Những nền kinh tế nổi đình đám vào giữa thế kỷ này

anhnt.anh

Quản lý KSV
Thành viên thân thiết
Tham gia
12/1/2010
Bài viết
968
Trong khi kinh tế các nước thuộc khu vực đồng Euro đang gặp nhiều khó khăn nội tại thì kinh tế các nước Đông Nam Á và Mỹ La tinh lại phát triển mang tính bùng nổ. Dưới đây là những nền kinh tế được ngân hàng HSBC của Anh đánh giá sẽ phát triển năng động nhất trong những thập niên tới.


Vị trí thứ 10: Ả rập Saudi

Ả rập Saudi là nền kinh tế lớn mạnh nhất trong khu vực Ả rập. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2010 đạt 622 tỷ USD. Cũng trong năm này GDP tính theo đầu người là 24.200 USD.
Đây là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới đồng thời lại phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của thị trường dầu mỏ thế giới, nhưng nhờ có trữ lượng khổng lồ nên có thể giảm nhẹ những tác động từ bên ngoài.
Trong những năm gần đây nền kinh tế Ả rập Saudi luôn đạt thặng dư mậu dịch. Năm 2010 nước này đạt kỷ lục thặng dư lên đến gần 372 tỷ USD. Nhờ đó Ả rập Saudi có thể đầu tư những khoản tiền lớn vào xây dựng khu vực công để hy vọng qua đó giảm tình trạng thất nghiệp cao hiện nay (khoảng 15%).
Tăng trưởng kinh tế thực tế của nước này năm 2011 đạt khoảng 6,8%. So với lĩnh vực khai thác dầu mỏ và hóa dầu của nhà nước thì khu vực kinh tế tư nhân khá khiêm tốn, tuy nhiên năm 2011 khu vực này cũng đạt 8,3%.
Ngân hàng HSBC đã tính toán và dự báo về tương lai kinh tế thế giới vào năm 2050. Theo đó trong 40 năm tới, tăng trưởng bình quân của Ả rập Saudi sẽ là 3,775%. Theo bảng xếp hạng này thì đến năm 2050 Ả rập Saudi là nước có nền kinh tế ở vị trí thứ 10 thế giới (hiện tại đứng ở vị trí 23).

Vị trí thứ 9: Nga và Iran

GDP của Nga trong năm 2011 tăng 4,3%. Theo dự báo của chuyên gia HSBC thì trong những năm tới tăng trưởng kinh tế của Nga sẽ ở mức như hiện nay và trong những thập niên tới tăng trưởng bình quân của Nga là 3,875%. Trên bảng xếp hạng nền kinh tế của Nga năm 2010 xếp thứ 17 sẽ tăng lên thứ hạng 15 trong những năm tới.
Iran cũng có mức tăng trưởng tương tự, đạt bình quân hàng năm là 3,875% đến năm 2050. Trong năm 2011/2012 GDP của Iran ước đạt 480 tỷ USD. Dầu mỏ và khí đốt là hai ngành kinh tế quan trọng nhất của Iran cạnh đó là các lĩnh vực hóa dầu, nông nghiệp, công nghiệp cơ khí và xe ô tô. Theo số liệu chính thức thì tỷ lệ lạm phát ở mức 22,5% nhưng thực tế trên 30%, tỷ lệ thất nghiệp 11,8%, theo số liệu chính thức.

Vị trí thứ 8: Thái Lan

Chính phủ của nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra trong thời gian qua đứng trước những nhiệm vụ hết sức to lớn: thu hút các nhà đầu tư nước ngoài sau thảm họa lũ lụt hồi cuối năm 2011. Mục tiêu hàng đầu trong chính sách kinh tế của chính phủ Thái là “tăng trưởng cho mọi người”. Bất chấp những xung đột chính trị nội bộ, nền kinh tế Thái Lan phát triển hết sức sôi động năm và 2010 GDP của Thái Lan đạt 7,8%. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu tăng mạnh sang các nước và khu vực nhập khẩu chủ yếu (các nước trong khối ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Mỹ).
Nền kinh tế Thái Lan 2011 bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa lũ lụt, năng lực kinh tế trong quý bốn giảm hơn 10%. Trên 830 nhà máy với trên 440.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai trong đó có những nhà máy phục vụ xuất khẩu thuốc các lĩnh vực như sản xuất ô tô xe máy, công nghiệp điện, điện tử. Ngành nông nghiệp cũng bị thiệt hại nặng nề.
Tuy nhiên cơ hội khôi phục sản xuất trong năm 2012 là tốt. Dự báo tăng trưởng năm nay đạt ít nhất 5,5 đến trên 6%, mức này được các chuyên gia quốc tế và chuyên gia Thái Lan cho là hiện thực.
HSBC tiên đoán tăng trưởng bình quân hàng năm của Thái Lan đến năm 2050 là 3,9%. Đến lúc đó nền kinh tế Thái Lan xếp thứ 22 trên thế giới (2010: thứ 29).

Vị trí thứ 7: Colombia

Tăng trưởng kinh tế bình quân của Colombia trong những năm từ 2004 đến 2007 đạt 6,2%. Sau đó, do khủng hoảng kinh tế thế giới, tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2008 chỉ đạt 2,5%, năm 2009 – 0,4%. Năm 2010 kinh tế Colombia hồi phục và tăng trưởng mạnh, đạt 4,4%; năm 2011 là 4,9%. So với các nước trong khu vực thì Colombia đã khắc phục khủng hoảng kinh tế khá nhanh chóng.
Động cơ thúc đẩy nền kinh tế là nhu cầu tiêu dùng trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh. Gía nguyên liệu tăng liên tục trong nhiều năm cũng tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Các lĩnh vực như sản xuất công nghiêp, xây dựng, vận tải, viễn thông, thương mại và du lịch phát triển sôi động.
Theo HSBC xu hướng này sẽ tiếp tục. Đến năm 2050, tăng trưởng bình quân hàng năm của Colombia đạt 4,2%. Đến năm 2050, Colombia sẽ có nền kinh tế đứng hàng thứ 25 thế giới
.
Vị trí thứ 6: Indonesia

Trong nhiều năm gần đây, Indonesia đạt nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô hết sức ngoạn mục – năm 2011 tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%; dự báo 2012 là 6,3%. Indonesia có thị trường nội địa lớn nhất và đầy hấp dẫn ở khu vực Đông Nam Á. Nhà nước vẫn còn nắm độc quyền đối với các ngành kinh tế then chốt, khu vực kinh tế tư nhân cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên hiện đang diễn ra xu hướng phá bỏ cấu trúc độc quyền này. Thí dụ cuối năm 2010 đầu năm 2011 đã có những doanh nghiệp nhà nước đầu tiên – doanh nghiệp thép Krakatau Steel và công ty hàng không Indonesia GARUDA – đã niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Indonesia giầu tài nguyên khoáng sản như khí đốt, than, dầu mỏ, kẽm, nicken, đồng, bauxite và vàng. Từ cuối 2004, do lượng dầu mỏ khai thác được giảm sút nên Indonesia phải nhập khẩu dầu, tuy nhiên lại xuất khẩu khí đốt và than đá.
Indonesia có trữ lượng gỗ khá lớn và xuất khẩu nhiều loại nông sản như cao su, dầu cọ (đứng đầu thế giới), cacao (thứ ba thế giới), chè, cà phê và thuốc lá. Ngành may mặc, giầy dép, chế biến gỗ cũng là những ngành khá quan trọng.
Hai phần ba năng lực kinh tế của Indonesia được tạo ra thông qua khu vực phi chính thức và nông nghiệp vẫn là một yếu tố nổi trội trong nền kinh tế nước này.
Từ nay đến 2050 tăng trưởng bình quân của Indonesia sẽ ở mức 4,35%. Khi đó nước này sẽ là nền kin tế đứng ở vị trí 16 trên thế giới.

Vị trí thứ 5: Thổ Nhĩ Kỳ

Dù bị tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 (tăng trưởng GDP là -4,7%), nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hồi phục khá nhanh chóng. Năm 2010 đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế là 8,9%, đứng hàng thứ hai sau Trung Quốc. Trong chín tháng đầu năm 2011, tăng trưởng GDP của Thổ Nhĩ Kỳ đạt 6,9%, cao hơn cả Trung Quốc.
Các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ như ngành may mặc, công nghiệp ô tô, hóa chất, cơ khí và điện tập trung ở miền tây Thổ Nhĩ Kỳ và đóng góp 25% GDP. Khu vực dịch vụ đóng góp khoảng 60% GDP và xu hướng tiếp tục tăng. Theo số liệu của WB, trên 30% số người trong độ tuổi lao động vẫn làm nông nghiệp và tạo khoảng 10% GDP, tập trung ở miền đông và đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Đây cũng là vùng còn có nhiều điều kiện để xây dựng hạ tầng cơ sở.
Từ nay đến 2050, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Theo HSBC, tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của nước này đạt 4,375%, và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều khả năng trở thành nền kinh tế đứng hàng thứ 11 của thế giới.

Vị trí thứ 4: Ai Cập

Quá trình chuyển đổi chính trị ở các nước Ả rập vẫn đang diễn ra. Ai Cập là quốc gia đầu tiên tiến hành cuộc cách mạng hoa nhài và hiện tại chính sách phát triển kinh tế của Ai Cập vẫn chưa thích nghi được với tình hình mới. Tăng trưởng kinh tế ở mức độ rất thấp một số công trình đầu tư thiết yếu bị ngừng trệ, dự trữ ngoại tệ nội trong một năm bị giảm tới 75%.
Tuy vậy Ai Cập vẫn là quốc gia có nền kinh tế được công nghiệp hóa xếp hàng thứ hai sau Nam Phi ở châu Phi. Nguồn thu nhập chính của Ai Cập vẫn là khai thác và xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ và khí đốt), du lịch và tiền do lao động Ai Cập làm việc ở nước ngoài gửi về nước. Ngoài ra kênh đào Suez cũng đem lại một lượng ngoại tệ không nhỏ.
Nếu tình hình chính trị sớm ổn định trở lại thì nền kinh tế Ai Cập có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ. Theo HSBC, tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Ai Cập là 5,075%. Ai Cập sẽ là quốc gia có nền kinh tế đứng hàng thứ 19 trên thế giới.

Vị trí thứ 3: Trung Quốc

Một điều bất ngờ, đến năm 2050 Trung Quốc sẽ không còn là nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới. Các chuyên gia HSBC dự báo tăng trưởng GDP bình quân của TQ trong những thập niên tới chỉ đạt 5,15%.
Năm 2010, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản và trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn hàng thứ hai thế giới và dự kiến năm 2012, Trung Quốc sẽ là quốc gia có nền thương mại lớn nhất thế giới, trên cả Mỹ. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người đạt 5.424 USD (2011) và đứng đầu các nước mới nổi. Tuy nhiên ở đây có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng miền ở Trung Quốc và sự phát triển xã hội cũng có sự chệnh lệch rất lớn.
Những sản phẩm xuất khẩu quan trọng nhất của Trung Quốc là: thiết bị điện, điện tử, hàng dệt may, cơ khí và sản phẩm ngành công nghiệp hóa chất.

Vị trí thứ 2: Malaysia

Malaysia là một nước mới nổi, từ chỗ chuyên xuất khẩu nguyên liệu đã trở thành địa bàn đầu tư công nghiệp có mức thu nhập bình quân đạt mức trung bình. Sau khi nền kinh tế bị phát triển âm vào năm 2009 so với năm trước đó thì đến 2010 tăng trưởng lên đến 7,2%, tương đương mức đã đạt được trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới.
Malaysia đứng hàng thứ hai sau Indonesia về sản xuất và xuất khầu dầu cọ; đứng sau Thái Lan và Indonesia về xuất khẩu sản phẩm cao su – ba nước này đáp ứng tới 80% nhu cầu cao su thế giới.
Theo HSBC đến năm 2050, tăng trưởng binh quân của Malaysia đạt 5,325% và sẽ là nền kinh tế đứng ở vị trí 20 trên thế giới.

Vị trí thứ nhất: Ấn Độ

Với tăng trưởng kinh tế ở mức 6,9% (năm 2011), Ấn Độ là một trong những quốc gia có nền kinh tế bành trướng mạnh nhất thế giới. Dân số Ấn Độ hiện nay là 1,2 tỷ, đến giữa thế kỷ này Ấn Độ không những là quốc gia đông dân nhất thế giới mà còn có tổng sản phẩm quốc nội đứng hàng thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ.
Tuy có tỷ lệ tăng trưởng cao nhưng thu nhập bình quân đầu người hàng năm chỉ đạt 1.270 USD và Ấn Độ gặp nhiều khó khăn về hạ tầng cơ sở xã hội và sẽ tiếp tục là nước đang phát triển. Khoảng 30% dân số sống dưới mức nghèo khổ, thu nhập mỗi ngày dưới 1 USD, và khoảng 70% thu nhập dưới 2 USD.
Nguyên nhân chính giúp kinh tế Ấn Độ đạt mức tăng trưởng cao về trung hạn và dài hạn là do “demographic dividend” (tỷ lệ sinh đẻ giảm chậm). Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động từ 15 đến 64 đến năm 2026 chiếm 68,4%.
Theo HSBC, tăng trưởng bình quân của Ấn Độ là 5,5% và sẽ có nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới (năm 2010 Ấn Độ xếp thứ 8). Để so sánh: Tăng trưởng bình quân của Đức đến năm 2050 chỉ ở mức 1,475% /năm và Đức sẽ bị tụt từ hạng bốn xuống hạng sáu thế giới.
:KSV@15:
Theo Wiwo
Xuân Hoài dịch
 
×
Quay lại
Top