Sinh viên cơm bữa, rượu ngày

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Biết tôi có ý định tìm hiểu “phong độ” nhậu của sinh viên Huế hiện nay, Nhật, sinh viên năm 2 Trường ĐHKH Huế rung đùi nói mát: “Chi chớ cái nớ thì dễ ẹc, nhất là thời tiết nóng bức như thế này”.

ImageHandler.ashx
Gần 20 quán nhậu “đóng đô” trên một đoạn vỉa hè đường Hà Huy Tập (Huế).
Uống và nhìn

18 giờ 30, Nhật đã phát “tín hiệu” qua tiếng còi xe nhấn nhá theo nhịp điệu. Mất dăm bảy phút, vỉa hè đường Hà Huy Tập (TP Huế) đã hiện ra, ngờm ngợp quán. Tiếng chủ quán trạc tứ tuần vồn vã: “Vào ngồi đây hai chú. Bên này nè. Mấy đứa bạn em đợi em trong tê Nhật tề”. Té ra, Nhật thuộc diện “bầm đi vì rượu bữa”, là khách ruột của quán này.

Sau những “nghi thức” làm quen dân dã với 4 thành viên khác đang chờ sẵn. Thành, chàng sinh viên dong dỏng nãy giờ nhìn tôi bằng nửa con mắt cất lời: “Răng đến muộn rứa hai “bác”. Thôi vào ba ra bảy chứ còn chờ chi nữa”. Rồi như sợ chúng tôi cướp lời anh ta nói luôn một mạch: “Nói rứa chứ phạt lấy bia đâu mà uống. Thôi hai bác “trình làng” một ly thôi nhé. Hôm ni bia ít... tạm tha”.

Ngồi quanh chiếc bàn nhậu tối ấy là 5 chàng sinh viên. Ai cũng đô con, riêng tôi là... lùn tịt, gầy còm. Mới “dạo” vài ly mà đã thấy đầy bụng lắm rồi. Cả hai tiếng nhậu mà chẳng thấy ai nói một lời, ngoài những câu nhát gừng, những cái đá chân, chỉ chọc... Muốn cho bữa nhậu đỡ nhạt, tôi hỏi: “Các chú chắc là khách ruột của quán này, sao lại thích ngồi ở đây vậy?”. Truyền, mặt trắng như con gái trả lời như đùa: “Nhậu ở đây thoáng mà giá cả lại... sinh viên. Bọn em nhậu ở đây đến nỗi mỗi khi vác mặt đến thì chủ quán chỉ việc nhìn rồi làm mồi, lấy bia rượu ra. Với lại, con đường này các ả chân dài, váy ngắn đi qua nhiều lắm. Uống và nhìn thôi, chẳng cần mồi mẹc chi cũng được”. Cả lũ phá ra cười “đúng, đúng đấy”...

Đảo mắt nhìn quanh, tôi thấy dọc theo vỉa hè đoạn đường này có rất nhiều quán nhậu nằm sát kề nhau. Mỗi bàn có từ 2 đến 7 người nhưng đa số là lớp trẻ. Ranh giới giữa các quán được xác định theo đường dây cước căng dọc trên làn cỏ, nhiều khi tỏ ra vô tác dụng trước những bước đi xiêu vẹo, ngả nghiêng của các đệ tử Lưu Linh.

Lâu lâu chiếc xe trật tự đô thị rảo đến khiến cả đoạn đường rối như cảnh chạy giặc. Người nhắc xe, kẻ thì vác bàn chạy. Xong, khi xe trật tự đi qua... đâu lại vào đấy. Bán vẫn bán mà “dzô” vẫn “dzô” như thường.

ImageHandler.ashx
Bên cầu An Cựu.
Hết bia thì chơi... rượu

Sau chừng 5 tiếng đồng hồ ngồi ê mông để bàn chuyện bù khú và ngốn hết hơn hai két “Huda... trâu”, Nhật lắc cái ly chỉ còn trơ cục đá nói như ra lệnh: “Anh em An Cựu thẳng tiến”. 10 phút sau, cả bọn rẽ vào một quán vỉa hè bên tả cầu An Cựu. Lại là những cái tên được chủ quán “nhắc lại từng tên một”. Cầm trên tay cái chai nhựa có nước màu vàng vàng, tim tím, đang đoán già đoán non không ra thứ nước kia là gì, thì anh chàng mặt trắng (bây giờ mặt đã đỏ lừ) nói nghe như hát: “Hết bia thì ta chơi sang... rượu thuốc. Chiết tửu đi hỡi các bạn vàng”.

Theo nhóm nhậu cùng bàn, ở Huế có rất nhiều quán nhậu phục vụ thâu đêm như ở bên cầu Trường Tiền, Ga Huế hay các quán ở đường Trần Phú, Hà Huy Tập... Đối tượng phục vụ ưu tiên nhất vẫn là sinh viên, vì rẻ. Với những khách quen như nhóm của Nhật, đôi khi quán cho nợ mà chẳng cần... thế chấp gì.
Nghe kể đến đấy, Nhật lè nhè “ca”: “Thương làm sao bà chủ quán tốt nì. Thương làm sao những gốc cây xù xì...”.

Hỏi ra mới biết, xuất xứ các câu ấy từ việc hầu hết các các quán vỉa hè ở Huế thường không có nhà vệ sinh, nên bờ tường rêu, gốc cây gồ ghề giúp họ “giải tỏa những ấm sức bất chợt”. Thấy cô gái chạy bàn trẻ trung bưng mồi đến, Nhật huơ huơ chai rượu: “Rượu có cồn không?”. Cô gái tủm tỉm cười đáp lại bằng giọng Quảng Trị: “Eng nói chi lạ. Rượu mô ở Huế đây mà chẳng có cồn. Vấn đề là nhiều hay ít cồn thôi. Eng có cần, em pha thêm cồn cho”. Nghe cô ta nói vậy tôi hết hồn và bắt đầu sờ sợ cái nước có màu vàng vàng, tim tím kia! Còn Nhật thì chắp tay vái vái rồi nói khẽ: “Đầu độc người ta à?”.

Những “đệ tử Lưu Linh” như Nhật, Tuyền, Thành đều không thích rượu có nhãn hiệu hay bán ở vỉa hè như Thủy Dương, “Xê-chu”... Lý do rất đơn giản, nhẹ thếch, uống chỉ no chứ không say. Vậy nên rượu thuốc, rượu Tân Long (Quảng Trị), Bàu Đá (Bình Định), Can Lộc (Hà Tĩnh)... họ thuộc đến nằm lòng.

Ngồi lai rai đến gần 3 giờ 30 sáng và “quất” hết 2 hai chai “vỏ 0 độ, ruột 35 độ” ai nấy đều say dúi dụi. Chạy xe máy về xóm trọ mà chân tay các chàng rối như tập đi xe đạp vậy! Thế mà đi được một quãng, anh chàng nào đó nói vọng lại: “Mai hẹn giờ, chúng ta đi kiểm tra đó nghe...”, sắp chia tay nghỉ hè rồi.
Tôi chột dạ. Còn Nhật thì cười: “Sinh viên cơm bữa, rượu ngày mà...”.
Theo Tienphong
 
×
Quay lại
Top