàn hội trường. Vì lau chùi mặt sàn sau mỗi lần như thế là rất khó nên các em không viết hay vẽ bậy ở bất cứ nơi nào ngoài hội trường .

Totto-chan đã có lời hứa danh dự đầu đời với thầy hiệu trưởng người mà em yêu quý : “ Khi nào lớn lên em sẽ dậy ở trường này.” Thầy không cười mà rất nghiêm túc khi nghe em nói vậy. Thầy ngoéo tay với em vì thầy tin thế và Totto-chan cũng tin thế.

Mỗi câu chuyện em kể ra khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh một cô bé đứng trên sân khấu rộng lớn hát bài hát không ai biết cũng chẳng có nhạc em vừa hát vừa cười, cũng có lúc em khóc nhưng em cứ hát như thế, em hát để tạm biệt người bạn của em: Rocky. Thầy hiệu trưởng của Totto-chan luôn dạy em phải yêu thương động vật mà cho dù thầy không dạy thì em cũng rất yêu thương người bạn của em. Em vừa trở về sau kì nghỉ hè ở nhà anh họ thì không thấy Rocky đâu nữa. Em biết rất có thể nó chết rồi. Em cứ khóc mãi, khóc mãi. Hình như…em hát về hậu quả của chiến tranh.

totto-chan-2.jpg


Quả thật là như vậy. Chiến tranh đã dập tắt ước mơ của bao đứa trẻ trong đó có Totto-chan, và đã đốt cháy mọi nỗ lực để thay đổi một nền giáo dục không có kết quả của ông Kobayashi. Chỉ trong một đêm tất cả đã tan thành tro bụi…

“Tình yêu trẻ em và ham mê dạy dỗ của ông Kobayashi còn mạnh hơn ngọn lửa đang thiêu cháy ngôi trường. Nhìn như thế nhưng lòng thầy vẫn thấy vui.”

Trường Tomoe dùng toa xe làm lớp học như khát vọng thầm kín của cả thầy và trò trong trường về giá trị thực sự của nền giáo dục : Muốn dạy dỗ trẻ em không chỉ dừng lại ở “lớp học” vì “lớp học” và “cuộc sống” rất khác nhau và không phải kiến thức nào trong sách vở cũng áp dụng được vào đời sống. Thầy muốn đưa các em đi thăm thú khắp nơi gần có, xa có chỉ cần rời khỏi khuôn viên nhà trường như thế thầy có thể dạy các em nhiều điều và các em có thể tiếp thu chúng tốt hơn.

totto-chan-1.jpg

Cuốn sách khép lại với lời của tác giả, cô bé trên sân khấu đã ngưng hát và lời nói cuối cùng của thầy Sosaku Kobayashi văng vẳng đâu đây: “ Chúng ta sẽ gặp lại nhau.” Cảm ơn các bạn vì đã đọc đến những dòng cuối cùng này. Nếu như bạn chưa đọc cuốn sách “Totto-chan, cô bé bên cửa sổ” thì hãy đọc và cảm nhận nó - một cuốn sách dạy ta về tình bạn, tình thầy trò, tình cha mẹ và còn dạy ta cách yêu thương...
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top