Sinh viên kinh doanh trang trải việc học

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Nhiều bạn trẻ ở Đà Nẵng nhờ công nghệ và tận dụng mạng xã hội đã trổ tài kinh doanh sáng tạo, vừa để kiếm thêm thu nhập trang trải việc học, vừa tự học và trang bị kỹ năng sau khi ra trường.

ImageHandler.ashx
Trần Văn Cảm làm tranh 3D và các sản phẩm handmade.
Ảnh: Hoài Văn.
Tranh 3D từ giấy, đồ trang trí từ... rác

Bạn bè cùng lớp ai cũng nể phục chàng sinh viên cần cù Trần Văn Cảm, SV ngành Ngân hàng (ĐH Kinh tế Đà Nẵng). Quê gốc Quảng Trị, nhà nghèo, lại là anh cả trong nhà nên Cảm ý thức rõ việc tiết kiệm chi tiêu và tạo thu nhập để tự trang trải việc ăn học. Cảm rất khéo tay, cùng niềm đam mê, tìm tòi, sáng chế ra các sản phẩm lạ, đẹp mắt ấn tượng.

Trong căn phòng ở chung khá chật chội, những tờ giấy màu qua bàn tay khéo léo của Cảm trở thành những bức tranh 3D độc đáo, đẹp mắt.

Từ những mảnh giấy decal, Cảm khéo léo biến thành những bức tranh mô tả cảnh thiên nhiên tùy đặt cặp tình nhân, đôi chim bồ câu, những chiếc bánh sinh nhật hay những ngôi nhà kiến trúc độc đáo…theo đặt hàng của khách.

Nét độc đáo của thiệp 3D là các hình ảnh hiện nổi sống động, độc đáo, trở thành món quà ấn tượng bạn trẻ tặng nhau trong những ngày lễ kỷ niệm.

Mỗi ngày sau buổi học, Cảm lại lụi cụi đứng trước cổng trường để chào bán các sản phẩm handmade độc đáo. Mỗi bức tranh Cảm bán với giá 15.000 đồng. Trung bình hàng tháng, Cảm bán được khoảng 100 tấm và bán được nhiều hơn những dịp lễ, Tết.

“Tiền giấy không đáng là bao nhưng mình lấy công làm lãi, vừa tận dụng được thời gian lại có thêm đồng ra đồng vào. Có vất vả làm ra tiền mới thực sự trân quý cho dù đó là từng đồng tiền lẻ”, Cảm trần tình.

Trước khi mở shop hàng handmade, Hằng từng làm thêm tại các quán cà phê, bưng bê cho các quán nhậu nhưng ảnh hưởng không tốt tới việc học.

Vốn khéo léo, có tài vặt trong việc thiết kế các đồ dụng, Thúy Hằng, SV năm 3, Kinh tế phát triển (ĐH Kinh tế Đà Nẵng) lại ăn nên làm ra với các sản phẩm handmade khi thử kinh doanh. Hằng bàn với người bạn thân của cô là Nguyễn Đức Nhật (SV Cao đẳng GTVT Đà Nẵng) góp vốn mở shop.

Những ngày chủ nhật, Hằng và Nhật dạo quanh phố, liên hệ các quán nhậu, gõ cửa các cơ quan đơn vị đi …xin rác, dần dà được nhiều người giới thiệu, cho không các loại rác cô cần.

Nhưng để mở rộng kinh doanh, Hằng liên kết với các tiệm ve chai để mua lại ống, vỏ chai, giấy loại. Cô thiết kế sáng tạo kết hợp sự khéo léo của đôi tay biến chúng thành những chiếc lồng đèn xinh xắn, những chiếc vòng tay, hộp đựng giấy và một số vật dụng trang trí.

“Chúng tôi lập ra một địa chỉ bán hàng trên trang mạng xã hội facebook để giới thiệu các sản phẩm. Sau đó những sản phẩm bắt mắt và thu hút đông đảo khác hàng là các bạn trẻ, “tiếng lành đồn xa”, khách hàng tìm đến ngày càng đông, sản phầm làm ra tới đâu, bán hết tới đó”, Hằng chia sẻ.

Biến đặc sản thành mỹ phẩm có giá

ImageHandler.ashx
Sinh viên Nguyễn Lê Hiền Vy.

Sinh viên sư phạm giờ đã quen với “thương hiệu” Dầu dừa Đồng Thoại và hình ảnh cô sinh viên duyên dáng, tự tin và khéo léo trong giao tiếp Nguyễn Lê Hiền Vy, SV năm 4 chuyên ngành báo chí (ĐH Sư phạm Đà Nẵng). Được thừa hưởng bà nội từ bài học xức dầu dừa truyền thống để đẹp tóc đẹp da, Hiền Vy nhanh chóng biến bí kíp đó thành sản phẩm kinh doanh.Cô sinh viên quê Thăng Bình (Quảng Nam) mỗi lần đi học về lại cùng bà hí húi với bếp củi, dừa trái, lò đun, chế biến từng mẻ dầu dừa sao cho vừa ý. Chọn những trái dừa già nạo lấy cùi, bắc bếp đun nhỏ lửa, rồi ép lấy những giọt tinh dầu. Loại dầu dừa chế từ tự nhiên nên rất tốt cho cả da, tóc.

Ban đầu Hiền Vy tự làm để dùng, thấy hiệu quả và được bạn bè chuyền tay sử dụng, ai cũng ủng hộ, khuyên Vy nên mở cửa hàng bán. Vy lập facebook với địa chỉ Đồng Thoại để giới thiệu sản phẩm dầu dừa của mình. Bạn bè truyền tai nhau, sản phẩm dầu dừa của Vy nhanh chóng được nhiều người biết đến, phần lớn là sinh viên.

Vy chia sẻ, nhờ kinh doanh dầu dừa mà em có thêm thu nhập chi tiêu cho việc học thêm tiếng Pháp buổi tối, mua sách vở, các khoản chi tiêu cá nhân. Mỗi lọ dầu dừa 100ml, Vy bán với giá 89 ngàn đồng, lọ dùng thử là 30 ngàn đồng. Tiếng lành đồn xa, dầu dừa của Vy được nhiều bạn trẻ biết đến, tìm mua.

Từ khi kinh doanh dầu dừa, mỗi tháng Vy có thêm khoảng 2 – 3 triệu đồng, đủ cho Vy trang trải cho khóa học tiếng Pháp, mua sách vở, và chi tiêu mỗi ngày. “Vui nhất là mỗi lần về có quà cho nội, cho em mà không phải xài tới khoản tiền mẹ gửi”, Vy nói.

Từ khi bắt tay vào kinh doanh khiến Vy cũng học được nhiều điều ngoài trường lớp. Không còn là cô gái rụt rè nhút nhát, Vy học được nhiều từ cách giao tiếp, các kỹ năng thuyết phục, lên kế hoạch sắp xếp công việc cho phù hợp.
Theo Tienphong
 
×
Quay lại
Top