Tăng học phí, chi vào đâu?

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Ngày 13-7, kỳ họp thứ 10 HĐND TPHCM khóa 8 đã thông qua Nghị quyết tăng học phí đối với các bậc học (trừ tiểu học) với mức tăng từ 3 - 5 lần so với hiện hành từ năm học mới 2013-2014.


images463412_1.jpg
Theo Sở GD - ĐT TPHCM, học phí tăng sẽ giúp hoạt động nhà trường phát triển tốt hơn. Trong ảnh: Học sinh lớp 8 Trường THCS Lý Phong quận 5 TPHCM trong giờ học nghề (môn Điện).

Không dùng để tăng lương giáo viên


Tờ trình tăng học phí của UBND TPHCM tại kỳ họp HĐND TPHCM dựa trên tinh thần của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, việc điều chỉnh học phí được áp dụng với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trực thuộc UBND TPHCM từ năm học 2013 - 2014 đến 2014 - 2015 trên địa bàn TPHCM. Cụ thể, mức học phí ở bậc nhà trẻ tăng cao nhất với 90.000 đồng/tháng ở ngoại thành và 150.000 đồng/tháng ở khu vực nội thành; bậc mẫu giáo từ 60.000 - 120.000 đồng/tháng. Đối với bậc phổ thông, mức thu cao nhất là 90.000 đồng/tháng và thấp nhất là 60.000 đồng/tháng; hệ bổ túc trung học (THCS, THPT) 90.000 - 135.000 đồng/tháng. Theo Sở GD-ĐT TPHCM, mức học phí hiện hành được áp dụng từ năm 1998 là quá thấp so với mặt bằng thu nhập của xã hội. Vì thế, các trường không thể phát huy cơ chế tự chủ tài chính, đầu tư phát triển, đổi mới hoạt động giáo dục theo yêu cầu đặt ra.

Thực tế cũng cho thấy, do mức thu học phí thấp, cộng thêm ngân sách của quận, huyện và TP cấp không đủ nên nhiều trường phải “linh động” vận dụng chủ trương xã hội hóa để tìm thêm nguồn thu khác bổ sung. Tuy nhiên, nếu các khoản thu thêm ở các trường thiếu minh bạch, sử dụng không hiệu quả, hợp lý sẽ dẫn đến việc lạm thu, gây bức xúc trong dư luận và phụ huynh. Chính vì thế, việc áp dụng mức thu học phí mới sẽ giúp các trường có thêm nguồn thu để phát triển hài hòa các hoạt động giáo dục, tạo môi trường dạy và học tốt hơn. Vậy nguồn thu học phí mới có được sử dụng để tăng thu nhập cho giáo viên? Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn khẳng định chỉ chi cho hoạt động giáo dục để trường học phát triển tốt hơn, còn chi tiền lương, thu nhập của giáo viên áp dụng theo quy định hiện hành.

Tuy vui hơn vì được giải tỏa một phần nỗi lo tài chính, nhưng nhiều hiệu trưởng cũng có không ít băn khoăn vì mức tăng học phí lần này cũng tập trung cho hoạt động chuyên môn là chính, còn đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị thì chưa đủ. Mặc dù ngân sách của TP đã ưu tiên dành 26% chi thường xuyên cho giáo dục, nhưng nhiều trường vẫn phải mòn mỏi chờ rót kinh phí để thực hiện dự án cải tạo, đầu tư mới cơ sở vật chất… Như thế, muốn có cơ ngơi trường ra trường, lớp ra lớp thì các trường học không thể không trông chờ khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh như đã từng làm.

Trường tự chủ tài chính sẽ giảm nguồn thu?

Qua thăm dò ý kiến của một số phụ huynh ở khu vực ngoại thành về mức tăng học phí mới, họ cho rằng sẽ chịu áp lực nặng hơn, nhất là những gia đình có hai con nhỏ cùng học bậc mẫu giáo, nhà trẻ hoặc đang học THCS, THPT. Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn cho rằng mức tăng học phí mới tuy cao hơn 3 - 5 lần so với hiện hành nhưng không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân. Bởi lẽ mức thu học phí trước đây quá thấp nên phải kéo lên cho bằng với mặt bằng thu nhập chung của xã hội. Cụ thể, riêng mức lương cơ bản ở khu vực nhà nước đã tăng từ 290.000 đồng/tháng lên trên 1 triệu đồng/tháng và thu nhập ở các khu vực kinh tế khác cũng tăng gấp nhiều lần so với năm 1998. Để giảm bớt chi phí học hành cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, TP và các quận, huyện đều có chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học sinh nghèo đến trường.

Một vấn đề cần đặt ra là việc tăng học phí mới lại không quy định mức thu riêng cho các trường có nguồn gốc bán công - tự chủ tài chính lâu nay vốn thu cao hơn so với các trường công lập. Cụ thể như Trường THPT Lương Thế Vinh quận 1 đang áp dụng mức thu học phí đối với học sinh bậc THCS - THPT là 75.000 - 110.000 đồng/học sinh. Nếu áp dụng mức thu học phí mới thì bình quân mỗi học sinh giảm là 20.000 đồng và tính toàn trường có 3.000 học sinh thì giảm thu 60 triệu đồng/tháng. Như thế, nếu Trường THPT Lương Thế Vinh không được cấp nguồn ngân sách đủ 100% như các trường công lập trên địa bàn quận thì quá thiệt thòi. Giải thích vướng mắc này, ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh rằng cơ chế học phí mới áp dụng chung cho tất cả các trường học ở TP nhằm tăng thêm nguồn thu, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường phát triển tốt hơn. Vì thế, để học phí mới phát huy hiệu quả, Sở GD-ĐT TP kiến nghị TP và các quận, huyện không được cắt giảm ngân sách của các trường bán công đã chuyển qua công lập, thực hiện tự chủ tài chính.

Để việc sử dụng nguồn thu học phí mới đạt hiệu quả, thúc đẩy hoạt động giáo dục tại trường học tốt hơn, các trường đang chờ hướng dẫn cụ thể của TP. Dù đợt tăng học phí lần này chưa thể giải quyết bài toán tăng thu nhập cho giáo viên ở TPHCM nhưng nhiều nhà quản lý giáo dục và giáo viên vẫn ấp ủ hy vọng…
Theo SGGP. ORG
 
×
Quay lại
Top