Phỏng vấn Mangaka: Hiromi Seki

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
Phng vấn Hiromi Seki




KenhSinhVien.Net-2222385408-15008e1b40-m.jpg

Hiromi Seki là người phụ nữ tiên phong, là nhà sản xuất thuộc phái yếu của Công ti hoạt hình hết sức năng động và luôn đổi mới Toei. Trong suốt 20 năm làm việc cho Công ti (đầu tiên là nhân viên thực tập, sau đó là làm hợp đồng, và rồi vào biên chế), Hiromi Seki đã chứng tỏ bà là một trong những người sáng tạo nhất trong nền hoạt hình Nhật Bản. Trên thực tế, Seki chính là người đã thuyết phục Toei, hãng phim hoạt hình hàng đầu Nhật Bản trong suốt những năm 90, để sản xuất những sêri phim hoạt hình dựa vào nguyên bản, tức là những kịch bản do chính hãng phim sáng tạo ra chứ không phải chỉ xin giấy đăng ký sản xuất các manga nổi tiếng rồi tái tạo lại chúng trên màn ảnh nhỏ. Đề nghị của bà đã được những người lãnh đạo Công ti đặc biệt quan tâm. Cuối cùng Seki đã làm được những bộ phim như thế và chúng đã chiếm được vị trí trong những chương trình có tỉ lệ người xem cao nhất, như là “Marmalade Boy”, “Super Bikkuri Man” và một bộ phim làm lại bộ phim cổ những năm 1960 “Himitsu no Akko-chan”. Ban lãnh đạo ngay lập tức cử bà vào một nhóm chịu trách nhiệm làm ra những phim nguyên bản nổi tiếng cho Toei. Diễn biến câu truyện “Ojamajo Doremi”, một chuyện cổ tích về bốn người bạn cùng lớp khám phá ra họ sở hữu siêu năng lực. Bộ phim này chính là ước mơ của Seki, bắt đầu từ khi bà lớn lên ở quận Fukui ven biển Nhật Bản và theo tới tận những ngày học ở trường Đại học danh tiếng của Tokyo Waseda, tại đó bà học Pháp văn. “Ojamajo Doremi” là sêri phim hoạt hình nguyên bản đầu tiên hoàn toàn do Toei sản xuất trong nhiều thập kỉ. Trong lúc ấy, Seki cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất “Digimon”, một sêri nguyên bản của Toei, dựa vào trò chơi “thú nuôi điện tử” nổi tiếng được Công ti đồ chơi khổng lồ Bandai sản xuất. Lần phát sóng đầu tiên của “Digimon” sau “Ojamajo Doremi” một tháng, hai show này được chiếu ngay sát nhau vào giờ cao điểm với hơn 200 tập và trở thành 2 trong số những sêri hoạt hình ăn khách nhất thập kỉ vừa qua. Gần đây Seki tham gia sản xuất một sêri truyền hình phỏng theo manga “Konjiki no Gashbell” của Makoto Raiku, đăng ký xuất bản bằng tiếng Anh với tiêu đề “Zach Bell”.

Japanime: Chị trở thành một nhà sản xuất như thế nào và nhiệm vụ của chị là gì?

Hiromi Seki: Khi tôi học ở trường Đại học, tôi tham gia Câu lạc bộ làm phim, ở đó tôi bắt đầu viết kịch bản cho các show cho trẻ em. Những show này là của Toei, và sau khi tốt nghiệp tôi được vào làm trong Toei.

Japanime: Chị đã thực hiện nhiều chương trình trong đó những chương trình đầu tiên là trong thập kỉ 80?

Hiromi Seki: Vâng.

Japanime: Tất cả những chương trình ấy đều dành cho trẻ em?

Hiromi Seki: Không hẳn. Tôi cũng làm những show dành cho “đích cao”, tức là những đứa trẻ lớn tuổi hơn. Tuy nhiên, Toei từ lâu đã là một hãng hoạt hình cho trẻ con vì thế tôi tham gia vào nhiều chương trình của trẻ con. Tôi cũng tham gia vào chương trình “Anime Trendy Drama”, nhắm vào những cô gái lớn hơn và những người thích phim hoạt hình lãng mạn.

Japanime: Chị đã dùng từ “đích cao”?

Hiromi Seki: Vâng, cụm từ này đề cập đến số tuổi.

Japanime: Tại sao nhóm khán giả này lại được xem là “đích cao”? Có phải bởi khả năng tiêu dùng của họ lớn hơn?

Hiromi Seki: Không, chỉ đơn giản là đề cập đến tuổi thôi. Những phim hoạt hình đựoc trẻ con dưới 12 tuổi xem thì gọi là hoạt hình cho trẻ con, còn từ 13 tuổi trở đi, bao gồm cả những phụ nữ trẻ và những bà mẹ, chúng tôi gọi là “đích cao”, chứ không có gì liên quan đến thu nhập hay năng lực tiêu dùng cả.

Japanime: Trong tất cả những chương trình chị từng làm, chị có đặc biệt thích chương trình nào không?

Hiromi Seki: Đó là “Ojamajo Doremi”. Câu chuyện này là nguyên bản của Toei. Trước đó, lần cuối cùng Toei làm phim truyền hình nguyên bản là 15 năm trước.

Japanime: Đó là loại phim dựa vào không được dựa vào một cốt truyện có sẵn. Chị làm thế nào để có một câu truyện nguyên bản?

Hiromi Seki: Khi tôi bắt đầu làm việc ở hãng phim đã từng có một bộ phim nguyên bản. Tuy nhiên thật không may là bộ phim này lại không thành công cả về mặt tỉ suất khán giả lẫn mặt kinh tế khi không bán được sản phẩm, mặc dù nó có cốt truyện nhẹ nhàng về một nàng tiên.
Japanime: Tên của bộ phim là gì?

Hiromi Seki: “Tongari Boushi no Memoru” (“Memoru với chiếc mũ nhọn”). Nhân vật chính là một nàng tiên nhỏ. Đó là câu truyện nguyên bản cuối cùng mà Toei làm. Kể từ đó Toei chỉ làm những anime từ những manga có sẵn trong các tạp chí như “Jump” và “Nakayashi”. Nhưng tôi lại luôn muốn được làm một bộ phim hoạt hình nguyên bản. Để làm được điều này chúng tôi đã phải rút ra bài học từ những lỗi lầm mắc phải trong “Memoru”, từ đó phát triển bộ phim để có thể thành công cả về mặt kinh doanh lẫn tỉ suất người xem.

Japanime: Chị có thấy là mình đã thành công về cả hai mặt?

Hiromi Seki: Có, vì “Doremi” đã được phát sóng trên truyền hình với tỉ suất khán giả luôn có hai chữ số, còn về mặt kinh doanh thì sản phẩm của chúng tôi cũng dẫn đầu trên thị trường trong suốt 4 năm liền.

Japanime: Liệu có khả năng “Doremi” tái xuất hiện trên truyền hình không? Một bộ phim chẳng hạn?

Hiromi Seki: Chúng tôi đã từng làm hai phim ngắn dài 30 phút. “Doremi” được sản xuất đồng thời với “Digimon” vì vậy chúng tôi chiếu một phim ngắn “Doremi” ngay trước bộ phim dài “Digimon”. Sêri “Doremi” đã kết thúc nhưng vẫn đang được phát sóng trên truyền hình cáp.

Japanime: Trong “Doremi” chị có đặc biệt yêu thích nhân vật nào không?

Hiromi Seki: Tôi đặc biệt thích nhân vật chính Doremi. Thật ra bộ phim phỏng theo những kỉ niệm vui trong thời niên thiếu của tôi và các bạn tôi. Đó là một bộ phim về một nhóm các học sinh nữ tiểu học có vẻ như rất bình thường nhưng thật ra lại có siêu năng lực, và họ cùng giúp đỡ nhau khi có một người gặp khó khăn.

Japanime: Vậy bộ phim là ý tưởng của chị?

Hiromi Seki: Đúng vậy, ý tưởng chủ đạo là của tôi. Sau đó ban giám đốc và những người làm phim đã tạo ra thế giới mà tôi tưởng tượng.

Japanime: Lần đầu tiên xem bộ phim trong phòng chiếu, đó có phải là những gì chị chờ đợi?
Hiromi Seki: Có. Trong suốt 4 năm bộ phim được phát sóng, có khoảng 200 tập và tôi không thể đếm được là tôi đã xem bao nhiêu rồi nghĩ thầm “Ôi trời ơi! Đó chính là mình khi mình còn là một đứa trẻ!”

Japanime: Có người bạn thời niên thiếu nào của chị nhận ra chính mình trong sêri không?

Hiromi Seki: Chỉ một vài người. Bốn người bạn của tôi đã gọi cho tôi và hỏi là có phải chính là hình ảnh của họ trên TV không. Tất nhiên tôi đã đổi tên và dáng vẻ bề ngoài của các nhân vật chứ không giống như các bạn tôi.

Japanime: Vậy chị chính là Doremi?

Hiromi Seki:ừ..m…Tôi giống Doremi ở chỗ tôi quá sôi nổi và liên tục phạm phải những sai lầm ngớ ngẩn và bất cẩn. Và tôi cũng hay xích mích với bạn và hơi tò mò tọc mạch (cười). Nhưng tôi cũng tìm thấy một phần của mình ở một trong năm người bạn của Doremi có một cô gái tên Hazuki. Cô ấy tham gia vào nhiều hoạt động ngoại khoá, ví dụ như các lớp học piano, balê… Những điểm này rất giống tôi. Trước đây nhiều trẻ em Nhật bị bắt buộc phải tham gia vào các lớp sau giờ học, như piano, viết chữ, bàn tính…. Tôi cũng vậy.

Japanime:Hiện nay ở Nhật vẫn còn một chút gì đó của những lớp này. Điều này có làm chị lo lắng về chuyện khi nào lũ trẻ sẽ có thời gian để xem phim hoạt hình hoặc đọc manga không?

Hiromi Seki: Tôi cho là trẻ em giờ đây đọc các quyển truyện ngắn trong thời gian rỗi từ lúc kết thúc ngày học ở trường đến lúc bắt đầu các lớp học thêm. Bọn trẻ bây giờ nói với nhau “Gặp nhau ở góc chợ nhé!” Đó là nơi chúng tụ tập để mua bim bim, đọc truyện và kể cho nhau nghe những tin đồn nóng hổi nhất trước khi vào lớp học thêm.

Japanime: Tất nhiên đây chính là những khán giả mà chị muốn nhằm đến cho những chương trình truyền hình của mình. Đó có phải là một thị trường khó tính không?

Hiromi Seki: Ừm, tôi nghĩ là những khán giả nhỏ tuổi dễ tính hơn là những khán giả lớn tuổi hơn. Ví dụ, một cô bé 5 tuổi thích màu hồng. Có rất nhiều sắc thái hồng: hồng nhạt, hồng phấn, hồng đậm, hồng cam… Một cô bé 5 tuổi sẽ thích tất cả những thứ có màu hồng, trong khi đó, một cô gái lớn hơn lại thích hơn một sắc thái hồng nhất định. Cô ấy có thể không thích hồng đậm mà thích hồng trái cây. Như vậy là sở thích của những cô bé nhỏ tuổi không khác nhau là mấy, vì vậy sẽ dề đáp ứng nhu cầu của thị trường này hơn.

Japanime: “Doremi” rõ ràng là dành cho con gái, nhưng việc thu hút những khán giả khác cũng quan trọng chứ. Như vậy chị sẽ làm thế nào? Có phải việc thu hút con trai khó hơn con gái không?hay là như nhau?

Hiromi Seki: Khi muốn tăng tỉ suất khán giả thì điều này hết sức quan trọng. Nếu bộ phim chỉ thu hút được con gái thì đó mới chỉ là một nửa số trẻ em. Trong “Doremi” cũng có rất nhiều chuyện cười đề cập đến con trai, vì vậy có nhiều cậu bé theo dõi bộ phim. Tôi tin là con số ấy xấp xỉ lượng khán giả con gái. “Doremi” là một show trước hết nhắm đến các cô bé, vì vậy tất cả các sản phẩm đi kèm là của con gái, và không có sản phẩm nào dành cho con trai. Tuy vậy, cùng lúc sản xuất “Doremi” chúng tôi cũng sản xuất “Digimon”, bộ phim chủ yếu nhắm vào con trai. Chúng tôi nhận thấy có nhiều cô bé xem “Doremi” cũng chuyển kênh để xem “Digimon”. Đó là lí do chúng tôi quyết định làm cả hai phim “Digimon” và “Doremi” cùng một lúc.

Japanime: “Digimon” cũng là một câu truyện phim nguyên bản. Bandai đã giới thiệu trò chơi “Digimon” nhưng sêri phim này không dựa theo nội dung của manga nào cả?

Hiromi Seki: Chính xác. Chỉ có những thiết kế của các con quái vật chứ không có dòng truyện như thế. Tôi đã dựng một câu truyện trong đó những con quái vật làm bạn với những đứa trẻ.

Japanime: Sêri nào được phát sóng trước?

Hiromi Seki: “Doremi” được phát sóng trước “Digimon” một tháng.

Japanime: Có phải hai show này được chiếu ngay kế tiếp nhau?

Hiromi Seki: Đúng vậy, vào sáng Chủ Nhật, “Doremi” lúc 8h30 và “Digimon” lúc 9h.

Japanime: Ở Bắc Mĩ, “Digimon” phải cạnh tranh với “Pokemon”, nhưng không được thành công như vậy. Thực hiện một sêri được xem là đối thủ của “Pokemon” như thế nào?

Hiromi Seki: Ở Nhật, “Digimon” ra đời sau “Pokemon” hai năm. Chúng tôi nghĩ nếu một đứa trẻ bắt đầu xem “Pokemon” lúc 5 tuổi, nó giờ đây đã 7 tuổi, nếu một đứa trẻ xem “Pokemon” lúc 7 tuổi, giờ đây đã 9 tuổi. Nói cách khác, lũ trẻ đã lớn hơn. Vì vậy chúng tôi đặt ra khẩu hiệu là “Khi bạn đã kết thúc Pokemon, giờ đây bạn tiến vào thế giới của Digimon”.

Japanime: Tức là “Digimon” dành cho những khán giả phức tạp hơn?

Hiromi Seki: Vâng. Chúng tôi thay đổi nội dung câu truyện cho phù hợp với sự phát triển của trẻ và tạo ra một dòng truyện danh cho những khán giả trưởng thành hơn. Trong “Digimon” có 7 đứa trẻ và mỗi nhân vật có một gia đình riêng. Mỗi gia đình lại có hoàn cảnh khác nhau, đứa thì bố mẹ li hôn, đứa có anh chị em hoặc không, đứa thì được nhận làm con nuôi… Vì vậy khi trẻ em theo dõi sêri này, chúng sẽ liên hệ bản thân với một trong các nhân vật theo một phương diện nào đó. Đó là một yếu tố rất quan trọng cho thành công của sêri. Mỗi mùa các nhân vật lại được thay đổi. Chiến lược của chúng tôi là thay đổi các con số, mùa đầu tiên có 7 nhân vật, mùa tiếp theo có 5, sau đó lại một nhóm mới gồm 3 nhân vật, và cuổi cùng là một nhóm có 5 thành viên.
Japanime: Anime có vai trò thế nào trong việc không chỉ để giải trí mà còn để giáo dục người xem?

Hiromi Seki: Hiện nay ở Nhật có nhiều gia đình chỉ có một con. Ở trường, lũ trẻ có xu hướng kết bạn theo các nhóm nhỏ. Tuy nhiên, trong các sêri hoạt hình mà Toei sản xuất, chúng tôi tạo ra nhiều nhân vật và những nhân vật này có các hoàn cảnh gia đình khác nhau làm chỗ dựa. Chúng cũng có những ý kiến, suy nghĩ và tình cảm khác nhau. Chúng tôi muốn thể hiện rằng có rất nhiều kiểu người trong xã hội và không ai giống ai cả. Chúng tôi muốn người xem nhận ra điều này và có thể chấp nhận những khác biệt đó và giải quyết chúng, trong đó bao gồm cả những nét khác biệt về văn hoá. Tôi tin rằng sau đó những bắt chước sẽ không còn. Ngoài ra, khi những đứa trẻ này lớn lên, chúng sẽ hiểu thế giới một cách sâu sắc hơn và sống hoà thuận hơn với những người xung quanh. Một điểm quan trọng nữa là chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh “gia đình”. Gần đây chúng tôi biết được nhiều câu chuyện bạo lực gia đình của cha mẹ đối với con cái. Tôi tin rằng tình yêu thương của gia đình chính là chìa khoá để một đứa trẻ phát triển một cách bình thường, và với tình yêu thương gia đình chúng có thể phát triển và tin vào tình yêu. Đó là điều chúng tôi cho là rất quan trọng trong những chương trình của mình.


Demaaa+Powerpuff+Girls+Z.jpg

Nguồn NXB Kim Đồng
 
×
Quay lại
Top