Phục vụ ai - Công bộc của ai?

kenzizi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
21/4/2010
Bài viết
1.232
(Dân trí) - Nhà quản lý phải biết mình đang phục vụ ai, đang là công bộc của ai? Nếu nhà quản lý là tay chân của "đại gia", hay của chính mình, thì câu chuyện của không chỉ xăng dầu vẫn "nóng" dài dài!
Giờ ra đường ai cũng bàn tán chuyện xăng dầu, đúng hơn là chuyện tù mù lỗ lãi của các "tay to" xăng dầu mà chính hai bộ trực tiếp điều hành cũng không có cùng cách hiểu.
Lâu nay, đã có quá nhiều quan điểm, biện chứng có, cảm tính có quanh câu chuyện xăng dầu. Chuyện xăng dầu luôn "nóng", không chỉ bởi phần đa trong hơn 80 triệu con người Việt Nam hàng ngày phải dùng đến nó, mà bởi cái điệp khúc lỗ, lỗ và... lỗ cứ lặp đi lặp lại trong khi chưa ai đưa ra một phép tính thật rõ ràng, mạch lạc và đủ thuyết phục.
Petrolimex, "anh cả" của khối doanh nghiệp xăng dầu khi IPO vừa dự kiến cuối năm 2011 sẽ có lãi 598 tỷ đồng, thì ngay sau đó dự thảo báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc khối doanh nghiệp Trung ương lại chỉ ra doanh nghiệp này ước lỗ cả năm... 1.200 tỷ đồng. Ước lãi, lỗ mà chênh nhau hàng nghìn tỷ thế, không "nóng" mới lạ.
Rất, rất nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra quan điểm về giá xăng dầu ở Việt Nam, song tóm đi tóm lại cũng chỉ là 2 hướng đi: Thả nổi để cạnh tranh, hoặc nhà nước quản lý hoàn toàn. Cơ chế hiện nay, có vẻ đúng như lãnh đạo Bộ Công thương nói hôm nọ: Nửa vời.

mhxangchuan_4164d.jpg


(Minh họa: Ngọc Diệp)
Mấu chốt của sự bất đồng, có lẽ cũng nằm ở đây. Thả ra, thì sợ các DN "đi đêm" nâng giá vô tội vạ, bởi với độ phủ thị phần của Petrolimex hiện nay, bài toán thị trường cạnh tranh chưa thể tự tìm lời giải. Khép vào, quản chặt, ép xuống cho dân đỡ khổ thì vấp phải chuyện xử lý lỗ của doanh nghiệp thế nào nếu giá xăng dầu thế giới tăng cao vì Việt Nam vẫn nhập xăng dầu thành phẩm là chính.
Bài toán cân bằng lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng đã được nhắc tới nhiều, nhiều lần. Nhưng xét cho cùng liệu có sự mâu thuẫn lợi ích nào dẫn đến phải cân bằng?
Tôi thấy là không. Nhà nước cũng là của dân, là bộ máy được dân giao trọng trách điều hành đất nước, đảm bảo tổng lợi ích xã hội. Lợi ích của nhà nước xét cho cùng cũng là lợi ích của dân. Doanh nghiệp có khỏe thì đất nước mới mạnh, dân mới được nhờ. Lợi ích của nhà nước, một cách lý tưởng, được chuyển hóa thành lợi ích của dân một cách gián tiếp thông qua cơ sở hạ tầng, chính sách xã hội.
Mâu thuẫn, có chăng là từ cách nhìn nhận: người dân mua xăng giá cao là thấy mất tiền, mà không nghĩ cái tiền mình mất đó sẽ được nộp vào nhà nước, rồi trở phục vụ chính mình.
Mâu thuẫn, có thể xuất phát từ việc người dân không giám sát được hết mức độ chuyển hóa "cái mất" đó thành "cái được", và lo sợ cái mình mất sẽ bị rơi rụng đi đâu đó, phục vụ cho một nhóm cá nhân nào đó.
Tôi cho rằng mâu thuẫn đó sẽ được hóa giải rất đơn giản, bằng những con số và việc làm cụ thể chứng minh hiệu số giữa "cái mất" và "cái được" của dân. Minh bạch để dân được biết rõ thì sẽ hài lòng, dù có là một thị trường cạnh tranh, hay một thị trường được bao cấp.
Muốn để dân rõ và tin vào phép trừ tổng lợi ích xã hội kia, thì nhà quản lý cần cả cái tầm lẫn cái tâm để biết được cách thức đảm bảo tổng lợi ích là lớn nhất, và xây dựng cơ chế mạch lạc để đạt được điều đó.
Ít ra, nhà quản lý phải biết mình đang phục vụ ai, đang là công bộc của ai? Nếu nhà quản lý là công bộc của "đại gia", hay của chính mình, thì câu chuyện của không chỉ xăng dầu vẫn "nóng" dài dài!
Hồng Kỹ
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top