Một thế giới giàu có của trẻ con

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
“Có nhìn thấy cái cảnh ông ấy thức dậy lúc bốn giờ rưỡi sáng để sửa soạn cho buổi ra mắt cuốn sách mới, có nhìn thấy mới tờ mờ đã có một hàng dài độc giả trẻ tuổi xếp hàng ngay ngắn trước nhà sách để chờ nhận những bản in đầu tiên có chữ ký tác giả, mới biết ông ấy - Nguyễn Nhật Ánh - là kẻ rất đáng gờm. Có nhà văn Việt Nam nào tạo dựng được cho mình một thứ quyền lực văn chương thuần túy đến như thế đâu” - một nhà văn cùng thời với Nguyễn Nhật Ánh đã nói như thế.

091011-van-hoa-nha-van-nguyen-nhat-anh-ky-tang-15.jpg


Quyền lực. Đó là hai từ phản ánh đầy đủ nhất về sự hấp dẫn lạ lùng mà Nguyễn Nhật Ánh đều đặn tạo ra qua các tác phẩm của mình, như một thỏi nam châm rất mạnh, có sức ảnh hưởng đến trường đọc của độc giả trẻ tuổi.

Nói Nguyễn Nhật Ánh càng viết càng hay, có lẽ sẽ không thật chính xác. Nói ông có nhiều tìm tòi đổi mới để cái sau khác biệt cái trước, có lẽ cũng không thật đúng. Nhiều năm rồi, ông vẫn thở đều trên từng câu chữ dung dị và gãy gọn, gần gũi và hài hước, trong trẻo và hồn hậu. Ông biết cách đưa nhãn quan từng trải vào tư duy ngôn ngữ trẻ thơ. Cũng nhiều năm rồi, ông không cho thấy cái gì mới mẻ hơn trong văn phong, cấu trúc hay hình thức nói chung, nhưng người đọc ông vẫn không thấy chán, vì họ cần ông là ông chứ không là ai khác.
Sự không có gì khác biệt, có khi còn thể hiện ở khía cạnh vật lý mà một nhà văn chuyên nghiệp phải tính toán: chừng chục năm trở lại đây, số trang in của những cuốn sách Nguyễn Nhật Ánh không quá dao động, thậm chí, các truyện dài của ông có độ dày tương đương nhau. Như thể viết như thế là vừa đủ để mỗi năm ông đều đặn “sản xuất” thêm một tác phẩm mới. Như thể ông quá biết rằng, viết chừng 240 đến 300 trang in cộng với minh họa là phù hợp với quỹ thời gian dành cho việc đọc đối với độc giả trung thành của mình trong bối cảnh này.

Vậy còn điều gì khác khiến cho người đọc, đặc biệt là người đọc trẻ vẫn mê đắm với tác phẩm của ông? Vì sao tên ông vẫn thường đứng đầu trong danh sách những tác giả có sách bán chạy nhất? Vì sao các nhà sách vẫn đua nhau đặt hàng những cuốn sách mới của ông hàng vài tháng trước khi nó được chính thức xuất bản và điều đó thường khiến cho nơi ấn hành sách của ông phải cuống quýt tái, nối bản trước ngày ra mắt chính thức?

e3591_1780625_666134466784576_1413112387_n_200.jpg
Cuốn sách có tựa Chúc một ngày tốt lành (NXB Trẻ, 2014) của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đang “gây sốt” trên thị trường sách. Một tuần trước khi phát hành chính thức, đã có 35.000 bản bìa mềm (giá 99.000 đồng) và 3.000 bản bìa cứng (giá 199.000 đồng) trong đợt in đầu tiên được các nhà phát hành đặt mua hết; nhà xuất bản Trẻ đã phải in nối bản 15.000 bản bìa mềm để đáp ứng nhu cầu săn tìm sách của người đọc.
Ngay trong buổi sáng ra mắt tác phẩm này tại tiệm sách Kính Vạn Hoa của Nguyễn Nhật Ánh (ngày 6-3-2014), đã có 1.000 bản sách kèm chữ ký tác giả được tiêu thụ.


Thật khó trả lời cho thật thấu suốt và tường tận các câu hỏi trên. Giới phê bình có người nói rằng ông là người giỏi dệt mộng trong thế giới tuổi thơ khánh kiệt những mộng mị. Giới buôn bán và tiếp thị sách nói rằng, ông là một nhà văn chuyên nghiệp, tác phẩm mang thông điệp rõ ràng, giữ được những nét đặc thù trong tác phẩm...
Nhưng hãy thử đặt mình vào góc độ nhu cầu độc giả để giải mã nguyên nhân.
Những cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh phát hành thành công ở đô thị hơn thôn quê. Bỏ qua các lý do kinh tế quyết định chi tiêu cho việc mua sách (học trò ở quê thường nghèo và không có tiền dắt túi, nhà sách ở các tỉnh thành thiếu thốn...), có thể thấy, các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đem đến cho trẻ em đô thị cái thế giới mà chúng đang bị tước mất. Đó là thế giới không có bóng dáng tiện nghi công nghệ, nhưng lại giàu trải nghiệm thiên nhiên, hài hòa và trong lành; thế giới mà một đứa trẻ bằng sự hồn hậu của mình, có thể làm chủ. Ở đó, những tương quan nhân sinh tốt lành được tái hiện, mà nhà văn là kẻ thuật chuyện đầy khả tín và có duyên. Đó cũng là thế giới mà không gian và thời gian rộng mở, phóng khoáng, người đọc thả lỏng, không xô bồ, suy nghĩ, nói năng không câu nệ tính toán, chia sẻ với nhau nhiều giá trị chung trong những mảnh chuyện rất nhỏ, rất cụ thể.

Thế giới văn chương Nguyễn Nhật Ánh bổ khuyết vào thực tại trần trụi hôm nay những hoa lá ký ức khi ký ức là thứ đang rời bỏ tâm trí con người để phập phồng trú ẩn nơi những bộ nhớ của phương tiện kỹ thuật số. Và nhất là nó thuyết phục được những cô cậu học trò bận rộn với chương trình học dày đặc một tình yêu bền vững với sách, một khoái cảm hướng tâm và sẻ chia thay vì đốt thì giờ cho những trò tiêu khiển và điều khiển.
Không tuyên ngôn, không ồn ào. Ông dụng công lớn vào chuỗi những câu chuyện nhỏ vì ông biết người đọc đón chờ mình. Có thứ là ký ức xa xăm được hiện đại hóa một cách vừa phải. Có thứ là thời học trò nào đó tưởng đã lạc điệu. Có khi là những chuyện đồng thoại, ngụ ngôn nhưng nhất định không vướng giáo điều, mà trải ra trước mắt người đọc sự tự nhiên sống động.

Và đâu chỉ có trẻ con. Những người lớn cũng tìm ở ông thời gian đã mất của mình. Họ bắt gặp lại quá khứ.
Nguyễn Nhật Ánh làm được điều mà nhiều nhà văn khác không đủ tài để làm: biến trang sách của mình thành một cái cớ để những đứa trẻ và những người lớn có thể gặp gỡ nhau.

Nhưng nhất định, Nguyễn Nhật Ánh không phải là một người dệt mộng đơn thuần. Ông còn là một tay nhà văn ý thức rất rõ sức mạnh của những dụ ngôn có thể nhỏ nhẹ mà làm cải biến suy nghĩ con người, kích hoạt sự tôn trọng mà con người cần ở nhau, gợi mở tình yêu cái đẹp và đánh thức điều thiện. Tập truyện Tôi là Bêtô, hay mới đây, Chúc một ngày tốt lành (đều do NXB Trẻ ấn hành) là những tác phẩm chứng minh cho điều đó. Có gì mới mẻ đâu trong câu chuyện mấy con heo một hôm nói bằng những ngôn ngữ khác và nó làm cho những con người phải bắt chước chúng. Sự việc đó vậy mà cũng làm cho thế giới rối rắm cả lên. Song bao giờ cũng thế, nhà văn, kẻ tạo ra thế giới rắc rối đó kịp hóa giải và xử lý để cái kết không thật khó đoán, nhưng người đọc vẫn vẹn nguyên sự trông chờ vào điều tốt đẹp.

Nguyễn Nhật Ánh nói được nhiều hơn chúng ta nghĩ. Và quan trọng là ông biết cách nói chuyên nghiệp nhất để nhiều người cùng nghe thông điệp của ông. Ông tạo ra một thứ “quyền năng” riêng, vì ông đọc biết độc giả của mình đang thiếu gì, cần gì.

Rồi bằng những cuốn truyện của mình, ông thầm thì chia sẻ và đem đến sự giàu có cho họ.

Theo KTSG
 
mình từng đọc truyện của tác giả này rồi, mặc dù là một cuốn truyện ngắn nhưng mình cảm thấy rất lôi cuốn. Mặc dù không thích đọc sách nhưng truyện của tác giả này một khi mình đã cầm trên tay thì không thể không đọc
 
Truyện của tác giả này đọc hoài không chán.
 
ly quoc bạn có biết truyện nào của tác giả này ngắn tầm "cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" không, lâu lâu không đọc truyện giờ mình muốn đọc lại xem sao
 
×
Quay lại
Top