Tiểu luận: Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản về Văn Hóa

xuanhung_xd9

Thành viên cấp 2
Thành viên thân thiết
Tham gia
15/12/2011
Bài viết
1.979
TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN: TUYÊN NGÔN VỀ VĂN HOÁ
TRẦN CHÍ MỸ
Tháng 2 năm 1848 Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản xuất hiện “Bóng ma chủ nghĩa cộng sản” trước đó chỉ lảng vảng trong bầu trời đêm tối ở Châu Âu đã thực sự đáp xuống thực địa, đến với nhân gian với lời tuyên bố công khai đanh thép: “Mục đích của những người cộng sản chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện có”.

Nhưng mục đích của những người cộng sản mà Tuyên ngôn có nhiệm vụ tuyên bố là gì? Đó là xã hội cộng sản chủ nghĩa- một xã hội trong đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (1)

Như vậy, mục đích của cách mạng cộng sản chủ nghĩa (CSCN) là sự phát triển tự do toàn diện của con người, là sự hoàn thiện xã hội dựa trên quan hệ gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng- cội nguồn của mọi tiềm lực và sức sống của con người, của xã hội. Đó là văn hoá. Và vì vậy, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản có thể gọi là Tuyên ngôn về văn hoá, văn hoá cộng sản chủ nghĩa.

Thực tế lịch sử cho thấy bất cứ cuộc cách mạng xã hội nào cũng đều mang một mục đích kinh tế là đảm bảo cho lực lượng sản xuất có điều kiện tiếp tục phát triển thuận lợi hơn và đời sống vật chất của con người được cải thiện. Đó là tính lịch sử tự nhiên của các quá trình chuyển biến giữa các hình thái kinh tế- xã hội trong lịch sử.

Tuy nhiên, đối với cách mạng CSCN, mục đích kinh tế mà nó đương nhiên phải đạt tới lại tất yếu trở thành tiền đề vật chất đòi hỏi và cho phép triển khai và thực hiện một sự nghiệp mới mẻ hơn, cao đẹp hơn: Sự nghiệp giải phóng con người- sự nghiệp văn hoá. Trong tác phẩm “Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản”, khi giải thích về những kết quả chủ yếu của việc xoá bỏ triệt để chế độ tư hữu, Ph. Ăngghen viết: “Việc sản xuất tập thể bằng lực lượng của toàn xã hội và sự phát triển mới của nền sản xuất do việc đó mang lại, sẽ cần con người hoàn toàn mới và sẽ tạo nên những con người mới đó” (2).

Cách mạng CSCN, xét đến cùng là nhằm tạo ra những điều kiện để giúp con người trở thành “người” hơn. Xã hội cộng sản- kết quả vĩ đại của cuộc cách mạng ấy là sáng tạo vật chất giành cho con người, một xã hội có nhiệm vụ đảm bảo những điều kiện để phát triển những năng lực bản chất người, hoàn thiện xã hội theo chuẩn mực của Cái đúng, Cái tốt, Cái đẹp, tức là một xã hội ở đó con người đạt tới cái đáng được mong muốn về mặt xã hội. Và cái đáng được mong muốn đó chắc chắn thuộc về văn hoá.
 
Khi Tuyên ngôn nêu lên luận điểm: “Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình trong một công thức duy nhất là: xoá bỏ chế độ tư hữu” (3) thì điều đó không có nghĩa rằng mục đích của những người cộng sản, của cách mạng CSCN chỉ nhằm giải quyết vấn đề sở hữu, vấn đề kinh tế. Ph. Ăngghen đã giải thích tường minh vấn đề này trong tài liệu xuất phát của Tuyên ngôn rằng: “Thủ tiêu chế độ tư hữu là cách nói vắn tắc nhất và tổng quát nhất về việc cải tạo toàn bộ chế độ xã hội”(4). Đưa việc xoá bỏ chế độ tư hữu thành một công thức là để khẳng định lập trường và nguyên tắc căn bản chủ nghĩa cộng sản khoa học (CNCSKH). Với công thức đó, CNCSKH đã vượt qua cái chỗ mà các tư tưởng và học thuyết CNCS khác dừng lại hoặc né tránh. Thực ra chủ nghĩa cộng sản cũng chỉ đề ra thành nguyên tắc xã hội cái mà xã hội đề ra thành nguyên tắc mà thôi. Việc xoá bỏ chế độ tư hữu chỉ là việc “Giai cấp vô sản thi hành bản án mà chế độ tư hữu, trong khi đẻ ra giai cấp vô sản, đã định cho bản thân mình” (5). Và chừng nào, nơi nào “bản án” ấy chưa được thực thi thì chừng đó, nơi đó chưa thể nói đến việc tạo ra cái mà trong “Bản thảo kinh tế triết học năm 1844” C.Mác gọi là “hoàn cảnh có tính người”. Xoá bỏ chế độ tư hữu đối với chủ nghĩa Mác là để thực hiện mục đích giải phóng con người trên một cơ sở kinh tế- xã hội mới. C.Mác đã nói rõ vấn đề này như sau: “CNCS coi như sự xoá bỏ một cách tích cực chế độ tư hữu- sự tự tha hoá ấy của con người và do đó coi như sự chiếm hữu một cách thực sự bản chất con người bởi con người và vì con người” (6). Con người là điểm xuất phát, đồng thời là mục đích của cách mạng CSCN.
 
Thực tế lịch sử cho thấy, không phải những lời lẽ của Tuyên ngôn về tự do của con người mà chính là những điều kiện sinh hoạt vật chất thực tiễn quy định và cho phép con người ta tự do đến mức nào. Tự do, Bình đẳng, Bác ái trong Tuyên ngôn của các cuộc cách mạng dân chủ tư sản chỉ là những từ hoa mỹ bị cuộc sống của xã hội tư sản dày xéo. Quyền tư hữu thiêng liêng của mọi người trở thành quyền chiếm hữu của những người có của, những người khác chỉ có quyền bán sức lao động theo thời giá.

Không thể có tự do, bình đẳng cụ thể trong một xã hội bị thống trị bởi cái luật lợi nhuận.

CNCS sở dĩ là cần thiết và chính đáng đối với con người và lịch sử là do tư cách văn hoá của nó. Sức hấp dẫn, sức thu hút của CNCS, của Tuyên ngôn Cộng sản là thái độ của nó đối với con người, đối với tự do và hạnh phúc của con người. chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới có khả năng mang lại cho con người không chỉ một đời sống vật chất dồi dào, mà còn và quý giá hơn là một đời sống văn hoá tinh thần phong phú tốt đẹp.

Mục đích văn hoá của cách mạng CNCS mà Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã tuyên bố từ 150 năm trước vẫn còn phù hợp với xu thế khách quan của lịch sử , với khát vọng vươn tới của con người, của xã hội hiện đại. Thời gian 150 năm ấy, trên hành trình hối hả chạy đua để làm giàu của cải vật chất cho mình, con người và loài người đã kịp tỉnh ngộ và nhận ra rằng hạnh phúc của con người không chỉ đo bằng sự thoả mãn nhu cầu vật chất, mà còn và quan trọng hơn làsự thoả mãn nhu cầu văn hoá tinh thần.

Ông Javier Pérez de Cuellar, cựu tổng thư ký liên hợp quốc, sau một thời gian giữ cương vị là người đứng đầu Ủy ban thế giới về văn hoá và phát triển đã nhìn nhận rằng: “Con người quý trọng của cải và dịch vụ, chừng nào những thứ này giúp họ được sống như ước muốn. Và điều mà chúng ta mong muốn chắc chắn phụ thuộc về văn hoá. Dồi dào về vật chất là điều không thể coi thường đối với sự phát triển. Nhưng đó không thể là mục đích cuối cùng. Chỉ có văn hoá mới cho phé chúng ta cảm nhận được mục đích cuộc sống” (7).
 
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trong hướng nhìn xa của nó có chứa đựng cả thời kỳ hiện nay. Thời kỳ mà sự phát triển ở nhiều nơi trên hành tinh chúng ta đang bị “đặt thành vấn đề”. Phát triển cái gì, phát triển để làm gì, cho ai v.v.. là những câu hỏi, những vấn đề đang được đặt ra một cách cấp thiết trên phạm vi toàn cầu. Điều đó chứng tỏ xã hội loài người đang vật vã muốn thay đổi tận gốc sâu để đạt tới cái đang được mong muốn về mặt xã hội-cái văn hoá.

Hệ thống kinh tế thắng thế đang bị lên án, chỉ trích ở nhiều nơi trên thế giới. Sở dĩ như vậy là vì sự tăng lên của cải vật chất, của những tài sản xã hội ở những nơi đó không những không hỗ trọ cho phát triển và hoàn thiện nhân cách con người mà trái lại, là nguyên nhân của sự phá phách tinh thần, làm tổn hại tư chất và tài năng của nó. Sự hùng hậu của kỹ thuật làm cho con người nhỏ bé đi, giảm thiểu mình đi trong đồ vật. Thậm chí làm đảo ngược một cách khốn cùng giữa đồ vật và con người. Nó làm cho anh nghèo không gốc rễ và anh giàu không lý tưởng.

Lịch sử vẫn phát triển theo con đường của chính nó. Thực tiễn cuộc sống của xã hội hiện đại đang đòi hỏi cần đưa vào kinh tế những mục đích cao thượng thay cho sự cạnh tranh lợi nhuận, cần giải phóng con người khỏi nghèo nàn và dốt nát, trả lại cho họ tính sáng tạo, thiết lập một hình thức đoàn kết mới giữa các cá nhân, các dân tộc và giữa con người với thiên nhiên.

Từ hơn một thập niên, trên thế giới cũng như Việt Nam đã có rất nhiều công trình của các học giả uyên bác nghiên cứu về văn hoá. Trong số đó có hàng loạt công trình nghiên cứu về vai trò của văn hoá, khẳng định vai trò quan trọng của yếu tố văn hoá đã được công bố và thừa nhận rộng rãi.

Song dù văn hoá là yếu tố quan trọng, thúc đẩy (hoặc kìm h.ãm) sự phát triển, nó không thể bị hạ thấp thành một nhân tố tích cực hoặc tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế. Trái lại văn hoá là mục đích cuối cùng của sự phát triển đầy đủ, nghĩa là văn hoá được coi là mục đích phát triển con người toàn diện.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản sở dĩ có thể được coi là tuyên ngôn về văn hoá không phải chỉ vì nó đã vạch ra được mục đích văn hoá của cách mạng CSCN, mà còn vì nó đã chỉ ra được con đường duy nhất đúng để thực hiện mục đích ấy.

Dưới ánh sáng thế giới quan, phương pháp luận quy vật biện chứng, Tuyên ngôn đã phê phán,bác bỏ những luận điệu vu khống của giai cấp tư sản đối với những người cộng sản về một loạt vấn đề xã hội- chính trị, tư tưởng và văn hoá, đồng thời khẳng định lập trường, con đường và những nguyên tắc cộng sản đối với việc giải quyết những vấn đề đó.
 
Cụ thể, đối với vấn đề tư tưởng và văn hoá, Tuyên ngôn nêu rõ “Cách mạng CSCN là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với chế độ sở hữu cổ truyền, không có gì đáng lấy làm lạ khi thấy rằng trong tiến trình phát triển của nó, nó đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với những tư tưởng cổ truyền” (8).

Nguyên lý đó nêu rõ tính quy luật, con đường và phương hướng cơ bản của sự hình thành và phát triển của nền văn hoá tinh thần CSCN.

Đó là một nguyên lý mang tầm vóc thế giới quan nhưng hoàn toàn chất phác và dễ hiểu. “Liệu có cần phải sáng suốt lắm mới hiểu được rằng những tư tưởng những quan điểm và những khái niệm của người ta, đều thay đổi cùng với mọi sự thay đổi xảy ra trong điều kiện sinh hoạt, trong quan hệ xã hội, trong đời sống xã hội của con người ta chăng?” (9). Vả lại: “Lịch sử tư tưởng chứng minh rằng sản xuất tinh thần cũng biến đổi theo sản xuất vật chất”.

Cố nhiên, nói đến sự “đoạn tuyệt” ấy là nói đến cả một cuộc cách mạng, một cuộc cách mạng có nội dung toàn diện, lâu dài và đầy khó khăn phức tạp. Một cuộc cách mạng như vậy là tất yếu và cần thiết “không những vì nó là phương tiện duy nhất để lật đổ giai cấp thống trị, mà còn là vì chỉ có trong cách mạng mới khiến giai cấp đi lập đổ giai cấp khác có thể quét sạch mọi thứ thối nát của chế độ cũ đang bám chặt theo mình và trở thành có năng lực xây dựng xã hội trên những cơ sở mới” (10).

Ở đây có vấn đề cần lưu ý thêm là, con người và văn hoá mà Tuyên ngôn tuyên bố là mục đích của cách mạng CSCN là con người và văn hoá của xã hội CSCN hoàn toàn- Xã hội cộng sản đã phát triển trên cơ sở của chính nó và ở đó nền sản xuất hàng hoá bị loại trừ. Trong “Chống Đuyrinh”, tác phẩm được đánh giá là cuốn Bách khoa toàn thư của chủ nghĩa Mác, Ph.Ăngghen viết: “Cùng với việc xã hội nắm lấy những tư liệu sản xuất thì sản xuất hàng hoá cũng bị loại trừ và do đó, sự thống trị của hàng hoá đối với người cũng bị loại trừ… Do đó mà lần đầu tiên, con người tách hẳn- theo một ý nghĩa nào đó- khỏi giới thú vật, chuyển từ điều kiện sinh tồn của thú vật sang điều kiện sinh tồn của con người” (11). Và chỉ đến lúc đó, con người mới thực hiện bước nhảy “từ vương quốc của tất yếu sang vương quốc của tự do” (12).
 
Với luận điểm này thì rõ ràng chủ nghĩa Mác đã không dự kiến có một nền sản xuất hàng hoá dưới CNCS và chỉ dưới CNCS mà thôi. Sẽ là không chính xác nếu cho rằng C.Mác và Ph.Ăngghen đã không dự kiến có một nền sản xuất hàng hoá dưới CNXH. Ở đây, cần nhắc lại một luận điểm rất quan trọng của C.Mác trong “Phê phán Cương lĩnh Gota”: “Cái xã hội mà chúng ta ở đây không phải là một xã hội CSCN đã phát triển trên những cơ sở của chính nó, mà trái lại là một xã hội CSCN vừa mới thoát thai từ xã hội TBCN, do đó là một xã hội, về mọi phương diện- kinh tế, đạo đức, tinh thần- còn mang những dấu vết của xã hội cũ mà nó đã lọt lòng ra” (13). Luận điểm này đã nói rõ thực chất, đặc điểm của một thời kỳ lịch sử đặc biệt mà C.Mác gọi là thời kỳ cải biến từ xã hội này sang xã hội kia- từ xã hội TBCN sang xã hội CSCN. Thời kỳ đó chính là CNXH giai đoạn thấp của CNCS. Như vậy sự tồn tại của sản xuất hàng hoá trong CNXH, chính là một trong những “dấu vết” của xã hội cũ mà nó tất yếu phải có. Luận điểm của C.Mác vừa được trích dẫn cùng chính sách kinh tế mới của Lênin là căn cứ luận và thực tiễn để chúng ta khẳng định rằng kinh tế hàng hoá là hoàn toàn có thể và cần phải sử dụng dưới CNXH.

Tuy vậy vẫn còn không ít ý kiến cho rằng C.Mác và Ph.Ăngghen không dự kiến một nền sản xuất hàng hoá dưới chủ nghĩa xã hội. Do đó chấp nhận kinh tế hàng hoá có nghĩa là làm hỏng văn hoá XHCN từ nền tảng vật chất của nó. Rằng kinh tế thị trường và một đời sống văn hoá tinh thần tốt đẹp chúng ta chỉ có thể chọn một. Chọn cái này thì phải hy sinh cái kia. Những lập luận như vậy xét về mặt tình cảm cách mạng là chân thành và tâm huyết đổi mới với vận mệnh của chủ nghĩa xã hội. Nhưng về tầm nhìn và cách nhìn thì hạn hẹp, phiếm diện và siêu hình.

Không ai có thể phủ nhận rằng trong thực tế hiện nay, việc giải quyết mối quan hệ giữa tư cách, bản chất nhân văn và văn hoá của CNXH và kinh tế thị trường đang gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, thậm chí có nơi, có lĩnh vực tưởng chừng như bất lực.

Nhưng cũng chính thực tiễn ấy đã giúp chúng ta sáng rõ hơn nhận định của Lênin: “Cái mà chúng ta thiếu nhất là văn hoá, là năng lực quản lý, về mặt kinh tế và chính trị, chính sách kinh tế mới hoàn toàn bảo đảm cho chúng ta có khả năng xây dựng được nền móng cho kinh tế XHCN. Tất cả “chỉ” tuỳ thuộc ở lực lượng văn hoá mà giai cấp vô sản và của đội tiền phong của nó”. (14)

Văn hoá là phương thức nhận thức hiện thực và đưa ra những kiến giải nhằm nâng cao hiện thực, chủ nghĩa Mác đòi hỏi: “Tư tưởng cố gắng biến thành hiện thực, vẫn chưa đủ, bản thân hiện thực cũng phải cố gắng vươn tới tư tưởng”.(15)
 
Hiện trạng CNXH đang cần có văn hoá để tạo ra những cơ sở vững chắc cần thiết về nhận thức và lý luận cho sự nghiệp xây dựng CNXH nói chung, xây dựng văn hoá XHCN nói riêng.

Điều hệ trọng cần đặc biệt lưu ý đối với những người cộng sản hiện nay là CNXH có thể có những nhượng bộ đối với chủ nghĩa tư bản về mặt kinh tế (hợp tác đầu tư, buôn bán…), nhưng không được phép có bất kỳ một nhượng bộ nào về mặt tư tưởng, về ý thức hệ. Định hướng XHCN là văn hoá, là một bảo đảm văn hoá.

Anbe Anh-Stanh, nhà bác học vĩ đại nhất của thế kỷ thứ XX, cha đẻ của hệ thống công nghệ mới, 6 năm trước khi qua đời, từ giữa nước tư bản phát triển nhất đã viết những dòng tâm huyết: “Theo tôi chính sự què quặt của các cá nhân là điều xấu nhất trong các tai họa của CNTB… Tôi tin chắc chỉ có một cách loại bỏ những tai họa nghiêm trọng ấy là thiết lập một nền kinh tế XHCN kèm theo một thống giáo dục nhằm vào những mục tiêu xã hội” (16).

Xử lý những vấn đề của con người, số phận của con người, tự do và hạnh phúc của con người trước sau vẫn là sứ mệnh văn hoá của cách mạng CSCN.

Lịch sử vẫn tiến lên phía trước.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, áng hùng văn bất hủ vẫn là ngôi sao sáng chỉ đường.

CHÚ THÍCH

(1) Mác-Ăngghen, Tuyển tập gồm 6 tập. Nxb Sự thật Hà Nội, 1980, t1, tr.286.

(2) Sđd, tr.460

(3) Sđd, tr. 559

(4) Sđd, tr. 452

(5) Sđd, tr. 149

(6) C.Mác, Bản thảo kinh tế triết học năm 1844, Nxb Sự thật Hà Nội, 1962, tr.128

(7) Người đưa tin UNESCO N6, 1996, tr.5

(8) Mác-Ăngghen, Tuyển tập gồm 6 tập, Nxb Sự thật Hà Nội, 1980, t1, tr. 567

(9) (10) Sđd, tr.566

(11) Sđd, tr 304

(12) Sđd, t5, tr. 401

(13) Sđd, t4, tr.477

(14) Lênin toàn tập, Nxb Tiến bộ Matxcơva, 1978, t45, tr.74

(15) Mác-Ăngghen, Tuyển tập gồm 6 tập, Nxb Sự thật Hà Nội, 1980

(16) Trích theo Vũ Đình Cự: Hệ thống công nghệ mới và xu thế thời đại. Tài liệu tham khảo, Ban tư tưởng văn hoá TW.
 
×
Quay lại
Top