Mẹ về một góc – Hamlet Trương

Totoro

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
17/12/2011
Bài viết
5.437
Mẹ về một góc – Hamlet Trương
.
Con ơi! Khi con còn thơ dại,Mẹ đã mất rất nhiều thời gian,Mẹ dạy con cầm thìa, dùng đũa ăn cơm;Mẹ dạy con buộc dây giày, chải tóc, lau nước mũi;Những kỷ niệm về những năm tháng mẹ con mình sống bên nhauLàm mẹ nhớ thương da diết,Vì thế, khi mẹ chóng quên, mẹ chậm lờiCon hãy cho mẹ chút thời gian, xin con chờ mẹ chút,Cho mẹ suy nghĩ thêm…Cho dù cuối cùng ngay cả định nói gìMẹ cũng quên…(Bài thơ viết trên tường nhà dưỡng lão – Thủy Khởi)
.
Thứ Bảy đẹp trời, bạn tôi được ở nhà sau một thời gian dài bận rộn và vắng nhà liên tục, thế là tôi qua chơi. Đó là một ngôi nhà nhỏ xinh, cây lá um tùm và tràn đầy nắng gió, không gian rất đỗi yên bình và gần gũi với thiên nhiên.


Hôm nay cả nhà đi vắng hết, chỉ còn cô ấy ở nhà chăm sóc bà nội đã già yếu. Tôi ngồi đó chơi một lát thì đến giờ ăn cơm. Bạn tôi xới cơm cho bà, lựa những miếng thịt mềm nhất, xé nhỏ rồi trộn đều như cho trẻ con ăn. Vừa lúc ấy, bà nội đi từ ngoài cửa vào, nhìn tôi hỏi: “Con là ai vậy?”


Tôi cười, đây là lần thứ n bà hỏi câu đó: “Dạ! Con, bạn của Trang nè bà!”


Bà cười, hỏi tiếp: “Mấy giờ rồi con?”


Và buổi sáng hôm đó bà liên tục hỏi hai câu này.


Nhìn bà, tôi lại nghĩ đến mẹ. Mẹ tôi mỗi lần trách mắng đều kể lể: “Ối cái thằng quỷ sứ này, mày biết mẹ nuôi mày cực khổ lắm không, mày đến tận lớp năm vẫn sờ ti mẹ, đến ngần ấy tuổi vẫn phải đưa đón. Sau này trưởng thành, biết kiếm tiền, mày phải hiếu thảo với mẹ nhé!”


Mẹ tôi từng mắng yêu tôi như thế, cứ ngỡ đó là câu chuyện đùa nên tôi đã lãng quên lời nhắn nhủ sâu sắc của mẹ hôm nào.
Có lần, tôi cùng thằng Hiếu, thằng Châu, bạn trong xóm chơi trò cảnh sát bắt cướp. Hôm đó, tôi bị phân vào vai thằng cướp, bị cảnh sát đuổi chạy tóe khói, tôi chạy rồi núp mãi trong những cái hàng rào sắt, giật mình quáng quàng thế nào mà gót chân bị cứa vào rào sắt tóe máu. Cả bọn phải khiêng tôi về nhà. Mẹ vừa la mắng, vừa xót con trai nhưng vẫn vội vã ôm tôi đi tiêm phòng. Ánh mắt của mẹ đầy vẻ lo lắng.


Có lần, tôi chơi bắn bi thì viên bi lăn vào nhà ông hàng xóm, tôi chui vào nhặt thì bị con chó lông xù hung dữ trong nhà lao ra cắn tới tấp làm bắp chân bị thương, máu chảy be bét. Về nhà, tôi giấu mẹ vì sợ bị mắng, tới khi mẹ phát hiện ra, mẹ hốt hoảng mắng tôi om sòm, làm cái xóm nhỏ cũng rùm beng bởi cơn cáu giận của mẹ. Ngay lập tức mẹ đưa tôi đi tiêm phòng, chân tôi đau quá không đi nổi nên mẹ phải cõng. Tới khi bà bác sĩ già chuẩn bị tiêm, mẹ còn ngăn lại: “Này, bà sử dụng ống chích to như vậy, tôi còn không chịu nổi, nói gì một đứa trẻ? Bà làm ơn đổi cái khác cho tôi đi!”


Có lần, tôi đánh nhau với chị gái, hai chị em quẳng cả đồ ăn vào nhau, nhà cửa lúc ấy đã thành bãi chiến trường hỗn loạn. Mẹ vừa mắng hai đứa con nghịch ngợm vừa cần mẫn dọn dẹp.


Nhiều hình ảnh thi nhau tràn về trong đầu chỉ vì nhìn thấy bà nội của bạn tôi lãng đãng hay quên và sức khỏe giảm sút nhiều vì quy luật nghiệt ngã của thời gian. Bà cũng từng là một người mẹ, cũng đã trải qua những sương gió, và bây giờ bà đang đứng ở chân dốc cuộc đời. Bao nhiêu năm lăn lộn với thời gian chỉ để làm tốt vai trò của người mẹ, lúc ấy không biết bà nội của bạn tôi có đủ thời gian cho riêng mình không? Người mẹ luôn phải làm chủ cho những nỗi lo không đầu không cuối, lo từ ngày đầu tiên đến tận giây phút cuối cuộc đời. Mẹ có thể mang đến cho con cả thế gian, rồi khi tuổi già, mẹ lại lặng lẽ trầm ngâm của tuổi già với những lãng đãng, mơ hồ về thời gian, về thế giới xung quanh, thậm chí với chính đứa con mình sinh ra.

Trích tác phẩm "Thương Nhau Để Đó"​
Tác Giả Hamlet TrươngIris Cao
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top