Lãi suất USD tăng, lợi ích nền kinh tế giảm

miss_you_52

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/2/2011
Bài viết
1
Từ cuối tháng 2/2011, các NHTM lớn như Vietcombank, VietinBank, Agribank, ACB và Eximbank đã tăng lãi suất tiền gửi USD từ 5%/năm lên mức 5,6%/năm. Trước đó, lãi suất tiết kiệm ngoại tệ của các ngân hàng nhỏ đã được đẩy lên trên 6% như trường hợp Western Bank, tới 6,35%/năm.

Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered (Việt Nam) cho rằng: "Các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi USD để hỗ trợ DN vay USD giải quyết nhu cầu nhập khẩu, kể cả nhập khẩu máy móc thiết bị cũng như nguyên vật liệu, thường bắt đầu tăng từ cuối quý I và mạnh nhất trong quý II". Tuy nhiên, ngay cả những DN khác cũng rất muốn vay ngoại tệ rồi chuyển sang VND để sản xuất - kinh doanh do hiện lãi suất cho vay VND quá cao so với lãi suất USD, trong khi việc NHNN điều chỉnh mạnh tỷ giá (tăng 9,3%) vừa qua cũng đã xua đi phần nào lo ngại về rủi ro tỷ giá trong ngắn hạn.

Vấn đề nảy sinh là dư nợ ngoại tệ tăng cao sẽ gây sức ép đến tỷ giá, thậm chí sẽ tạo ra cơn sốc mới về tỷ giá hối đoái khi các hợp đồng cho vay ngoại tệ đồng loạt đến hạn, các DN sẽ phải đi mua lượng ngoại tệ rất lớn để thanh toán. Việc lãi suất tiết kiệm USD tăng cao cũng kích thích mạnh tâm lý găm giữ ngoại tệ trong người dân và DN, khiến cho cung - cầu ngoại tệ mất cân bằng, tạo sức ép lớn đến tỷ giá. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến quyết định đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài.

Không những vậy, lãi suất ngoại tệ tăng càng làm cho lãi suất VND khó giảm theo mong muốn của Chính phủ cũng như kỳ vọng của DN. Lãi suất VND ở mức rất cao khiến những ý tưởng đầu tư về chiều sâu, phát triển công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN gặp trở ngại lớn. DN sẽ không dám đầu tư mà co cụm lại phòng thủ, gây ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng kinh tế.

Rõ ràng, lãi suất USD có xu hướng tăng trong thời gian gần đây là dấu hiệu không tốt không chỉ cho DN mà cả cho hệ thống ngân hàng, cũng như mục tiêu ổn định tỷ giá hối đoái và chống đô la hoá của Chính phủ. TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nói: "Uỷ ban Giám sát luôn coi việc lãi suất USD tăng cao trong thời gian gần đây là bất lợi cho chính sách tiền tệ với mục tiêu hiện nay là chống lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái".

Theo một số chuyên gia tài chính, để hạn chế tình trạng lãi suất ngoại tệ tăng quá cao, biện pháp quan trọng nhất là sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc, tăng dự trữ bắt buộc tiền gửi USD lên cao so với tiền gửi bằng VND. Ví dụ, dự trữ bắt buộc của USD phải là 12%, còn dự trữ bắt buộc của VND là 7%. Động thái này sẽ có tác động trực tiếp, ngay lập tức làm lãi suất tiền gửi USD giảm xuống, đồng thời khiến lãi suất cho vay USD tăng. Khi đó, người gửi tiền không thích gửi bằng USD mà bán USD để gửi VND cho có lợi hơn. Người đi vay cũng không thích vay bằng USD mà chuyển sang vay đồng nội tệ do lãi suất vay USD lúc này đã tăng lên.

Đồng thời, có thể sử dụng các biện pháp hành chính như hạn chế cho vay bằng ngoại tệ. Hiện NHNN chủ trương chỉ cho vay bằng ngoại tệ đối với những DN nào có khả năng cân đối được ngoại tệ để trả nợ, kể cả những DN xuất khẩu và nhập khẩu. Lâu nay cũng đã có quy định như vậy nhưng rất chung chung. NHNN cần quy định cụ thể, chỉ cho vay ngoại tệ đối với những hợp đồng nhập khẩu tư liệu sản xuất chủ chốt và từng loại tư liệu sản xuất này sẽ có một quy định riêng. Đồng thời, dần dần tiến tới một biện pháp mạnh mẽ hơn là hạn chế người gửi tiền bằng ngoại tệ. Lượng ngoại tệ được gửi vào ngân hàng vượt quá mức quy định nào đó phải được chứng minh đó là thu nhập hợp pháp.

Những biện pháp trên không những làm tăng giá trị VND mà còn giúp ổn định thị trường hối đoái, nhưng quan trọng hơn là tiến tới xoá bỏ tình trạng đô la hoá đang diễn ra. Hiện chính khu vực ngân hàng đang bị lợi dụng để mở rộng tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế.
 
×
Quay lại
Top