Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Tôi thấy mình số đỏ!

zhd.95

Kẻ săn đêm
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/10/2012
Bài viết
5.692
Lần đầu tiên nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ tên mẹ anh – chính là tên nhân vật bà Đỏ trong tác phẩm mới nhất "Chúc một ngày tốt lành". Nhà văn cũng nói, anh thích màu đỏ và thấy số mình cũng đỏ.
u-722a0.jpg
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi ký tặng sách tại Tiệm sách Kính Vạn Hoa
12 con giáp, chỉ dê là chưa viết!

* Thú vị bất ngờ nhất của "Chúc một ngày tốt lành" (NXB Trẻ) là từ điển ngôn ngữ của chó heo gà. Không biết anh mất bao lâu quan sát để có thể phát kiến ra một loại ngôn ngữ … lạ lùng và đáng yêu đến vậy?

- Gọi là phát kiến nghe hơi quá, đây chỉ là sự pha trộn từ tiếng kêu của 3 loài vật này, xuất phát từ những tiếng kêu ủn ủn ỉn ỉn, gâu gâu, chiếp chiếp. Đây vốn là những điều rất quen thuộc với tôi thời bé. Khu vườn trong cuốn sách tôi mô tả cũng là từ phiên bản khu vườn của mẹ tôi ở Bảo Lộc năm 1978. Nhân vật bà Đỏ chính là tên thường gọi của mẹ tôi. Thật ra mọi thứ đều hoàn toàn tình cờ, nhưng đó cũng là một điều ý nghĩa với riêng bản thân tôi cho tác phẩm này.

q-722a0.jpg


h-722a0.jpg
Những hình ảnh minh họa đáng yêu trong tác phẩm
* Có vẻ bối cảnh thôn quê, những trò chơi trẻ nhỏ trong tác phẩm của anh lúc nào cũng vô cùng phong phú…?

- Tôi vẫn còn nhiều điều chưa viết. Ở mỗi một cuốn sách tôi đều đưa vào những hình ảnh, trò chơi tuổi thơ mà những cuốn sách trước chưa kịp đưa vào. Nếu Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có các trò chuồn chuồn cắn rốn biết bơi, bắt sâu róm về chơi, trò chơi thổi xoáy cát để tìm con cúc; thì Ngồi khóc trên cây có trò chơi thổi bong bóng bằng ống đu đủ nhúng vào xà phòng. Rồi cảnh thiên nhiên với khu rừng bên kia thác nước, những triền đồi, những cây duối dại hay ký ức về những lần đầu tiên thấy tàu hỏa, mê mẩn ngắm máy bay để lại một vệt khói dài trên bầu trời… Đó là những hình ảnh rất đẹp mà trẻ nhỏ ở thành phố bây giờ ít có cơ hội trải qua.



e-722a0.jpg

* Rất nhiều vật nuôi trong nhà đã xuất hiện trong tác phẩm, có khi nào anh định đưa … động vật hoang dã vào sách không?

- Tôi từng đưa nai, khỉ, nhím, chồn… vào cuốn Ngồi khóc trên cây đó chứ. Nhưng với những loài vật “dữ dằn” hơn như hổ, tê giác, gấu… thì chắc phải đợi lúc nào đó tôi viết chuyện đường rừng (cười). Thật ra tôi cũng không phải là nhà bảo vệ môi trường để nhất định theo đuổi đến cùng đề tài động vật hoang dã. Nhưng nếu một hôm nào đó tôi viết về đề tài liên quan thì có thể các con vật đó sẽ đi vào các trang sách của tôi một cách tự nhiên. Thỉnh thoảng nhìn lại, tôi phát hiện ra trong bộ 12 con giáp, ngoại trừ con dê, còn lại con vật nào cũng đã đi vào tác phẩm của tôi cả rồi. Không hiểu do tôi cầm tinh tuổi con dê nên… tôi kỵ hay vì đây là con vật gắn liền với những mẩu chuyện nhạy cảm (cười). Nhưng biết đâu tôi sẽ viết về loài vật này trong thời gian tới để trong các tác phẩm của tôi có đầy đủ 12 con giáp.

Viết cho những “mê, man, ẩn, khuất”

* Không biết vì nhờ cuộc sống hạnh phúc anh mới viết được những cuốn sách nên thơ hay vì nhờ những câu chuyện mơ mộng mà cuộc sống của nhà văn trở nên hạnh phúc?

- Tôi nghĩ là cả hai. Không phải cuộc sống tôi hoàn toàn hạnh phúc, suôn sẻ từ nhỏ đến lớn. Cũng có một giai đoạn rất u ám ở tuổi hai mươi nhưng đó là vấn đề của … lịch sử. Tuy nhiên tôi nghĩ nhà văn có thuận lợi hơn người khác khi luôn biến những khó khăn về vật chất, tinh thần hay hoạn nạn thành những chất liệu cho sáng tác của mình. Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ mình số đỏ, vì sống được bằng cái nghề mình mơ ước từ bé. Hồi cấp một, cấp hai, tôi mê đọc những tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Tô Hoài, Thế Lữ, Hector Malot, Victor Hugo… tôi không hiểu sao họ có thể viết được những cuốn sách hấp dẫn như vậy. Hồi đó tôi nghĩ nhà văn không phải là… con người, chắc là thần thánh gì đấy. Tôi ao ước lớn lên cũng sẽ viết được những cuốn truyện như thế, chỉ là mơ ước trẻ con thôi, sau này đi qua bao khúc quanh của cuộc đời rốt cuộc tôi cũng trở thành nhà văn, nên ở khía cạnh này tôi thấy mình may mắn.

a-722a0.jpg
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói ngày bé chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành nhà văn...



nguyen%20nhat%20anh%209-722a0.jpg
... nhưng cuối cùng anh là nhà văn có sách bán chạy nhất Việt Nam.

* Đọc truyện của anh rất hài hước dí dỏm, trẻ thơ trong trẻo nhưng lúc nào cũng phảng phất tính thời sự; hồn nhiên nhưng cũng chứa đựng trong đó những vấn đề rất lớn của thời đại. Sao anh không viết hẳn một “câu chuyện lớn cho người lớn”?

- Nếu gọi tác phẩm lớn là tác phẩm để đời thì cũng rất nhiều nhà văn ao ước. Nhưng thành tựu văn chương thường nằm ngoài ý chí của nhà văn. Anh muốn có tác phẩm “để đời” nhưng “đời có cho anh để hay không” là một chuyện khác. Có khi anh viết chơi chơi lại có tác phẩm lớn. Như cuốn sách mỏng teng Của chuột và người của John Steinbeck chẳng hạn. Cũng không phải là đề tài lớn, viết cho người lớn thì tác phẩm đó lớn mà viết cho trẻ nhỏ thì tác phẩm đó nhỏ. Vấn đề ở đây là tài năng của nhà văn. Rất nhiều kiệt tác văn học thế giới là những tác phẩm viết cho trẻ em. Ví dụ như Hoàng tử bé của Saint Exupery, Tom Sawyer của Mark Twain hay các truyện cổ của Andersen…

l-722a0.jpg


c-722a0.jpg
Độc giả yêu mến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vì thế giới trong văn của anh thật trong trẻo, hồn nhiên.



* Vậy anh nghĩ sao khi sau này cũng có không ít ý kiến nói “Nguyễn Nhật Ánh viết hoài về làng quê sắp cạn chữ rồi, các cuốn sau bắt đầu không còn hay như trước”. Và người đọc mua sách Nguyễn Nhật Ánh chỉ vì thương hiệu?

- Nếu nói viết về làng quê cạn chữ, thì không chỉ tôi mà bất kỳ nhà văn nào cũng “cạn”, vì các nhà văn nhà thơ Việt Nam bao đời nay và các nhà văn trên thế giới đã viết về làng quê quá nhiều rồi. Thực ra, đề tài là cái không mới, bởi vì bản thân con người cũng không mới. Vấn đề của nhà văn do đó không phải là khai thác cái gì mà quan trọng là anh khai thác như thế nào, cái cách anh tiếp cận nó. Tình yêu chẳng hạn, đã được viết cả ngàn năm nay rồi nhưng có ai chán đọc sách về đề tài tình yêu đâu.



Còn về chuyện thương hiệu, tôi nghĩ một thương hiệu muốn tồn tại lâu dài, uy tín của nó phải luôn được đảm bảo bằng chất lượng sản phẩm. Một thương hiệu toàn cầu như Coca Cola một hôm bỗng sản xuất một loại nước ngọt có mùi gián, chuột, người tiêu dùng sẽ tẩy chay và quay sang uống nước ngọt của hãng khác ngay, bất chấp thương hiệu của anh có lớn cỡ nào. Vì vậy nếu bảo rằng độc giả bỏ tiền ra mua một cuốn sách nào đó là vì thương hiệu chứ không phải vì chất lượng tác phẩm, e rằng cách nghĩ này đánh giá quá thấp người đọc.

nguyen%20nhat%20anh%2013-722a0.jpg


m-722a0.jpg
Sách của Nguyễn Nhật Ánh luôn best-seller

* Nhạc sĩ Hà Quang Minh từng viết thế này: “Thế giới của Nguyễn Nhật Ánh đẹp như bóng râm đầy những cây minh quyết mà Cosimo đã sống, đẹp như mộng địa mà Peter Pan vẫn bay lượn cùng những thiên tinh bé nhỏ của mình, hoang sơ như cung Hằng nơi chú Cuội ngẩn ngơ đợi trâu về… Không hiểu nổi là Nguyễn Nhật Ánh đã vẽ ra như thế để người khác đọc hay cho chính anh sống trọn những mê, man, ẩn, khuất của riêng cuộc đời mình...”

- Hà Quang Minh có những cảm nhận tinh tế của một tâm hồn nghệ sĩ. Đúng là nhà văn viết trước hết là để cho mình, để đi đến cùng những giấc mơ của mình. Bạn đọc yêu thích một nhà văn nào đó vì họ có những cảm xúc giống như của nhà văn, vì nhà văn đó đã vẽ ra được những giấc mơ của chính họ. Đó chính là sự đồng cảm giữa nhà văn và bạn đọc.

* Phụ nữ hay nói thế này, đàn ông có nhiều giai đoạn, tuổi 20 bốc đồng sốc nổi, tuổi 30 khắc nghiệt, tuổi 40 nếu không trầm tĩnh vĩ đại sẽ bảo thủ cứng nhắc ; 50 tuổi … khó lường, 60 khó tính kỳ lạ, 70 tuổi bắt đầu ngồi bên hiên nhà dễ khóc như trẻ nhỏ. Anh thấy mình có đi theo “quỹ đạo” phán xét này của một nửa thế giới còn lại không?

- Có lẽ tôi không đúng quy luật đó lắm vì tôi quanh năm đắm chìm trong những trang sách tuổi thơ nên tính cách không bị cái quy luật đó chi phối. Có thể tôi “mãi mãi tuổi … 15” (cười).

Mời xem clip Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Lần đầu tiên, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đồng ý xuất hiện “trên truyền hình” trong chương trình Café với Sao của báo Người Lao Động. Anh quan niệm “chỗ ngồi của nhà văn là ở bàn viết và những gì cần chuyển tải đã nói trong tác phẩm cả rồi”. Nhưng một lý do khác nữa là anh luôn muốn chăm chút cẩn thận từng câu chữ cho các bài phỏng vấn, trả lời truyền hình có khi … không kiểm soát được ngôn từ theo cách bạn bè văn chương vẫn nói: “nhà văn viết hay nhưng nói… dở”.

Tuy nhiên, trong chương trình Café với sao, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng đã trò chuyện dí dỏm như những trang viết của anh. Những bộc bạch thú vị về loài vật yêu thích, thói quen đọc sách trong…. toilet thời còn bé, ký ức không bao giờ cạn về tuổi thơ; cũng như thú vui chọn sách, sở thích khác ngoài sách và mong muốn viết tiếp về nhân vật loài vật để hoàn chỉnh “bộ 12 con giáp…”.

Chương trình sẽ được phát sóng trong chuyên mục Cafe với Sao vào ngày 23-3 tới, trên trang web: https://www.nld.com.vn



TIỂU QUYÊN thực hiện. Ảnh: Tiệm sách Kính Vạn Hoa.

Nguồn: Người lao động
 
mới đọc xong Chúc ngày mới tốt lành
 
THẰNG CU LÀ AI?

"Thằng Cu" là tên gọi thân mật của một trong những người em của chú Ánh. "Thằng Cu Tý" vì "thằng Cu" tuổi Tý. Hồi bé, thằng Cu sống chung với chú Ánh ở tầng 3 của một chung cư. Vì thằng Cu rất nghịch nên chú Ánh có làm bài thơ dặn em, bắt thằng Cu học thuộc:

Giọt nước nghịch
Ở trên trời
Ngã xuống đất
Thành mưa rơi

Lá đi chơi
Quên lời mẹ
Sẩy tay té
Vào khoảng không

Thằng cu Tý
Ở lầu ba
Đừng lân la
Ra hiên nhé

Nhớ lời mẹ
Cu Tý ơi
Kẻo lại té
Thì khổ đời

Giọt nước rơi
Ra sông rộng
Chiếc lá rụng
Bón cho cây

Cu Tý té
Thì què tay
Mẹ cho kẹo
Cầm sao đây?
________

Ảnh: Năm anh em chú Ánh hồi xưa (giống đội bóng làng) và bây giờ (giống đội tuyển Tây Ban Nha, hehe). Theo bạn, thằng Cu mặc áo số mấy?




_______________________


Ảnh: Bà Đỏ và các con, cháu. Đố các bạn tìm ra chú Ánh? Và các con số trên áo từng người có ý nghĩa gì?
1958276_674639602600729_2049020694_n.jpg


Nguồn: https://www.facebook.com/tiemsachkvh
 
Thích truyện Trại hoa vàng buồn cười chết, mỗi lần đọc lại đều mang cảm xúc của ban đầu
 
Nguyễn Nhật Ánh là Nguyễn Nhật Ánh​

Gần ba mươi năm sống bằng nghề viết báo, “bám trụ” lãnh vực văn hóa nghệ thuật, do đó, tôi hoàn toàn có đủ thông tin khẳng định rằng, chưa một nhà văn nào ở Việt Nam đứng trên đỉnh vinh quang bền bỉ như Nguyễn Nhật Ánh. Chỉ cần nhắc đến tên anh, công chúng luôn dành nhiều ái mộ; lúc tác phẩm mới của anh phát hành, lập tức giới báo chí săn đón đưa tin; lúc anh xuất hiện trong đám đông, lập tức các fan ùa nhau chạy đến xếp hàng xin chữ ký, chụp ảnh chung v.v… Điều quan trọng, số lượng in tác phẩm bao giờ cũng đứng đầu bảng thị trường sách. Chưa hết, sách của anh còn luôn đạt kỷ lục tái bản trong thời gian nhanh nhất. Hiếm có nhà văn nào sánh nổi.

Nguyễn Nhật Ánh, một cõi.

Nguyễn Nhật Ánh, một sân chơi.

Đêm kia, bù khú chút đỉnh với nhà thơ Đoàn Vị Thượng về nhiều chuyện trên đời, rồi cũng như mọi lần là quay về câu chuyện văn chương. Thượng quả quyết, chắc lâu nay Thằng quỷ nhỏ (*) cũng buồn (!?). Tôi ngạc nhiên quá, anh Ánh đang có chuyện gì bất ngờ xẩy ra chăng? Chuyện gì thế? Thượng cười khà khà: “Ông thấy đó! Nguyễn Nhật Ánh đứng một mình trên cõi vinh quang mà lâu nay chẳng thấy có ai “đối trọng”, “cạnh tranh”, “so kè” cả. Vậy “đơn độc” quá đi chứ? Thế, không buồn là gì?”.

Cách nói dí dỏm của nhà thơ Đoàn Vị Thượng, ít nhiều cho thấy vị trí của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lâu nay trên trường văn trận bút.

Cậu nhóc lơ đễnh và Chú bé rắc rối

Ngày nọ, bà chị của nhà báo Nguyễn Đình Xê từ Đà Nẵng gọi điện thoại nhờ anh giúp cho một chuyện mà với chị là quan trọng. Chuyện rằng, đã sắp đến kỳ thi đại học nhưng cậu nhóc Phê lại lơ đễnh bài vở nên chị lo quá. Chị dỗ ngon dỗ ngọt và tìm mọi cách khuyến khích con gắng học. Chị hỏi ân cần: “Con có ước mơ gì thì nói cho mẹ biết? Nếu con thi đậu, mẹ thực hiện liền”. Phê đáp: “Con ước mơ được vào Sài Gòn gặp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh”. Chị mừng quá, bèn gọi điện thoại cho nhà báo Nguyễn Đình Xê và nhờ anh làm trung gian.

Sau khi nghe mẹ hứa, Phê ra sức học tập và kỳ thi đó đậu luôn vào cả hai trường đại học là Bách khoa và Kinh tế tài chính. Lập tức, cuộc gặp mặt theo ước mơ của cậu bé đã diễn ra tại quán Đo Đo. Anh Xê kể lại: “Lúc gặp nhau, cả hai trò chuyện như bắp rang. Cậu nhóc nhà mình và Chú bé rắc rối bàn về tính cách nhân vật trong tác phẩm của Ánh hào hứng ghê. Nghe sướng luôn”.

Có cuộc tri ngộ nào giữa độc giả và nhà văn lại chân tình và cảm động đến thế?

Lại ngày nọ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đi dự đám cưới của con gái người bạn. Sau phần nghi lễ, chỗ ngồi của anh bỗng nhiên náo nhiệt hẳn lên. Thì ra, độc giả yêu văn chương phát hiện ra Nhà ảo thuật bèn kéo đến hỏi han, chụp ảnh chung. Thế là từ lúc đó, anh Ánh trở thành “nhân vật chính” bất đắc dĩ. Tất nhiên, suốt buổi anh không thể cầm đũa như bao thực khách khác mà phải làm vui lòng các fan yêu quý. Tan tiệc, anh kéo tôi lại và thì thầm: “Tí nữa mình đi làm bát phở chăng?”.

Nói như nhân vật của anh “Buồn ơi là sầu”, ai biết làm người của công chúng cũng… khổ lắm thay!

Thế nhưng có mấy nhà văn được như Nguyễn Nhật Ánh?

Có lẽ, hình ảnh dễ mến nhất của Thám tử nghiệp dư là lúc ký tặng sách cho bạn đọc. Từng cô cậu sinh viên học sinh ngoan ngoãn xếp hàng, trên tay cầm quyển sách mới chờ đến lượt mình, ai nấy đều nhẫn nại trong tâm trạng hào hứng, cười nói râm ran. Tôi quan sát thấy rằng, ký cho ai xong, lúc trao lại sách anh đều bắt tay và ân cần hỏi han đôi lời. Quái, trí nhớ của anh khá tốt, dù đã ký cho cả hàng ngàn lượt bạn đọc từ Nam chí Bắc nhưng anh vẫn nhớ đến độc giả của mình, thỉnh thoảng lại hỏi những câu chân tình như: “Ủa? Sao lần này đi một mình. Lần trước, chú thấy cháu đi với cô bạn nữa mà”. Cậu bé cười lỏn lẻn: “Dạ, cô ấy đang xếp hàng mút cuối đàng kia kìa. Bữa nay đông người quá, chú Ánh ơi”. Lần khác đang tặng chữ ký cho bạn đọc ở Hà Nội, anh chợt nhìn sững một cô bé đang chờ xin chữ ký “Ủa, sao con lại ở đây? Chú thấy con quen quá!”. Được nhà văn nhận ra, cô bé cảm động và sung sướng đáp “Con ở Bình Dương, đã xin chữ ký của chú một lần trong kia rồi. Lần này ra Hà Nội chơi, nghe có buổi ký tặng của chú nên con rủ bạn đến xếp hàng”. Nhà văn mà nhớ mặt bạn đọc của mình như thế quả hiếm có!

Thái độ nhã nhặn và giản dị của anh giúp mối giao tình giữa nhà văn và bạn đọc thêm gần gũi, thân mật.

Cuộc “mất tích” của Thi sĩ hạng ruồi

Thông thường trước lúc viết tác phẩm mới, mỗi nhà văn thường có những thói quen ngộ nghĩnh, đôi khi kỳ quặc.

Có người chọn buổi sáng, lúc tâm hồn sảng khoái nhất để viết dòng chữ đầu tiên… lấy hên. Có người, chẳng hạn nhà văn Nguyễn Quang Sáng, trước lúc viết, ông thường kể đi kể lại câu chuyện sẽ viết, kể cho nhiều người nghe, kể đến thuộc lòng, kể đến lúc ai nấy đều gật gù khen hay, tức là khi lòng không còn vướng mắc một chi tiết nào nữa thì ông mới ngồi viết ra. Lại có người chỉ lẳng lặng ngồi một chỗ, đóng cửa phòng, không xuống phố suốt mấy ngày liền viết đề cương chi tiết, càng chi tiết càng tốt. Khi đâu vào đấy, cốt truyện xem như đã hoàn thành mới bắt đầu viết.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thuộc thành phần thứ ba.

Mà cách viết của Ông thầy nóng tính cũng lạ, lúc ấy trên bàn làm việc mọi thứ phải ngăn nắp, chỉnh chu và sạch sẽ. Anh không ăn sáng, chỉ uống cà phê rồi viết một lèo từ 8 giờ đến chừng 10 giờ mới ngừng lại ăn nhẹ bằng một quả chuối, một quả trứng hay một mẩu phô-mai; sau đó anh lại ngồi vào bàn và viết luôn một mạch đến 2 giờ trưa. Công việc này đã trở thành thói quen, kể cả ngày chủ nhật. Với Người bạn lạ lùng, một năm có 365 ngày, không có ngày nào là ngày nghỉ. Hình ảnh đó cho thấy sức lao động bền bỉ của một nhà văn luôn đau đáu với các nhân vật, tình tiết, diễn biến câu chuyện đang diễn ra trên từng trang viết.

Còn nhớ vài năm trước đây báo Thanh Niên cần in nhiều kỳ truyện dài cho độc giả trẻ, nhờ Nguyễn Nhật Ánh viết tiếp bộ truyện nổi tiếng Kính vạn hoa. Đứng trước Cuộc so tài vất vả này, anh ngần ngừ, không trả lời dứt khoát đồng ý hay từ chối vì bộ truyện kia đã kết thúc được 5 năm rồi. Rồi một chuyện bất ngờ xẩy ra. Đột nhiên sau đó vài ngày, từ gia đình đến bạn bè đều nháo nhào, không rõ Thi sĩ hạng ruồi đã trốn biệt đi đâu? Bị các độc giả ái mộ “bắt cóc” chăng? Không ai có thể liên lạc được. Điện thoại luôn ò í e trong tình trạng ngoài vùng phủ sóng.

Đang lúc “dầu sôi lửa bỏng” ấy bỗng có một cú điện thoại gọi về Đường dây nóng của báo Thanh Niên. Nhìn thấy tên Nguyễn Nhật Ánh hiện lên màn hình, người trực điện thoại hồi hộp quá, vồn vập hỏi ngay một hơi: “Ông Ánh đó à? Lâu nay đi đâu? Ở đâu? Làm gì? Chuyện gì đã xẩy ra? Mọi người đang lo sốt vó đây nè!”. Tiếng đầu dây bên kia tỉnh bơ như không, cười giòn giã : “He he, đã nghĩ ra cốt truyện và viết được 5 trang rồi. Báo với Tổng thư ký tòa soạn ngày mai tôi sẽ gửi kỳ đầu tiên”.

Hỏi kỹ, Kẻ thần bí mấy hôm nay một mình một laptop bỏ đi Vũng Tàu, và nằm lì trong khách sạn mấy ngày liền. Lúc đó, anh cần có thời gian, không gian riêng biệt, suốt ngày ngồi bên cửa sổ nhìn ra biển để tập trung tư tưởng thai nghén cho cuốn truyện mới. Hầu hết tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đã được viết theo cách làm chỉnh chu này.

Viết về nhà văn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh khó có thể gói gọn trong một vài trang viết. Cũng như thắc mắc mọi lần của bạn đọc ái mộ anh đã từng hỏi, lần này vẫn là: “Vậy nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là ai?”. Với câu hỏi đó, có lần tôi hỏi cháu An May nhà tôi - một trong nhiều, rất nhiều độc giả ái mộ anh. Nào ngờ cháu có câu trả lời khiến tôi bất ngờ và nghĩ rằng, khó có cách lý giải nào hợp lý hơn: “Chú Ánh là chú Ánh”.

Vâng, Nguyễn Nhật Ánh là Nguyễn Nhật Ánh.

LÊ MINH QUỐC, nhà thơ

(Báo Thanh Niên XUÂN 2014)​
 
×
Quay lại
Top