Ngày tình nhân của lính

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
Áp lá thư đã thuộc làu từng chữ trên ngực, Yên nhắm nghiền mắt, mơ màng nghĩ tới việc sang sớm mai sẽ ra bến xe đón chồng. Đã năm cái Tết trôi qua, Bình không về với mẹ con chị.“...

Tết này anh ở lại đơn vị, không về được em ạ. Em và các con đừng buồn nhé. Bà con Hà Nhì cần có tụi anh, biên giới cần các anh. Ra Tết, anh sẽ về với mẹ con em vào đúng ngày Lễ Tình nhân. Đợi nhé!...”.



Theo hẹn, đúng vào ngày Lễ Tình nhân, Bình sẽ về tới thành phố. Hồi hộp xen chút bâng khuâng, Yên lo dọn dẹp nhà cửa, đưa con đi học, rồi đi chợ mua thức ăn. Chị dự định sẽ làm những món mà Bình ưa thích để chuẩn bị đón chồng.Trước khi rời khỏi chợ, chị còn nán lại chọn mua một bó hoa hồng về cắm ở phòng khách. Vừa làm, Yên vừa hát nho nhỏ đủ cho mình nghe. Các con của chị vui lắm, vì đã lâu rồi, từ đợt phép trước đến giờ chúng chưa được gặp bố.

Quân lệnh như sơn, Bình khoác ba lô lên biên giới không mảy may tính toán. Nơi anh ở là xã giáp biên, chỉ cần lội qua con suối nhỏ trước doanh trại là đã sang đến nước láng giềng. Không điện, không tivi, chỉ có báo chí từ sâu trong nội địa chuyển ra.

Cũng không có sóng điện thoại nên chiếc điện thoại anh mang theo bỗng nhiên thành cục sắt gỉ, chỉ lien lạc được khi nào anh ra huyện hoặc xuống tỉnh công tác. Nếu muốn liên lạc với gia đình chỉ còn cách viết thư nhờ bà con đi chợ gửi hộ.

Thư nào anh cũng kể người Hà Nhì ở biên giới nghèo mà tốt bụng, sống đơn giản và thương bộ đội mình lắm.
Buổi tối, Yên cho các con đi ngủ sớm. Nhớ chồng không ngủ được, Yên hết nằm lại ngồi, ra ra vào vào căn phòng của hai người.

Lúc chiều, trước khi lên xe, Bình gọi điện bảo nếu không có gì thay đổi thì đúng 5 giờ sáng mai anh sẽ về đến bến xe trung tâm.

Anh còn dặn chị trời lạnh nhớ mặc nhiều áo ấm và đừng cho con đi theo, sợ chúng rét. Khi không còn việc gì để làm nữa, Yên lên gi.ường, đọc báo. Sợ ngủ quên, chị để chuông điện thoại báo thức.

4 giờ15, chuông điện thoại reo vang. Yên trở dậy, bật bình nước nóng để chồng về có nước ấm dùng. Cô ghé phòng hai đứa trẻ, chúng vẫn đang ôm nhau ngủ ngon lành. Yên lặng lẽ kéo chăn đắp cho con rồi nhẹ nhàng dắt xe ra sân.

Trời vẫn tối như bưng, hơi sương bốc lên lạnh toát. Đến bến xe, Yên đợi mãi, đợi mãi mà không thấy chiếc xe tốc hành Lai Châu - Hà Nội quen thuộc chạy qua. Hơn 6 giờ vẫn không thấy, chị gọi cho chồng.

Im lặng. Lòng Yên nóng như lửa đốt. Sao điện thoại của anh lại không liên lạc được? Đợi thêm một lúc nữa, Yên đành phải quay xe về nhà để đưa con đi học.

Yên đến cơ quan làm việc nhưng đầu óc chị không sao tập trung nổi. Cả ngàn câu hỏi cứ bủa vây trong đầu. Gần trưa, Yên mới nhận được điện thoại của chồng.
- Anh về đến ngã tư đầu thành phố rồi nhé!
Yên lại vội vàng ra bến xe. Chị thấy người dân tụ tập khá đông. Người ta cho biết có người phụ nữ đang đi xe máy bị hai tên cướp giật mất chiếc túi xách làm chị ngã nhào xuống đường.

Có anh bộ đội vừa xuống xe đã lao theo hai tên cướp... Anh đạp đổ xe của chúng, hai tên cướp té xuống đường, anh tiếp tục lao tới bắt chúng thì bất thình lình bị tên cướp móc dao đâm một nhát vào bụng. Anh đã được người dân đưa vào bệnh viện tỉnh.

Linh tính mách bảo Yên người lính ấy chính là Bình. Yên vào bệnh viện đúng lúc cánh cửa phòng phẫu thuật khép lại trước mắt. Khi người hộ lý mở cửa bước ra, Yên biết người vừa được đẩy vào bên trong chính là Bình, anh được đưa vào mổ cấp cứu ngay vì vết thương khá sâu, chạm vào ruột.

Cuộc phẫu thuật hơn hai tiếng đồng hồ mới xong. Bình đã qua cơn nguy hiểm. Biết hoàn cảnh của Yên, các bác sĩ động viên chị an tâm, chỉ lát nữa thôi là anh sẽ tỉnh táo hoàn toàn, chị sẽ được gặp chồng. Họ còn khuyên Yên về đón hai đứa trẻ cùng tới, đó sẽ là liều thuốc quý giá nhất đối với anh khi Bình tỉnh dậy.

Bệnh viện cho xe đi đón hai đứa trẻ. Chúng ngơ ngác khi được biết bố bị ốm phải vào viện. Vị bác sĩ đứng bên cạnh mỉm cười âu yếm xoa đầu chúng:
- Yên tâm đi các chàng trai, bố các cháu là anh hùng đấy!
- Bố cháu là anh hùng ấy ạ? Bọn trẻ ngạc nhiên.
Cánh cửa phòng hậu phẫu mở ra, mấy cô hộ lý đẩy xe đưa Bình trở về phòng bệnh. Lúc đặt Bình lên gi.ường, anh nhoẻn cười nắm lấy tay Yên, rồi quay sang các con, Bình âu yếm gọi:
- Hai thằng giặc của bố đâu, lại đây nào. Kìa, sao lại khóc thế kia? Đàn ông phải cứng rắn lên chứ!
Ngay lúc đó, vị bác sĩ trưởng khoa cùng kíp mổ lúc nãy đã đến bên gi.ường bệnh của Bình. Ông trao cho Bình bó hoa hồng đỏ thắm:
- Xin chúc mừng anh chị hội ngộ trong ngày Lễ Tình nhân đặc biệt này!
Người phụ nữ bị giật đồ cũng có mặt ở đó từ lúc nào. Chị lách qua các bác sĩ, đặt vào tay Yên hộp socola được bọc trong giấy bóng kính xinh xắn cùng chiếc nơ hồng rất dễ thương rồi quay sang nói với Bình:
- Gia đình tôi xin cám ơn anh, nếu không có anh thì chưa biết bao giờ tôi mới trả xong món nợ tiền dự án của nhà máy được. Tôi xin biếu anh chị chút ít gọi là tấm lòng...
Không đợi người phụ nữ nói hết câu, Bình xua xua tay:
- Không phải là tôi thì người khác cũng sẽ làm như thế. Vả lại đó cũng là trách nhiệm của người lính mà... Phòng bệnh lắng lại, cảm động trước câu nói của Bình. Anh bảo vợ mở hộp socola chia cho mọi người:
- Nào, xin mời các anh, chị cùng ăn kẹo mừng ngày Lễ Tình nhân muộn với chúng tôi!

VŨ KIM LIÊN
DNSG
 
Hiệu chỉnh:
Câu chuyện hay quá , chú lính thật dũng cảm :KSV@04:
Ngày valentine đáng nhớ và ý nghĩa
Cần những tấm lòng như vậy trong cuộc sống biết bao:KSV@10:
 
×
Quay lại
Top