Người đàn bà 11 năm nuôi chồng, con bại liệt

hatthoc30

Đang từng ngày lớn lên
Thành viên thân thiết
Tham gia
9/12/2010
Bài viết
2.416
Sau khi đứa con trai thứ 3 bị ốm và bại liệt, người chồng cũng đổ bệnh động kinh, một mình chị phải nuôi 7 miệng ăn trong nhà. Đã 11 mùa xuân trôi qua, họ không có Tết.

Trong căn nhà lụp xụp cuối xóm Kim Long (xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương, Nghệ An), chị Dương Thị Bính thẫn thờ, ngao ngán nhìn đứa con nhỏ bại liệt trên gi.ường, cạnh đó là người chồng đang sống dở, chết dở bởi căn bệnh động kinh.
Mặc dù đã hơn 11 tuổi nhưng cháu Nguyễn Lâm Mạnh, con trai thứ 3 của chị nhỏ thó như một đứa trẻ mới lên 5 với chứng bệnh bại liệt, câm điếc. “Khi mới sinh ra, cháu hoàn toàn khỏe mạnh. Được một tuổi rưỡi, sau một trận sốt cao, đứa bé kháu khỉnh bỗng có những biểu hiện khác lạ, hai chân bắt đầu co rút, giọng nói bị biến âm và tai nghe không rõ”, chị Bính kể trong đau đớn.
Sau nhiều lần chữa trị ở bệnh viện huyện Thanh Chương rồi Bệnh viện Nhi Nghệ An nhưng không khả quan, hai vợ chồng chị đã bán đi con trâu, gia sản lớn nhất của gia đình để đưa con ra Hà Nội chữa bệnh. Sau hơn một tuần chữa trị tại các bệnh viện nhi ở Hà Nội, mặc dù diễn biến bệnh của con trai có dấu hiệu khá lên nhưng số tiền bán trâu cũng hết. Hai vợ chồng đành ngậm ngùi đưa con về quê.
ngheo.jpg

Chị Bính bên cạnh chồng và đứa con bệnh tật. Ảnh:Trường Long.Mặc dù thiếu ăn nhưng họ chưa bao giờ thôi hi vọng chữa khỏi bệnh cho con. Sau nhiều lần tìm đến các đền chùa, thầy lang nhưng không có kết quả, hai vợ chồng đưa con ra Viện châm cứu Trung ương. Tại đây, giáo sư Nguyễn Tài Thu đã trực tiếp khám và đưa ra phác đồ chữa bệnh cho cháu bé với khẳng định “cứ 2 tháng một lần đưa cháu bé ra châm cứu, sau một thời gian, bệnh sẽ khỏi”.
Quả thật, sau gần một tháng châm cứu, cháu Mạnh bắt đầu hồi phục, chập chững tập đi, nói được và nghe được.
Nhưng lần đi Hà Nội ấy, hai vợ chồng nghèo đã phải bán nốt đôi lợn nái trong chuồng và vay mượn hết anh em nội ngoại. Gia đình vốn đã nghèo lại rơi vào cảnh túng quẫn, đói ăn triền miên nên không thể kiếm đâu ra tiền để tiếp tục đưa con ra Hà Nội chữa trị theo phác đồ của bác sĩ. Họ đành bất lực nhìn con chết mòn vì căn bệnh quái ác.
Sau gần một năm làm thuê đủ mọi việc như phun thuốc trừ sâu, dọn chuồng trâu, cày thuê,… để kiếm tiền chữa bệnh cho con, anh Nguyễn Lâm Đoàn, bố cháu Mạnh tự nhiên đổ bệnh. Ban đầu là những cơn đau đầu, chân tay rã rời rồi dần dần mắc bệnh động kinh, thỉnh thoảng lại lên cơn co giật. Từ một người đàn ông vạm vỡ, khỏe mạnh, anh Đoàn bị teo cơ dần dần, đến nay chỉ nặng còn 40 kg, không làm được bất cứ việc gì, thình thoảng lên cơn lại chửi bới, đánh đập vợ con.
Ngoài cậu con trai thứ ba mắc bệnh, không có tiền chữa, vợ chồng nghèo còn có thêm hai cháu gái. Con đông, chồng bệnh tật, mọi gánh nặng dồn vào vai chị Bính, người phụ nữ vốn đã khốn khổ vì bệnh tật của chồng, của con lại càng tiều tụy vì phải lo cho 3 đứa con đang tuổi ăn học.
Mượn trâu của hàng xóm để cày, một mình chị vẫn nhận hơn một mẫu ruộng. Hằng ngày, chị làm bất kể mọi việc miễn sao có tiền để mua thuốc cho chồng, con. Sau một thời gian làm việc quá sức, chị Bính cũng đổ bệnh. Thỉnh thoảng, căn bệnh tắc nghẽn động mạch lại hành hạ khiến chị càng thêm khổ cực.
Dường như nỗi khổ ấy là chưa đủ, ông trời tiếp tục "thử thách" lòng can đảm của chị Bính. Nằm ở cuối bìa làng, căn nhà tranh xiêu vẹo của chị năm nào cũng bị ngập lụt, ít thì ngập nền, to thì ngập cả mái. Năm 2009 vừa rồi, căn nhà gần như đổ sụp sau khi bị ngâm dưới nước gần một tuần, cả nhà phải đi sơ tán đến những gia đình khác. Toàn bộ lợn gà đều bị cuốn theo nước lũ. Gia đình chị trở thành một trong những hộ nghèo nhất nhì xã Thanh Tùng.
Nhìn chồng và đứa con trai tiều tụy nằm bất động, chị Bính nghẹn ngào: “Đời tôi như vậy chắc cũng đã tận cùng của nỗi khổ rồi, chồng tôi cũng thế nhưng đứa con trai thì chúng tôi chưa hết hi vọng. Nếu có tiền đưa ra Hà Nội phẫu thuật, châm cứu và hồi phục chức năng thì con trai tôi sẽ đi lại, nghe, nói được bình thường. Nhưng khốn nỗi, để duy trì cuộc sống hằng ngày cho 5 đứa con, trong đó có 3 đứa đang ăn học và chồng bệnh tật đã là quá khó rồi chứ nói gì đến việc có tiền để ra Hà Nội chữa bệnh cho cháu…”, dứt lời kể, cổ họng của người đàn bà tội nghiệp nghẹn đắng, hai hàng nước mắt tuôn trào.
Năm nay, cả gia đình nghèo ấy lại không có tết.
Bạn đọc hảo tâm, giúp đỡ chị Bính xin gửi về: Chị Dương Thị Bính, xóm Kim Long, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương, Nghệ An. (0386593396, gặp chị Bính)

Theo Vnexpress

 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top