"Nhận diện" giá trị sống

Sun Glare

Tân Sinh Viên
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/6/2009
Bài viết
2.855
nddh.jpg
Do không nhận thức đúng đắn giá trị sống của bản thân, một bộ phận giới trẻ đang lãng phí thời gian, sức lực vào những hoạt động vô bổ, thiếu lành mạnh. Họ dễ chạy theo những gì được coi là thời thượng, là cá tính, phong cách,... - những thứ phù phiếm, không phải giá trị thực.
Trong cuộc sống, nếu con người chỉ rèn luyện kỹ năng sống thôi thì chưa đủ. Điều quan trọng quyết định ý nghĩa và hạnh phúc của cuộc sống chính là việc mỗi người hiểu đúng giá trị sống của mình. Giá trị sống có tác động to lớn trong cuộc sống. Một trong những tác động ấy là “giá trị sống của mỗi người sẽ ảnh hưởng đến thái độ đối với đồng tiền của họ”.
Chúng ta thường dùng từ giá trị để nói về những điều ta cho là rất tốt, rất quan trọng, phải có cho bằng được. Giá trị sống là những điều tốt đẹp nhất, quan trọng nhất trong cuộc sống của mỗi người. Mỗi người có một giá trị sống khác nhau nhưng tựu chung lại, giá trị sống là giá trị bản thân của chính con người mỗi chúng ta. Nó không phụ thuộc vào số tiền bạn có, học vị, chức danh bạn mang... bởi ngay cả khi những thứ bên ngoài ấy mất đi, giá trị sống đích thực là thứ luôn còn lại. Giá trị đó giúp ta định hướng được cuộc sống, biết ta phải làm gì, mục đích và khát vọng của chính mình là gì để theo đuổi đến cùng. Có quan niệm về 12 giá trị sống phổ quát, đó là: hòa bình, tôn trọng, hợp tác, đoàn kết, trách nhiệm, khoan dung, khiêm tốn, giản dị, trung thực, yêu thương, tự do, hạnh phúc. Nhưng đối với mỗi người lại có những giá trị sống riêng mà chính giá trị ấy sẽ ảnh hưởng đến thái độ đối với đồng tiền của họ.
Quan niệm “Giá trị sống của mỗi người sẽ ảnh hưởng đến thái độ đối với đồng tiền của họ.” là hoàn toàn đúng đắn. Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của đồng tiền trong cuộc sống. Bất cứ hoạt động nào của con người đều liên quan đến vật chất, những gì xung quanh ta đều được đo bằng tiền, mua bằng tiền. Nhà ta ở, đường ta đi, quần áo ta mặc, vật dụng ta dùng... đều nhờ tiền mà có. Ngay cả thứ trừu tượng như sức lao động cũng có thể đem ra trao đổi bằng tiền bạc. Tiền bạc là phương tiện trao đổi, tích lũy chủ yếu trong cuộc sống. Nhưng không phải mọi thứ đều được đo bằng tiền bạc. Có những thứ không có giá trị về tiền bạc, giá trị vật chất nhưng lại có giá trị vô cùng to lớn về một mặt nào đó như giá trị lịch sử, văn hóa, giá trị tinh thần... Có nhiều tiền đến đâu cũng không thể mua được thời gian, ký ức, mua được sức khỏe, hạnh phúc và tình thương yêu. Bất cứ ai cũng tiếp xúc với tiền bạc vật chất nhưng con người lại có những quan niệm, thái độ khác nhau về đồng tiền. Nguyên nhân của sự khác nhau đó chính là nhận thức về giá trị sống của mỗi người.
Những người hiểu đúng giá trị sống, luôn phấn đấu nỗ lực để khẳng định giá trị đó thường dễ dàng đạt đến thành công, hạnh phúc trong cuộc sống. Họ không hề có thái độ tiêu cực với đồng tiền mà ngược lại, họ coi tiền bạc chỉ là phương tiện trong cuộc sống của mình. Tiền bạc hay vật chất nhiều khi chỉ cần thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu, tối thiểu của con người. Thế nên khi người khác cần, họ sẵn sàng cho đi, dang rộng vòng tay giúp đỡ. Do đó, họ dễ dàng đạt được và khẳng định được những giá trị thuộc về tinh thần. Và chính những tình cảm yêu thương, tôn trọng, quý mến của người khác mới là thước đo đánh giá giá trị con người. Ngay cả khi họ không giàu có, quyền quý cao sang thì những giá trị của họ vẫn được thừa nhận. Và ta không thể nói giá trị sống của một người nông dân không bằng một vị giám đốc doanh nghiệp nào đó. Chức danh, tiền bạc chỉ là cái vỏ bên ngoài chứ không làm nên giá trị của con người.
Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn không ít người không biết rõ giá trị sống dẫn đến ngộ nhận về bản thân, về hạnh phúc. Những người này quá coi trọng đồng tiền, lấy đồng tiền làm giá trị sống, làm thước đo cho mọi thứ, kể cả tình cảm, nhân phẩm. Theo họ, người có giá trị sống phải là người có nhà lầu, xe hơi, quần áo sanh trọng, quyền chức tiếng tăm... Đồng nhất giá trị sống với tiền bạc, họ mải miết chạy theo kiếm tìm những giá trị vật chất phù du, họ bị đồng tiền che khuất tầm nhìn. Với họ thì tiền bạc là tất cả, là trên hết. Đồng tiền là một thế lực vạn năng, điều khiển tất cả cuộc sống:
“Trong tay đã sẵn đồng tiền,
Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì”.​
Giá trị sống sai lầm đó đã chi phối thái độ đối với đồng tiền, dẫn đến lối sống thực dụng, ích kỷ, tham lam, dối trá... Những người như thế chỉ nghĩ đến mình, chỉ lo vơ vét cho “đầy túi tham” mà không quan tâm đến những người xung quanh. Trong đầu họ chỉ có tiền mà không có những thứ cao đẹp, thiêng liêng khác như tình cảm, đạo đức, truyền thống... Họ dùng tiền bạc để hưởng thụ cá nhân, thỏa mãn cuộc sống sa hoa, trụy lạc, để mua chức quyền, học vị, danh tiếng..., thậm chí lấy tiền làm lệch cán cân công lý, làm thước đo đánh giá người khác. Đó là điều bất hạnh của chính bản thân những người đó và cũng là của toàn xã hội. Bởi những giá trị vật chất đó không tồn tại bền vững. Nếu coi đó là giá trị sống thì khi những cái đó mất đi, con người sẽ rơi vào tận cùng đau khổ khi nghĩ rằng mình vô giá trị. Ngay cả khi sống trong vỏ bọc hào nhoáng mà tiền bạc mang lại, nhận được sự tôn trọng giả tạo của xã hội thì lương tâm họ cũng không thể thảnh thơi, thanh thản. Và đến lúc họ nhận ra giá trị sống đích thực thì đã quá muộn bởi “Chúng ta có thể quay lại không gian đó nhưng không thể quay lại thời gian đó” (Napoleon Hill), mỗi người chỉ được sống một lần.
Xã hội ngày càng phát triển nhưng lại không song hành cùng sự tiến bộ trong quan niệm về giá trị sống. Hiện nay, nước ta đang bị du nhập bởi những nền văn hóa ngoại lai mà chịu ảnh hưởng lớn nhất có lẽ là giới trẻ. Do không nhận thức đúng đắn giá trị sống của bản thân, một bộ phận giới trẻ đang lãng phí thời gian, sức lực vào những hoạt động vô bổ, thiếu lành mạnh. Họ dễ chạy theo những gì được coi là thời thượng, là cá tính, phong cách, sành điệu... - những thứ phù phiếm, không phải giá trị thực. Những phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, kỹ năng sống... bị xem nhẹ là một vấn đề nhức nhối cần sự quan tâm của cả xã hội.
Người hạnh phúc, giàu có nhất là người biết được giá trị sống của bản thân. Đồng tiền là cần thiết nhưng không phải thứ quan trọng nhất, không phải là “ông chủ” có quyền lực tối cao trong cuộc sống mà chỉ là công cụ vật chất, là phương tiện, vỏ bọc bên ngoài. Vì thế mỗi người cần phấn đấu vì giá trị sống đích thực của mình và có thái độ đúng đắn với đồng tiền. Đó chính là nền tảng đưa xã hội đến một tương lai tốt đẹp hơn.
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top