Lan tỏa tình yêu với sách

Shanny Trinh

Tiếc rằng mình chẳng đợi được nhau. . .
Thành viên thân thiết
Tham gia
16/12/2016
Bài viết
3.772
“Coi lấy thêm mấy cuốn về quê đọc đi con, mà bây khi nào về quê, có đặt vé xe, tàu gì chưa con?”. “Dạ rồi chú, con lấy thêm cuốn nữa nha chú”. Cuối năm, ai cũng ngược xuôi lo chuyện nhà cửa, tết nhất… cứ tưởng tiệm sách vắng hoe, ai dè chưa tới giờ mở cửa đã có khách. Cái tiệm sách nhỏ xíu mà không ngớt khách ra vào…

Tiệm sách kỳ lạ


“Lựa sách đi rồi ra uống ly trà, có trà trên Đà Lạt khách gửi xuống cho, ngon lắm”. Trong nhà, những kệ sách cao quá đầu người được đóng chắc chắn, cuốn nào ra cuốn đó, xếp theo từng thể loại ngay hàng thẳng lối, khách tìm quyển nào, loại nào là thấy ngay. Ngoài hiên, ông chủ quán Nguyễn Ngọc Cần (chú Trung), người đàn ông ngoài 60 tuổi, chậm rãi rót ly trà, rồi mời khách ở lại đọc sách, uống trà.
Hơn 10 năm qua, cứ 3 giờ chiều là tiệm sách mở cửa, có bữa chưa tới 3 giờ đã có khách đến ngồi chờ bên ngoài, ngóng chủ tiệm. Tiệm sách nhỏ ở số 21 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM, là điểm đến quen thuộc của nhiều người ưa đọc sách, nhất là những ai mê dòng sách văn học và tìm hiểu về Phật giáo.
Chú Trung vẫn đều đặn mỗi ngày đọc sách rồi đi tìm mua những cuốn sách hay về chất đầy kệ. “Tui mê đọc sách từ hồi nhỏ, mà lớn lên thì tất bật công chuyện làm ăn, lo cho gia đình nhà cửa. Giờ về hưu thảnh thơi, mở tiệm sách nhỏ cho bà con ai có nhu cầu tới đọc cho vui”, chú Trung chia sẻ.
Chú Nguyễn Ngọc Cần (chú Trung) cẩn thận chọn lọc từng quyển sách
Nhiều người hay nói vui, đây là tiệm sách “kỳ lạ”, bởi nó không có quy định về thuê mượn sách, không tính phí, cũng không sổ sách ghi tên ai mượn cuốn nào. Khách tới thích cuốn nào cứ mượn về đọc. Đọc xong quay lại trả rồi mượn cuốn khác. Lỡ làm mất, hoặc không trả cũng không sao.
Chú Trung cười: “Không trả cũng không sao hết, khách ra vô mỗi ngày tui đâu nhớ hết. Sách làm mất hay chuyền tay cho người khác đọc càng vui, tui mở tiệm sách có khách tới lui đọc sách là vui rồi, còn lại không tính toán gì hết”. Với những khách muốn mua sách, chú Trung chỉ bán lại chưa bằng một nửa giá bìa, đọc xong rồi có thể đổi hoặc trả lại cũng được. Còn ai muốn tìm sách tựa gì, tác giả nào mà trong tiệm chưa có thì cứ ghi vào sổ, để lại số điện thoại, chú Trung sẽ đi tìm, khi nào có thì gọi lại lấy sách.
Khách tới lui lâu ngày, đủ mọi lứa tuổi, từ sinh viên, công nhân, mấy cô nội trợ, mấy bác về hưu, quen biết rồi thành thân thiết như người nhà… Có bữa, mấy bạn nam phụ một tay khiêng mấy thùng sách ra xe để chở về các tỉnh xa, mấy bạn nữ xếp sách vào kệ cho gọn gàng. Riêng việc phân loại sách và chọn lựa sách nào để trên kệ thì phải chính tay chú Trung làm.
Chú giải thích: “Sách bây giờ đủ thể loại. Phải lựa sách nào có tem, có nhà xuất bản rõ ràng, còn quyển nào lạ quá, tui phải đọc qua rồi mới dám để lên kệ cho khách lựa. Chứ sách nào cũng chất lên mà không coi kỹ, nhiều khi mấy sách trôi nổi, nội dung mê tín này nọ không tốt làm ảnh hưởng xấu tới người đọc thì không hay. Khách mua sách có người sang lắm, mua vài cuốn thôi nhưng đưa hẳn mấy trăm ngàn, thối lại thì họ không chịu lấy. Tui để dành đó mua sách. Mấy đứa sinh viên hay tới lui tiệm mượn sách, lựa sách không kỹ, tụi nhỏ đọc làm hư tụi nó sao…”.
Niềm đam mê đọc sách, tình yêu dành cho từng cuốn sách được chọn lựa kỹ lưỡng của ông chủ tiệm sách “kỳ lạ” dường như cũng lan tỏa tới những khách hàng của tiệm. Bạn Thanh Phi (ngụ quận 12) kể: “Lúc đầu mình tới đây tìm sách đọc mấy lúc rảnh rỗi cho đỡ buồn thôi. Được chú giới thiệu cho vài quyển để đọc cho vui, rồi từ từ thấy mê luôn. Đọc xong quyển nào, tới trả, chú - cháu cùng bàn luận về cuốn sách, chiêm nghiệm điều này điều kia. Riết rồi như một thói quen, bây giờ lựa sách mình cũng tìm hiểu lựa chọn, chứ không đơn giản là đọc cho vui nữa”.
Người trẻ đọc sách có gu
Có nhiều ý kiến phàn nàn rằng, ít có tiệm sách nào mà chủ tiệm cũng đọc sách để có thể lựa sách chuẩn. Rồi nhiều người trẻ đôi khi đến tiệm sách chỉ để cà phê hay chụp ảnh đăng mạng xã hội cho oai. Không hẳn là hoàn toàn, nhưng đó cũng phần nào nói lên tình trạng đọc sách của giới trẻ hiện nay.
Nhiều bạn trẻ thường bị thu hút vào phần bìa sách, tên tác giả hơn là nội dung và giữa muôn vàn thú vui để giải trí, việc tìm một góc yên tĩnh ngồi đọc sách có lẽ không thu hút bằng. Giữa thị trường sách hiện nay, sách cũ, sách mới… với hàng ngàn, hàng triệu đầu sách, khiến người ta không khỏi phân vân khi chọn sách cho chính mình.
Nằm trong con hẻm nhỏ yên tĩnh trên đường Cù Lao (quận Phú Nhuận), khách tìm đến với Kafkabookstore phần lớn là giới trẻ. Nhiều bạn trẻ rỉ tai nhau, sách ở đây rất có “gu”, bởi nó được chọn rất kỹ từ cô chủ tiệm và thường xuyên có những bài viết điểm sách trên mạng xã hội, thu hút đông đảo lượt thích và bình luận của giới trẻ.
Xuất thân là dân kiến trúc, nhưng với niềm đam mê đọc sách, chị Nguyễn Hoàng Liên đã lập nên Kafkabookstore, với những dòng sách văn học thế giới và trong nước.
Chị Liên chia sẻ: “Tôi lập nên Kafkabookstore với mong muốn làm một nơi chuyên về dòng sách văn học để những ai có nhu cầu dễ dàng tìm kiếm. Tôi cũng ấp ủ ý tưởng làm tiệm sách miễn phí để mọi người đều có thể đến đọc, tuy nhiên hiện tại vẫn chưa đủ kinh phí, nên Kafkabookstore chủ yếu là bán sách”.
Kafkabookstore đoạt giải thưởng Sách hay 2016 (do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục và Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức) ở hạng mục giải Người trẻ chọn sách cho người trẻ.
Ngoài việc bán sách và giới thiệu sách trực tiếp tại tiệm, trang mạng xã hội của Kafkabookstore hoạt động khá mạnh mẽ với hơn 30.000 lượt theo dõi.
Phần lớn khách hàng của Kafkabookstore đặt mua sách trực tuyến, những quyển sách chưa có luôn được chủ tiệm ghi nhận và thông báo qua tin nhắn cho khách khi đã tìm được. Đây là một kiểu kinh doanh sách thông minh, phù hợp nhu cầu và cách đọc sách hiện nay của người trẻ.
Tìm một chỗ ngồi yên tĩnh trong tiệm sách bên cạnh cửa sổ, lần giở quyển sách mới mua, Minh Phương (ngụ quận Tân Bình) chia sẻ: “Tôi cũng thường xuyên đến đây vì không gian rất yên tĩnh và thoải mái để đọc sách. Mua sách ở đây cũng yên tâm, không lo gặp phải sách giả vì sách được chị chủ lựa rất kỹ và nhiệt tình giới thiệu”. Cũng giống như Minh Phương, Hoài Phong (sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM) cho hay: “Tôi thích đọc sách văn học nên đến đây dễ tìm được nhiều sách ưng ý hơn các nhà sách khác”.
Giữa lúc khá nhiều người vẫn than vắn thở dài về văn hóa đọc sách của giới trẻ, thì tiệm sách “kỳ lạ” của chú Trung, Kafkabookstore dù ít dù nhiều vẫn đang âm thầm lan tỏa một tình yêu đọc sách đến mọi người, đặc biệt là giới trẻ.

 
Mình cũng rất thích đọc sách.hic
 
×
Quay lại
Top