Người Việt dính chiêu lừa khi du lịch nước ngoài

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Những trường hợp người thực việc thực bị dính chiêu lừa khi du lịch các nước lân cận là lời cảnh báo đáng lưu ý, khi chuyện ra nước ngoài chơi ngày càng phổ biến.

thebox-thailand2-q0in-686164-4543.jpg

Các chuyến du lịch tự do hay theo đoàn trong các nước Đông Nam Á đều có những rủi ro nhất định. Nó không đến từ những nguy hiểm trên cung đường mà bắt nguồn từ chính hành động không đẹp của một bộ phận nhỏ dân bản xứ, sống chủ yếu dựa vào việc lừa gạt khách du lịch.

Thỏa thuận giá xe

Đây là hình thức lừa đảo tuy không mới nhưng phương thức hoạt động vẫn mang những biến tướng nhất định rất khó kiểm soát đối với nhà chức trách và gây không ít phiền hà cho khách du lịch. Thông thường đối tượng sẽ tạo niềm tin cho bạn sau đó mới ra tay hành động, nhất là khi di chuyển đến nơi vắng vẻ. Chúng thường rất táo tợn vì khi “ăn hàng” thường không bao giờ hành động riêng lẻ.

Anh Trần Trí Đoàn trong một chuyến du lịch Philippin với người bạn đồng hành đang tha thẩn dạo quanh bờ biển thì gặp tài xế chiếc trycicle (xe ba bánh) mời đi xe. Dù đã cố từ chối nhưng thấy người này nằn nì mãi cùng việc đưa ra mức giá hấp dẫn anh và bạn quyết định lên xe. Do không nắm được những điểm vắng vẻ nên chặng cuối của chuyến hành trình dọc bờ biển chiếc xe dừng lại ở một chỗ thưa dân cư. Lúc này tài xế yêu cầu anh trả số tiền tương đương 900.000 VNĐ, trong khi thỏa thuận trước đó chỉ chừng 400.000 VNĐ. Bức xúc với động thái này anh và bạn kiên quyết chỉ thanh toán đúng số tiền đã thỏa thuận thì một đối tượng khác xuất hiện hù dọa. Bản thân từng đi lính và có chút võ nghệ nên hai anh không ngần ngại cho hai tên này một bài học dù chúng sử dụng dao. Anh tâm sự: “may mắn là mình đi hai người chứ nếu không cũng đành bấm bụng trả số tiền từ trên trời rơi xuống”.

Đây là các đối tượng ban ngày tập trung ở các bến xe khách tại Philippin xin đểu khá trắng trợn nếu bạn đồng ý cho chúng phụ giúp việc nào đấy, chẳng hạn như: đẩy xe, xách hành lý, kiếm xe,… Còn khi đêm xuống thông thường chúng tham gia vào các hoạt động kể trên nên nếu có đi du lịch bạn cần tránh những tài xế đưa ra mức giá hời so với mức giá được khách sạn hay người bản địa gợi ý. Dĩ nhiên, nếu quá ế đôi khi tài xế cũng chấp nhận mức giá thấp nhưng một chuyến đi như thế thường khá mạo hiểm

thebox-hinh-minh-hoa-a1-copy-686164-9685.jpg

Xe Trycicle ở Philippin.

Lòng tốt của cánh tài xế

Tại Thái Lan du khách đã quá quen thuộc với những chiếc Tuk Tuk, với máy móc được độ và giá mềm hơn taxi một chút nếu chịu khó trả giá nên đây là ưu tiên hàng đầu trong việc di chuyển.
Trong một chuyến du lịch cùng chồng chị Lý Ngọc Kim Trang bắt gặp một tài xế Tuk Tuk rất nhiệt tình đồng ý chở cả hai người đến những cửa hiệu mua sắm với giá hợp lý, thậm chí còn ngồi chờ rất lâu không tính thêm tiền. Do đây là chuyến đi Thái lần đầu tiên nên chị cảm thấy rất thích và có thiện cảm với anh tài xế, các cửa hàng anh ấy giới thiệu đều có thể vui vẻ trả giá. Chính vì thế trong suốt những ngày ở đây hai vợ chồng chị đều nhờ anh tài xế này chở đến các địa điểm vui chơi, ăn uống. Ngày cuối về nước đôi bạn trẻ còn hào phóng boa cho anh chàng tài xế chút đỉnh tiền.

Thế nhưng khi về đến Việt Nam chị mới biết các cửa hàng như thế đều đã ăn chia với cánh tài xế, nếu chị mua hàng họ sẽ được hưởng coupon xăng dầu hoặc có thể quy đổi thành tiền. Đến đây, chị Kim Trang mới lò mò hỏi giá các món hàng đã mua trên mạng, mới biết chúng là hàng Trung Quốc hoặc có giá đắt hơn những chỗ khác.

thebox-hinh-minh-hoa-a2-copy-686164-7066.jpg

Tuk Tuk phương tiện di chuyển phổ biến tại Thái Lan.

Chiêu lừa tại chốn tâm linh

Các đối tượng lừa đảo thường xuất hiện ở khắp nơi ngay cả tại các chốn linh thiêng như: chùa chiền, đình , miếu,… bạn cũng cần phải cảnh giác.
Anh Võ Đăng Triều trong một chuyến du lịch Malaysia vào tham quan một ngôi đền Ấn Độ Giáo đã trải nghiệm điều phiền toái. Tại góc nhỏ của khu đền có một người đàn ông trong trang phục Ấn ngoắc anh lại sau đó dùng tay điểm nhãn lên trán (tạo chấm đỏ trên trán). Khi tham qua xong ra về người đàn ông chặn cửa và xin anh số tiền tương đương 200.000 VNĐ. Bị lừa trắng trợn nhưng anh Triều cũng đàng phải đưa tiền, đồng thời tự hứa rút kinh nghiệm về sau.

thebox-hinh-minh-hoa-a3-686164-6859.jpg

Bên trong khu đền người Ấn.

Một hình thức biến tướng khác của chiêu lừa này được chị Lý Mỹ Liên thuật lại trong chuyến du lịch Lệ Giang (Trung Quốc).
Khi đi thăm một ngôi chùa cổ kính có vị sư ngồi ngoài thấy chị cùng nhóm bạn tiến lại gần hỏi thông tin vị sư này nói vào chùa cần thắp nhang. Để cho chắc chị Liên hỏi nhang có phải mua không thì vị sư bảo hoàn toàn miễn phí. Yên tâm bước vào điện thờ nhóm của chị được vị sư hướng dẫn tận tình cách hành lễ. Khi ra về vị sư mang đến một cuốn sổ yêu cầu chị quyên góp cho chùa, vui vẻ đưa cho vị sư khoảng tiền tương đương 100.000 VNĐ thì nhận được sự từ chối của vị sư thay vào đó là yêu cầu khoản tiền tương đương 600.000 VNĐ. Sau một hồi trả giá kèm theo sự bực dọc chị Liên mới chốt được giá 200.000 VNĐ.

Ngay cả những chốn Phật giáo tôn nghiêm như ở Thái Lan cũng không thiếu những chiêu lừa tương tự. Đó là trường hợp của anh Dương Minh Nhật với vụ lừa đảo mà mỗi khi nghĩ lại anh vẫn còn tức cười. Trong khuôn viên sân chùa, anh Nhật trông thấy một vị sư đang cho chim ăn khi anh chăm chú quan sát thì vị sư này đưa cho anh nắm thức ăn. Vui vẻ cầm lấy và thảy từng chút xuống sân quan sát chụp hình lũ chim, khi ra về anh bị yêu cầu đưa số tiền 200.000 VNĐ.

thebox-hinh-minh-hoa-a4-686164-9773.jpg

Động Batu ở Malaysia.

Đến những kiểu lừa đảo nguy hiểm

Mất tiền, mất vui khi bị lừa đảo vẫn còn là nhẹ trong các chuyến du lịch, vì nếu không cẩn thận bạn có thể gặp rắc rối lớn với an ninh sở tại. Anh Nguyễn Đình Đức đã bị một cú lừa khá ngoạn mục ở Malaysia mà mỗi khi nghe ai nói sắp đi sang nước này anh đều không ngừng nhắc nhở.

Trong một lần dạo phố anh bắt gặp một chiếc xe hơi dừng lại bước ra là hai người mặc đồng phục cảnh sát, họ yêu cầu anh xuất trình passport. Có kinh nghiệm du lịch nhiều năm anh nói passport đã để tại khách sạn. Hai người này tiếp tục yêu cầu anh cho xem ví vì tình nghi anh mang đô la giả để đổi sang tiền Ringgit (tiền Malaysia). Nghĩ rằng mình có thể quan sát được nên anh rút ví cho hai đối tượng kiểm tra, đến khi chúng đi khỏi soát lại ví anh thấy mất 200 USD.

Trường hợp của anh Đức là khá may mắn, vì theo thông tin các đối tượng này thường lấy cắp giấy tờ và đòi tiền chuộc. Cách tốt nhất là bạn phải yêu cầu được dẫn về đồn cảnh sát để xác định thân thế của các đối tượng vì thông thường chúng đều là những tên lừa đảo giả dạng.

tehbox-hinh-minh-hoa-a5-686164-7038.jpg

Kiểm tra an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Kể lại sự may mắn của mình chị Lê Hồng Nhung vẫn còn cảm giác sợ sệt. Trong một chuyến bay từ Thái Lan về Việt Nam có một chú khoảng 55 tuổi người Việt bắt chuyện. Sau một hồi trò chuyện rôm rả chị Nhung nhường bác này đi trước, không biết vô tình hay cố ý vị khác bỏ quên chiếc một chiếc vali.

Do sân bay không đông nên chị gọi với theo, kì lạ là dù gọi to người đồng hương này vẫn không trả lời mà di chuyển rất nhanh qua hàng rào kiểm tra an ninh. Chị Nhung định xách vali của người này luôn thì chợt nhớ đến lời dặn trên các diễn đàn là: “không xách đồ dùm người lạ”. Thế nên chiếc vali được bỏ lại và chị lên thẳng chuyến bay.
Điều ngạc nhiên là dù nói đi cùng chuyến bay về TP.HCM nhưng chị không hề thấy vị hành khách đó đâu nữa!
Theo NCĐT
 
×
Quay lại
Top