Tiết kiệm - cần hiểu cho đúng

hatthoc30

Đang từng ngày lớn lên
Thành viên thân thiết
Tham gia
9/12/2010
Bài viết
2.416
Trước khi thực hiện tiết kiệm thì phải hiểu rõ ai cần tiết kiệm và tiết kiệm như thế nào cho đúng, nếu không thì việc kêu gọi tiết kiệm chỉ là phong trào mà không có tác dụng tích cực...
Tôi cho rằng Nhà nước trước nhất phải là người tiết kiệm ở chi tiêu tiêu dùng và hiệu quả trong chi tiêu đầu tư. Lý do thứ nhất là Nhà nước, với khối tài sản quốc dân khổng lồ mới tiết kiệm được nhiều, tiết kiệm mới đáng kể.

Cụ nội tôi thường dặn: “buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. Tôi thường “lý sự” lại với cụ rằng “buôn tàu bán bè hơn là ăn dè hà tiện”. Theo tôi sự thịnh vượng chỉ có được khi lao động tạo ra sản phẩm cho xã hội và chi tiêu hiệu quả.

Gia đình tôi cũng tương đối khá giả, rất tiết kiệm, có khi còn không dám ăn nhưng lại thường là chi tiêu không hiệu quả. Nhà hàng xóm, dường như họ tiêu xài nhiều hơn nhưng lại có vẻ hiệu quả hơn.

Với tinh thần tiết kiệm, gia đình chúng tôi quyết định xây một ngôi nhà gần cấp bốn. Sau đó vì không đạt nhu cầu sinh hoạt gia đình, chúng tôi buộc lòng phải đập đi, sửa lại nhiều lần để cho ngôi nhà khá hơn. Chu trình chi tiêu tiết kiệm được lặp lại nhiều lần với việc xây rồi đập. Cuối cùng tính ra nhà bên cạnh, họ không khá giả hơn chúng tôi nhưng lại đầu tư xây nhà tiện nghi hơn chúng tôi và bỏ ít công sức và ít tiền hơn tính trên tổng thể chí phí và công sức bỏ ra để xây ngôi nhà của họ.

Bài học giữa tiết kiệm và chi tiêu hiệu quả được kéo dài trong hàng chục năm để đi đến kết luận là chúng tôi dù mong muốn tiết kiệm hơn ông hàng xóm nhưng do chi tiêu không hiệu quả nên cuối cùng đã phải bỏ ra một số tiền lớn hơn họ. Không biết đó có phải là một nguyên nhân sâu xa làm cho chúng tôi ngày càng thua kém họ.

Nhà nước xét cho cùng là tập hợp những con người quản trị hoạt động của quốc gia và tài sản của nhân dân. Do vậy, những người quản trị công sản này không được phung phí tiền của của dân, đó mới là tiết kiệm. Không phung phí, tư lợi cũng chưa đủ, với tư cách là người đại diện quản lý và sử dụng tài sản của nhân dân, Nhà nước phải khai thác, đầu tư khối tài sản đó một cách có hiệu quả.

Đạo lý giản đơn là tiêu tiền của người khác thì lại càng phải cặn kẽ và hiệu quả vì lợi ích của họ. Tiêu tiền của nhân dân thì lại càng phải hiệu quả hơn vì lợi ích của hàng chục triệu đồng bào, vì mục đích phát triển lợi ích công cộng. Nhà nước phải cung cấp lợi ích công cộng tốt nhất để người dân có thể kinh doanh và sinh sống trong một môi trường ít tốn kém nhất.

Ví dụ cụ thể, xăng dầu là mặt hàng khan hiếm, đắt đỏ. Thời gian của người dân và doanh nghiệp là tiền của xã hội. Với cơ sở hạ tầng như hiện tại, với tình trạng kẹt xe hàng giờ khắp nơi: có bao nhiêu xăng, dầu, xe cộ đã chi tiêu hoang phí, có bao nhiêu thời gian người dân phải bỏ một cách vô ích, hít khói, bụi và bao nhiêu chi phí liên quan để giải quyết hậu quả của bệnh tật, tai nạn do môi trường ô nhiễm, giao thông rối loạn. Kêu gọi người dân tiết kiệm một đĩa cơm để ăn mì ăn liền thì có đáng gì so với sự phung phí vừa nêu.

Đầu tư hiệu quả mới chính là tiết kiệm. Đầu tư hiệu quả không có nghĩa là giảm đầu tư, mà còn đôi khi phải tăng đầu tư để đặt kết quả kinh tế cao hơn. Thay vì đầu tư dàn trải, Nhà nước và người dân nên tập trung đầu tư vào những sản phẩm, công trình có giá trị mang tính bền vững.

Giá trị bền vững và số chi phí bỏ ra lần đầu cũng là những yếu tố cần phải cân nhắc trong việc thực hành tiết kiệm. Có những việc tưởng chừng như tiết kiệm nhưng thực sự lại hoang phí vô cùng cho đất nước, cho nhân dân.

Tôi nhìn thấy có quá nhiều toà nhà hành chính, công trình được xây dựng với “chủ trương tiết kiệm” rồi sau đó lại bị đập đi để xây lại do không đáp ứng được chất lượng, công năng và tiêu chí mỹ thuật. Cũng với “chủ trương tiết kiệm” những công trình mới lại được xây ra với kết quả không khá hơn là bao và rồi những công trình mới xây ấy cũng có thể phải đập đi.

Sự thật là trong mấy mươi năm qua, dường như chúng ta không có hoặc có quá ít công trình để lại cho đời, kể cả những tượng đài nghệ thuật. Sự phí phạm không chỉ có ở những công trình, những con đường mà có ở khắp mọi nơi kể cả những công trình nghiên cứu khoa học.

Trên thực tế, đã có những con đường được đầu tư vô cùng tốn kém tiền bạc, thời gian và cơ hội kinh doanh của người dân trong khu vực do giải toả đi, giải toả lại chỉ vì những con đường này vừa mới làm xong đã trở nên chật hẹp, lỗi thời. Đó mới chính là sự hoang phí đáng sợ hơn là một vài hành vi trưởng giả.

Việc chống thói xa hoa vô độ, trưởng giả của một nhóm người trong xã hội là cần thiết nhưng phải đúng đối tượng và không làm sai lệch ý nghĩa đích thực của hai từ “tiết kiệm”.

Cũng nên lưu ý, đại đa số nhân dân lao động của mình vẫn còn rất nghèo. Chẳng cần kêu gọi tiết kiệm thì người dân lao động, ngoài những chi tiêu cơm áo hàng ngày họ cũng chẳng có khoản tiền nào dư ra nói chi là phung phí, đặc biệt là trong thời kỳ lạm phát hiện nay, chén cơm nghèo nàn của người lao động mỗi ngày lại vơi đi ít nhiều.

Nếu có ai đó thống kê nơi các nhà hàng, quán nhậu, mát xa, nói chuyện trực tiếp với những người làm việc tại đó, thì mới biết được rằng chỉ có những kẻ xài tiền “chùa” mới thường “xả láng”, còn đa số những người tự kiếm ra đồng tiền bằng chính sức lực của mình sẽ chi tiêu hợp lý và đúng mực.

Hô hào tiết kiệm một cách máy móc, xét trên góc cạnh kinh tế cũng chưa chắc có lợi. Tiết kiệm của người dân chưa chắc đã là một động lực để nền kinh tế phát triển. Lý do đơn giản là: không tiêu dùng thì không tạo ra nhu cầu để kích thích sản xuất phát triển.

Tôi hiểu rằng một trong những căn nguyên của lạm phát là nhập siêu và thâm hụt mậu dịch (trade deficit). Việc hạn chế nhập khẩu là cần thiết nhưng kêu gọi người dân tiêu dùng hàng nội địa, nâng cao chất lượng hàng hoá sản xuất trong nước là vô cùng cần thiết để kích cầu và tăng trưởng kinh tế.
 
×
Quay lại
Top