"Lỗ hổng" giáo dục giới tính

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Trong điều kiện xã hội ngày càng phát triển, lứa tuổi học sinh cũng phát triển tâm sinh lý mạnh mẽ, tuổi dậy th.ì sớm hơn so với trước. Nhà trường được coi là địa chỉ tin cậy đem lại những kiến thức hữu ích về giới tính cho học sinh. Nhưng, xem ra những nội dung giáo dục giới tính (GDGT) trong cả dạy và học vẫn còn hình thức, chưa sát thực tiễn. Ðiều đó đã khiến học sinh hiểu một cách mơ hồ về giới tính - mảng kiến thức không thể thiếu để các em tự tin bước vào đời.

3847809200-723756-8550.jpg


Tìm hiểu một bài giảng GDGT trong chương trình Sinh học lớp 8 cho thấy, chỉ giới thiệu được với học sinh sơ lược về cơ thể người, sự hình thành em bé..., chưa đáp ứng được nhu cầu hiểu biết tường tận về chính cơ thể, đặc điểm tâm sinh lý chính mình của học sinh. Thực tế, với điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như hiện nay thì một nữ học sinh lớp 5 đã có kinh nguyệt, học sinh lớp 6 đã tìm, hỏi và thắc mắc về vấn đề t.ình d.ục là chuyện bình thường. Thế mà cho tới khi học lớp 8 các em mới được giới thiệu về những vấn đề giới tính, có lẽ là hơi muộn.

Lên đến THPT, những vấn đề liên quan đến giới tính cũng mới chỉ được lồng ghép, tích hợp ở vài môn học như: Ngữ văn, Giáo dục công dân, Sinh học..., hoặc được đề cập trong các hoạt động ngoại khóa của nhà trường nhưng lại kém khoa học. Trong khi, thời lượng dành cho nội dung này chỉ khoảng một tiết học (45 phút), chắc chắn không đủ để các thầy giáo, cô giáo truyền đạt kiến thức về giới tính, cũng như giải đáp thắc mắc của các em. Chưa kể đến tâm lý của không ít giáo viên vẫn còn e ngại khi nói sâu về vấn đề giới tính, cho nên công tác này đạt hiệu quả không cao.

Ở cấp học phổ thông là vậy, lên đến đại học, các vấn đề liên quan đến GDGT dường như bị bỏ ngỏ. Một số trường đại học khối khoa học xã hội đã có nghiên cứu và giảng dạy về giới, tuy nhiên những chương trình này lại hoàn toàn riêng biệt và bị bó hẹp trong một số khoa chuyên ngành như Tâm lý học, Xã hội học hay Công tác xã hội. Ðối với một số trường đại học thuộc khối ngành luật, kinh tế, kiến trúc,... GDGT cũng chỉ được đưa vào giảng dạy bằng cách lồng ghép hoặc với tư cách là một môn tự chọn. Còn không ít trường, nếu có quan tâm tới GDGT cho sinh viên thì thi thoảng tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, còn không thì các bạn trẻ phải tự mày mò.

Lý giải vì sao việc đưa GDGT vào trường học lại kém hiệu quả, ông Phạm Vũ Thiên - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số, nêu lên những nguyên nhân: "Chính bản thân nhiều giáo viên cũng không tự tin về kiến thức t.ình d.ục và sức khỏe sinh sản của bản thân. Công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cũng như các dịch vụ y tế thân thiện và an toàn dành cho các em hiện còn rất thiếu. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho công tác này còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong nhà trường".

Tại một hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu về giới và sức khỏe sinh sản cho thanh, thiếu niên vừa tổ chức tại Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Trần Quang Quý thừa nhận, vấn đề GDGT trong nhà trường chưa phù hợp, chưa đạt yêu cầu. Ông còn thẳng thắn chỉ rõ một số nơi ban chỉ đạo, lãnh đạo các sở GD và ÐT và các cơ sở giáo dục làm việc chưa tích cực và kém hiệu quả, chưa quan tâm đúng mức đến các công tác này. Năng lực của cán bộ làm công tác GDGT còn nhiều hạn chế. Cán bộ, giáo viên còn kiêm nhiệm nên rất thiếu thời gian đầu tư cho công tác giáo dục sức khỏe sinh sản, giới, giới tính và kỹ năng sống nói chung. Công tác truyền thông, giáo dục chưa có hình thức mới hấp dẫn đối với học sinh, sinh viên nên không thu hút được sự tham gia của học sinh.

Có thể nói, mặc dù ngành giáo dục đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường GDGT trong nhà trường nhưng do nhiều rào cản, những hoạt động này chưa thật sự đem lại hiệu quả. Nguyên nhân thì có nhiều, ngành giáo dục biết, và hơn hết là chính các thầy giáo, cô giáo trực tiếp lên lớp cũng quá hiểu nội dung mình dạy đang "bị hổng" những gì. Ðã có nhiều khuyến cáo về việc cần thiết phải đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên không chỉ kiến thức mà còn cả các kỹ năng cần thiết để họ có thể nói về những vấn đề liên quan đến giới tính một cách hấp dẫn. Nhưng xem ra với nội dung chương trình GDGT, với cách học và dạy đang diễn ra thì khó có thể có được những đổi thay tích cực, hiệu quả như mong muốn.
Theo Nhandan
 
×
Quay lại
Top