Những kỹ năng mềm cần được chú trọng trong hệ thống giáo dục Việt Nam

wangsky1712

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
7/10/2011
Bài viết
319

[separate]


Ở Việt Nam, các kỹ năng mềm chưa được chú trọng trong hệ thống giáo dục cũng như trong cuộc sống. Hình như nền giáo dục của chúng ta đang dựa trên một giả định “người ta biết thì người ta sẽ làm được”. Và vì vậy họ cứ cố dạy cho học sinh, sinh viên thật nhiều kiến thức hòng làm được việc khi ra trường. Nhưng thực tế đâu có vậy, từ biết đến hiểu là một khoảng cách rất xa, và từ hiểu đến làm việc chuyên nghiệp với năng suất cao là một khoảng cách còn xa nữa. Điều này dẫn đến một thực trạng là sinh viên khi ra trường biết nhiều kiến thức nhưng lại không có khả năng làm việc cụ thể.


Chúng ta tự hào về nguồn lao động dồi dào. Nhưng đó mới chỉ là số lượng. Chất lượng lao động mới là vấn đề đáng bàn. Theo bà Nguyễn Thị Hằng (nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ, TB & XH, Chủ tịch hội dạy nghề Việt Nam), hiện nay, Việt Nam còn đến hơn 50% lao động trong tổng số hơn 10 triệu lao động chưa qua đào tạo cơ bản chính quy, mà chủ yếu là vừa học vừa làm hoặc làm những công việc đơn giản. Điều đó cho chúng ta thấy bức tranh tổng thể về kỹ năng nghề nghiệp của lực lượng lao động không có gì là sáng sủa cho lắm và còn nhiều việc phải làm để có một bức tranh tươi sáng hơn. Điều tối thiểu phải biết (nhưng lại không phải ai cũng biết), là xã hội bây giờ sử dụng sản phẩm dùng được, chứ không sử dụng khả năng hay bằng cấp của con người. Anh không có kỹ năng đánh máy, thì có thuộc lòng 10 quyển sách về Microsoft Office cũng vô nghĩa. Anh không thiết kế nổi một cái nhà bình thường 3 tầng, thì có tốt nghiệp xuất sắc trường Kiến trúc cũng vô nghĩa.

Tổng hợp các nghiên cứu của các nước và thực tế Việt Nam, 10 kỹ năng sau là cơ bản và quan trọng hàng đầu cho người lao động trong thời đại ngày nay:
1. Kỹ năng học và tự học (Learning to learn)
2. Kỹ năng lãnh đạo bản thân và hình ảnh cá nhân (Self leadership & Personal branding)
3. Kỹ năng tư duy sáng tạo và mạo hiểm (Initiative and enterprise skills)
4. Kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc (Planning and organising skills)
5. Kỹ năng lắng nghe (Listening skills)
6. Kỹ năng thuyết trình (Presentation skills)
7. Kỹ năng giao tiếp và ứng xử (Interpersonal skills)
8. Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem solving skills)
9. Kỹ năng làm việc đồng đội (Teamwork)
10. Kỹ năng đàm phán (Negotiation skills)

Như vậy ngoài những kiến thức chuyên môn, người lao động cần phải được trang bị thêm các kỹ năng hành nghề để đảm bảo có được việc làm mà còn để tiến bộ trong tổ chức thông qua việc phát huy tiềm năng cá nhân và đóng góp vào định hướng chiến lược của tổ chức góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thế giới đã phẳng ra, lâu nay chúng ta chỉ nghĩ đến xuất khẩu lao động, nhưng một thực tế mới đang thách đố người lao động Việt nam là trong thời kỳ khủng hoảng người nước ngoài đang đến tranh chỗ làm việc của ta. Chúng ta có thể bị thua ngay trên sân nhà.

Rõ ràng 10 kỹ năng mềm thiết yếu này không những chỉ giúp người lao động nâng cao năng suất, hiệu quả công việc mà thực chất là giúp ích rất nhiều trong mọi khía cạch cuộc sống ở gia đình ngoài xã hội tại công sở, nâng cao đáng kể chất lượng cuộc sống và văn hóa xã hội, góp phần thay đổi diện mạo con người Việt nam.

Học hỏi kinh nghiệm từ các nước công nghiệp tiên tiến, nhà nước cần phải xây dụng một chương trình quốc gia về kỹ năng mềm , thành lập một cơ quan chuyên trách xây dựng hệ thống kỹ năng, đào tạo và giám sát chất lượng năng lực của lực lượng lao động. Chúng ta đã bước vào kỷ nguyên kinh tế tri thức. Trong kỷ nguyên kinh tế tri thức thì nguồn vốn con người là quan trọng nhất. “Không thể giải quyết vấn đề mới bằng chuẩn mực cũ” Không thể ngồi hô hào về cải cách giáo dục mà phải có biện pháp cụ thể để nâng cao năng lực của mỗi người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
 
×
Quay lại
Top