Sài Gòn trong mắt ai...

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
Lần đầu tiên biết tới Sài Gòn là khi nào, tôi cũng không còn nhớ nữa. Có lẽ cái tên thành phố xa lạ ấy đã trở nên rõ nét hơn, khi tôi có hai người bạn mới khi học lớp năm. Bạn người Sài Gòn, ra ở với người bác ruột là dân tập kết, cũng là hàng xóm nhà tôi.

000-lhyw.jpg

1. Sài Gòn xa

Ấy là khi tôi khoảng 11,12 tuổi gì đó. Cũng có thể, tôi làm quen với Sài gòn qua những cuốn truyện nhỏ xíu, bìa đầy màu sắc ( thứ xa xỉ mà ở thời bao cấp Hà nội, hiếm khi thấy trong những ấn phẩm in trong nước). Những cuốn sách chỉ lớn hơn lòng bàn tay mà bố đi công tác mang ở Sài Gòn ra. Cả một thế giới xa lạ nhưng đầy cuốn hút nằm trong những trang sách ấy.

Màu sắc bắt mắt, cách hành văn lạ lẫm, những từ ngữ giàu hình ảnh và mang tính biểu cảm cao, chưa từng được nghe, những địa danh, những thói quen sinh hoạt, món ăn… chưa từng được biết, nhưng lại có sức cuốn hút ghê gớm của một miền đất lạ. Cũng có thể tôi làm quen với Sài gòn qua bộ phim đình đám Mối tình đầu, với Thế Anh và Như Quỳnh trong vai chính của một chuyện tình đã lấy đi bao nước mắt của khán giả thời đó. Tôi cũng không rõ. Sài gòn dù sao vẫn thật là xa, và càng xa mãi từ ngày tôi đặt chân lên xứ tuyết. Trong những giấc mơ về quê hương của thời tuổi trẻ, không có tên thành phố ấy.

11fnfs-kkos.jpg

2. Sài Gòn gần

Tôi vẫn còn nhớ, lần kiếm tiền đầu tiên của tôi từ kiến thức của mình ở xứ người, là vào năm học thứ ba. Lần đi dịch đầu tiên cũng là lần đầu tiên tiếp xúc với người Sài Gòn, những anh hai Nam Bộ. Nói cười rồn rảng, chân thành tới bến và nhậu tới nơi. Cho tới giờ tôi vẫn còn nhớ một anh đã chỉnh tôi về mặt từ ngữ : Ở Sài Gòn, người ta nói “ tụi anh” chứ không nói là “ bọn anh “ đâu, em nói như vậy anh thấy bị xúc phạm đấy! Cám ơn anh về lời nhắc nhở rất thẳng thắn, rất Sài Gòn ấy. Nhờ vậy mà sau này tôi đã hội nhập rất nhanh ở những nơi xa lạ, và rất có ý thức để ý những người xung quanh mình. Nhờ vậy, mà tôi thấy mình gần hơn với người Sài Gòn.

Lần tiếp xúc thứ hai với “người mình” ở xứ người thật chẳng vui vẻ gì. Đó là vào năm học cuối cùng của đời sinh viên. Khi ấy tôi đã nhiều lần đi dịch cho Intertext, một tổ chức dịch thuật của Đức. Lần đó là một trong nhiều đợt hải quan Đức tịch thu những mặt hàng mà thợ khách Việt Nam nhập khẩu trái phép vào Đức. Áo thêu, quần bò, những chuỗi vòng ốc, là những mặt hàng phổ thông nhất mà dân mình hay mang theo để hy vọng bán, gỡ gạc lại những chi phí cho chuyến đi đầy đắt đỏ và khó nhọc. Tôi sẽ không bao giờ quên được gương mặt chất phác của người thanh niên quê ở Hóc Môn ấy, khi anh hồn nhiên trả lời câu hỏi về ba giỏ cần xé anh mang theo.

“Thơm cô ạ, là trái thơm và muối Tây Ninh, người ta bảo mang theo bán cho tụi Tây, có lời lắm”.

Cổ họng đắng nghét, không một từ tiếng Đức nào thốt lên nổi, thương quá ta ơi! Lần đó tôi đã phá lệ, tường trình và xin hải quan Đức tha cho anh. Tôi lại thấy Sài Gòn không còn xa nữa.

d3t5575resizecegq-wcgd.jpg

3. Sài Gòn trong mắt ai

Và cuối cùng, tôi cũng đã ở Sài Gòn. Bài báo đầu tiên tôi viết về Sài Gòn mang tên “ Duyên nợ với Sài Gòn” là vào năm 2005. Cho tới nay, thời gian sống ở Sài Gòn đã dài hơn ở thành phố quê hương. Công việc buộc tôi (nhưng cũng là sự tự nguyện) phải nghiên cứu về TP này. Sài Gòn với tôi là những giây phút trống ngực đánh lô tô khi ngồi xích lô đi trong những con hẻm chằng chịt lam lũ quận tư những năm 80, ngang qua chợ Cầu Mống ngày ấy sặc mùi gà vịt chó mèo, ngang qua những căn nhà hộp diêm tối và kín như bưng đầy bí ẩn.

Sài gòn với tôi cũng là khu trung tâm Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi sáng choang sầm uất, với nhà hát Thành Phố, rạp Eden, rạp Rex, nhà hàng Maxim, Givral và Brodard. Là những phút thấy mình bị nuốt chửng trong làn khói bụi và chìm nghỉm trong tiếng còi xe chát chúa bên tai. Nhưng Sài Gòn cũng là những sáng ngắm thời gian lãng đãng qua khung cửa cao xanh, nghe chim hót trong bảo tàng thành phố. Là mùi ẩm mốc xưa cũ trong bảo tàng mỹ thuật - nhà chú Hỏa ngày nào, hay là những hoa văn mosaic như những đôi mắt nhìn đau đáu trên nền thương xá Tax. Là một sớm tinh mơ một mình một xe, để thấy không khí ngưng đọng thành vòm trên những tán cây đường Nguyễn Du...

Tôi không sinh ra nơi đây, có lẽ cũng như hàng triệu dân ở thành phố này. Giọng nói của tôi không giống giọng Sài Gòn, và cảm nhận của tôi về thành phố này cũng khác những người đã ở đây bao nhiêu thế hệ. Nhưng ra Hà Nội, người ta vẫn nhận ra: "chị ở Sài Gòn". Tôi cũng thấy, có điều gì đó ít nhiều "Sài Gòn” trong mình và những người giống mình. Có chút gì đó mà thành phố này ảnh hưởng lên những cư dân của nó, và ngược lại. Với tôi, sức mạnh của thành phố này chính là sự cởi mở, cái ạt ào, sôi nổi, đầy cuốn hút.

Nhưng sự cuốn hút đặc biệt làm nên bản sắc của Sài Gòn là gì, bạn biết không? Theo tôi, đó chính là sự song hành của những gì tưỏng như mâu thuẫn: cũ và mới, giàu và nghèo, hồn nhiên và nhạy bén, cà fê và trà đá... Đôi khi tôi thấy như mình đang đọc một cuốn sách. Có những trang thật hay, thật hồi hộp. Cũng có những trang làm mình chỉ biết lắc đầu. Nhưng chưa bao giờ cuốn sách ấy làm tôi nản lòng. Lịch sử từ cái tên Sài Gòn, sự hình thành của đô thị từ một làng chài thế kỷ thứ 17 tới nay, những ngôi nhà cổ kiểu Pháp bên những cao ốc ngày càng hiện đại hơn, xe bánh mì buổi sáng, xe hủ tíu đêm và quán cơm tấm đầu hẻm, Starbucks và Cà fê bụi, những cô gái văn phòng năng động hay những bà má bán rau trong chợ..., tất cả đã làm nên một bức tranh Sài Gòn đầy màu sắc trong tôi.

Sài Gòn ngày nay đã là một đại đô thị. Bộ mặt của phố đã có quá nhiều đổi thay. Có những đổi thay làm ta tự hào, có những đổi thay làm ta đau đớn, thậm chí đau đớn như khi mất một người thân. Nhưng nếu coi phố là người, bạn cũng sẽ chấp nhận điều ấy như chấp nhận lẽ vô thường, phải không? Mặt khác bạn cũng sẽ lại thấy mình cứ cố gắng hết sức để cứu nhà, cứu phố, như cứu một người thân, phải vậy không? Vì cuộc sống là một dòng chảy không ngừng, là sự nỗ lực không ngừng. Và vì, bạn là người Sài Gòn mà!

Cũng không biết từ bao giờ nữa, mỗi khi giới thiệu với khách nước ngoài về thành phố nơi tôi sống, dù nói về những điều tốt hay chưa tốt, bao giờ cũng có một cái gì đó như một sự tự hào, như một tình cảm rất đỗi mến thương, như khi kể về người thân của mình... Có anh bạn tỉ mẩn ngồi đếm những bài viết của tôi, và “ghen tị” phát hiện ra rằng, tôi viết về Sài Gòn nhiều hơn những tỉnh, thành khác.

Với Hà Nội, nơi tôi sinh ra, mọi thứ cứ đương nhiên ngấm. Nhưng Sài Gòn với tôi, luôn là sự khám phá không ngừng. Nếu như Hà Nội là một tình cảm tự thân, thì Sài Gòn là sự đam mê đầy lý trí.

Đó là Sài Gòn trong mắt tôi!


Trần Thùy Linh. (Ảnh: TL)
Theo Một Thế Giới
 
×
Quay lại
Top