Nước nào hòa bình nhất năm 2011?

hondacodon

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
8/3/2011
Bài viết
751
SGTT.VN - Theo kết quả thống kê chỉ số hòa bình toàn cầu (Global Peace Index - GPI) năm nay của Viện kinh tế và hòa bình (Úc), Iceland trở lại vị trí đầu tiên sau hai năm bất ổn vì biến động tài chính. Trong khi đó, Somalia - quốc gia bị nạn cướp biển hoành hành - đã thay thế Iraq đứng cuối bảng trong 153 nước được thống kê. Nhận định chung của các chuyên gia thuộc viện Kinh tế và hòa bình (IPE) cho rằng năm nay nền hòa bình toàn cầu chỉ giảm nhẹ so với năm 2010. Những tín hiệu đầy lạc quan vẫn đến từ New Zealand (thứ 2), Canada (thứ 8), Úc ( thứ 18), và các quốc gia khu vực Tây Âu. Nhật Bản được xem là nước hòa bình thứ 3 trên thế giới, mặc dù bị tổn hại nặng nề do động đất.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia ổn định nhất với thứ hạng 30, chỉ sau Malaysia (19) và Singapore (24), tăng 8 bậc so với GPI năm ngoái. Philippines đứng thứ 136, xếp thấp nhất ASEAN vì bất ổn do phiến quân Hồi giáo.
Cả ba cường quốc là Mỹ, Trung Quốc và Nga đều xếp thứ hạng không cao. Mỹ (82) và Trung Quốc (80) chỉ đạt mức độ hòa bình tương đối. Nga nằm trong nhóm cuối bảng, xếp thứ 147.
Tình hình bi quan nhất không đâu khác thuộc về Trung Đông và châu Phi. Ông Steve Killilea, chủ tịch IPE, nhận định rằng phong trào nổi dậy mùa xuân của thế giới Arập, với bạo lực và bất ổn chính trị cùng gia tăng tội phạm đã khiến tình hình Trung Đông trở nên tồi tệ. Với châu Phi, cuộc chiến tranh ở Libya khiến nước này tụt đến 83 bậc, xếp thứ 143. Ai Cập, một quốc gia đầy xung đột khác, cũng giảm đến 24 bậc và xếp thứ 73. Đặc biệt, kết quả khảo sát còn cho thấy 40% các quốc gia bất ổn nhất nằm ở khu vực Cận Sahara.
Ông Killilea còn kết luận: "Sự biến động của thế giới năm nay không phải từ chiến tranh giữa các nước, mà từ các xung đột giữa người dân và chính phủ."
Để có được kết quả này, IPE đã đánh giá dựa trên 23 tiêu chí khác nhau của một nền hòa bình bền vững, như chi tiêu cho quân sự, quan hệ với các nước láng giềng, nền dân chủ, sự minh bạch, sự tôn trọng nhân quyền và giáo dục. Dữ liệu được tổng hợp từ những cơ quan đáng tin cậy như Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, Ngân hàng thế giới, Cơ quan tình báo kinh tế và một vài cơ quan khác của Liên Hợp Quốc. Chỉ số GPI được thống kê lần đầu tiên vào năm 2007.
Điều thú vị hơn cả là IPE cũng đo lược giá trị tiền tệ của xây dựng hòa bình: Nếu bạo lực giảm xuống trong năm 2010, các quốc gia sẽ tiết kiệm được hơn 8 tỉ USD.
Quỳnh Như (theo Reuters, Guardian)
 
×
Quay lại
Top