Sinh viên hào hứng tham gia kịch tương tác

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Các bạn trẻ được thể nghiệm vai trò đạo diễn, diễn viên của vở kịch 'Sô cô la đắng' nhằm tuyên truyền 'quyền sống an toàn của phụ nữ và trẻ em gái'.

Chiều 28/3, đông đảo sinh viên các trường đại học tại Hà Nội như Sư phạm I, Lao động Xã hội, Văn hóa… tham gia vào vở kịch tương tác “Sô cô la đắng”. Dự án được trung tâm Life Art hỗ trợ kỹ thuật, nằm trong chuỗi hoạt động “Quyền sống an toàn của phụ nữ và trẻ em gái” 2013.

Dưới sự điều phối của Phan Ý Ly - giám đốc trung tâm kịch thể nghiệm Life Art, các bạn sinh viên được tham gia một màn “khởi động” để làm quen với kịch tương tác. Sau đó, vở “Sô cô la đắng” diễn ra hoàn toàn ngẫu nhiên, đầy bất ngờ, không một ai biết trước kịch bản, nhưng cũng hết sức tuần tự. Tình huống kịch đưa ra là có hai anh em (anh trai và em gái) không còn cha mẹ. Họ từ nông thôn ra sống trong một phòng trọ ở thành phố, người anh chăm chỉ đi làm và chăm lo cho cô em gái học đại học. Từ đó vở kịch được phát triển dần dần, qua mỗi “màn”, mỗi chi tiết đều theo ý của “đạo diễn” là các bạn sinh viên. Diễn viên đảm nhận các vai trong vở kịch cũng là sinh viên, hoàn toàn không được ấn định trước, và sau mỗi màn lại thay đổi người diễn.

tuong-tac-2-jpg-1364545667_500x0.jpg
Đông đảo sinh viên tham gia kịch tương tác “Sô cô la đắng”.
Nếu như trong đoạn người anh trai bị tai nạn giao thông, cô em gái quen được chiều chuộng là người phải chăm sóc anh, do một sinh viên đảm nhiệm; thì đến đoạn những diễn biến tâm lý phức tạp của việc anh trai - em gái sống chung phòng trọ lại do sinh viên khác thể hiện.

Tương tự, tình tiết vở kịch cũng phát triển hoàn toàn ngẫu hứng như vậy. Khi các diễn viên diễn tới cảnh người anh gặp tai nạn, điều phối viên đưa ra câu hỏi dạng: Theo các bạn, người anh trai có bị tai nạn nặng không? Cảnh tiếp theo sẽ diễn ra ở đâu? Nhà trọ, bệnh viện, hay nhà hỏa táng…? Ngay lập tức các sinh viên đưa ra nhiều ý kiến khác nhau và nội dung vở kịch được chọn theo đa số.

Cứ như thế vở kịch diễn ra hoàn toàn ngẫu hứng, bất ngờ và sáng tạo, với diễn tiến bám sát hơi thở, cuộc sống của các bạn trẻ. Trái với sự thưởng thức thụ động khi xem kịch truyền thống, các bạn sinh viên hào hứng xem, đưa ra ý kiến và xung phong diễn trong “Sô cô la đắng”.
tuong-tac-1-jpg-1364545667_500x0.jpg
Chính các bạn sinh viên vừa là khán giả, vừa là diễn viên và đạo diễn cho vở kịch nhiều ý nghĩa này.
Bạn Nguyễn Thị Quỳnh - sinh viên khoa Văn hóa học, trường ĐH Văn Hóa, người từng tham gia nhiều chương trình cộng đồng cùng các hoạt động xã hội - chia sẻ: “Khi mới tới xem tôi rất bất ngờ vì một vở kịch mà sân khấu hầu như chưa có gì, diễn viên, đạo diễn cũng không có. Thế mà khi diễn ra, nội dung vở kịch lại rất sâu sắc, sự tham gia tương tác của các bạn đã khiến vở kịch thật hơn rất nhiều”. Còn bạn Tuấn - sinh viên trường Bách Khoa chia sẻ đây là lần đầu đi xem kịch tương tác. “Mọi người thường nói sinh viên Bách Khoa ít quan tâm đến các hoạt động xã hội. Qua một người bạn, em biết đến chương trình này và tới tham gia, vì muốn hiểu thêm về cuộc sống của mọi người xung quanh, cách ứng xử của các bạn với chủ đề bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em gái”.

Hầu hết sinh viên đều hào hứng sôi nổi tham gia vở kịch và cho rằng kịch tương tác rất thú vị. Sự điều phối của Phan Ý Ly đã giúp cho vở kịch ngẫu hứng này không lộn xộn mà còn đưa ra nhiều thông điệp ý nghĩa. Tuy nhiên, chính các bạn sinh viên - khán giả - diễn viên - đồng đạo diễn là những nhân tố chính làm nên sự thành công của vở kịch mang nhiều ý nghĩa cộng đồng này.

tuong-tac-3-jpg-1364545667_500x0.jpg
Phan Ý Ly (người cầm micro) - điều phối viên của vở kịch.
“Sô cô la đắng” là một trong chuỗi sự kiện được mạng lưới Phòng chống bạo lực gia đình Việt Nam phối hợp với Mạng Giới và Phát triển Cộng đồng tổ chức. Bên cạnh đó, chuỗi hoạt động “Quyền sống an toàn của phụ nữ và trẻ em gái 2013” còn nhiều hoạt động khác như tuyên truyền, vận động, triển lãm, trưng bày, vẽ tranh, sân khấu…
Theo Vnxpress
 
×
Quay lại
Top