Tâm sự của những teen 12 quyết định không thi đại học năm nay

Monmunmon

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
1/1/2012
Bài viết
4.527
Chúng ta hãy nghe những nhân vật đặc biệt của năm nay chia sẻ về quyết định "tạm đóng" cánh cửa mang tên Đại học.

Chỉ còn chưa đến 3 ngày nữa là kỳ thi Tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2013 sẽ chính thức bắt đầu. Để chuẩn bị cho lần vượt vũ môn quan trọng nhất trong 12 năm đèn sách, các sĩ tử đều phải trải qua những ngày tháng khổ luyện vất vả. Nào là áp lực trả bài trên lớp, chịu sự kiểm tra gắt gao của thầy cô, áp lực từ kỳ vọng của gia đình, rồi những ngày bị nhồi nhét trong các trung tâm, lò luyện chật kín với hàng trăm người,… Cố gắng vượt qua tất cả những điều đó, cũng là để mong muốn được bước vào cánh cửa mới. Vì với nhiều người, con đường Đại học vẫn là sự lựa chọn an toàn, và dễ dàng nhất.

Vậy với số ít những người còn lại, các bạn ấy đang có suy nghĩ gì khi quyết định không vượt vũ môn năm nay? Họ đã chuẩn bị "plan" gì cho mình mà có thể thuyết phục được gia đình bởi sự lựa chọn táo bạo, và có phần “mạo hiểm” đến như thế? Chúng ta sẽ được nghe những nhân vật đặc biệt của năm nay chia sẻ về quyết định "tạm đóng" cánh cửa mang tên Đại học ấy.

Hiện đang đầu quân cho một công ty người mẫu ở Việt Nam, Phạm Huỳnh Thủy Tiên là một trong số những người chọn không tham gia kỳ thi Đại học năm nay. Theo dự định của Tiên là sẽ chọn một ngôi trường quốc tế, nhưng do trình độ tiếng Anh vẫn chưa thật sự vững chắc, nên Tiên quyết định tạm hoãn năm nay để tập trung thời gian học ngoại ngữ. "Khi đưa ý kiến này với gia đình, mọi người dường như đều ủng hộ và bố mẹ cũng cho rằng như vậy sẽ tốt hơn cho mình sau này. Dù gì có thêm một năm để học thêm thì cũng chắc chắn hơn" - Thủy Tiên chia sẻ.

tam-su-cua-nhung-teen-12-quyet-dinh-khong-thi-dai-hoc-nam-nay.jpg

Thủy Tiên muốn dùng một năm này của mình để tập trung tâm luyện môn tiếng Anh.

Về trường hợp của Thủy Tiên có phần hơi may mắn, vì cô nhận được sự đồng thuận của người lớn ngay từ đầu. Nhưng với Phú Thuận, vừa tốt nghiệp trường THPT Lương Văn Can đã tốn đến hơn 1 tháng để lập kế hoạch thuyết phục mẹ.

Thuận mất bố lúc mới 6 tuổi, lại là con trai cả trong gia đình nên từ nhỏ mẹ đặt rất nhiều kỳ vọng vào Thuận. Suốt 12 năm Thuận luôn nằm ở Top 10 trong lớp. Trước đó, cậu còn luôn cố gắng để trở thành nhà phân tích Tài chính giỏi nhất trong ngành.

"Đến năm lên lớp 11, mình chợt nhận ra rằng, số kiến thức mà có thể thu nhận và áp dụng vào thực tế sau khi tốt nghiệp ở môi trường Đại học là không cao. Trước đó có rất nhiều anh chị đã tốt nghiệp, và đi làm được 2 năm chia sẻ với mình rằng, sau vài năm "bương chải", mọi người mới ngỡ ngàng nhận ra số kiến thức học được ở giảng đường mà có thể áp dụng vào công việc thực tế dường như vượt không quá 30%. Lại còn khi học ở trường, mọi người không được thực hành thường xuyên, nên có khá nhiều thứ khi đi làm rồi cũng không thể nhận ra đó là kiến thức từng được dạy. Nếu may mắn chọn được công việc cùng nghề thì có thể con số ấy sẽ vượt nhiều hơn một chút.

Hơn nữa, mình nhận ra rằng công việc mà bản thân đã chọn cần kinh nghiệm, khả năng thích ứng và mối quan hệ nhiều hơn. Vì thế mình mới quyết định trong một năm này sẽ đi làm các công việc bán thời gian để tích lũy kinh nghiệm, như vậy sau này sẽ tốt hơn.

Có một lần mẹ nói với mình thế này: "Rõ là ngựa non háu đá, không biết lượng sức mình hả con? Ngoài đường đầy đứa thất nghiệp chỉ mong kiếm tiền lên đại học mà bây giờ lo cho nó tới nơi tới chốn thì nó lại không thèm học. Đâu phải nghèo túng hay không thèm lo cho nó đâu mà giờ nó lại bỏ học. Rồi làm sao mà vác cái mặt đi gặp bà con, chú bác,..." Mẹ đã bị kích động như thế sau khi nghe mình rủ rỉ lần đầu tiên. Nên mình đã hứa sẽ làm việc chăm chỉ, bảo lưu điểm số và nếu sau một năm kết quả mình gặt được thật sự không như mẹ mong đợi thì mình sẽ tiếp tục con đường Đại học như mẹ mong muốn".

tam-su-cua-nhung-teen-12-quyet-dinh-khong-thi-dai-hoc-nam-nay.jpg

Ảnh minh họa.

Với học sinh Việt Nam thì việc tạm gác lại con đường Đại học vẫn còn khá mới mẻ. Nhưng ở các quốc gia khác, đặc biệt là châu Âu thì là chuyện không gì đặc biệt, và còn thường được nhắc tới bằng tên gọi "Gap year". Trong khoảng thời gian này, các bạn sẽ được nghỉ ngơi, đi làm thêm, du lịch để tích lũy kỹ năng ngoài cuộc sống thực tế,... hoặc ôn tập để có một bảng Profile thật ấn tượng trước khi ứng cử vào trường Đại học nào đó. Đây cũng là cách mà với các bạn chuẩn bị con đường du học thường chọn để thực hiện.

Bạn Bùi Hữu Khánh, học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân tâm sự: "Năm nay mình chỉ thi xong tốt nghiệp là có một năm nghỉ ngơi, vì sau đó mình sang Đức du học. Mình muốn một năm này tranh thủ tạo cái gì đó ấn tượng cho bản thân, bởi cuộc sống mình trước đây "nhạt" quá. Giờ xem như dành chút thời gian bỏ thêm chút "muối" cho nó đậm đà hơn (cười).

Thấy các bạn trong lớp bơi trong đề cương, tài liệu, sáng sớm bảnh mắt là tới trường, rồi tận 9, 10 giờ khuya mới về nhà, ăn uống thì lại thất thường, đứa nào cũng bảo mình thật sung sướng. Nhưng ngẫm lại cũng thấy mình đã mất cơ hội trải qua khoảng thời gian đặc biệt của đời học sinh Việt Nam rồi".

tam-su-cua-nhung-teen-12-quyet-dinh-khong-thi-dai-hoc-nam-nay.jpg

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên cả 3 bạn đều đồng thuận này cách này có hơi mạo hiểm, vì con đường phía trước chẳng ai biết mình có thành công được hay không. Vì thế, dù có thế nào thì gia đình vẫn là tất cả, trước khi đi đến quyết định, các bạn cũng cần lắm sự động viên, tin tưởng của các thành viên. Nhưng một khi bạn đã quyết định thì nhất định phải cố gắng hết sức mình, và nên dành thời gian suy nghĩ xem bạn đang muốn gì? Nếu bạn hình dung ra được kết quả của câu hỏi "3 năm sau bạn sẽ làm được gì", và lên được một cái "plan" ít ra là cụ thể, thì hãy thử với nó.
Theo Kenh14
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top