Nắng nóng gay gắt, cảnh giác cao dịch bệnh truyền nhiễm

vnGreener

Cựu quản lý
Tham gia
23/2/2011
Bài viết
588
Nắng nóng gay gắt, cảnh giác cao dịch bệnh truyền nhiễm
12/05/2011
1205nang.jpg
Mặc dù chỉ là đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè, nhưng những ngày gần đây, người dân ở nhiều nơi đều cảm thấy rất mệt mỏi, bức bối, nhiều người đổ bệnh.

Đổ bệnh
Ghi nhận của PV SGGP tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội, mặc dù vào cuối giờ chiều nhưng các phòng khám vẫn đông nghịt bệnh nhân. Tại các dãy hành lang, sảnh lớn của khu Khám bệnh, những dãy ghế la liệt người nhà bệnh nhân và trẻ nhỏ vật vã ngồi chờ tới lượt khám bệnh.
BS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, khoảng một tuần trở lại đây, ngày nào bệnh viện cũng đông nghẹt bệnh nhi, thậm chí nhiều hôm từ tối tới đêm khuya cũng phải tiếp nhận hàng trăm trẻ nhỏ tới khám và cấp cứu.
Thống kê của bệnh viện cho thấy, vào những ngày nắng nóng, số bệnh nhi tới viện khám và điều trị lên trên 2.000 trẻ, thậm chí có ngày cao điểm lên tới gần 3.000 trẻ.
Không chỉ có bệnh nhi ở Hà Nội mà bệnh viện còn phải gồng mình tiếp nhận, điều trị cho rất nhiều trẻ ở các tỉnh thành phía Bắc khác như Ninh Bình, Thái Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái khiến bệnh viện bị quá tải nghiêm trọng, không đủ gi.ường bệnh điều trị nên phải nằm ghép 2-3 cháu/gi.ường.
Cùng với Bệnh viện Nhi trung ương, nhiều cơ sở điều trị khác như: Bệnh viện Bạch Mai, Xanh Pôn, Thanh Nhàn ở Hà Nội, Viện Lão khoa quốc gia, Việt Tiệp (Hải Phòng), BV đa khoa Quảng Ninh, cho tới các bệnh viện ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… số bệnh nhân từ trẻ nhỏ tới người lớn đến khám và điều trị các bệnh do nắng nóng gây ra cũng tăng mạnh so với vài tuần trước đây.
Ghi nhận tại nhiều bệnh viện cho thấy, phần lớn những bệnh mà người dân mắc phải do thời tiết nóng bức gây ra là: cảm cúm, sốt cao, say nắng, viêm đường hô hấp, viêm não và tiêu chảy. Trong đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp và viêm phổi ở trẻ em dẫn tới suy hô hấp nặng do nhiều gia đình chủ quan, tự ý mua thuốc điều trị ở nhà cho trẻ.
Cảnh giác cao dịch bệnh truyền nhiễm


Trước tình hình thời tiết nắng nóng còn kéo dài trong những tháng tới, nhiều chuyên gia y tế nhận định, dịch bệnh trên người sẽ tiếp tục gia tăng mạnh. Do đó, phải rất cảnh giác và chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè bùng phát, đặc biệt là sốt xuất huyết, cúm A/H5N1, H1N1, sởi, tiêu chảy cấp nguy hiểm. Người dân cần thường xuyên thực hiện vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu, diệt loăng quăng phòng chống sốt xuất huyết và thực hiện nghiêm việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Không chỉ có các bệnh do thời tiết nắng nóng gây ra mà nhiều dịch bệnh truyền nhiễm cũng đang có chiều hướng diễn ra phức tạp hơn. Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện chưa vào giai đoạn đỉnh điểm của dịch sốt xuất huyết nhưng từ đầu năm tới nay, cả nước đã có trên 1,3 vạn người mắc sốt xuất huyết giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, những số ca tử vong lại tăng 5 trường hợp. Trong đó, chỉ riêng tại Hà Nội, dù không phải là địa bàn trọng điểm của dịch sốt xuất huyết, nhưng đã có 220 người mắc sốt xuất huyết, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại một số tỉnh miền Trung, mặc dù số người mắc sốt xuất huyết chưa tăng mạnh, nhưng qua kiểm tra và giám sát dịch tễ của cơ quan y tế cho thấy, mật độ muỗi gây dịch sốt xuất huyết vẫn ở mức rất cao, do môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cùng với nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết, cúm nhập viện điều trị là hàng nghìn trường hợp sốt phát ban do rubella. Th.S Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, hiện dịch sốt phát ban do rubella vẫn chưa có dấu hiệu giảm dù dịch đã kéo dài suốt từ đầu năm tới nay. Tính đến nay, bệnh viện phải tiếp nhận điều trị trên 5.500 ca sốt phát ban, trong đó có gần 2.000 trường hợp dương tính với virus rubella. Đáng lo ngại hơn, số bệnh nhân bị biến chứng viêm não do mắc rubella cũng tăng mạnh lên tới gần 50 ca, trong khi các năm trước, cả năm chỉ gặp một vài ca.
Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều trẻ em nhập viện
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Thần Kinh – bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết những ngày qua lượng bệnh nhi nhập viện tăng chóng mặt. Riêng dịch bệnh tay chân miệng đã khiến khoa quá tải với hơn 100 em nằm điều trị trong khi chỉ có 80 gi.ường bệnh. Trong số đó có rất nhiều em bị biến chứng nặng, phải thở máy. “Những tháng trước, thậm chí thời điểm này năm trước cũng chỉ rải rác vài chục em nhưng năm nay thì tăng đột biến”, BS Khanh nói.
Tương tự là cảnh tượng của khoa Sốt xuất huyết của BV Nhi đồng 1. Tại phòng cấp cứu có tới hơn 10 cháu đang theo dõi, chưa kể hàng chục em khác đang được điều trị ở các phòng bệnh. Một điều dưỡng cho biết hiện chưa phải vào đỉnh dịch nhưng trung bình mỗi ngày vẫn điều trị cho tới hơn 50 cháu mắc sốt xuất huyết, trong khi những tuần trước chỉ 20-30 cháu.
Chưa hết, chiều qua tại BV Nhi đồng 1 TPHCM, các dịch bệnh tiêu chảy, hô hấp cũng khiến bệnh nhi nhập viện đông nghẹt. Ngay tại khoa Tiêu hóa một gi.ường mà 3 cháu phải nằm chung. Còn tại khoa Hô hấp thì hành lang cũng không còn…chỗ trống.
Tương tự, tại BV Nhi đồng 2 TPHCM, các dịch bệnh cũng khiến trẻ nhập viện gia tăng. BS Lê Thị Thanh Thủy, Khoa Nhiễm cho biết dịch bệnh tay chân miệng đã khiến 99 trẻ đang phải điều trị tích cực, trong đó có 6 ca nặng phải thở máy. Còn dịch sốt xuất huyết cũng khiến 13 ca phải nằm điều trị, 1 ca sốt xuất huyết nặng có sốc.
“Những tuần trước những dịch bệnh này chỉ lác đác vài cháu nhưng 2 tuần nay bỗng dưng tăng mạnh, mà chủ yếu là trẻ em ngụ tại TPHCM”, BS Thủy cho biết.

Ghi nhận trưa nay, 11-5, tại các bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Nhân dân 115, Đại học Y dược TPHCM cũng cho thấy số lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám tăng lên rất nhiều. Một bác sĩ phụ trách khoa khám BV Đại học Y dược cho biết các bệnh như rối loạn tuần hoàn não, tim mạch, huyết áp ở người cao tuổi tăng lên rõ rệt trong những tuần qua. Thời tiết nắng nóng bất thường được xem là nguyên nhân chính.
NGUYỄN QUỐC - TƯỜNG LÂM
Theo sggp.org.vn
 
×
Quay lại
Top