Phác thảo chân dung một ceo chuyên nghiệp!

Minimiu

Thành viên
Tham gia
31/8/2014
Bài viết
46
Giám đốc điều hành là vị trí mang tính “chìa khóa” để tạo nên tính chuyên nghiệp cho mọi công đoạn trong tổ chức và hoạt động công ty. Việt Nam hiện đang rất thiếu các nhà điều hành chuyên nghiệp, mà một trong những nguyên nhân chính là nhiều người chưa có những hình dung cụ thể về các “nhân vật” này để phấn đấu đạt đến.

Có sự khác nhau giữa các khái niệm Giám đốc điều hành (CEO) và Giám đốc điều hành chuyên nghiệp (Pro CEO). Chân dung của một Pro CEO được phác thảo sau đây cũng chỉ dựa trên những yêu cầu lý thuyết, chứ không từ thực tế “muôn hình vạn trạng” của vị trí CEO trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

jobs-ceo1.jpg
CEO - Anh là ai?


Trước hết, phải khẳng định lại một “nguyên lý” rằng, nếu khả năng kinh doanh khá, song khâu quản trị, điều hành yếu kém, doanh nghiệp cũng sẽ không thể phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt là trong nền kinh tế hội nhập nhiều thách thức. Trong phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, nhà điều hành phải làm quá nhiều việc nhưng hầu hết lại không phải việc của mình. Một điều kiện mang tính đặc thù là đại đa số doanh nghiệp Việt Nam đang ở quy mô vừa và nhỏ, chưa có sự tách biệt rõ ràng về quyền sở hữu và quyền quản lý nên chủ doanh nghiệp vừa là người sở hữu vừa là người quản trị, điều hành.

Vì vậy, ngoài kiêm nhiệm nhiều chức năng và phải ôm đồm quá nhiều việc, họ cũng chưa có điều kiện, thời gian để trang bị kiến thức đầy đủ về lĩnh vực này. Mặt khác, để trở thành một nhà quản trị, điều hành giỏi, ngoài chuyện được học hành, đào tạo bài bản, còn có những yêu cầu thuộc về tố chất bẩm sinh. Do đó, không phải bất kỳ ai cũng có thể trở nên chuyên nghiệp được trong vai trò của một CEO.

Như vậy vai trò, vị trí thực sự của một CEO là gì? Trong tiếng Việt hiện nay, có nhiều cách định danh khác nhau cho vị trí này, như Tổng giám đốc, Tổng giám đốc điều hành, Giám đốc công ty, nhưng phổ dụng nhất là Giám đốc điều hành. Trong tiếng Anh, ngoài CEO (Chief Executive Officer) cũng còn có nhiều từ định danh khác như General Manager, General Director, Managing Director, Director…

Nói chung, đây là người quản lý điều hành cao nhất của một công ty và thường là người đại diện cho công ty về mặt pháp luật. Cấp trên của CEO là hội đồng quản trị hay hội đồng cổ đông (nếu là công ty cổ phần) hoặc hội đồng thành viên (nếu là công ty TNHH). Cấp dưới của CEO là các giám đốc chức năng và toàn bộ bộ máy nhân sự của công ty.

Với vị trí và quyền hạn rất cao như thế, công việc của một CEO là lập chiến lược hoạt động cho công ty (hoạch định, chỉ đạo thực hiện và đánh giá chiến lược), thiết lập bộ máy quản lý, xây dựng văn hóa công ty, thực hiện các hoạt động tài chính (huy động, sử dụng, kiểm soát vốn) và một nhiệm vụ rất quan trọng nữa của CEO là dụng nhân, xây dựng và vận hành bộ máy nhân sự hiệu quả… Nói một cách ví von, nếu công ty như một cỗ máy thì CEO là người vận hành, sửa chữa, bảo trì, nâng cấp để bộ máy ấy luôn hoạt động một cách trơn tru và hướng đến chỉ số công suất cao nhất.

Từ CEO đến Pro CEO

Nếu CEO là một chức vụ, được dành cho bất kỳ ai được bổ nhiệm thì Pro CEO không chỉ là một chức vụ, mà còn là “người hành nghề chuyên nghiệp”. Đó là nghề quản lý, hay còn gọi là nghề giám đốc. Nghĩa là Pro CEO là một CEO “có nghề” và “rất rành nghề”. Pro CEO có thể được các chủ sở hữu doanh nghiệp tuyển dụng, mời về đảm nhận vị trí CEO trong doanh nghiệp mình.

Nếu như ở Việt Nam hiện nay, CEO thường được nhìn nhận nặng về chức hơn về nghề, thì trên thế giới, CEO được đánh giá ngược lại. CEO được xếp vào nhóm nghề nghiệp đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao bên cạnh các nghề như bác sĩ, luật sư, kiến trúc sư, kiểm toán viên, giáo sư đại học… Mặt khác, CEO được đánh giá là một nghề nghiệp đặc thù với rất nhiều khó khăn, thách thức, áp lực…, song cũng là một nghề lương rất cao, “đức cao vọng trọng” trong xã hội, nghề lãnh đạo và quản lý các nghề khác (trong cùng một công ty).

Quản trị, điều hành cũng được đánh giá là công việc vừa có tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật. Không phải bất kỳ ai đang đảm nhận chức vụ CEO cũng có thể là một Pro CEO. Để đạt đến mức độ “chuyên nghiệp” với công việc này, đòi hỏi cả điều kiện cần là những tố chất bẩm sinh, năng khiếu thiên phú và điều kiện đủ là phải được học hành, đào tạo bài bản. Vì vậy, để có thể trở thành một Pro CEO, nhà điều hành phải học nhiều, làm nhiều mới có thể thành nghề bên cạnh những tố chất sẵn có.

Ngoài ra, cũng cần có sự phân biệt giữa một CEO và một Doanh nhân (Entrepreneur). CEO là nghề quản lý, điều hành, có thể được tuyển dụng, được thuê để quản lý công ty, trong khi nghề của doanh nhân là người bỏ vốn vào công ty, “sống chết” với công ty và số vốn đó. Hai vị trí này đòi hỏi những tố chất và điều kiện khác nhau. Một người có thể làm tốt vai trò này, nhưng chưa chắc đã thành công ở vai trò kia và ngược lại. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chưa có sự khác nhau rõ rệt giữa người điều hành và người kinh doanh, nguyên nhân như đã đề cập, khi chủ sở hữu doanh nghiệp còn đang kiêm nhiệm cả vai trò quản lý.

Điều kiện nào để trở thành một Pro CEO?

Một nhà điều hành chuyên nghiệp đòi hỏi phải có cả những năng khiếu bẩm sinh và một quá trình học tập có định hướng. Về cơ bản, có 6 điều kiện để trở thành một Pro CEO như sau:

1. Những tố chất cần thiết: Chỉ số thông minh, nhạy cảm, vượt khó cao, có óc tư duy chiến lược (tư duy tổng hợp, phân tích, hệ thống, sáng tạo, logic), tính cách nhanh nhạy, mạnh mẽ, kiên nhẫn, quyết đoán, có thần thái, thiên hướng, uy lực của người chỉ huy...

2. Phải trang bị những kiến thức nền tảng về khoa học quản trị. Đây được xem như phần “móng” để tạo nền tảng tiếp thu, xây dựng “ngôi nhà kiến thức” về lĩnh vực này.

3. Phải luôn luôn cập nhật kiến thức quản trị mới, tự đào sâu, tự tìm tòi nghiên cứu. Đây được ví như một quá trình học tập không ngừng nghỉ. Các Pro CEO quốc tế hằng năm luôn dành thời gian để đi học và trao đổi những kiến thức mới mẻ.

4. Phải trải nghiệm càng nhiều thứ, nhiều nghề, nhiều việc, nhiều môi trường, hoàn cảnh khác nhau càng tốt. Vì là nghề “dụng nhân”, tiếp xúc, quản lý nhiều con người thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau trong bộ máy công ty mình, nên nhà điều hành không chỉ cần kinh nghiệm về chuyên môn, mà còn cần cả vốn sống, thông hiểu về con người, về xử thế.

5. Phải có sức khỏe dẻo dai để có thể “chiến đấu” bền bỉ, chịu đựng áp lực và thách thức rất lớn trong nghề “khốc liệt” này.

6. Phải có khả năng “tu thân”, để “tề việc”, “trị công ty” và “bình thị trường”.

(Theo Unicom/Marketing)
 
×
Quay lại
Top