Những lý do làm cho Đại Học trở nên tồi tệ

Sun Glare

Tân Sinh Viên
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/6/2009
Bài viết
2.855

Đại học có thực sự vô dụng không? Câu trả lời là: Không. Vâng! Có thể chất lượng giáo dục đại học chúng ta bét nhè, thua kém rất nhiều nước mà chúng ta đã từng vượt mặt. Thì câu trả lời vẫn là không. Những lỗi lầm trong giáo dục chúng ta, có thể là do khách quan không quản được, nhưng cũng có thể là do những chủ quan trong chính chúng ta. Câu trả lời vẫn là Không. Hãy cẩn thận và suy nghĩ chu đáo với con đường đại học!

Lý do đầu tiên: Mang tư duy học cấp 3 lên giảng đường đại học

1393832495-nhung-ly-do-lam-truong-dai-hoc-that-bai-3.jpg

Điều này, tôi chỉ được nghe nói, chưa có điều kiện kiểm chứng thực tế, nên không thể chắc chắn lắm:

Các trường đại học nổi tiếng trên thế giới phương pháp giảng dạy cũng chẳng có gì đặc biệt, chủ yếu hỏi – trả lời, gợi ý… chấm hết. Nhưng học là công việc của sinh viên tự làm. Công việc chính của giảng viên là nghiên cứu. Mỗi năm, giảng viên không có đề tài nghiên cứu mới, không có bài viết khoa học được đăng, có thể sẽ được mời xuống làm phụ giảng. Còn đại học ở Việt Nam, khối thầy cô vẫn phải cất công “ôn bài tập để cho các em thi nha cô!” Mớm cho ăn đến tận miệng, cũng chẳng khác mấy các trường phổ thông!

Thưa bạn! Đại học không phải là nơi mang lại cho bạn các nguồn kiến thức thứ cấp, như trường cấp 3, khi con vịt đi qua thầy bảo con gà thì bạn cũng phải học là con gà. Đại học là nơi mang lại cho bạn CƠ HỘI, tự mình khai phá các nguồn kiến thức sơ cấp. Chỉ có cái kiến thức tự mình tìm hiểu, tự mình nghiên cứu, tự mài dũa mới thực sự là tài sản của mình. Còn cái kiến thức mà bạn ngồi hóng suốt ba bốn tháng trời trên ghế giảng đường, nói thẳng, nhiều khi, không cần phải đến khi ra trường mới quên sạch. Ngày hôm trước thi, ngày hôm sau nó theo gió, theo mây là chuyện bình thường.

Cái sai đầu tiên là sinh viên chúng ta, vì thiếu hiểu biết cũng có, vì lười biếng cũng có, vì thói quen từ những năm cấp 3 cũng có, mà cứ ngồi, cứ đợi, cứ chờ, hoàn toàn bị động với nguồn tài nguyên tri thức. Hỏi sao học đại học cứ như học đại? Thế nên, nếu đi học đại học chỉ để chép bài, chỉ để điểm danh, để ngồi hóng những lời thao thao bất tuyệt của quý giảng viên. Xin thưa! Các bạn ở nhà tự giở giáo trình đi, học vậy cho khỏe. Đỡ tốn công, đỡ tốn thời gian, mà lại đỡ tốn tiền xăng nữa.

Biểu thị rõ nhất cái CƠ HỘI được học thực sự là bạn được quyền hỏi, bạn được quyền yêu cầu câu trả lời. Nếu câu trả lời không làm bạn thỏa mãn, bạn vẫn tiếp tục có quyền yêu cầu cung cấp phương tiện để tìm câu trả lời rõ ràng hơn. Tiêu cực trong giáo dục là có, nhưng theo logic, chẳng có mấy câu hỏi mà nhà trường không thể trả lời bạn. Nếu một ngôi trường mà chẳng có thể trả lời hầu hết thắc mắc chuyên môn của sinh viên thì nguyên bộ máy giảng viên nhà trường đang làm cái gì?

Nên nhớ, dù là tiến sĩ giấy, họ cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt cặm cụi với rất nhiều đề tài, nhiều nghiên cứu. Thực tế họ có thể mơ màng, nhưng nền tảng lý thuyết thì thường rất vững. Chưa kể, trưởng khoa, phó khoa, giảng viên chính, tự bản thân họ đã tích lũy rất nhiều mối quan hệ xã hội. Vấn đề là, bạn có DÁM, BIẾT CÁCH HỎI và CÓ TRÁCH NHIỆM với yêu cầu của mình hay không? Đến tận bây giờ, có nhiều bạn mới ra trường vẫn có những cách yêu cầu, cách hỏi chẳng khác gì đấm vào mặt người khác.

Đã có bao nhiêu bạn đã tự gầy cho mình một đề án nghiên cứu khoa học, dù biết rằng sau đó, nó sẽ được ném vào kho, muôn đời không ai thèm đọc nữa? Nếu chưa, bạn học đại học để đi diễn văn nghệ với nhổ cỏ mùa hè xanh hả? Hay làm sinh viên để có cái mác đi làm những chuyện trời ơi đất hỡi khác?

Điều thứ hai: Tất cả mọi người đều không nói, không biết, không nghe, không thấy… để cho nó nhàn



Mười hai năm học phổ thông như một con vẹt, bước chân đầu tiên lên giảng đường đại học cũng là lúc người ta quăng vào mặt bạn bốn chữ “tự lực cánh sinh”. Sinh viên năm nhất học hành nghiêm chỉnh không hoàn toàn là do nai tơ lúc ban đầu đâu. Mà thật sự, họ vẫn còn quen với nhịp điệu học hành cật lực từ những năm cấp 3. Thay vì tận dụng và phát huy điều đó, rất nhiều người đưa đò mới thay kệ nó.

Đối với họ, mỗi ngày được đặt chân lên giảng đường, ca đi ca lại các bài ca được cắt ghép từ các nguồn tài liệu búa lua xua là công việc rất thanh tao. Sau đó, họ có thể thoải mái tụm năm, tụm ba ngồi với nhau để bàn nơi nào ăn ngon, nơi nào uốn tóc đẹp, spa nào có khuyễn mãi. Sướng chán, còn hơn là họp mặt sinh viên lại để lắng nghe tâm tình, giải thích, động viên, trấn an các em. Một học kì gặp chúng nó một lần là quá nhiều rồi! Các công việc ấy là của trưởng khoa, phó khoa, của những người có trách nhiệm quản lý. Vâng! Một trưởng khoa trên cả ngàn sinh viên. Thầy/Cô ấy sẽ phục vụ rất chu đáo cho từng thắc mắc của sinh viên! Bạn cứ an tâm và tin tưởng điều đó!

Nhiều người chọn cho mình công việc giảng viên để cho sang, cho nhàn, cho khỏe. Thế nên để nhàn, để khỏe tốt nhất là không nghe, không thấy, không biết và không nói gì tất. Sinh viên thấy thầy cô không nghe, không nói, không thấy thì cũng bắt chước theo, không nghe, không biết, không hỏi gì tất, để có thời gian đánh game, có thời gian tán gái hay thậm chí là có thời gian ngủ nướng cho khoẻ.

Ai cũng nhàn hạ cả, chỉ có bốn năm trời lãng phí… lãng nhách.

Đại học bây giờ quá nhan nhản

Cách đây một chục năm, tấm bằng đại học vô cùng danh giá. Nhưng với thời gian gần đây, khi Nhà nước đã bắt đầu xã hội hóa giáo dục, các trường tư nổi lên như nấm. Trong đó, có những trường đã từng một thời gây tiếng vang, vượt trội hơn cả những trường chính quy. Bằng đại học bây giờ nó nhan nhản. Chất lượng các trường nó cũng sàn sàn như nhau. Bởi vì nó qua nhan nhản, nó không có thương hiệu, nên người người dạy cho có, người người học cho có. Chứ thử quay lại mấy chục năm về trước, phải nhịn đói lên giảng đường để học, người ta quý tấm bằng như quý vàng. Vì quý người ta sẽ trân trọng. Vì trân trọng nên họ sẽ ghi nhớ, và tận dụng rất hiệu quả.

Như đã nói, các bài giảng ở đại học chỉ là nơi cung cấp các nguồn kiến thức thứ cấp. Đã là kiến thức thứ cấp làm sao mà có thể thỏa mãn được tất cả các sự thiên biến vạn hóa của xã hội. Bạn học một, bạn đòi làm một. Thiên đường ở đâu đây? Tại sao cũng là hai người cùng học chung một khóa, một ngành, người thì gục gặc với kiến thức mình học, người thì chê bai hết lời? Thái độ quyết định hành vi. Khi bạn trân trọng, bạn sẽ tự mò mẫm tìm thấy câu trả lời. Khi bạn phủ nhận, bạn đóng cái rụp lại, nó mãi mãi là sự tồi tệ.

Chúng ta có nên học đại học sau hay không?

1393832525-nhung-ly-do-lam-truong-dai-hoc-that-bai-2.jpg
Vâng! Chính bản thân tôi là người suy nghĩ nhất với giải pháp này. Học xong cấp 3, tôi chả khác gì một con gà công nghiệp sau một bản án tù khủng khiếp. Tôi không thực sự biết mình thích gì. Tôi cũng không rõ xã hội đang ra sao. Công tác hướng nghiệp thì quá tồi tệ. Có người may mắn sẽ chọn nghề đúng, có người, mà thật ra là rất nhiều, hối hận với con đường mình đã chọn. Tôi đã từng rất hoang mang. Chạy theo từng gợi ý, chạy theo từng bài báo. Và cuối cùng vẫn vỡ mộng như thường.

Nhiều lúc, tôi tự hỏi nếu được quay lại, chắc lúc đó tôi đi quách hai năm nghĩa vụ quân sự cho xong. Để đỡ cho gia đình, để rèn luyện th.ân thể và để lớn thêm một chút. Sau về, đi học, đi làm chắc cũng không sao. Vấn đề duy nhất của phương án này là sự bất tiện trong khâu tuyển sinh, sự không minh bạch ở chế độ đào tạo tại chức, tuổi tác lớn thì sao… Thế là vẫn làm gà bay búa lua xua theo thiên hạ. Và đến giờ, vẫn phải học lại.

Có thể bốn năm mày đi học, không bằng một năm mày đi làm. Nhưng khi mười năm đi làm rồi, mày mới thấy, nhiều khi nó không bằng một tháng đi học!

(Lời khuyên của một người anh)

Thật ra, có rất nhiều vấn đề của đại học là sự cô đọng rất thâm thúy. Nhưng với trải nghiệm sống của một thằng nhóc vắt mũi chưa sạch, tôi làm sao mà hiểu nổi cơ chứ? Ví dụ, mẹ của bạn tôi thì khác. Cổ chỉ đi học nghiệp vụ khách sạn thôi nha! Thầy dạy rằng, bạn hãy luôn quan sát đối thủ để cải tiến doanh nghiệp của mình. Tôi thì gật gù: “Ờ! Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi! Ai mà chả biết cơ chứ!” Còn cổ thì sao, cổ chụp hình lại tất cả nội quy của những khách sạn cổ từng ở. Cổ xăm xoi từng phương pháp bài trí. Thậm chí cái menu nhà người ta, cổ cũng để ý cách trình bày, thắc mắc giá cả sao cho khoa học để đem về tham khảo cho khách sạn của mình.

Cái đó đâu có ai dạy kỹ càng như thế. Tôi không dám đánh giá hành vi cổ đúng sai, vì tôi không theo ngành đó, nhưng tôi cảm thấy, những người đã đi làm, họ hiểu rất khác tôi. Tại cổ cũng có chút làm biếng thôi, chứ mà cổ chịu khó, hay được gặp thầy dạy phù hợp với cái tôi của cổ, thì mấy cái kiến thức mà tụi sinh viên chúng tôi đã và đang ngáp ruồi trên giảng đường, có thể được cổ phát huy lên một đẳng cấp không biết được điểm dừng.

Đại học là một thanh bảo kiếm. Vấn đề bạn chọn nơi rèn, bạn rèn lúc nào, bạn sử dụng thanh kiếm như thế nào là do bạn. Nhưng tôi nghĩ tôi vẫn nên có kiếm bạn à! Những người tay không mà thành như Bill Gates, Steve Jobs … không nhiều lắm đâu! Nếu nhiều thì họ đã không giật tít, đăng báo hoài như vậy được.

Hãy cẩn thận và suy nghĩ chu đáo! Chúc bạn thành công, dù bạn có đi con đường nào chăng nữa!

By: Diều Hâu Đuôi Đỏ
Theo Triết Học Đường Phố
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
Giọng nói nhẹ nhàng nhưng lí lẽ vững chắc. Bài viết hay, phân tích rõ ràng, logic và sâu sắc.:Conan01:
 
12 năm học như con vẹt , không có tư duy , suy nghĩ , tự tìm tòi khám phá:Conan01::Conan01::Conan01::Conan01:
 
đúng ngay với mình, cơ mà vật lộn mãi với đống kế hoạch không biết đến ngày nào mới thực hiện
 
Cho em hỏi "các bài giảng ở đại học chỉ là nơi cung cấp các nguồn kiến thức thứ cấp. Đã là kiến thức thứ cấp" Theo em là "sơ cấp" chứ sao lại "thứ cấp"! Em mới 12, yếu văn ^^, nên mọi người đứng trách nếu em sai nha ^^!
 
superale sơ cấp theo cách hiểu của mình là kiến thức sơ đẳng như cần thiết, ngược lại thứ cấp sẽ là kiến thức cao hơn, sâu sắc hơn nhưng về mặt ứng dụng chắc không bằng sơ cấp:Conan01:
 
×
Quay lại
Top