Lăng Hoàng Gia với tấm bia ly kỳ!

thont

Thành viên
Tham gia
15/2/2011
Bài viết
11
Có một tấm bia tạc bằng đá trắng xứ Quảng Nam, do vua Tự Đức ban tặng chuyển vào xứ Gò Công đặt tại lăng mộ Hoàng gia, nơi thờ tự Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng (ông ngoại của vua Tự Đức) và là cụ thân sinh của Hoàng Thái Hậu Từ Dũ (nhũ danh là Phạm Thị Hằng).


KSV.ME-kenhsinhvienimages50590.jpg



Bia văn trên bia đá, do Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng soạn vào năm Tự Đức thứ 10 (1857) nhằm ca ngợi công đức của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng. Vua Tự Đức sai chở bằng thuyền từ Huế vô Gò Công, Tiền Giang cùng với tặng tượng Phật A Di Đà bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng trước đây do vua Gia Long ban tặng chùa Khải Tường tạ ơn, nơi Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang đã hạ sinh Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (Vua Minh Mạng) trên đường bôn tẩu trốn sự truy nã của quân Tây Sơn. Nhưng khi tàu thủy chở vào đến cửa Ô Cấp - Vũng Tàu (cửa biển Cần Giờ ngày nay) thì bị quân Pháp bắt giữ, tịch thu toàn bộ.

Tấm bia triều Nguyễn bắt đầu số phận lưu lạc đúng 130 năm sau mới về đến Lăng Hoàng gia tại thị xã Gò Công - Tiền Giang. Nếu tính đến thời điểm hiện nay (2011) thì tấm bia lưu lạc bằng đúng niên đại triều Nguyễn 143 năm trị vì (1802-1945).

Nơi phát tích dòng dõi Hoàng Gia

Con đường làng trải nhựa mịn màng phẳng phiu, nhỏ nhắn uốn lượn quanh co dưới bóng cây vườn xanh mát, đan xen những xóm làng với cánh đồng lúa mát rượi tạo nên bức tranh làng quê yên bình, tuyệt đẹp. Có quá nhiều sản vật, con người được tôn vinh từ mảnh đất này nghe nôn nao lòng người viễn khách: chè Sơn Qui, Gái Sơn Qui, Mắm Tôm chà tiến vua…Vùng đất “địa linh nhân kiệt” của phương Nam lại bắt đầu bằng cái tên rất dân dã, mộc mạc, bình dị vô cùng là xứ Gò, đất Giồng như câu hát : Gió đưa, gió đẩy về rẫy ăn còng/ Về sông ăn cá, về đồng ăn cua.

Ai về xứ Gò, nghe kể chuyện rằng: Giồng Sơn Qui xưa còn có tên gọi là Gò Rùa, thuộc huyện Tân Hòa, Phủ Tân An nay là ấp Lăng Hoàng gia, xã Long Hưng, Thị xã Gò Công, nằm trên con đường huyết mạch ven biển nối Gò Công với Gò Công Tây và Cần Đước (Long An) về Sài Gòn.

Dòng họ Phạm Đăng từ Quảng Ngãi vào đây lập nghiệp sinh sống đến đời thứ tư. Ông Phạm Đăng Dinh là một nhà nho, nên vừa dạy học cho nhân dân trong vùng vừa khai khẩn đất đai Giồng Sơn Qui.

Chuyện kể rằng: vào một đêm mưa gió bão bùng, cây cối ngã rào rào, những rừng cỏ dại và lau lách rậm rạp um tùm ngã rạp xuống. Có một người khách lạ, người Hoa vượt qua sông Trà mệt lử và đói lả người, dáng đi ngả nghiêng xiêu vẹo, ghé vào nhà ông Dinh xin bữa ăn và ở nhờ qua đêm mưa bão bất thường. Vốn thương người và hiếu khách nên ông Dinh sai vợ con làm thịt gà đãi khách ăn uống no say và trò chuyện thâu đêm.

Hôm sau thức dậy, vị khách chia tay rất cảm kích về tấm lòng ông Dinh, nên cho biết ông là một thầy địa lý đang vi hành tìm long mạch. Tạ ơn ông Dinh bằng cách, chỉ cho đất Gò Rùa có dáng khom khom như dáng cái mai rùa, táng huyệt thân phụ ông vào đó, ngày sau con cháu sẽ phát quang, thịnh vượng tột đỉnh công danh.

Lăng mộ Hoàng gia

Nghe lời hay, nên ông Dinh bèn sai con trai Phạm Đăng Long về Quảng Ngãi mang hài cốt ông nội là Phạm Đăng Tiên vào táng tại Gò Rùa. Quả nhiên lời vị thầy địa lý chỉ bảo năm xưa rất linh ứng. Năm 1796, cháu nội ông Dinh là Phạm Đăng Hưng sinh năm 1764 tại Gò Rùa, thi đỗ Tam trường tại trường thi Gia Định.
Vào thời kỳ vua Gia Long lưu lạc, Phạm Đăng Hưng có công phò vua dựng nghiệp nên rất được trọng dụng. Trong cuốn sách cổ “Từ Dụ - Hoàng Thái hậu truyện” của soạn giả Nguyễn Liên Phong in năm 1913 ca tụng Gò Sơn Qui như sau:

Lệ thủy trình tường ngoại
Quy khâu trúc phước cơ
(tạm dịch là :
Nước ngọt trổ điềm lành
Gò Rùa vun đất phước)

Phạm Đăng Hưng là một vị quan thanh liêm, văn võ song toàn, nổi tiếng liêm khiết nên rất được triều đình và nhà vua trọng dụng được triệu về Kinh giữ chức “Lễ Bộ Thượng thư”. Sau đó, ông được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều như: Chưởng trưởng Đà sự, Quản Khâm Thiên giám, rồi Tổng tài Quốc sử quán…

Hai lần ông còn kết sui gia với vua Minh Mạng: cưới công chúa cho con trai Phạm Đăng Thuật và được phong tước Phò mã Đô Úy và gả con gái là bà Phạm Thị Hằng (tức Thái hậu Từ Dũ) cho Thái tử Miên Tông sau lên ngôi lấy hiệu là Thiệu Trị.

Hoàng Thái hậu Từ Dũ là bậc mẫu nghi thiên hạ, không những giúp triều đình trị quốc an dân mà còn là người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu về đức hạnh trong đó có nhiều mẩu chuyện dạy con (vua Tự Đức) để lại đời sau soi rọi.

Lễ Bộ Thượng thư Phạm Đăng Hưng mất mùa hạ năm 1825, do bệnh nặng, hưởng thọ 61 tuổi được đưa về quê tại Giồng Sơn Qui an táng. Năm 1849, vua Tự Đức gia tặng ông là :“Đặc tiến kim tử - Vinh lộc Đại phu Thái bảo, Cần Chánh điện đại học sĩ” và phong tước Đức Quốc Công.

Lăng mộ hoàng gia một công trình kiến trúc độc đáo mang phong cách cung đình
Buổi sáng đầu mùa hè, chúng tôi lần về khu di tích nổi tiếng Lăng Hoàng gia gần như không có bóng người. Loay hoay một hồi, chúng tôi mới gặp được chú Võ Thành Sơn năm nay 66 tuổi đang tưới cây cỏ phía sau vườn. Đúng như người xưa nói, cứ nhìn phong thái, điệu bộ đi đứng rất đủng đỉnh của chú Sơn, đủ hiểu cái sự lừ đừ của ông từ giữ đền ra sao.

Lăng mộ Hoàng gia được xây dựng từ năm 1826, do ông Phạm Đăng Tá con trai trưởng nam Đức Quốc Công xây dựng trên phần đất diện tích 3.000 m2, ngay tại mảnh đất phát tích của dòng họ Phạm Đăng. Do các nghệ nhân tài hoa bậc nhất chuyên xây dựng lăng tẩm, cung đình từ Huế vào và nghệ nhân địa phương xây dựng nên công trình kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách cung đình của lăng mộ và nhà thờ tộc 5 đời như ngày nay còn lưu lại nguyên vẹn.

Nhà thờ Đức Quốc Công được vua Tự Đức trùng tu, mở rộng vào năm 1849, xây thêm tam cấp, cổng tam quan, thêm hai gian lập đền thờ, thần vị theo nghi thức cung đình. Vào năm 1888, vua Thành Thái lên ngôi, chuẩn bị vào viếng lăng nên cho trùng tu. Đến năm Khải Định 1921 trùng tu một lần nữa.
Ngày 02/12/1992 Bộ Văn hóa Thông tin có Quyết định công nhận khu Lăng mộ Hoàng gia là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Mộ dòng họ Phạm và Phạm Đăng Hưng chôn theo một trục dài đối xứng nhau, toàn bộ đều làm bằng hồ ô đước không chạm khắc, được bao bọc xung quanh lớp tường dày 80cm, cao 90cm. Nhìn tổng thể khu mộ, ta thấy mộ Phạm Đăng Hưng đứng đầu, trên một gò cao có hình dáng mai rùa, mộ xây theo tam cấp, tứ trụ, gồm 2 vòng biểu hiện cho tam tài, diện tích hơn 800m2.
Mộ không xây theo kiểu "Ngưu phanh, Mã phục" (Trâu nằm, Ngựa quỳ) như kiến trúc các ngôi mộ dành cho quan võ triều đình lúc bấy giờ mà được xây theo theo kiểu dáng hình "Đỉnh trụ" (chóp đỉnh) như chiếc nón lá đội đầu của người nông dân Nam Bộ thời xưa, thả buông lỏng nhờ tám cánh tượng trưng như búp sen. Nhìn từ xa xa, ngôi mộ Đức Quốc Công có hình một cái đỉnh. Đây là một kiểu kiến trúc khá lạ và độc đáo mà các ngôi mộ cổ không có được.

Mặt sau mộ, xây cung trưởng (tường uốn vòng) có bốn trụ gạch đứng, có hình long lân qui phụng như trước lăng Thiên Thọ - Huế. Bên tả là tấm bia lưu lạc 130 năm, mặt bên ngoài là chữ Pháp và dấu Thánh giá khắc tên viên sĩ quan Pháp Barbé là người đã cướp từ cảng Ô Cấp - Vũng Tàu mang về đồn Pháp ngay tại chùa Khải Tường và chữ Hán văn bia vua Tự Đức ban tặng ẩn bên trong được đưa về an vị vào tháng 8/1998 và bên hữu là tấm bia trắng. Câu chuyện này chúng tôi sẽ đề cập dưới đây.

Nhà thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng

Đặc biệt phần phong chuẩn (tường xây lam án bình phong sau đầu, hướng tây) đắp nổi hình 5 con sư tử từ nhỏ đến lớn, biểu hiện ngũ tước: công - hầu - bá - tử - nam, đây cũng là ứng nghiệm vẹn toàn của một dòng họ: “Ngũ đại thành xương - Tường lân ống hiện” (Năm đời danh giá tốt đẹp - Điềm lành Kỳ lân hiện ra) mà thầy địa lý năm xưa đã nói.

Tương truyền thi thể Phạm Đăng Hưng được chôn ngồi. Mộ chôn theo nội quan ngoại quách bao bọc. Trước mộ có tấm bia đá Cẩm Thạch khắc Hán tự, hai bên có gắn các mảnh sứ cổ Trung Quốc. Kiến trúc về lăng mộ của Phạm Quốc Công hoàn toàn không giống như các kiểu kiến trúc lăng mộ cùng thời. Có thể bên trong còn chứa nhiều huyền bí thiên cơ mà chỉ có Thái hậu Từ Dũ mới biết được.

Riêng khu nhà thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng được xây năm 1826, trên khu vườn đất rộng 2987m2, ngay trên nền đất và nhà cũ của Quốc Công ngày xưa. Tại đây vẫn còn một giếng nước ngọt cổ xưa, xây bệ thấp, đá lớn chồng lên nhau. Loại đá mài nhẵn mịn này có thể mang từ nơi khác đến.
Tương truyền khi chưa nhập cung, cô gái Phạm Thị Hằng và gia đình sử dụng nước giếng này trong ăn uống và sinh hoạt. Vào mùa khô, cả vùng Gò Công bị nước biển xâm thực làm nhiễm mặn, nhưng giếng nước nhà cô Phạm Thị Hằng quanh năm ngọt lịm, ứng với điềm lành mà vị thầy địa lý năm xưa đã nói.
Khu nhà thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng bao gồm: nhà thờ chính, nhà khách, nhà kho, cổng tam quan và các công trình phụ, hàng rào bao bọc chung quanh.

Năm 1849 vua Tự Đức truy phong Phạm Đăng Hưng lên tước Đức Quốc Công, đồng thời truy tặng Ngữ Đại họ mẹ Tự Đức. Do đó, nhà thờ được sửa sang theo quy mô nghi thức cung đình, được đặt nhiều biển đại tự để thờ như :
-Gian chính giữa thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.
- Gian tả thờ Phước An Hầu Phạm Đăng Long là cha của Phạm Đăng Hưng.
- Gian tả ngoài cùng thờ Khả Tự Phạm Đăng Tiên.
- Gian hữu thờ Bình thạnh bà Phạm Đăng Danh.
- Gian cuối bên hữu thờ Thiền sư Phạm Đăng Khoa.

Nhờ bạc tiền của bà Từ Dũ Thái Hậu trợ cấp nên về sau còn xây thêm nhà khách, nhà trà, tàu ngựa để tổ chức đại lễ đón sắc phong của vua từ Huế vào. Toàn bộ nhà thờ nằm trọn trong khuôn viên cây trái, hoa lá cảnh bao bọc theo kiểu kiến trúc cổ ở Huế, rõ nét cung đình Huế nằm giữa miệt vườn cây trái Nam Bộ.
Giếng nước có từ thời Thái hậu Từ Dũ còn trẻ

Chính tại khu di tích lăng mộ Hoàng gia gắn với số phận lưu lạc 130 năm của tấm bia đá vua Tự Đức ban. Tấm bia từng bị dùng làm bia mộ cho kẻ đã cướp bia năm xưa từ Vũng Tàu mang về Sài Gòn, rồi được chôn theo kẻ cướp tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi –quận 1 – TP. HCM trước khi về chầu phục trước lăng mộ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.

Trong cuộc hành trình số phận, tấm bia đã chứng kiến chuyện tình bi thương của nàng Hai Bến Nghé và viên trung úy Pháp đền tội dưới gươm của nghĩa quân Trương Định. Tên tuổi chùa Khải Tường được nhắc đến cùng tấm bia đá vua ban và cái chết của viên quan ba Pháp với nàng Hai Bến Nghé.
Câu chuyện tình đẫm lệ về nàng hai Bến Nghé
Bình Tây đại Nguyên soái Trương Định dấy binh, giương cờ nghĩa chống Pháp tại căn cứ “đám lá tối trời” Gò Công. Sử sách còn ghi lại tài thao lược, văn võ song toàn của ông và nghĩa quân với những trận đánh lẫy lừng, xuất quỷ nhập thần khiến quân viễn chinh Pháp nơm nớp lo sợ.
Trong một lần mang quân cơ binh gia nhập quân đội của triều đình chống Pháp, phản đối hòa ước, khởi binh ở Nam Kỳ Lục tỉnh, Trương Định cùng nghĩa quân của ông đã để lại cho đời sau những chiến công hiển hách vô cùng. Một trong những chiến công hiển hách còn lưu truyền trong sử sách đến ngày nay là trận phục kích giết tên Trung úy Barbé tại Bến Nghé.

Chuyện rằng: nàng Hai ở Bến Nghé và chàng trai tên Tri rất yêu thương nhau từ thời trẻ, nhưng vì hoàn cảnh éo le, không môn đăng hộ đối, buộc nàng phải ngậm ngùi đau xót chia tay người yêu để nhận lời lấy Lãnh binh Sắc làm chồng, một kẻ làm tay sai có thế lực và gian ác nhất thời bấy giờ, không ai dám chống lại điều hắn muốn.
Trong một lần thua trận đánh nhau với nghĩa quân, Lãnh binh Sắc bị quan trên khiển trách, tâm trạng buồn bực, tức tối. Đang lúc này, lại nghe quân mật báo việc chàng thanh niên tên Tri thường hẹn hò và có cử chỉ thân mật với nàng Hai, Sắc ghen tức lồng lộn âm mưu trả thù cho nguôi cơn giận. Một hôm Sắc gian trá cho người giả danh nàng Hai đến hẹn Tri tới nhà bàn công việc rất gấp, nhân việc Lãnh binh đi vắng nhà.
Đợi đến khi hai người gặp nhau, Sắc rời khỏi nơi ẩn nấp bước ra tri hô quân lính đến bắt Tri và nàng Hai trói gô lại, ghép họ vào tội lăng loàn và sai lính đóng bè thả hai người trôi sông Sài Gòn. Ngày đó, dân cư thưa thớt, cỏ dại còn mọc um tùm, cá sấu chực chờ dưới sông, trên bờ không thiếu gì cọp beo, hổ báo. Chỉ có hai khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn và quanh đồn lũy Gia Định mới có dân sinh sống.
Lênh đênh trên sông nước hết ngày qua đêm, toàn thân đau buốt, tái tê vì lạnh và đói, nàng Hai và người yêu chỉ còn biết nhìn nhau chờ đợi thần chết đang đến từng bước gần. May thay, viên quan ba Pháp là Trung úy Barbé, đóng binh ở chùa Khải Tường đang đi săn, bất ngờ gặp một bè chuối trôi trên đó có một người đàn ông và một người đàn bà. Mấy con cá sấu rất to lớn hung hãn, quẫy đuôi bám riết đuổi theo bè. Trung úy Barbé liền nổ súng, sấu sợ hãi lặn trốn mất tăm.
Khi bè được vớt lên, chàng trai tên Tri bị sấu cắn cụt mất một chân, máu ra nhiều đã chết cứng. Còn cô gái là nàng Hai hơi thở vẫn còn thoi thóp.

Sau khi đưa về đồn Khải Tường chăm sóc, nàng Hai đã tỉnh lại và dần phục hồi sức khỏe. Viên quan ba Pháp nhìn thấy cô trẻ đẹp, cầm lòng không đậu nên ép cô phải chung sống với mình. Không thể làm gì khác được, nàng Hai giả vờ ưng thuận với điều kiện là được trở về nhà để thu xếp việc riêng.
Từ cõi chết trở về, Lãnh binh Sắc nhìn thấy nàng Hai cứ tưởng hồn ma nên rất hoảng sợ. Cô soạn đồ đạc và dứt quyết ra đi không chấp nhận chung sống với người chồng bạc ác dù chỉ một giờ. Lãnh binh Sắc điên tiết, lồng lộn lên như một con thú điên hung dữ, sai lính bắt cô trói lại và cáo buộc: tội thông đồng, mãi dâm với người Pháp, phạm vào tam tòng, tứ đức của người vợ trong xã hội lúc bấy giờ. Lãnh binh Sắc cho giam nàng Hai dưới cái hố sâu, hàng ngày cho người mang cơm hẩm, cá xương vào cho ăn để hành hạ nàng Hai.
May thay, Trương Định cùng nghĩa quân đang đi ngang qua nghe sự việc rất đau lòng, lệnh cho người đem nàng Hai lên khỏi địa ngục và nghe hết mọi chuyện oan trái này, đày đọa của Lãnh binh Sắc... Sau khi trừng trị tên Lãnh binh, Trương Định và nghĩa quân giáo hóa nàng Hai tìm cách dùng kế mỹ nhân, chiêu dụ tên quan ba Pháp ra khỏi đồn để nghĩa quân ra tay tiêu diệt. Nàng Hai nhận lời giúp cho nghĩa quân diệt quân xâm lược, trừ khử bọn ngoại bang cướp nước.
Hôm đó là ngày 7-12-1860, trời vừa sập tối, nàng Hai chưng diện rất lộng lẫy, xinh đẹp đến đồn trú chùa Khải Tường, xin lính canh vào báo quan chỉ huy Barbé biết nàng Hai đang đợi ngoài cổng đồn để dạo mát tâm sự.

Nghe lính canh vào báo, Barbé mừng rỡ như mèo gặp mỡ, vội vàng thay quân phục, không cần lính theo hầu, một mình phóng ngựa ra đón mỹ nhân. Khi Barbé còn cách nàng Hai chừng mười thước, nghĩa quân Trương Định mai phục bất ngờ hai bên đường ào ra. Ngựa thì bị giáo dài đâm ngã quỵ, hất Barbé ngã xuống và lập tức bị nhát gươm kết liễu đời tên xâm lược không kịp kêu một tiếng.
Hơn hai tháng sau, viện binh của Pháp từ Thượng Hải –Trung Quốc rầm rộ kéo đến Sài Gòn tấn công thành Gia Định với tương quan lực lượng quá lớn và chỉ sau vài trận chiến ác liệt, đại đồn Chí Hòa bị hạ. Quân Pháp chiếm Sài Gòn - Gia Định.

Sau những ngày mịt mù khói lửa ấy, không ai tìm thấy nàng Hai ở nơi đâu và sống ra sao, chẳng biết còn sống hay đã chết. Nhưng trong dân gian còn truyền tụng mãi hình ảnh người thiếu phụ bị thả trôi sông và đã góp công giúp nghĩa quân Trương Định chống Pháp như một trang liệt nữ.

Trong tác phẩm “Scènes de la vie Annamite”(NXB P.Ollendorff Paris 1884) của hai tác giả Le Vardier và De Maubryan có kể lại chuyện tình éo của viên Trung úy Barbé với cô gái Bến Nghé tên Thị Ba, người đã theo quân Trương Định dụ dỗ tên Barbé từ đồn chùa Khải Tường đến đồn chùa Ô Ma (Pagode des Mares -Thị Nghè), vào đêm 7-12-1860.
Dọc đường đi đến điểm hẹn với người đẹp, Barbé đã bị nghĩa quân Trương Định phục kích bất ngờ giết chết. Câu chuyện tình này đời nay được tái hiện trong vở cải lương nổi tiếng ở Nam Bộ có tên “Nàng Hai Bến Nghé” với diễn xuất tài năng của nữ nghệ sĩ Mỹ Châu.

Tấm bia đá quá khổ trước mộ viên sĩ quan Pháp Barbé trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi
Chùa Khải Tường do Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc dựng lên vào năm 1744, tọa lạc trên một gò đất cao thành Gia Định xưa, ngày nay là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh số 28 đường Võ Văn Tần, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Sau khi chiếm thành Gia Định, quân Pháp đã biến chùa thành đồn trú mang tên viên Trung úy Barbé - thuộc Trung đoàn đệ tam thủy lục quân chiến. Do vậy mà chùa Khải Tường có tên là Chùa Barbé (Pagode Barbé).

Tương truyền vào ngày 23 tháng 4 năm Tân Hợi (25-05-1791 Dương lịch), thứ phi Trần Thị Đang (Thuận Thiên Cao Hoàng hậu) trên đường chạy trốn quân Tây Sơn cùng chúa Nguyễn Phúc Ánh, đã hạ sinh hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm – tức vua Minh Mạng ngay hậu liêu của chùa Khải Tường. Suốt ba ngày đêm liền, hào quang tỏa sáng trên tháp đỉnh chùa báo hiệu một Thiên tử ra đời. Nên từ đó, ngôi chùa trở thành nơi linh thiêng với người dân đất Sài Gòn.
Năm 1804 vua Gia Long tạ ơn Phật che chở thoát nạn trong những ngày bôn tẩu, dựng nghiệp nên đã gửi vào cúng chùa một tượng Phật Di Đà cao 2,5m, ngồi trên tòa sen làm bằng gỗ mít sơn son, thếp vàng. Năm 1832 vua Minh Mạng cho trùng tu lại ngôi chùa khang trang, uy nghiêm ghi lại dấu ấn về nơi nhà vua đã sinh ra. Cũng có tài liệu cho rằng: pho tượng gỗ do Vua Minh Mạng dâng cúng chùa nhân lễ lạc thành vào khoảng năm 1832.

Chính vì thế, sau khi đánh chiếm thành Gia Định tháng 2-1859, hải quân Pháp bố trí đồn trú hầu hết các nơi có đình chùa linh thiêng và những dinh thự liên quan đến triều Nguyễn.
Viên Trung úy Barbé chiếm giữa chùa Khải Tường lập đồn trú, đem hết tượng Phật quăng ra ngoài, cưỡng bức sư sãi rời chùa. Tượng Phật vua ban và tấm bia đá chúng cướp tại cửa biển Ô Cấp - Vũng Tàu trên chuyến thuyền nhà Nguyễn từ kinh đô Huế vận chuyển vào cũng từ đó mà bắt đầu số phận lưu lạc và phơi gan cùng tuế nguyệt. Tượng đá có linh hồn, văn bia có số phận, nào ai có biết được rằng, tấm bia nặng vài tấn kia chở trên mình một lịch sử của một triều đại, một dân tộc.

Trung úy Barbé không thể nào ngờ rằng, chính sự xúc phạm đến chùa chiền, sư sãi, bia đá người Việt đã khiến cho Phật và Thần Thánh nước Nam nổi cơn thịnh nộ và trừng phạt kẻ xâm lăng, bạo ngược. Chỉ sau một thời gian ngắn, điềm báo ứng đã xảy đến với Barbé cho dù suốt ngày hắn luôn cầu nguyện. Đến cả Chúa và Thượng đế cũng không cứu nổi hắn với cái chết chém rơi đầu…
Tấm bia lưu lạc bên cạnh Lăng mộ Phạm Đăng Hưng

Vì thấy Barbé rất khoái tấm bia đá to sừng sững, viết chi chit chữ người Tàu, nên khi Barbé chết, các tên sĩ quan trong đồn chùa Khải Tường mang luôn tấm bia đặt tại mộ Barbé trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (công viên Lê Văn Tám ngày nay). Chúng quay mặt trước của bia vào trong, bên ngoài (mặt sau bia) ghi tên họ, mộ chí Trung úy Barbé. Bên trên dùng sơn màu đen khắc vẽ hình cây Thánh Giá ngày nay vẫn còn dấu khắc chạm và màu sơn khá rõ.
Năm 1880, chùa Khải Tường xóa sổ, một số di vật của chùa được các nhà sư mang về chùa khác bảo quản lưu giữ. Sau ngày 30-04-1975, khu vực chùa Khải Tường ngày xưa (có thời là Trường Y dược – thời Ngô Đình Diệm) được dùng làm Bảo tàng Tội ác chiến tranh (nay là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh).
Tượng Phật A Di Đà của vua Gia Long ban tặng năm xưa bằng gỗ mít được các nhà sư cất giữ kỹ lưỡng gần như nguyên vẹn, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Sài Gòn (trong Thảo Cầm viên Sài Gòn).
Riêng tấm bia vua Tự Đức ban tặng gởi về Gò Công để đặt ngay trước lăng Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, bị lưu lạc biến thành bia Thánh giá chôn ở mộ viên Trung úy Barbé đến tháng 5 năm 1983, khi thành phố quyết định di dời nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi để xây dựng công viên văn hóa Lê Văn Tám.
Sau khi bốc cốt Trung úy Barbé đưa về Pháp, các công nhân dọn dẹp san lấp mặt bằng phát hiện một tấm bia đá khổng lồ nằm chổng gọng mà không biết đó là báu vật của vua ban lưu lạc trên 130 năm. Về sau, các nhà khảo cổ phát hiện ẩn bên trong hình cây Thánh giá là chi chít chữ Hán khắc chạm rất công phu tinh xảo. Chà rửa sạch sẽ, mới đọc được đó chính là bia văn do vua Tự Đức ban gởi về Gò Công.
Cho mãi đến trung tuần tháng 7-1998, tấm bia vua Tự Đức ban đã lưu lạc tròn 130 năm mới được đưa về ấp Lăng Hoàng Gia, xã Sơn Qui, TX. Gò Công – Tiền Giang đặt bên trái mộ phần Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng đến ngày nay. Nếu phải tính đến năm 2011, thì tấm bia đã lưu lạc đúng bằng niên đại triều Nguyễn 143 năm. Kỳ lạ làm sao.
Hồng Phấn

KSV.ME-kenhsinhvienimagesm(2).jpg


KSV.ME-kenhsinhvienindex(4).jpg
 
×
Quay lại
Top