Quỳnh hoa dưới trăng

aptx4869

Làm dâu trăm họ
Thành viên thân thiết
Tham gia
9/5/2011
Bài viết
2.887
Hội trường nằm ở lầu hai, kế bên mấy phòng tập thể thao, thể hình, và một quán cà phê sân vườn khá đẹp. Quỳnh cũng không biết đã lấy đâu ra can đảm để dấn thân vô cái môn học chẳng mấy tốt đẹp gì trong suy nghĩ của mình trước đó: nhảy đầm.
Bởi riêng cái tên thôi cũng đã gợi mở, gợi cảm, gợi… đủ thứ. Đồng nghiệp trong công ty Quỳnh vẫn quen gọi khiêu vũ bằng cái tên bình dân và dễ phản cảm đó, kèm theo thái độ nửa dè bửu, nửa ganh tỵ, thêm một chút thèm muốn len lén. Ồ thì, bà Thảo biết nhảy đầm đấy nhé, lần liên hoan nào bả cũng nhảy chung với sếp. Điệu đó, bài đó, bao năm rồi sếp vẫn điệu đó bài đó. Nhưng Quỳnh không nghĩ đến việc đi học, hay tơ tưởng đến cái đoạn nhảy đầm với sếp. Đàn ông bụng bự đầu đất, Quỳnh không ham. Đàn ông đẹp trai phong độ, Quỳnh cũng không ham. Đàn ông thông mình, giàu có gì gì đi nữa, hay gộp hết mọi đức tính tốt đẹp của đàn ông trên đời này lại, Quỳnh cũng không ham. Quỳnh dường như đã trở nên vô cảm mất rồi, từ lúc…
Nhưng âm nhạc bên trong hội trường cám dỗ quá, thôi thúc quá. Khi Quỳnh đứng xớ rớ ngay cửa để xem già trẻ lớn bé trên sàn quay cuồng, tập tành, dẫm đạp lên chân nhau, cái loa đang phát hết công suất một bài nào đó, Quỳnh cũng không biết tên. Nhưng ít ra Quỳnh cũng nhận biết được điệu tango, nhờ vào tiết tấu đặc biệt của nó. “Đời vắng mấy cung nguyệt cầm cũng chẳng ai hay. Đời cách xa bao ngày vui thơ ấu rồi…”*
Giọng Khánh Ly khàn khàn và da diết. Quỳnh ngay lập tức quyết định không học erobic như dự kiến, cô phải bước chân vào cái hội trường này, đắm mình trong mớ âm thanh mở lớn hết cỡ đó, để chân cẳng thỏa thích chạy nhảy cái đã, rồi ra sao thì ra. Lòng tự nhủ lòng, “nhảy đầm” thì cũng vận động, cũng tan mỡ bụng, cũng bớt xì trét, cũng quen biết thêm mấy bà chị, bà cô, bà bạn cho đời bớt tẻ nhạt, thế thôi. Hà cớ gì phải bạc đãi bản thân thêm nữa, bị người bội bạc vẫn chưa đủ hay sao, mà mình còn phải tự ra tay mới thỏa chí hài lòng?
Nghĩ được như vậy, Quỳnh phởn phơ thấy rõ khi chìa cái biên lai cho người đeo bảng tên đang đứng đón “gà con lạc mẹ”. Người đó bèn quay vào trong, gọi lớn:
- Lớp một nè, thầy T. ơi!
Hai bên nhìn nhau. Anh thầy phác một cử chỉ thân thiện, mỉm cười và gật đầu chào. Quỳnh đứng trân trân tại chỗ, nhìn. Trong vài giây, dường như nhận ra thái độ của mình không mấy giống học trò “lớp một” lắm, Quỳnh cũng khẽ cười, thản nhiên bước vào, chính thức nhập môn “nhảy đầm”.
Cửa sổ và một trong mấy cửa lớn hội trường mở ra cái sân vườn lố nhố cây kiểng và hoa hòe hoa sói gì đó, Quỳnh cũng chưa từng ngắm kỹ. Chỉ biết là có một cây quỳnh hoa, vì nó cùng tên với mình. Đời hoa ngắn ngủi, đời Quỳnh buồn tênh. Cô thoáng có ý nghĩ đó. Dù thói quen thờ ơ mỏi mệt dường như vẫn còn ngấm ngầm trong Quỳnh, từ dạo…
Bạn bảo, đàn ông ở đó thường. Nếu thành đạt, giàu có, dân chơi, đã đi vũ trường. Đa phần là công nhân viên chức, mày đừng mong tìm được một người xuất sắc. Còn đàn bà đến nơi này vì cô đơn. Vì hôn nhân có vết rạn gì đó. Vì đang tuổi hồi xuân. Vì thèm một cơ hội giao tiếp. Vì chưa tìm được một chỗ neo đậu, mải mong một người nào đó nên vào nhầm chỗ. Đàn ông đến sàn nhảy vì rảnh rỗi. Vì vô tâm ích kỷ bỏ mặc vợ với vô vàn việc không tên ở nhà. Vì muốn “ôm” miễn phí, tào lao miễn phí, quen biết miễn phí. Và biết đâu, lại còn xơ múi được cái-gì-đó miễn phí, nếu may mắn. Cái-gì-đó, thì chắc là ai-cũng-biết-đó-là-cái-gì.
Xét theo mấy chuẩn kể trên, Quỳnh có vẻ như đều không đạt. Quỳnh chắc cũng còn lâu lắm mới đến cái giai đoạn hồi xuân, khát tình. Quỳnh càng chẳng dư thời gian để mà giết. Quỳnh không thiếu bạn bè, đồng nghiệp, đối tác, hàng xóm, anh chị em để mà hàn huyên tám chuyện. Còn cô đơn ư… quả là Quỳnh có cô đơn thật. Ngoài bạn ra, hầu như Quỳnh chẳng thể mở lòng, chia sẻ với ai được nữa. Bạn là cái chỗ dựa mà mỗi lúc chông chênh Quỳnh xác xơ tìm, chỉ cần thấy Quỳnh gọi là bạn tất tả chạy đến, đủ để cô tự an ủi mình rằng, ít ra, vẫn còn có bạn.
Dù đôi khi bạn cũng cáu kỉnh hỏi, sao mày kén thế, khó thế. Người vậy, mày còn chê chỗ nào, hử? Đó là khi Quỳnh vừa trở về sau một chầu làm quen tìm cơ hội do bạn “dắt mối”, và Quỳnh suốt buổi chỉ ngồi ơ hờ, tẻ nhạt, đơn điệu, trống rỗng, ngu ngốc. Đó là những cảm giác của Quỳnh, chứ nhân vật được bạn dắt đến coi mắt Quỳnh chắc còn ngao ngán và sử dụng nhiều tính từ biểu cảm hơn. Quỳnh chẳng khách sáo gì mà không nghĩ, chắc bọn hắn sẽ cho rằng Quỳnh hâm, đã xấu còn đóng vai buồn, chẳng hạn.

***

Quỳnh đã thay đến đôi giày thứ hai rồi. Đôi đầu, vì chưa quen, vì kết cấu không phù hợp với mục đích nhảy múa của Quỳnh, nên nhanh chóng bị hư. Quỳnh cũng đã quen với việc được một người đàn ông xa lạ nào đó nắm tay, dìu đi những bước bỡ ngỡ. Quỳnh vẫn nhớ lần đầu tiên được anh thầy dìu. Không dám dùng tới chữ run rẩy, nhưng quả thực tim Quỳnh loạn nhịp, Quỳnh có cảm giác mình không làm chủ được bản thân, cô luống cuống và bối rối. Mà nơi này đâu phải để dành cho mấy người rụt rè bẽn lẽn phô diễn vẻ thẹn thùng của mình. Nên Quỳnh tự xét, chắc là mình lố bịch và trông giống như đang cưa sừng mấy lần lắm. Anh thầy dường như cũng ngạc nhiên thì phải. Nhìn Quỳnh cũng đâu giống như gái đồng trinh, chưa từng đụng vào đàn ông bao giờ. Quỳnh không ít lần bắt gặp ánh nhìn ngạc nhiên xen lẫn dò hỏi khi hai người tình cờ chạm phải cái nhìn của nhau. Trong tích tắc đó, lòng Quỳnh thường chùng xuống, mênh mông một nỗi gì khó tả… Quỳnh tưởng như mình đang soi vào quá khứ nhiều nỗi buồn, nhiều nỗi thất vọng, và nhiều nỗi khốn khó ít ai hình dung hết được của một bà mẹ đơn thân.
Mơ hồ, một cảm xúc nào đó đã ngủ quên, tưởng đã lùi lại xa xôi, đã không còn hiện diện trong Quỳnh vừa mới thức dậy. Quỳnh nhận ra bàn tay mình vẫn có thể bối rối, vẫn có thể mềm dịu đến thế. Nhận ra mình chăm chút đến bản thân hơn, mỗi tối hai tư sáu Quỳnh biết phân vân khi mở tủ áo, bàn tay Quỳnh lựa chọn trong mớ chai lọ tìm một mùi nước hoa dịu ngọt. Quỳnh nhận ra mình vẫn còn có thể xao xuyến khi đứng gần một người đàn ông đến thế. Cô ngỡ ngàng và bức bối nhận ra mình nghĩ và quan tâm đến anh thầy nhiều quá. Quỳnh sốt ruột nhìn những giọt mồ hôi ướt đẫm lưng áo giữa buổi tập. Và khi nhớ ra mình khát nước, Quỳnh đã nghĩ ngay đến anh thầy, vừa dìu cả đội ngũ các cô, các bà, vừa phải đếm liên tục: một chụm, một hai ba, bài hai, mười chín bước, bước, từ đầu… chắc là anh thầy còn khô cổ nhiều hơn.
Nên mỗi buổi tối, Quỳnh châm nước vào hai cái chai, bỏ vô tủ lạnh. Món này bù nước thì phải biết, sau buổi tập mà uống chanh muối mát rượi thì còn gì bằng. Quỳnh hình dung ra anh thầy sẽ ngạc nhiên sau khi nếm thử ngụm đầu tiên, như mỗi lần.
- Cảm ơn em nhiều nhé. Em biết nhiều món uống tuyệt quá.
Ừ thì ngày xưa ai kia cũng nói vậy. Ngoài những lúc ngang ngược bất cần, Quỳnh cũng chăm chỉ, có năng lực, được sếp coi trọng, biết nấu ăn, vun vén chăm sóc gia đình. Hạnh phúc sao vẫn khó tìm, hay do Quỳnh không biết nắm bắt, chẳng chịu mở lòng, như lời bạn nói?
Mà mấy điệu nhảy dường như cũng trêu ngươi. Anh thầy bảo, em bước chậm lại chút. Nhẹ nhõm nhé, đừng căng thẳng vậy. Em hãy đi theo nhạc, để âm nhạc dẫn dắt mình… Quỳnh ngước lên sau câu nói đó. Hai người chạm vào mắt nhau. Và Quỳnh tưởng như mọi cây đèn của hội trường bỗng chao đi, cơ thể đã lâu không liên quan gì đến cảm giác yêu đương của Quỳnh bỗng mềm đi một cách khó hiểu.
Valse thì có Over and over, lả lướt tango cùng Vũ nữ thân gầy, và sôi động khi bài hát Love is blue ồn ã hội trường… Anh thầy nhảy như toàn bộ cuộc sống của mình đặt vào trong vũ điệu, mọi quan tâm say đắm đều đặt vào đó. Quỳnh nhìn bước chân của người đàn ông lãng tử đang phiêu diêu trong từng điệu nhạc, sôi nổi, dìu dặt, ngọt ngào, tưởng như trái tim Quỳnh bấy lâu nguội lạnh chợt bùng cháy trở lại. Cái hội trường này, lớp học này, người được Quỳnh len lén đặt là anh thầy này, những thứ tưởng chừng đơn giản đến vô nghĩa này có thể làm tâm hồn Quỳnh xao động, làm sống lại những đam mê và khao khát… Quỳnh càng ít dám tin, người đàn ông đang chỉ từng bước kỹ thuật cho mọi người, đang khuyên cánh đàn ông “phải là cái khung, thẳng lưng, ngẩng cao đầu, chủ động đỡ nữ” kia lại là người gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống lẫn nhân duyên, như Quỳnh đã kín đáo tìm hiểu. Rồi thì, Quỳnh tự cười mình lẩn thẩn mất rồi, ai mà dám ngờ cái người phụ nữ ăn mặc vô tư, mang giày năm phân và tóc cột cao kia đã nhiều năm khép chặt lòng mình, sau một lần thất vọng, hở Quỳnh…
Quỳnh lớn rồi. Kinh nghiệm đi làm nhiều năm. Dưới Quỳnh, nhân viên không ít kẻ ngước nhìn, ngưỡng mộ và khâm phục. Quỳnh quen ở vị trí hướng dẫn người khác, nhận xét, bình phẩm, la trách. Quỳnh không nghĩ sẽ có lúc mình đóng vai một học trò vụng về trong vòng tay anh thầy mang dáng dấp một người đã cũ, đã rất xa xôi rồi. Anh thầy mà khi nhìn vào đứa con trai bé bỏng của mình, Quỳnh tưởng mơ hồ bắt gặp một vài đường nét quen quen nào đó. Cô vĩnh viễn đã muốn quên, đã không còn khao khát ước mong gì, hà cớ sao ông trời mãi hành hạ Quỳnh? Dù đã dặn lòng, nhưng cô không sao ngăn được mình thi thoảng ngó trộm người đàn ông đang hướng dẫn mình. Đôi khi, bước nhảy tình cờ làm họ đối diện nhau, Quỳnh nhìn sâu vào mắt anh thầy, thấy mình chếnh choáng và đau đáu. Vì sao, vì sao, vì sao…
Mùa mưa đến, lớp vắng hơn. Riêng Quỳnh vẫn chăm chỉ. Cô biết làm gì hơn cho khuây khỏa vết thương lòng của mình? Để một tối, Quỳnh nhận được câu hỏi:
- Em có gia đình chưa?
Suýt nữa thì Quỳnh dùng giày cao gót đạp lên chân người đang dìu mình nhảy. Thói quen đó Quỳnh có được từ khi phát hiện ra bà cô đứng lớp chung với anh thầy tính tình khó chịu, hay la, mỗi lần la thì thật to, chẳng kiêng dè. Mà toàn những lời chê bai. Quỳnh cú trong lòng, cứ la đi, mỗi lần la là Quỳnh làm như lỡ bước, đạp lên chân cô thoải mái. Nhạc hay đến vậy, mà người thì khó ưa. Quỳnh kết luận, không quên phổ biến “kinh nghiệm” cho mấy người học chung cùng cảnh ngộ. Điệu Rumba chầm chậm, gần gũi. Đó cũng là câu hỏi có vẻ riêng tư đầu tiên mà Quỳnh nhận được, từ anh thầy. Mấy em tre trẻ, tóc nối, vai trần hoang dã, váy mềm gợi cảm đều vắng cả. Quỳnh cảnh giác, có phải vì vậy mà anh thầy quan tâm tới cô đôi chút hay không?
- Con trai em ba tuổi rồi.
Quỳnh không trả lời thẳng. Cô cũng không muốn quanh co giấu diếm. Gia đình ư? Quỳnh muốn có gia đình lắm chứ, cô càng mong con mình có cha hơn bất kỳ bà mẹ bình thường nào.

***
Quỳnh tần ngần trước gương, nhận ra mình vẫn còn khá trẻ, và hoàn toàn có quyền hưởng hạnh phúc. Quỳnh nhớ ra, mình cũng là đàn bà, không bị lãnh cảm, càng không phải là less như thi thoảng đi chung với bạn, hai đứa giả vờ ôm eo nhau đùa giỡn. Cô rón rén bước lên lầu. Chiếc áo đầm đơn giản, bâu lá sen, màu sắc nhã nhặn làm Quỳnh trông xinh xắn, vô tình lại hợp với mốt vintage hiện hành. Sinh nhật của câu lạc bộ khiêu vũ, và Quỳnh được anh thầy mời, chung với một số người khác. Họ cũng học được vài khóa rồi, đâu còn là học trò lớp một như trước. Quỳnh giờ đã có thể mở thật to mấy bài mình yêu thích để nhón chân bước theo nhạc.
Đêm tuyệt diệu hơn cả những giấc mơ lãng mạn nhất Quỳnh từng có. Khi giọng Khánh Ly mê hoặc vang lên, Quỳnh nhẹ nhàng dậm chân đúng bài bản, xoay vòng, bàn tay anh thầy khẽ đỡ dưới lưng, nâng Quỳnh đứng dậy. Cô hơi mất đà, chỉ một chút thôi, rồi nhanh chóng bước tiếp, đắm đuối. Không còn là Quỳnh vụng về lóng ngóng tay chân thừa thãi hàng ngày nữa. Mùi nước hoa đàn ông nồng nàn, gần lắm. Nghe quen thuộc và ấm áp. Quỳnh khẽ chớp mắt, thấy lòng mình dịu xuống, mọi buồn phiền đau đáu cũ trôi qua trong tiếng nhạc dặt dìu…
“Ai ngắt đóa quỳnh hương dưới trăng. Đêm lắng mơ hồ tai gió nghe dạt về. Ai cười ai giữa đêm mùa trăng long lanh. Ai cười vỡ tiếng đàn trầm mỏng manh…”*
Ngoài mảnh sân vườn kia, đóa quỳnh nào vừa chớm nở, dịu dàng mà mãnh liệt. Hương hoa bay vào tận hội trường, quấn quýt. Quỳnh lại chớp mắt, thổn thức bởi ý nghĩ: mình có phải là nàng Lọ Lem đêm nay, để khi quỳnh hoa vừa nở hết, cô sẽ trở lại với cuộc đời thực nhiều nỗi xót xa của mình?
Nhưng dù thế nào đi nữa, đêm nay hoa quỳnh vẫn nở dưới trăng khuya.
 
×
Quay lại
Top