Lớp học chẳng ai có đầy đủ ba má

Training

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
21/7/2011
Bài viết
4.659
Lớp học chẳng ai có đầy đủ ba má

Lớp tôi dạy đặc biệt lắm. Đặc biệt vì học trò chẳng ai có đầy đủ ba má. Có đứa ba bị HIV, rồi lây qua má, rồi ba má nghèo và bế tắc tự tử, có đứa ba bị tai nạn lao động mất sớm, có đứa từ lúc mới sinh ra tới giờ chưa biết mặt mũi ba má như thế nào... nhưng học trò vẫn rất ngoan và lễ phép.

Học trò - không những là các em, mà còn là tôi, là những “người lớn” vẫn đang cần học hỏi từ những bài học mà cuộc sống mang đến.
Hai năm trước, con bé sinh viên năm nhất như tôi cũng tập tành đi dạy học. Bắt 2 chuyến xe buýt và đi bộ khoảng mười lăm phút là tới chỗ dạy - một nhà thờ cũ cùng vài ba phòng học (cũng cũ luôn), nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng đọc bài í ới của bọn trẻ con .
Hồi còn nhỏ tôi hay chơi trò đi học với mấy đứa cùng xóm, thích làm cô giáo, thích đứng lớp chỉ trỏ
“nè, sao thằng này ko học bài, méc bác hai bây giờ (má nó)”
“nè, sao dạy miết mà mày hổng hiểu vậy nè?”….
Chuyện con nít tưởng chỉ có vậy, ai dè lớn lên, tôi - “cô giáo” hồi đó - lại ôm trong mình một đống suy tư, về “học trò” của mình.
Lớp tôi dạy đặc biệt lắm.
Đặc biệt vì học trò chẳng ai có đầy đủ ba má. Có đứa ba bị HIV, rồi lây qua má, rồi ba má nghèo và bế tắc, rồi tự tử, để con cho ngoại nuôi.
Có đứa ba bị tai nạn lao động mất sớm nên phải nghỉ học giữa chừng để phụ má nuôi mấy em. Có đứa từ lúc mới sinh ra tới giờ chưa biết mặt mũi ba má như thế nào, vì lí do mưu sinh hay những lí do khác …
Nhưng, đã bảo lớp tôi rất đặc biệt mà.
Dù thiếu tình yêu thương và sự dạy dỗ của ba má nhưng học trò vẫn rất ngoan và lễ phép.
- Thưa cô …
- Em gọi “chị” là được rồi. (Chị mới có 18 tuổi à !)
- Nhưng thưa cô, quại con ( tức là ngoại con, do học trò còn nhỏ) nói là ai dạy mình thì phải kêu bằng cô.
Tôi thấy xấu hổ, vì lúc tui còn nhỏ cũng không được ngoan như vầy …
Lớp tôi còn đặc biệt ở chỗ, lớp chừng mười lăm đứa, đủ độ tuổi khác nhau, mà chẳng bao giờ đi học đầy đủ. Hôm đứa này đi học thì báo “cô ơi, H. nó xin nghỉ, hôm nay nó đi làm …”, hôm đứa kia đi học thì báo “cô ơi, nó tăng ca …”.
Trời đất, học trò tôi cũng “tăng ca” kìa, sao tui hổng “tăng ca” luôn để dạy được thêm nhiều chữ cho mấy em ?
Học trò giỏi lắm nghe. Nhiều hôm hỏi cái gì học trò cũng trả lời được, phát kẹo thưởng cho thì lí nhí “con cám ơn cô …”. Nghe mà ấm lòng !
Rồi “cô giáo” tần ngần suy nghĩ, phải mà “cô” có nhiều tiền hay làm chức gì to to, “cô” sẽ cho tụi con học bổng, cho tụi con có cơ hội học tập ở những môi trường lớn hơn, đại học chẳng hạn…
Những đứa trẻ ăn còn chưa no, mặc vẫn chưa đủ, thì đối với chúng đại học là nơi nào đó xa xôi, có lẽ bán hết mấy ngàn sấp vé số thì may ra mới đủ tiền vào học. Buồn là vậy, mà học trò vẫn phơi phới, “cô ơi, cần chi vào đại học hả cô?” …
Rồi tôi nghỉ, lớp học giờ chuyển cho người khác dạy. Vậy mà vẫn cứ nhận được tin nhắn của học trò đều đều. À, thêm cái đặc biệt nữa, học trò tui ai cũng có điện thoại di động hết, trừ mấy đứa còn nhỏ tuổi quá thôi. Không phải đua đòi như mấy đứa trẻ ngày nay đâu, điện thoại của học trò chỉ là những “cục gạch”, những “đồ đập nước đá” mà người ta hay gọi vui như vậy.
Học trò chỉ cần gọi về nhà hỏi thăm vài tiếng, hay chỉ đơn giản là nói “con sắp làm về …”, vậy thôi. Học trò phải tranh thủ đi làm kiếm tiền, chứ không rảnh ngồi nhắn tin “tám” với bạn như “cô giáo”!
Nhưng từ đó, những tin nhắn yêu thương vẫn luôn được gửi đi và nhận về…
“Cô ơi con không thích thằng D. đâu, kêu mấy bạn đừng chọc con với nó …”
“Cô ơi chừng nào cô buồn thì nhớ nói con nghe nha cô”
“Cô ơi khi nào cô rảnh vậy cô? Nhớ xuống thăm tụi con nghe cô”
Cô rảnh mà sao chẳng bao giờ “cô” dành một buổi cho tụi con vậy ta? Cho “cô” xin lỗi. Mà, bao nhiêu lời xin lỗi cho vừa, hả học trò?
Có nhiều thứ chẳng thể nói thành lời, hay viết ra thì câu chữ bị nghẽn lại bởi nước mắt, bởi cảm xúc. Thôi thì giữ lại, trong lòng, để những hình ảnh của học trò vẫn luôn sống động như ngày hôm qua ...
Những tấm lòng ngây thơ của học trò rồi một ngày sẽ không còn, thay vào đó là những mưu toan, lo sợ khi vấp vào cuộc đời quá sớm. Trong tâm trí tôi, tâm hồn của học trò trong trẻo và hồn nhiên như mùa hè, vàng ươm sắc nắng và ngập tràn nào hoa, nào bướm… và rất cần những cơn mưa.
Tâm hồn, và cả cuộc đời của học trò, đang nức lòng… chờ những cơn mưa.
 
×
Quay lại
Top