Món quà Nhật Bản

dgoanh

Ước mơ tôi...
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/11/2010
Bài viết
1.453
Mười giờ đêm, trời Hà Nội mưa nặng hạt. Rét nàng Bân lạnh buốt. Anh phóng xe qua biết bao con phố mà vẫn hoàn toàn vô vọng. Không một tiệm tạp hóa nào sáng đèn cả. Anh không thể ngờ một ngày nào đó, trong thế kỷ 21 giữa Hà Nội mà anh lại không thể kiếm mấy quả pin. Và anh càng không thể ngờ được có ngày ông bạn già người Nhật Bản của anh lại cần những quả pin này đến thế. Ông sắp sửa ra sân bay về nước, và ông cần những quả pin như một thứ “hàng xách tay”.
1. Vốn là giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của một tập đoàn lớn của Nhật Bản, ông đã về hưu, và bằng một sự tình cờ, ông chọn anh là đối tác để phát triển một mặt hàng tại thị trường Việt Nam. Ông thường tặng anh những món quà nho nhỏ, có khi là một con búp bê mặc áo kimono, có khi là một gói bánh làm bằng đậu xanh kiểu Nhật, ngon tuyệt cú mèo…. Rất nhỏ, nhưng các gói quà luôn được bọc gói vô cùng cầu kỳ. Nhờ đó anh mới biết là việc gói quà nơi quê hương ông già này đã được nâng lên thành một thứ nghệ thuật.

Ban đầu, anh không tránh khỏi mặc cảm, nhất là những khi đón ông tại Khách sạn Nikko bằng chiếc Cup 81 đã rỉ hoen – thứ mà người Nhật đã vứt ra bãi từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Nhưng mặc cảm dần qua đi khi anh thấy ông “cựu giám đốc" này rất giản dị, thân mật, là đối tác nhưng cũng muốn là bạn của nhau.
2. Sau ngày xảy ra động đất hai hôm, ông có mặt ở Việt Nam chậm hơn so với kế hoạch nửa ngày. Khuôn mặt ông phờ phạc, nhưng vẫn đầy hóm hỉnh: “Bình thường chỉ mất hơn tiếng, nhưng tôi vừa phải đi mất gần một ngày, qua một đêm trọ mới ra được sân bay, cậu ạ. Tàu điện ngầm, giao thông công cộng tê liệt, bên đó lại không sẵn Cup 81 như của cậu”.


minhhoa%20%282%29%20%282%29.jpg


Minh họa Lê Trí Dũng
Hai ngày ở Việt Nam làm việc, ông luôn bận rộn với những cuộc điện thoại đường dài về nước. Và hơn 9h tối, chuẩn bị ra sân bay về nước, ông mới nhận được điện của vợ ông gọi từ bên kia sang: “Cố gắng mang về mấy quả pin. Mất điện liên tục. Siêu thị hết sạch”.
Biết ông cần mua pin, anh thấy đây thật là cơ hội hiếm có để anh tặng lại quà cho ông. Nhưng trong cái thành phố Hà Nội sung túc đang chìm trong mưa này, anh tìm mãi mà không thấy một hàng tạp hóa nào còn mở cửa lúc 10h đêm cả. Không ai có thể hình dung những quả pin lại trở nên quý giá và cần thiết vào lúc đó.

11h, ông già đã ra đến sân bay, vẫn tươi cười gọi điện cảm ơn anh và nói rằng để dịp khác ông sẽ nhận món quà đó của anh.
3. Hôm sau, đã mua được một đống pin, anh gọi điện sang Nhật hỏi thăm. Đầu dây bên kia, ông già vẫn cười hóm hỉnh: Tôi đang xếp hàng mua giấy vệ sinh đây… Cái gì bây giờ cũng khan hiếm cậu ạ. Chưa biết lúc nào tôi trở lại Việt Nam…
Anh gác máy. Bản tin truyền hình buổi trưa vẫn đầy ắp những thông tin về Nhật Bản, đến nỗi bọn trẻ con lít nhít hàng xóm nhà anh cũng bi bô bình luận. Một đứa bảo nếu tớ có cánh cửa thần kỳ của Doremon, tớ sẽ để mọi người đi qua đó để chạy sóng thần. Đứa khác lại nói, nếu tớ có máy sản xuất siêu tốc, tớ sẽ chế ra một chiếc tàu khổng lồ để mọi người có thể lên hết đó bơi ra biển.
“Nếu tớ có khăn trùm thời gian, tớ sẽ trùm lên cái lò hạt nhân đang cháy, nó sẽ trở về như cũ...” – một đứa tỏ vẻ thông minh.
Câu chuyện của bọn trẻ ngoài sân nhà anh trong ngày cuối tuần rảnh rỗi, khiến anh cứ vẩn vơ suy nghĩ. Nếu lúc này, nước Nhật có túi thần kỳ với các bảo bối của Doremon, họ sẽ làm gì nhỉ? Chắc chắn những phép màu sẽ xuất hiện và mọi tai họa chỉ còn là giấc mơ, và ông già sẽ không bao giờ phải chờ đợi những quả pin từ Việt Nam chuyển sang.
Chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu anh. Không có túi thần kỳ, nhưng nước Nhật thực sự có Doremon. Ý tưởng về chú mèo máy đã hình được trong đầu họa sĩ Fujio Fujiko đi ông đi xuống thang gác đá phải một con lật đật (như lời ông tự bạch). Sau cú ngã, con lật đật chỉ ngả nghiêng và sau đó lại đứng dậy như cũ. Nó không bao giờ không đứng thẳng dậy. Đấy là thông điệp tinh thần ông muốn truyền đạt qua những câu chuyện về chú mèo máy.
Phải, khi ông già trở lại Việt Nam, anh sẽ tặng ông một món quà, không phải là những quả pin, mà là một con lật đật. Một con lật đật được gói bằng nghệ thuật gói quà Furoshiki, hẳn ông già sẽ thích mê.

 
×
Quay lại
Top