Quốc ca - bài học vỡ lòng về lòng yêu nước

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
Quốc ca - ấy là bài hát được vang lên từ địa đầu Lũng Cú đến cuối mũi Cà Mau, từ những rẻo cao của cực tây A Pa Chải đến Trường Sa ngày đêm sóng vỗ...

Còn nhớ, cô bé nào đã hỏi mẹ rằng: Tại sao khi hát Quốc ca mọi người thường đặt tay lên ngực trái? Mẹ trả lời: Vì đó là câu hát của trái tim mình…

Những lời hát từ trái tim được vang lên mỗi sáng thứ hai đầu tuần, khi hàng triệu ánh mắt tự hào hướng lên lá cờ đỏ sao vàng được vẽ bằng lịch sử ngàn năm kiên cường và anh dũng, của những thế hệ học trò háo hức ấp ủ trong trang sách bao ước mơ, hoài bão cho Tổ quốc.

Mỗi lời từ trái tim cất lên, như thấy cả đoàn quân trùng trùng nhịp bước xẻ dọc Trường Sơn ra trận, thấy "Những con đường anh đi đỏ bừng sắc lửa. Màu cây xanh chẳng có đâu chỉ có màu quân phục", thấy đảo xa không ngủ, thấy từ những đau thương của đạn bom, ly biệt, đất nước vươn mình mơ một ngày nhổ neo ra biển lớn…

Có người thầy cô nào không rưng rưng xúc động, khi đứng trên bục giảng nói về những ca từ của đất nước, và chắc hẳn, người học trò nào cũng từng háo hức mỗi sáng thứ hai đầu tuần để được hát vang những lời ca đầy lửa ấy.

quoc-ca-1-8194-1401335932.jpg

Quốc ca - ấy là bài học vỡ lòng về lòng yêu nước.

Xúc động hơn, khi những buổi sớm mai đầu tuần, đi qua ngôi trường dành cho học sinh khiếm thính, nhìn thấy bao cánh tay giơ lên, dùng ngôn từ của ký hiệu, "hát" Quốc ca theo một cách đặc biệt, mà gương mặt vẫn ánh lên bao niềm tự hào khôn tả.

Các em không thể nghe, không thể nói, nhưng các em được học rằng, đó là giai điệu của Tổ quốc, mỗi bước đi, đều cảm thấy tự hào.

Quốc ca - ấy là giai điệu chung của cả dân tộc, là khi hai tiếng đồng bào thiêng liêng cất lên cùng một nhịp.

Quốc ca - ấy là bài hát được vang lên từ địa đầu Lũng Cú đến cuối mũi Cà Mau, từ những rẻo cao của cực tây A Pa Chải đến Trường Sa ngày đêm sóng vỗ mà không chia giọng nói vùng miền, chỉ còn thấy trong lời ca có lửa, và có những trái tim yêu nước nồng nàn.

Quốc ca - ấy là bản trường ca thu nhỏ, gói gọn những năm tháng lịch sử trải dài của dân tộc.

Hẳn mỗi người còn nhớ, trong cuộc chiến tranh Ái quốc vĩ đại của nhân dân Xô Viết, nhà văn Ilya Ehrenburg đã khơi gợi lòng yêu nước rất đỗi giản dị thế này, "Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh... .Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc".

Cách nuôi dưỡng lòng yêu nước từ những điều giản dị ấy, đã đưa cuộc chiến tranh Ái quốc của nhân dân Xô Viết, trở thành một trong những chương đẹp đẽ và oai hùng nhất của nhân loại thế kỷ 20.

Vậy thì, có cách nuôi dưỡng lòng yêu nước nào, giản dị và dễ đi vào lòng người như cách cất vang những ca từ của một bài hát.

Trên dải đất này, chiến tranh giữ nước suốt hàng ngàn năm lịch sử đã dậy những đứa trẻ "ba tuổi rời nôi lên ngựa sắt – tuổi trẻ chơi lau đã chơi trò đánh giặc".

quoc-ca3-6353-1401335932.jpg


Bài học vỡ lòng về lòng yêu nước của ngày hôm nay, còn nơi nào ươm mầm tốt hơn những cô bé, cậu bé chập chững vào lớp Một, nơi khai mở trang giấy trắng đầu tiên.

Khi những đôi mắt mở to háo hức "Nhìn trời, trời bớt xa xăm. Nhìn sao, sao cách ngang tầm cánh tay’, cũng là lúc đôi môi biết cất lên lời ca của giai điệu Quốc ca hào hùng, để từ ấy, khơi gợi những ý thức đầu tiên về lòng yêu nước.

Quốc ca - ấy là bài học vỡ lòng về lòng yêu nước

Còn gì tự hào hơn, khi ngước mắt lên nhìn lá cờ tung bay trên bầu trời tự do, đôi môi mấp máy "Đoàn quân Việt Nam đi…", để thấy ước mơ ngàn đời của cha ông "Trời từ nay là của ta, đất từ nay là của ta" đã được cháu con hôm nay thực hiện.

Tiếng nhạc Quốc ca Việt Nam vang lên khi đoàn nguyên thủ quốc gia được chào đón tại một cường quốc trên thế giới, thấy xiết bao vẻ vang khi dân tộc sánh vai cùng bè bạn năm châu.

Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt các vận động viên trên đấu trường thể thao quốc tế, khi thấy tiếng nhạc Quốc ca cất lên và lá cờ Việt Nam tung bay, mới thấy xúc động trước ý chí làm rạng danh Tổ quốc.

Đi trên chuyến tàu điện ngầm giữa London, bất giác nghe tiếng nhạc chuông điện thoại được đặt bằng giai điệu Quốc ca của một du học sinh Việt, thấy cảm phục những ước mơ của bao người trẻ, và nôn nao muốn được trở về.

Nghe tiếng nhạc Quốc ca vang lên từ nhóm những người Việt lao động tại Thái Lan, giữa một bên là con phố biểu tình và bất ổn, mới thấy yêu thêm những nẻo đường Tổ quốc, nơi mà con đường nào cũng mang tên hòa bình và lòng nhân ái.

Quốc ca - ấy là bài học vỡ lòng về lòng yêu nước.

Theo VTC
 
×
Quay lại
Top