Môi nào hãy còn thơm

ngoncoxanh13

Thành viên
Tham gia
14/10/2014
Bài viết
1
Nếu là người yêu nhạc Trịnh, chắc bạn sẽ lẩm nhẩm lời hát tiếp theo: “…Cho ta phơi cuộc tình. Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên…”, nhưng môi ở đây là một làn môi không ở trong bài hát.
Khi soi gương, đàn ông hay phụ nữ cũng nhìn khuôn mặt mình. Có những khi họ thấy hài lòng, hãnh diện vì vẻ tươi xanh. Cũng có những khi họ rầu rĩ vì gặp trong đó sắc màu héo úa. Thời gian vô tình như nhịp tích tắc của chiếc đồng hồ, mà đầy khắc nghiệt. Chẳng có sức mạnh nào ghì được nhịp tích tắc ấy không điềm nhiên đi qua.
Vậy môi liên quan gì? Khoa học đã liệt kê một loạt bệnh tật biểu hiện ở sắc bất thường của vành môi. Môi thâm đen là có bệnh về tiêu hóa. Môi vàng ở mép là bệnh về gan. Môi tái xanh là thiếu máu, môi đỏ thẫm là huyết áp cao… Đấy là bệnh của phần xác, còn bệnh phần hồn cũng hiện diện trên môi. Những người mưu mô, hay tính toán trò lừa, hai viền môi thường sẫm màu, hoặc đen. Những ai sống yên hoà, nhẹ nhõm, cả đôi môi vẫn giữ sắc hồng, dù họ có bao nhiêu tuổi. Khuôn mặt biểu hiện tâm hồn.
Son phấn sẽ che đi những chỗ xấu, làm tăng vẻ quyến rũ, nhưng xét cho cùng, son phấn là thứ để “xài” cho người đời, chứ không phải cho mình. Trang điểm chỉ có ý nghĩa, khi xung quanh mình là đám đông. Trong một đám đông, thường người ta chỉ bộc lộ phần tươi tắn của mình, bởi tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại. Và như một thói quen, nếu phải nhìn phần thịt da của mình trong gương khi không son phấn, có hơn một người sẽ len lén ngoảnh đi. Ngại ngần nhìn thấy chính mình, đó không chỉ là thái độ dành cho vẻ ngoài, mà còn là sự khước từ dành cho hồn vía nữa.
Rồi đến một lúc nào đó, ta sẽ phải gặp chính mình. Không có gì che đậy để ngụy trang hoặc né tránh. Sự bợt bạt của d.a thịt cũng là sự nhạt nhẽo của tinh thần. Không cần soi gương, chân dung của hồn vía vẫn dội vào mình những góc cạnh không dễ coi của nó. Và đến lúc mọi phấn son đều bất lực.
Những người có thiền định như một lựa chọn sống thường trẻ hơn tuổi thật. Lý do không chỉ vì họ quên đi thực tại lúc thiền. Mà còn bởi vì họ luôn gặp chính mình, quan sát mình trong từng hơi thở. Thật kỳ lạ, khi nhìn rõ những cơn đau ẩn nấp trong cơ thể. Cơn đau ấy ẩn khuất ở sống lưng, ở lồng ngực, ở não, hay nhộn nhạo trên từng cơ bắp. Và khi khép mắt, dần dần cơn đau được đẩy ra ngoài, tan biến. Trong sự tĩnh tại thẳm sâu, dường như có một dòng suối mát rượi chảy qua từng mẩu thân xác và rửa sạch hồn vía. Việc tẩy rửa thanh sạch ấy không liên quan đến tôn giáo hay là đặc quyền của các thiền sư. Ai cũng có thể làm vậy cho mình, nếu kiên nhẫn đi tìm miền yên ả cho thân tâm.
Chỉ khép mắt chảy yên lặng trong thiền, người ta có thể đổi khác cả về thần thái lẫn tính cách. Không nói về ai đó ở xa xăm, người viết bài này cũng thấy mình đã đổi tính. Từ một kẻ nóng nảy, nhiều khi là thô bạo, với hành trình thiền, gã đã biết lắng nghe với vẻ khoan hoà dễ chịu. Và dường như, mỗi ngày, gã cứ thấy trong mình có một chút xanh của cỏ cây sinh nảy.
Cứ giữ hồn nhiên, dù tóc không còn xanh. Cứ giữ lòng yêu, dẫu môi không còn thơm như thơ ấu. Sống mỗi ngày, đủ thứ lo toan, sẽ là không tưởng nếu bảo mình cố để trở thành hoàn toàn thanh khiết, nhưng từng bước một, trong yên lặng của cõi thiền, bạn sẽ rửa trôi dần bụi bặm, bỏ bớt sân si. Có những điều lúc trước đây, khi chúng chạm vào mình, bạn sẽ nhoi lên. Rồi tập thiền, bạn sẽ mỉm cười bình thản cho qua. Con người là con người thôi, chẳng phải thánh nhân, nên sạch được đến đâu thì nhẹ được đến đó. Trong hành trình đời dài ngút, thanh lành luôn là một báu vật đáng để tìm.
Nhìn chiếc lá chợt rơi trong thinh không, xoay xoay về đất, có khi nào bạn mơ mình là cơn gió vô hình kia không? Khoảnh khắc êm đềm ấy đang trú náu ở hiện tại đấy, không ở trên thiên giới. Hãy nhẹ nhàng khép mắt, để bắt đầu tìm “môi nào hãy còn thơm” ở chính mình…
 
môi em còn thơmhaha
 
×
Quay lại
Top