Sinh viên, người nghèo "thấp thỏm" lo điện tăng giá

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
avatarid-179077-at-0-ts-300-lm-634920316980630000-695372-7181.png

Sinh viên, người nghèo lo từng bữa ăn. (Quỳnh Trang/Vietnam+)

Từ ngày 22/12, giá điện bình quân chính thức tăng 5% , theo đánh giá của EVN thì mức điều chỉnh này đã được tính toán rất kỹ để không tác động lớn đến sản xuất và tiêu dùng.

Tuy nhiên, với công nhân và người đi thuê trọ thì việc tăng giá điện càng khiến họ cảm thấy “mắc kẹt” bởi mối lo bão giá đang đè nặng trên vai, nhất là dịp Tết sắp đến gần.

Cơm lo từng bữa

Minh Phúc (quê Ninh Bình), sinh viên Đại học FPT Hà Nội, hiện đang thuê trọ ở Cầu Giấy cho hay, ngoài chợ giá cả mọi thứ đều đã tăng chóng mặt, giờ biết tin giá điện tăng, cả xóm trọ xôn xao lo giá cả sẽ leo thang tiếp.

Là sinh viên năm thứ nhất, mọi trang trải từ học hành, tiền thuê trọ đến chợ búa đều phải trông vào cha mẹ, bình thường một tuần, Phúc mua thịt 3 lần nhưng khi giá thịt tăng thì thì khẩu phần ăn cũng được độn thêm bằng rau, dưa và cá khô để tiết kiệm dần.

"Bữa cơm sinh viên của bọn em ngày càng hẻo, thu nhập lại không có, nếu không tiết kiệm thì chắc không thể trang trải hết được”, Phúc nói.

Sự đổ bộ của cơn “bão giá” đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều sinh viên. Đau đầu với việc học trên lớp, về nhà lại phải tính toán sao cho cân bằng các khoản chi tiêu.

Theo Bích Đào (quê Cao Bằng) hiện đang trọ ở ngõ 100 Nguyễn Chí Thanh, do phải vừa học vừa làm nên cô đã phải thuê trọ ngay gần trường để tiện cho công việc. Trước kia, khoảng 4 triệu/tháng mới đủ trang trải cuộc sống và đến nay thì chưa hết 20 ngày Đào đã cuống cuồng để xoay đủ hướng lo chi tiêu.

“Hết xăng tăng giá, thực phẩm tăng giá, bây giờ đến điện tăng giá, lương nhân viên hành chính như mình phải chắt chiu để vừa đóng tiền nhà, điện nước và ăn uống, sinh hoạt thường ngày, biết bao giờ mới có của dành dụm,” Đào nói.

Trong khi đó, gần Tết, giá cả ngoài chợ cái gì cũng tăng chóng mặt. "Rau muống trước 5.000 đồng/mớ nay đã 8.000 đồng, thịt tăng gần 10.000 đồng/kg... Chưa kể hàng loạt các loại thực phẩm khác cứ thế đua nhau tăng đều", Đào than thở.

Lo thân đã khó, nhiều người còn phải nuôi cả gia đình. Như gia đình chị Hiền (nhân viên hợp đồng trực ban ở Viện Khoa học Kỹ thuật Hạt nhân) thì lại ăn bữa nay lo bữa mai.

Với đồng lương nhân viên ít ỏi, chị Hiền (quê Nam Định) cùng chồng và cô con gái 3 tuổi đã phải “thắt lưng buộc bụng” trong căn nhà thuê với giá 2 triệu đồng. Thu nhập của hai vợ chồng trên dưới 5 triệu đồng thì phải chật vật kiếm thêm mới lo chi tiêu đủ cho gia đình.

“Nếu như trước đây, lương hai vợ chồng từ 5-6 triệu đồng nếu chắt chiu cũng tạm đủ để nuôi con, song với tình hình giá cả như hiện nay thì với số tiền đó chỉ mong làm sao không bị thiếu trước hụt sau,
” chị Hiền chia sẻ.

Thấp thỏm trước giá điện tăng

Theo khung giá bán lẻ điện sinh hoạt trước ngày 22/12 của EVN thì giá điện cho 50 kWh đầu tiên là 933 đồng, từ số 101-150kW là 1.457 đồng. Nay giá điện bình quân tăng thêm 5%, ước tính hộ dùng 100kWh/tháng phải trả thêm 6.600 đồng. Hộ dùng 150kWh/tháng phải trả thêm 11.000 đồng, hộ dùng 200kWh/tháng phải trả thêm 16.200 đồng và sử dụng 400 kWh trở lên phải trả thêm 38.200 đồng/tháng.

Tuy nhiên, ngay cả với những quy định mới trên thì những người đi thuê trọ tại Hà Nội cũng chưa bao giờ mua được với mức giá đúng.

Theo Phúc, giá điện tại phòng trọ của em từ trước đến nay đã là 3.500 đồng/số, như vậy bình quân mỗi tháng cậu sinh viên này phải mất từ 350.000 đồng đến gần 450.000 đồng/tháng cho tiền điện.

Còn nếu đúng theo tính toán của giá điện mà EVN công bố thì mỗi tháng cậu sinh viên này chỉ phải bỏ ra khoảng 180.000 đồng, chưa bằng một nửa mức phải đóng hiện nay.

"Nay giá điện bình quân tăng thêm 5% thì không biết nay mai, chủ nhà trọ có tính tăng tiếp hay không," Phúc lo lắng.

Theo tìm hiểu của phóng viên tại một số quận trung tâm như Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm thì giá điện mà người trọ đang phải trả từ 4.000-5.000 đồng/số, còn một số vùng ven ngoại thành khác giá trung bình từ 3.000-3.500 đồng/số.

Như vậy, so với khung giá điện do nhà nước quy định thì người đi thuê nhà đang phải trả cao hơn từ 1,5-2 lần.

Thực tế, câu chuyện về việc tăng giá điện trong các nhà trọ không phải bây giờ mới trở thành vấn đề “nóng”, thậm chí khi chưa có khung giá mới nhiều chủ nhà trọ đã nhanh chân để tăng tiền điện, nước.

Lần điều chỉnh này, dù hầu hết chủ các nhà trọ vẫn còn khá “im hơi lặng tiếng”, nhưng trước mắt, vòng luẩn quẩn về cơm áo gạo tiền tiếp tục là mối lo thường trực của những người đi thuê trọ.

"Biết chủ nhà lấy giá điện rất cao nhưng cũng đành chịu thôi vì ở những nơi khác cũng phải trả như thế, thậm chí còn cao hơn. Giờ chỉ còn cách bớt tiền ăn sáng của con, còn vợ chồng tôi từ lâu đã không có khái niệm ăn sáng nữa rồi", chị Hiền ngao ngán

Theo vietnamplus
 
×
Quay lại
Top