Nơi sự sống được đếm từng ngày.

Cỏ May

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
14/1/2011
Bài viết
239

Nơi sự sống được đếm từng ngày (06/05/2011)

Nằm biệt lập với đất liền, địa hình đi lại hết sức khó khăn, những học viên tại Trung tâm giáo dục, lao động – xã hội tỉnh Kiên Giang (trại Kiên Hảo) đang phải trải qua quãng thời gian chữa bệnh, giáo dục nhân phẩm và lao động cải tạo để tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, không ít trường hợp phải lay lắt đếm cuộc sống còn lại của mình trôi qua từng ngày...


20111089anh1.jpg

Hầu hết những học viên nữ được đưa vào giáo dục, cải tạo tại trại Kiên Hảo
đều có tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đã sớm sa vào con đường lầm lạc
Ảnh:
HỒNG PHÚC

Sự hy sinh thầm lặng...


6h15, Đoàn công tác bắt đầu chuyến công tác đến trung tâm của huyện Hòn Đất. Đây là tuyến đường sông duy nhất để tới trại Kiên Hảo – một trong những trung tâm giáo dưỡng, quản lý các đối tượng nghiện ma túy, mại dâm và nhiễm HIV/AIDS lớn nhất khu vực Tây Nam Bộ. Theo phản ánh của người dân địa phương, do điều kiện địa hình đi lại khó khăn nên mọi hoạt động đi lại, trao đổi hàng hóa từ đất liền ra Hòn Đất chủ yếu được vận chuyển bằng ghe, xuồng.

Do gặp thời tiết xấu, phải mất gần 3 tiếng đồng hồ Đoàn công tác mới ra tới Kiên Hảo. Khi thuyền chuẩn bị cập bờ đã thấy một số cán bộ quản lý trại đợi sẵn đón đoàn. Bắt tay từng thành viên đoàn công tác, ông Nguyễn Phi Hùng, quyền Giám đốc trại Kiên Hảo không giấu được xúc động khi đón các nhà báo ra thăm: “Cũng mấy năm rồi, nhiều cán bộ, công nhân viên làm việc tại trại chưa có dịp vào đất liền, nên mới đầu nghe tin có đoàn công tác từ ngoài vào thăm là mừng khôn xiết. Ai nấy đều phấn chấn”.

Bà Nguyễn Thị Thu Nga, một cán bộ công tác tại trại Kiên Hảo trên 20 năm tâm sự, lúc mới vào trại mình còn trẻ, không người thân thích, nhiều lúc thấy nản: “Khó có thể tưởng tượng được hoàn cảnh lúc đó khó khăn đến mức nào: Ở Kiên Hảo nhiều nơi chưa có đường dây điện, cán bộ trại phải ở nhà tranh vách đất, cũng chưa có xuồng máy như bây giờ để về đất liền, anh em phải tự động viên lẫn nhau để bám trụ”. Bà Nga cho biết, ngoài việc phải khắc phục khó khăn cá nhân, các cán bộ, công nhân viên tại trại cũng luôn phải đối diện với những nguy hiểm luôn rình rập, nhất là nguy cơ lây nhiễm từ các đối tượng.


Ông Nguyễn Phi Hùng cho biết, một số trường hợp nghiện hút bị nhiễm HIV/AIDS trốn khỏi trại, khi lực lượng bảo vệ trung tâm bắt trở lại, bất ngờ bị kim tiêm của các đối tượng này mang theo đâm trúng vào người. Dù được uống thuốc chống phơi nhiễm kịp thời, nhưng cũng đã gây không ít hoang mang đối với các cán bộ trẻ tại trung tâm”. Ngoài nguy cơ lây nhiễm, các cán bộ trại Kiên Hảo còn thường xuyên phải kiểm soát tình trạng các học viên bạo động, thẩm lậu ma túy và các chất kích thích gây nghiện vào trại. Đáng lưu ý, năm qua trong số 244 đối tượng quản lý tại trại Kiên Hảo thì có tới 64 đối tượng bỏ trốn. Lực lượng cán bộ trại phải khó khăn lắm mới đưa được một số đối tượng quay trở lại trung tâm cai nghiện. Ngoài ra, khu vực trại nữ còn phát hiện 4 học viên nữ thẩm lậu ma túy và các vật cấm khác như thuốc lá, tân dược kích thích, có tính chất gây nghiện vào trại, gây tiềm ẩn nguy cơ tái nghiện.

Với những hiểm nguy luôn phải đối mặt, nếu không có tình yêu công việc, trách nhiệm với nghề thì có lẽ những cán bộ quản lý học viên ma túy, mại dâm tại trại khó có thể trụ vững được đến ngày hôm nay. Họ hàng ngày với những công việc thầm lặng, với mong muốn giáo dục những con người lầm đường lạc lối quay lại con đường chánh thiện, có ích cho cộng đồng, xã hội. Một cán bộ trại Kiên Hảo chia sẻ.

2011_108_9_anh%202.jpg.jpg

Một trong những học viên tại trại Kiên Hảo
đang phải sống quãng đời còn lại cùng căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS

Sự hối hận muộn màng


Theo lời kể của các cán bộ quản lý tại trại Kiên Hảo, ngoài những trường hợp bất mãn khi về trại, cũng có không ít các trường hợp rất đáng thương. Đa số các em này bị bạn bè xấu rủ rê vào con đường nghiện ngập, phải vào trại khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. Cũng có trường hợp do hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải nghỉ học sớm nên “tự nguyện” tham gia vào các đường dây mại dâm để có tiền lo cho gia đình. Trường hợp em Tr.Th.H.Tr (22 tuổi), mẹ mất sớm, cha thường xuyên phải đi công tác xa nhà, ít có thời gian gần gũi, bị bạn bè rủ rê em ngày càng lấn sâu vào con đường nghiện ngập. Gặp Tr. trong lúc đang lao động tại trại, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến một cô gái tuổi đời còn rất trẻ nhưng th.ân thể tiều tụy, gương mặt xanh xao - hậu quả sau những ngày lầm lạc. Tr. là một trong những đối tượng nữ bị nhiễm căn bệnh thế kỷ giai đoạn cuối tại trại Kiên Hảo.


Khi cuộc sống chỉ còn được tính từng ngày, tâm sự với chúng tôi Tr bày tỏ mong muốn được thổ lộ hết những suy nghĩ, trăn trở của mình để các bạn trẻ không đi vào con đường lầm lạc giống như em. Tr nức nở: “Em hối hận lắm, muốn quyết tâm cai nghiện để về với ba, muốn làm một điều gì đó cho ba, vì từ trước tới giờ em chưa làm cho ba vui”. Dù biết cuộc sống của mình còn rất ngắn ngủi, nhưng Tr vẫn lạc quan: “Vào trung tâm em được các cô chú ở trung tâm dạy học may, thêu. Giờ em có thể may được hoàn chỉnh một cái áo rồi chị ạ. Ước mơ của em sau này sẽ mở một tiệm may thêu gần nhà”. Cùng với Tr, Th.D – một học viên khác tại trại không giấu nổi sự tuyệt vọng khi được tin kết quả xét nghiệm máu, Th.D dương tính với HIV/AIDS. Cú sốc quá lớn khiến Th.D luôn thu mình trong một góc phòng trại giáo dưỡng, tránh mặt tất cả mọi người.


Mỗi đối tượng một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều đang phải chịu chung những hậu quả của sự lầm lạc. Họ chính là những nhân chứng sống cho những ai đã và đang sa vào cám dỗ, hãy biết dừng lại để làm lại cuộc đời, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

THÀNH LUÂN
Báo Đại Đoàn Kết.
 
×
Quay lại
Top