Người công nhân già ở trạm xe buýt ngày tết

casanohu

Cựu quản lý
Tham gia
8/1/2010
Bài viết
474
Xa lộ Hà Nội lưa thưa người ngược xuôi. Phía bên kia đường, trạm xe buýt hướng về Suối Tiên, một người đàn ông lặng lẽ trong bộ đồ đồng phục công nhân thẩn thơ bên chiếc ba lô cũ.

Ông đưa đôi mắt buồn và mệt mỏi nhìn người rộn rã trong quần áo mới vi vu trên đường. Hành trang trong ba lô của ông là mấy bộ quần áo công nhân, một cái võng, mền mùng và một chiếc áo gió.

Đặc biệt, trong quyển tập học sinh đã cong mép của ông có bức ảnh một người phụ nữ cười tươi kèm dòng chữ viết rất nắn nót phía dưới: Vợ mất ngày âm lịch 10.10.2009. Bệnh tê liệt. Thương nhớ mãi”…


Hũ củ kiệu ông Tuấn nhặt được ở gần cây xăng trên xa lộ Hà Nội (đoạn quận 9) là thức ăn “cầm cự” sáng mùng 1 Tết của ông.
Người đàn ông ấy là tên Trần Văn Tuấn - công nhân một công ty cổ phần đầu tư xây dựng. Nhà ông ở ấp 3, xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

65 tuổi đời, tròn 25 năm làm thợ xây. Gần Tết, ông theo công trình ở gần địa đạo Nhơn Trạch; cách khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai) gần 10km. Ông bảo, mỗi năm chỉ về quê hai lần vào ngày mùng 5 tháng 5 và mấy ngày Tết.

“Lẽ ra chiều 28 Tết lãnh lương xong là tôi về quê luôn. Tháng cuối năm vừa rồi tôi làm cả ngày chủ nhật để kiếm thêm tiền về Tết. Tiền công mỗi ngày 160.000 đồng thì tính ra cũng tròm trèm trên dưới 5 triệu đồng. Vậy mà bị người cai thầu giựt hết tiền, trốn về Quảng Ngãi”, ông kể, giọng nghẹn lại.

Ông bặm môi ráng nén những giọt nước mắt: “Lúc chỉ huy trưởng công trình đưa tiền lương cho cai thầu (tên Tâm - người Quảng Ngãi, nhận lãnh khoán xây tô) để phát cho nhóm anh em công nhân vào cuối ngày, chúng tôi (nhóm 10 người) đều nhìn thấy… Ổng nói ra cây xăng Tính Nghĩa (xã Thạch Yên - huyện Nhơn Trạch - tỉnh Đồng Nai) đổi tiền lẻ phát lương cho anh em".

Ông kể tiếp: "Anh em chúng tôi đi bộ ra cây xăng Tính Nghĩa đợi từ 5 giờ chiều không thấy ổng đâu. Ráng đợi cho đến tối thui vẫn không thấy thì mới biết bị người ta giựt tiền bỏ trốn. Cai thầu không phải người của công ty mà ở ngoài xin vào lãnh thầu phần khối lượng. Chớ công ty của tôi tốt lắm, tháng nào cũng trả lương đúng ngày đàng hoàng”.

Thế là cả nhóm công nhân, người quê Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi ; người quê Cà Mau, Bến Tre... thất sắc, buồn thiu; mạnh ai nấy tìm đường về quê khi trong túi không một đồng tiền công.

Riêng với ông, tiền lương tháng trước còn dư, ông gửi hết về dưới quê cho cô con gái út đang học ĐH Y dược Cần Thơ. Trong túi không còn một đồng lẻ. Bà chủ phòng trọ réo đóng 100.000 đồng, ông đau khổ lựa lời xin khất lại và hứa qua Tết lên làm trả sau…

Đêm 28 Tết, người công nhân già ấy đi bộ từ cây xăng Tính Nghĩa (huyện Nhơn Trạch - Đồng Nai) hướng về Sài Gòn.

“Có lúc đói quá, khát quá không đi nổi, tôi liều mình dẹp hết sĩ diện vào xin cơm, xin nước một nhà bên đường. Bà chủ nhà nhìn một lượt rồi bảo: Ông khỏe mạnh còn chân còn tay sao lại đi xin? Tôi không nói nổi câu nào, bỏ đi… Cũng đúng thôi. Mình khỏe mạnh, lành lặn thế này lại đi xin ăn, ai tin? Tôi chỉ còn mong tìm được ngôi chùa nào dọc đường, ghé vào xin cơm nhà Phật. Có lúc tôi quá giang được xe ba gác. Tổng cộng tôi quá giang được ba lần. Họ chở mình được khúc nào hay khúc đó”, ông bảo.

Lần cuối cùng quá giang đến ngã 3 Vũng Tàu thì đã 12 giờ khuya. Người đàn ông ấy lại thất thểu đi bộ về ngã ba Tân Vạn.

5 giờ sáng 29 Tết thì tới ngã tư Thủ Đức. Nhìn quanh không thấy ngôi chùa nào, đói lả, ông ráng quay lại ngôi chùa gần nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM xin cơm. Thấy nhiều người lỉnh kỉnh đồ đạc, quà cáp náo nức bắt xe về quê, ông ứa nước mắt. Một thanh niên quăng nửa trái bắp xuống nền đất. Ông không dám thẳng tay nhặt mà vờ lấy chân đá văng ra xa rồi giả bộ đặt ba lô xuống bên cạnh, lấy nước rửa trôi đất và khăn mặt lau sạch. Ăn trong nước mắt.

Ông vào chùa xin cơm rồi lại đi bộ về hướng ngã 4 Thủ Đức. Khi đi đến trạm xăng Ngọc Điệp (gần siêu thị Co.opMart Thủ Đức), nhìn hũ củ kiệu nằm lăn lóc trên bãi cỏ, ông tưởng hộp cơm. Đói quá, ông ăn hết 1/3 hũ rồi lại loanh quanh những trạm xe buýt dọc xa lộ Hà Nội. Bên này nắng thì ông lại chạy qua bên kia đường.


Bức ảnh người vợ đã mất trong cuốn tập học sinh mà ông Tuấn luôn mang theo bên mình
Đêm giao thừa, ông dừng chân ở trạm thu phí gần cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội. Bữa ăn đón năm mới là nửa ổ bánh mì khô khốc, cứng ngắc, kiến bu đầy, thịt nồng mùi thiu lăn lóc bên vệ đường.

“Lúc cúi xuống nhặt ổ bánh mì đó, tôi tủi quá, khóc. Trong đời mình, tôi chưa bao giờ khốn khổ, tủi nhục như vậy… Ổ bánh mì đã ôi thiu nhưng vẫn phải ăn. Ăn để mà sống. Tôi nghĩ đến 5 đứa con của mình, rồi lại nhớ 8 cháu ngoại lít nhít mà khóc. Năm nào cũng lì xì cho tụi nó. Tôi tính lãnh tiền xong sẽ lì xì cho tụi nhỏ, đứa lớn 20.000 đồng, đứa nhỏ 10.000 đồng. Nhưng giờ thì… Rồi lại nghĩ không biết sắp nhỏ ở nhà có lo bàn thờ nhang khói cho mẹ nó tới nơi tới chốn không”, ông rơm rớm nước mắt nói.

Vợ ông mất gần cuối năm 2009. Suốt 2 năm bà bị liệt, ông nghỉ làm 2 năm, ở bên cạnh chăm sóc vợ. Sống với nhau mấy chục năm, hai vợ chồng chưa bao giờ lớn tiếng… Bà đi rồi, con cái ông nhất quyết không cho bố đi làm nữa.

Nhưng ông nghĩ bụng: “Lủi thủi ở nhà một mình buồn quá, lại đi. Đi làm để kiếm thêm tiền lo cho nhỏ út đang học ĐH Y dược Cần Thơ. Mỗi tháng các chị gom được 2 triệu đồng cộng với 2 triệu của mình nữa là 4 triệu đồng gởi cho con ăn học. Nó sắp ra trường rồi, mình ráng cực chút xíu nữa cho con thành tài".

Người công nhân già ấy "không cho mấy đứa nhỏ biết chuyện này, sợ chúng thương cha rồi lại tủi thân"; rồi tính: tới mùng 6 Tết các công trình xây dựng làm lại xin vô làm một tuần rồi mới về nhà... "Ngồi nhìn người ta đi chơi Tết, được đoàn tụ gia đình tủi quá” - ông nói mà đôi mắt đàn ông đỏ hoe.

Tôi mời ông đi dùng bữa cơm ngày tết ở một quán ven đường. Mời mọc mãi ông chỉ dám gọi một dĩa cơm trứng chiên và dứt khoát không gọi nước dù tôi cố mời.

Đi thăm một người thân ngày mùng một tết, thú thật tôi chỉ chuẩn bị mấy tờ tiền mới để làm tiền lì xì. Kín đáo, tôi cầm tay chú gửi hết số tiền ấy chỉ mong chú được về quê xum vầy với con cháu ngày tết.

Chú không nhận vì "Con viết báo chú biết mà, đâu có dư giả gì đâu".

Tôi nằn nì mãi chú mới nhận trước khi lên xe về quê. Lúc ấy là một buổi chiều xuân. Con cháu ở nhà chắc cũng trông cha về lắm...

... Hơn 21g tối mùng một, trái tim tôi như vỡ òa niềm vui khi nhận được điện thoại của chú gọi lên rưng rưng báo tin đã về đến nhà: "Không có con, chắc chú vẫn vạ vật ở vỉa hè Sài Gòn mấy ngày tết. Hôm nào lên Sài Gòn làm lại, chú cháu mình gặp nhau nghen con...". Rồi chú chuyển máy cho cô con gái, Đầu dây bên kia, giọng một cô gái quê Bến Tre chân chất: "Tụi em cám ơn chị. Bữa nào ráng về quê em chơi nghen chị...".
too_sad.gif
confuse.gif
 
thật là ấm áp tình người!:KSV@17:
 
×
Quay lại
Top