Không học như gà uống nước

Cuonlennho

"Cuộc đời yên ổn, năm tháng bình yên."
Thành viên thân thiết
Tham gia
5/3/2010
Bài viết
1.776
KHÔNG HỌC NHƯ GÀ UỐNG NƯỚC
PGS.TS. Đinh Hữu Dung

Tính chủ động, bám sát mục tiêu học tập, coi trọng học hiểu, hướng đến khả năng vận dụng kiến thức là những phẩm chất chính của phương pháp học tích cực. “Không học như gà uống nước” tập hợp mười bài ngắn trao đổi về phương pháp học hiểu, tránh học thuộc lòng.

dh-lincoln-tung-ra-goi-hoc-bong-du-hoc-new-zealand-nam-2012-hap-dan-777599-8345.jpg

1. Biết rõ “bia” của mình

Người đi học phải biết rõ mục tiêu học tập như người đi tập bắn phải biết rõ bia của mình. Chân lý là như vậy nhưng nhiều sinh viên y khoa vẫn cứ “tập bắn” ... ra ngoài bia! Dưới đây xin nêu một số ví dụ về những sinh viên như vậy (mong rằng trong số đó không có bạn).

Ví dụ 1. Sinh viên y thuộc các hệ đào tạo bác sĩ y khoa, cử nhân điều dưỡng, cử nhân y tế công cộng khi học về một vi khuẩn gây bệnh lại quan tâm đến kỹ thuật nuôi cấy phân lập và định danh hơn khả năng và cơ chế gây bệnh của vi khuẩn; khi học về kháng sinh đồ lại quan tâm đến qui trình thực hiện và các yếu tố kỹ thuật ảnh hưởng đến kết quả hơn nguyên lý và mục đích.

Lời bình. Kỹ thuật nuôi cấy phân lập và định danh vi khuẩn; qui trình làm kháng sinh đồ và các yếu tố kỹ thuật ảnh hưởng đến kết quả là “ngoài bia” đối với các sinh viên không (hoặc chưa) học chuyên khoa vi sinh. Ngược lại, khả năng và cơ chế gây bệnh của vi khuẩn; nguyên lý và mục đich của kháng sinh đồ mới thuộc vào “vòng trong của bia”.

Ví dụ 2. Sinh viên hệ đào tạo bác sĩ đa khoa khi học về các bệnh cấp cứu ngoại khoa lại quan tâm đến chấn đoán phân biệt các thể lâm sàng hơn chẩn đoán định hướng sớm; quan tâm đến các phương pháp và qui trình phẫu thuật hơn thái độ xử trí ban đầu và kỹ năng sơ cứu.

Lời bình. Nếu trong tương lai, bạn không phải là bác sĩ ngoại khoa thì không đòi hỏi bạn phải chẩn đoán phân biệt các thể lâm sàng của một bệnh cấp cứu ngoại khoa, nhưng rất cần có năng lực chẩn đoán định hướng sớm để chuyển bệnh nhân kịp thời đến các cơ sở ngoại khoa, nhiều bệnh nếu đến muộn thì nhà ngoại khoa giỏi cũng bó tay hoặc bệnh nhân sẽ phải chịu những biến chứng, di chứng đáng ra không có.

Sinh viên đa khoa cũng phải học đến nơi đến chốn về thái độ xử trí ban đầu và kỹ năng sơ cứu bệnh nhân dù bạn không có ý định đi chuyên khoa ngoại. Trong tương lai bạn làm việc ở bất cứ cơ sở y tế nào, trước một tình huống cấp cứu bạn vẫn phải ra quyết định xử trí ban đầu đúng và có kỹ năng sơ cứu tốt. Những công việc này nhiều khi có vai trò sống còn đối với tính mạng của người bệnh.

Ví dụ 3. Sinh viên hệ đào tạo cử nhân xét nghiệm khi học môn nội khoa lại say sưa với chẩn đoán lâm sàng và phương pháp điều trị.

Lời bình. Sinh viên hệ đào tạo cử nhân xét nghiệm được (hoặc phải) học một số học phần bệnh học không phải để tạo năng lực chẩn đoán lâm sàng và chữa bệnh. Mục tiêu chính phải được quan tâm là nhu cầu về xét nghiệm của các thày thuốc lâm sàng, ý nghĩa và giá trị thực tiễn của các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng, sự hợp tác giữa bệnh phòng và phòng xét nghiệm.

Chương trình học tập vốn đã nặng, nhiều khi sinh viên chúng ta lại còn tự xếp thêm lên vai mình những thứ không cần thiết. Khi chưa định hướng chuyên khoa, chưa vội học những gì mang tính đặc thù chuyên khoa mà trong tương lai nếu không đi chuyên khoa đó thì không bao giờ được làm và không bao giờ làm được!
Bạn hỏi nếu có nguyện vọng sẽ đi chuyên khoa đó thì sao? Cứ cho là mong muốn của bạn chắc chắn đạt được (mặc dù chắc chắn là ... chưa chắc chắn!), thì bạn vẫn cần tự “kiềm chế” tình yêu ấy chờ đến khi học chuyên khoa (thường là sau đại học).

Người đi học phải biết rõ mục tiêu học tập
như người đi tập bắn phải biết rõ bia nào là của mình.
 
2. Học “bất bình đẳng”

Các nội dung trong một bài vốn dĩ không bình đẳng nhau, có phần chính, phần phụ. Trong mỗi phần lại có ý chính, ý phụ.
Ta có thể coi mỗi bài như một vùng địa hình mấp mô, khi coi độ cao của mỗi phần, mỗi ý tỷ lệ thuận với mức độ quan trọng của mỗi phần, mỗi ý đó. Bạn cần “phiên dịch” bài học thành một “bản đồ địa hình” trước khi cố gắng nhớ nó. Khi đã “phiên dịch” được rồi, điểm nào càng cao càng được ưu tiên. Bạn hãy hình dung nếu tháo nước vào vùng địa hình đó, chỗ nào càng ngập nước muộn càng phải hiểu kỹ, nhớ lâu.
Ôn tập xong một bài bạn không nên chỉ xem mình đã nhớ được bao nhiêu. Quan trong hơn bạn cần xem mình đã học đến mức làm “bất bình đẳng” được các ý của bài chưa. Bạn có thể tự kiểm tra bằng cách xem xét khả năng “co” bài của mình. Thí dụ bài có độ dài 4 trang bạn hãy thử thu lại thành 2 trang, thành 1 trang, thậm chí chỉ còn nửa trang, sao cho phần lược đi không có những ý quan trọng hơn bất kỳ ý nào trong bản thu ngắn.


Nếu bản thu ngắn còn mắc các lỗi dưới đây là bạn chưa thật sự thành công trong việc học cho bất bình đẳng”:
- Bạn cảm thấy rất khó khăn trong việc thu ngắn và chỉ có thể thu ngắn được một mức (thí dụ 4 trang thành 2 trang).
- Trong bản thu ngắn bạn vẫn dùng các câu của sách - Bạn mới chỉ rút ngắn bằng cách cắt bớt câu chứ chưa biến đổi được câu!
- Tất cả các phần của bài đều được co ngắn theo một tỷ lệ như nhau.
- Bản thu ngắn của bạn chỉ là một bản viết tên các đề mục và các tiểu đề mục.
Trong quá trình soạn bản thu ngắn bạn cứ việc mở sách mở vở đàng hoàng, nghĩa là việc này được tiến hành ngay từ khi bạn chưa thuộc bài! Sau khi bạn đã viết được những bản thu ngắn có chất lượng tốt, với một số mức dài ngắn khác nhau thì bạn không chỉ hiểu bài một cách sâu sắc mà cũng sẽ thuộc bài. Thi xong bạn cũng sẽ quên rất nhiều, nhưng học bất bình đẳng thì quên cũng bất bình đẳng, bạn sẽ ít bị quên những điều đáng nhớ và cũng sẽ ít phải nhớ cả những điều đáng quên.
Người học xoàng, học vẹt sau khi đã ôn đi ôn lại, nhớ hết mọi chi tiết, mà nhìn bài vẫn “phẳng” như trang giấy! Người học tốt càng ôn tập kỹ càng thấy bài “gồ ghề”!


Học bất bình đẳng bạn sẽ không quên những điều cần nhớ
và không nhớ những điều đáng quên – Học phải biết quên!
 
3. Đọc sách trước khi nghe giảng

Lúc đầu tôi cứ băn khoăn không biết có nên đặt cái tên của bài viết này như vậy không? Bởi vì có thể một số bạn vừa nhìn thấy “Đọc sách trước khi nghe giảng” đã lật ngay sang trang khác, không muốn tìm hiểu cái phương pháp học tập xem ra bất hợp lý này.

Đọc sách trước khi nghe giảng!? Chưa nghe giảng đã vội đọc sách làm gì cho khổ, cho lãng phí thời gian! Nghe giảng xong đọc sách có phải mau hiểu hơn không? Tôi đang đọc, đang học những bài thày đã giảng rồi chưa xong, lại còn khuyên tôi “đọc trước”!

Nếu đã “trót” đọc đến đây, xin bạn cố kiên nhẫn đọc tiếp xem có thể chắt lọc được chút ít ... có lý nào chăng.
Trước hết cần phải nói về cách đọc sách trước khi nghe giảng như thế nào, sau đó mới bàn đến cái lợi của việc làm này, bởi vì hiệu quả tuỳ thuộc rất nhiều vào cách đọc.


Nên đọc theo trình tự sau:
1. Đọc nhanh toàn bài. Đọc xong dừng lại suy nghĩ một cách khái quát về những nội dung chính yếu được đề cập đến trong bài.

2. Đọc lại để phát hiện những thuật ngữ và những khái niệm mới. Có thể là mới gặp lần đầu, hoặc bạn có cảm giác hình như đã gặp ở đâu đó rồi nhưng vẫn còn thấy lạ. Hãy tìm hiểu ý nghĩa thuật ngữ và nội dung các khái niệm.

3. Đọc chậm để hiểu từng phần. Gặp những chỗ khó hiểu hãy dừng lại suy nghĩ, cố gắng để hiểu đến mức tối đa (tối đa so với khả năng của mình chứ không phải tối đa ý cần phải hiểu!). Tất nhiên, mức độ hiểu được của mỗi người rất khác nhau. Điều ấy không quan trọng. Miễn là bạn đã hết sức cố gắng suy nghĩ. Sau khi đọc xong mỗi đoạn bạn nên tự xếp mức hiểu của mình làm 3 bậc: hiểu đầy tự tin, hiểu nhưng không được tự tin lắm và chưa hiểu; tương ứng có thể đánh dấu +, +/- và - vào lề (nếu là sách riêng của bạn).

4. Đối chiếu với mục tiêu học tập. Sau khi “nghiên cứu” hết cả bài bạn nên tự đánh giá xem mục tiêu nào mình đã đạt được tương đối trọn vẹn? Mục tiêu nào đã đạt được một phần? Mục tiêu nào hầu như chưa thu nhận được gì?

5. Soạn câu hỏi về tất cả những gì bạn chưa hiểu. Chưa hiểu mà đặt được câu hỏi cũng đáng quí lắm! Trước hết nên đặt những câu hỏi sát với mục tiêu học tập. Không nên cố gắng “sáng tạo” ra những câu hỏi thật khó mà ngay cả thày có khi cũng chịu (những câu hỏi “chết người”!). Nhưng tôi cũng phải nói thêm rằng có những câu hỏi của sinh viên rất hay, có khi còn giúp cho thày nảy sinh một ý tưởng mới, một hướng nghiên cứu mới...


Đọc sách trước khi nghe giảng có lợi gì?
1. Bạn sẽ dễ dàng tiếp thu khi nghe giảng vì bạn đã nắm vững các thuật ngữ, các khái niệm. Do quĩ thời gian cho mỗi bài có hạn, thường thày chỉ giới thiệu nhanh một lượt những thuật ngữ, những khái niệm mới. Thày càng không có thời gian để giảng lại các thuật ngữ và các khái niệm đã được đề cập đến ở các bài trước.

2. Bạn sẽ tập trung nghe giảng hơn vì bạn muốn xem xét những điều mình tự cho là hiểu, có hiểu đúng không? Đặc biệt bạn đang ở trạng thái chờ đón nghe giảng những điều khi đọc sách bạn đã hết sức cố gắng mà vẫn chưa hiểu được, như “nắng hạn chờ mưa”! Những kiến thức đó sẽ được bạn đón nhận nhanh chóng và sẽ nhớ rất lâu.

3. Bạn sẽ ghi chép một cách chọn lọc hơn. Bạn không phải cắm đầu cắm cổ vội vàng ghi chép tất cả những điều thày giảng vì bạn biết những gì đã có trong sách, những gì không. Cùng với cái lợi này, bạn sẽ có nhiều thời gian chăm chú nghe giảng, bởi không phải lúc nào thày cũng chờ tất cả các bạn ngưng bút mới giảng tiếp - trừ khi thày giảng theo "phương pháp" đọc chính tả!

4. Bạn sẽ có điều kiện tham gia tích cực trong buổi dạy-học. Khi thày áp dụng phương pháp dạy-học tích cực, sự hoạt động của sinh viên ở trên lớp sẽ nhiều hơn. Thường thì thày yêu cầu đọc sách trước. Những câu hỏi thày đặt ra để thảo luận đòi hỏi phải vận dụng những kiến thức đã có. Nếu không đọc sách trước, bạn sẽ không thể tham gia ý kiến hoặc có nhưng sẽ rất hạn chế.


Cuối cùng cần phải nhấn mạnh rằng nếu nhìn bao quát cả quá trình học tập, việc đọc sách trước khi nghe giảng không làm bạn tốn thêm thời gian. Bốn lợi ích trên sẽ giúp bạn nhanh hiểu bài hơn, hiểu sâu sắc hơn và nhớ lâu hơn, vì vậy thời gian ôn tập rút ngắn được thường nhiều hơn so với thời gian bạn cần để đọc sách trước!


Đọc sách trước khi nghe giảng bạn sẽ tiếp thu hiệu quả hơn, ghi chép chọn lọc hơn và tham gia thảo luận tích cực hơn.


 
4. Cách đáp ứng tích cực sau khi nghe câu hỏi của thày

Đặt câu hỏi (phát vấn) là phương pháp rất hay được các thày cô sử dụng trong quá trình dạy-học tích cực. Cách đáp ứng sau khi nghe câu hỏi của thày sẽ cho thấy bạn là người học tập tích cực chủ động hay thụ động.

Một số bạn cố tỏ ra bình thản nhìn một vật gì đó hoặc nhìn ra ...xa xăm, đầu mung lung không nghĩ ngợi gì về câu hỏi, chỉ âm âm câu thần chú mong sao thày đừng chỉ định mình! Cho đến khi may mắn nghe thày đọc tên người khác thì mới hết nín thở, hít một hơi thật sâu rồi cố từ từ thở ra cho thật nhẹ nhàng! Rủi ro bị thày đọc đúng "quí danh" thì giật thột, rồi gan dạ ngồi im hoặc dũng cảm đứng dậy ... chào cờ!

Một số bạn sau khi nghe câu hỏi của thày thì "năng động" quay ngang quay ngửa cầu viện hoặc đưa ngay ra câu trả lời "nháp" nhờ bạn sửa chữa thẩm định giúp.

Một số bạn khác tỏ ra "tích cực chủ động" hơn, vội vàng mở sách lật vở kiếm tìm câu trả lời. Không hiếm khi bạn tìm được nội dung mong muốn, bạn sẽ trả lời đúng, được thày khen và bạn bè thán phục. Rất có thể là như vậy! Về hình thức loại phản ứng này xem ra rất tốt, nhưng hiệu quả thực tế thì không được tốt lắm. Bạn sẽ nghĩ tôi đang bàn luận sang khía cạnh đạo đức, và bạn đã có ngay lý lẽ để tự bảo vệ, rằng đây đang trong lúc thảo luận chứ không phải trong khi kiểm tra hay khi thi, vì vậy bạn có quyền mở sách vở. Lý lẽ của bạn hoàn toàn đúng. Tôi không phê phán bạn đã vi phạm nội qui, qui chế học tập. Tôi chỉ muốn nói rằng việc làm có vẻ tích cực của bạn, về bản chất không được tích cực cho lắm. Bởi vì làm như vậy bạn chẳng cần phải động não, chỉ cần mở sách vở tìm và trả lời ngay khi kiến thức còn rất ... tươi sống! Trong đa số trường hợp, những điều bạn vừa nói sẽ thoảng qua trong đầu óc bạn như gió thoảng qua căn phòng mở cả cửa trước cửa sau! Đấy là chưa nói đến nhiều khi bạn chưa kịp tìm được ý gì, đã bị thày gọi hoặc đáp án đã được mở. Trong những trường hợp như vậy kiến thức ít khi lưu lại hoặc có lưu lại nhưng không được hằn sâu trong vỏ não.

Trước mỗi câu hỏi của thày, thái độ tích cực nhất là độc lập suy nghĩ, huy động vốn liếng đã có để chuẩn bị câu trả lời của riêng mình. Nếu bạn đã nắm chắc vấn đề thày hỏi thì việc này thật dễ dàng và không có gì phải bàn nhiều. Tuy nhiên, cùng là hai người nắm chắc vấn đề như nhau nhưng cách đáp ứng vẫn có thể khác nhau. Một người chỉ ngồi thờ ơ, nếu thày chỉ định thì trả lời, không thì thôi. Một người vẫn tập trung suy nghĩ, tìm cách chỉnh lại sao cho câu trả lời ngắn gọn, mạch lạc và sát với ý thày hỏi nhất.

Trong trường hợp bạn chưa thật nắm chắc vấn đề, chưa tự tin lắm, thì cũng đừng vội vàng mở sách, mở vở để kiểm tra, đừng vội thảo luận với người xung quanh. Bạn hãy tự mình đánh giá lại xem, trong suy nghĩ ý nào chắc chắn đúng, ý nào có nhiều khả năng đúng và ý nào bạn cho là có nhiều khả năng sai? Nếu đã có sự phân tích, phán xét như vậy, lúc đáp án được mở kiến thức của bạn được chỉnh lại và bạn sẽ nhớ rất lâu.

Trường hợp xấu nhất là, sau khi nghe xong câu hỏi của thày, trong đầu bạn chưa thấy ló ra một tia sáng nào. Xin bạn cũng đừng mở sách vở, cũng đừng hỏi người xung quanh, và tất nhiên cũng đừng nên lảng tránh. Một sinh viên học tập tích cực không cho phép suy nghĩ ngay rằng mình hoàn toàn bất lực trước bất kỳ câu hỏi nào! Bạn hãy cố gắng huy động tất cả vốn liếng để có câu trả lời của riêng mình, dù chỉ là câu trả lời còn rất sơ sài và chưa chắc đúng. Có ý trả lời vừa mới xuất hiện lại bị bạn phủ định ngay. Và cuối cùng có thể bạn không tìm ra được câu trả lời, nhưng không sao, miễn là bạn đã thực sự cố gắng suy nghĩ. Bạn sẽ đón nhận ý kiến của các bạn và lời giảng giải của thày hiệu quả cao hơn nhiều so với trường hợp bạn lảng tránh suy nghĩ.

Không ít trường hợp lúc vừa mới nghe thày đặt câu hỏi, bạn tưởng như mình hoàn toàn bất lực, nhưng với tinh thần "tiến công" như trên chỉ sau ít phút bạn lại tìm được câu trả lời, đôi khi câu trả lời còn hoàn hảo nữa!

Một số bạn phàn nàn lớp thì đông người, có tích cực suy nghĩ đi nữa, mấy khi đã được (hay đã "bị") thày hỏi đến mình. Thưa bạn, nếu bạn đã thực sự suy nghĩ để có câu trả lời của riêng mình, rồi sau đó đối chiếu với ý kiến của các bạn và lời giảng giải của thày xem ý nào đúng, ý nào sai, thì cho dù bạn không được đứng lên để trình bày ý kiến của mình, đối với lớp đúng là bạn chưa phát biểu, nhưng đối với cá nhân bạn thì về bản chất bạn đã được phát biểu rồi!

Sau khi nghe câu hỏi của thày, cách đáp ứng tích cực nhất là huy động “vốn liếng” để chuẩn bị câu trả lời của riêng mình.
 
5. Tranh thủ sự hợp tác của bệnh nhân khi học trên lâm sàng

Khi đi thực tập ở các bệnh viện, một trong những khó khăn của sinh viên là bị bệnh nhân “trốn” không cho thăm khám. Đối với những bệnh hiếm gặp, khó khăn đó càng lớn hơn, bởi vì bệnh nhân đã bị quá nhiều người “quan tâm”!
Một số bạn cố tình dấu cái danh sinh viên, những mong tiếp cận với bệnh nhân dễ dàng hơn... Nhưng rồi sớm muộn “cái đuôi” vẫn cứ lộ ra! Đến lúc ấy chỉ còn cách chui xuống đất cho khỏi ngượng! Một số bạn khác thì tận dụng cái “uy” được thày phân công phụ trách bệnh nhân để “ép” họ phải bằng lòng cho khám. “Phép” này không những làm mất đi cái phong độ từ mẫu, mà hiệu lực cũng chỉ có đối với những bệnh nhân mới nhập viện. Còn những bệnh nhân “giàu kinh nghiệm”, các bạn không thể “ép” họ được đâu. Tôi còn nhớ trong kỳ thi lâm sàng nội khi đang học năm thứ tư (hồi ấy năm thứ tư học nội, ngoại, sản, nhi) một bạn nữ tự dưng khóc hu hu! Hỏi ra mới biết, bệnh nhân mà bạn này bắt thăm được đã “cao chạy xa bay” tự lúc nào!

Bạn không thể học tốt trên lâm sàng nếu không có khả năng giao tiếp với bệnh nhân. Bạn không thể, và hoàn toàn không cần thiết phải dấu cái danh sinh viên rất đáng tự hào của mình. Bạn cũng không nên lợi dụng cái quyền được thày giao phụ trách bệnh nhân để bắt ép họ cho bạn thăm khám. Vấn đề quan trọng là bạn phải cảm hoá được bệnh nhân bằng cả lời nói và việc làm của mình.

Khi đến với bệnh nhân, phần đông sinh viên chúng ta thường chỉ chăm chăm đến “mục tiêu học tập”, nghĩa là chúng ta chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân mình. Sẽ có bạn phản bác ngay rằng, tôi học đâu chỉ vì lợi ích cá nhân, tôi học để chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong tương lai! Vâng, tôi hoàn toàn tin ở động cơ học tập rất đúng đắn của bạn. Nhưng xin bạn, ngay từ bây giờ hãy nghĩ đến người-dân-đang-ở-trước-mặt-bạn cần gì! Để tranh thủ sự hợp tác của bệnh nhân, trước hết bạn phải có thái độ nhã nhặn và sự thông cảm với những lo lắng, đau đớn của người bệnh. Trong bất kỳ trường hợp nào bạn đều phải xin phép bệnh nhân trước khi thăm khám. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi thấy nhiều bạn sinh viên thăm khám bệnh nhân mà cứ như đang học trên mô hình! Cũng may đa số bệnh nhân của chúng ta rất hiền, hoặc ít ra họ cũng biết tự kiềm chế...

Bạn có thấy ái ngại khi rất nhiều ống nghe xếp hàng lần lượt (có lúc đồng thời hai ba cái) áp lên ngực một bệnh nhân đang khó thở? Bạn có lúc nào tham gia tạo nên hàng rào bao quanh một bệnh nhân đang nhăn nhó, cố đưa bàn tay vào bụng bệnh nhân để nhận biết “phản ứng thành bụng”? Trong các tình huống nêu trên, hành động như vậy là trái với quan điểm bệnh nhân. Mặt khác cho dù ống nghe của bạn có chụp lên được ngực bệnh nhân; cho dù bàn tay của bạn có đặt lên được bụng bệnh nhân, thì bạn cũng khó mà nhận biết được chính xác dấu hiệu bệnh lý mà bạn đang cần học.

Bệnh nhân cần sự quan tâm của bạn. Điều lo lắng nhất của bệnh nhân là bệnh tình của họ. Bạn có thể cho họ biết những thông tin không phạm đến nguyên tắc nghề nghiệp; ân cần hướng dẫn họ những điều mang lại lợi ích cho quá trình điều trị. Bạn cũng nên quan tâm đến hoàn cảnh gia đình của họ, cả một số khía cạnh không cần khai thác để ghi vào bệnh án. Những câu hỏi của bạn phải thân tình, tế nhị và đúng lúc! Nhiều khi sự quan tâm rất nhỏ của bạn cũng làm bệnh nhân xúc động. Khi đã được bệnh nhân thực sự quí mến, tin cậy thì việc thăm khám của bạn không những không bị coi là một sự quấy rầy, mà nhiều khi còn được coi là sự quan tâm! Tôi có một kỷ niệm hồi đang thực tập tại bệnh viện Việt Nam - Cu Ba. Khi tổ chúng tôi chuyển đến thì được biết có một bệnh nhân có “tiếng cọ màng tim” đang nằm điều trị ở đây. Đã học lý thuyết bài “viêm ngoại tâm mạc”, bởi vậy chúng tôi rất mừng. Hơn hai mươi người (ngày ấy tổ đông như vậy) nhào tới tranh thủ...học liền! Rất may bệnh nhân không trốn, nhưng ... rất không may bệnh nhân cương quyết không cho các bác sĩ tương lai khám! Ngay cả trong buổi thày phụ trách tổ giảng lâm sàng, nể thày lắm bệnh nhân này cũng chỉ cho phép vài người khám rất nhanh. Hôm sau vào buổi trực, tôi lân la đến chỗ bệnh nhân đó, từ tốn chào. Bác ngước nhìn tôi đầy vẻ nghi ngờ... Tôi tự giới thiệu mình là sinh viên trực, hỏi bác có cần giúp đỡ gì không. Bác cám ơn không nhờ gì nhưng vẻ nghi ngờ đã bớt đi. Tôi hỏi thăm quê bác và một vài điều về hoàn cảnh gia đình. Bác hỏi tôi về viêm ngoại tâm mạc, về tiếng cọ màng tim. Tôi cố gắng trả lời một cách đơn giản để bác có thể hiểu được. Tôi thành thật nói với bác rằng, có thể trả lời bác đôi điều là nhờ mới được nghe thày giáo giảng cách đây ít ngày và mới đọc sách hôm qua. Bỗng dưng bác vui vẻ bảo tôi: “Xin mời “bác sĩ trực” kiểm tra xem “tiếng cọ màng tim” của tôi hôm nay thế nào?”...

“Bệnh nhân A khó tính quá!” Thưa bạn, có rất ít bệnh nhân dễ tính! Cả tôi, cả bạn đến một lúc nào đó chẳng may phải làm bệnh nhân, chúng ta sẽ khó tính tất! Nhưng nếu bạn tôn trọng người bệnh, thực sự thông cảm và quan tâm đến người bệnh thì nhất định bạn sẽ tranh thủ được sự hợp tác của họ, ngay cả khi họ hiểu rằng việc thăm khám mà bạn xin phép được tiến hành chỉ vì mục đích học tập.


Nếu bạn thực sự tôn trọng và quan tâm đến người bệnh
thì nhất định bạn sẽ tranh thủ được sự hợp tác của họ.

 
6. Vẽ giống hình và vẽ đúng ý

Khi nghe nói “vẽ hình” thì chắc chắn không có bạn nào thắc mắc, nhưng khi nghe nói “vẽ ý” có lẽ nhiều bạn cảm thấy ... hơi bị cộm tai! Tôi rất thông cảm với các bạn đó vì theo logic thông thường kết quả của “vẽ” nhất thiết phải là “hình”, tại sao lại bảo “vẽ ý”!? Thế nhưng nội dung của bài viết này lại bàn luận về cái chuyện hơi bị cộm tai ấy, với mong muốn rằng các bạn sinh viên không chỉ “học thuộc” hình mà còn phải “học hiểu” hình.

Hình vẽ trong quá trình học tập có thể chia làm 3 loại chính: mô tả hình thái, sơ đồ và biểu đồ.

Hình vẽ mô tả hình thái như hình thể một phủ tạng, thiết đồ ở một vị trí giải phẫu, hình thể đặc trưng của một loại tế bào, hình thể của một loài giun hay một loài vi khuẩn... Chúng thuộc loại hình cần được vẽ càng giống càng tốt.

Sơ đồ là kết quả của việc cụ thể hoá, “hình hoá” các nội dung trừu tượng vốn dĩ không có hình hoặc là kết quả của việc đơn giản hoá, tổng quát hoá những nội dung có hình nhưng đa dạng, phức tạp. Với cùng một nội dung chúng ta có thể trình bày bằng nhiều sơ đồ với “hình dạng” khác nhau, miễn là “ý” giống nhau. Tôi xin nêu một số thí dụ. Sơ đồ hoá quá trình nhận thức, sơ đồ hoá hệ thống tổ chức ngành y tế... là đã hình hoá những nội dung không có hình. Sơ đồ cấu tạo tế bào, sơ đồ cấu trúc của một đơn vị kháng thể... là đơn giản hoá, tổng quát hoá những nội dung có hình nhưng đa dạng phức tạp. Trong quá trình sơ đồ hoá loại này người ta ít chú ý đến hình dạng, chủ yếu chú ý đến nội dung. Sơ đồ cấu tạo tế bào có thể được vẽ thành hình chữ nhật, hình bầu dục, hình tròn hay ... méo! Nội dung cần thể hiện ở sơ đồ cấu tạo tế bào là màng, sinh chất, nhân, các bào quan... Sơ đồ cấu trúc một đơn vị kháng thể người ta có thể vẽ trông như 4 đoạn thẳng song song nối với nhau, như hình chữ “Y” nét kép hoặc như dáng chim đang dang rộng hai cánh... . Nội dung chính cần thể hiện ở sơ đồ cấu trúc một đơn vị kháng thể là 4 chuỗi polipeptide với 2 chuỗi nặng và 2 chuỗi nhẹ, các cầu disulfur, vùng siêu biến và vùng hằng định...

Biểu đồ
làm nổi bật lên những nội dung mấu chốt. Nhìn vào biểu đồ ta dễ dàng nhận thấy những nội dung mấu chốt đó hơn so với khi nhìn vào bảng số liệu. Biểu đồ có điểm giống với sơ đồ là: với cùng một một nội dung (bảng số liệu) ta có thể trình bày bằng các biểu đồ khác nhau về hình dạng như hình cột không gian hai hay ba chiều, hình tròn hay hình khoanh giò... Biểu đồ có điểm khác cơ bản với sơ đồ là: khi vẽ biểu đồ luôn phải quan tâm đến tỷ lệ giữa chiều cao các cột (trong biểu đồ cột), tỷ lệ diện tích các hình quạt (trong biểu đồ tròn)... phù hợp với các số liệu. Khi vẽ một biểu đồ chủ yếu chúng ta chú ý đến tỷ lệ.

Tôi thấy một số bạn khi vẽ lại sơ đồ, biểu đồ cứ cố vẽ cho thật giống với hình trong sách hay hình thày vẽ trên bảng. Những bạn này không hiểu rằng, chỉ có hình vẽ mô tả hình thái mới cần vẽ giống hình, còn các sơ đồ, biểu đồ chỉ cần vẽ đúng ý! Nhiều khi những sơ đồ, biểu đồ đã bị bạn “biến dạng” còn được thày đánh giá cao hơn những sơ đồ, biểu đồ được bạn “sao như bản chính”! Bởi vì chỉ cần “thuộc hình” là bạn đã có thể vẽ lại giống hệt, nhưng phải “hiểu hình” bạn mới có thể biến dạng mà ý cần thể hiện vẫn được giữ nguyên!

Người học hiểu có khả năng nhận biết được
hình nào phải vẽ giống hình, hình nào chỉ cần vẽ đúng ý.


 
7. Không học như gà uống nước

Chắc đã có lần bạn trông thấy gà uống nước. Con gà cúi đầu dí mỏ vào nước mấy giây rồi ngẩng đầu lên nhắp nhắp mỏ để nuốt chút nước vừa ngậm được vào diều. Cứ thế nó lặp lại qui trình này cho đến khi hết khát.

Tôi đã nhiều lần thấy sinh viên học bài giống như “gà uống nước”, trong đó có cả sinh viên năm cuối ôn thi tốt nghiệp! Họ cúi đầu dí ... mắt vào sách hoặc vở mấy giây rồi ngửa mặt lên nhìn trời, miệng nhắp nhắp (xin lỗi, không phải nhắp nhắp mà là lẩm bẩm) một vài câu vừa đọc được. Cứ thế họ lặp lại qui trình này cho đến khi ... hết bài. Con gà hết khát thì tiếp tục đi kiếm ăn, còn sinh viên lẩm bẩm hết bài mà chưa thuộc thì lại “cúi đầu dí mắt, ngửa mặt nhìn trời...” vòng hai, vòng ba...

Đành rằng học theo kiểu “gà uống nước” người nhanh kẻ chậm cuối cùng rồi cũng thuộc bài, nhưng học theo kiểu này thì làm sao mà có thể hiểu bài sâu sắc. Thuộc đấy nhưng dễ lẫn lộn và thường nhanh quên. Về bản chất thì đó cũng là một cách “học vẹt”, tuy rằng có được cải tiến thành “vẹt ... thầm”!


Học theo kiểu gà uống nước cũng là một cách học vẹt!

 
8. Học xa thi và học gần thi

Hiện nay không ít sinh viên chỉ quan tâm đến vế thứ hai của tiêu đề trên: “học gần thi”! Những sinh viên này có học lúc còn xa kỳ thi bao giờ đâu! Cứ nước đến thắt lưng mới nhảy! Thậm chí có bạn để nước đến mũi mới ngửa mặt lên ngoi ngóp, rồi cầu cứu “phao” hoặc can đảm ... chịu chết đuối!

Cách học mà tôi nêu ra dưới đây chủ yếu dành cho các bạn sinh viên biết lo xa.

Khi còn xa kỳ thi việc học của bạn nên tập trung vào 2 mục tiêu: hiểu bài thấu đáo và nhớ chọn lọc những điểm quan trọng nhất
.
Để hiểu bài thấu đáo bạn phải chịu khó nghiền ngẫm, ôn lại những kiến thức nền tảng, tham khảo thêm những tài liệu có liên quan. Nếu vẫn còn điểm gì chưa tự giải quyết được thì trao đổi với bạn bè và cuối cùng là hỏi thày. Chúng ta đừng vội vàng cố gắng học thuộc khi chưa hiểu đến nơi đến chốn.
Để nhớ những điểm quan trọng nhất, trước hết bạn phải xác định được chúng. Đã là những điểm quan trọng nhất thì về lượng phải ít hơn nhiều so với toàn bài. Đó là những điểm then chốt và những điểm sẽ trở thành kiến thức thường trực. Điểm nào có khả năng gợi mở cho ta nhiều ý khác thì đó là điểm then chốt. Nhớ được điểm then chốt của bài giống như ta đã làm chủ được cái then, cái chốt cửa của một căn nhà. Còn kiến thức thường trực? Đó là những kiến thức mà ta cần phải nhớ lâu dài sau khi thi, có khi trở thành hành trang theo ta suốt cuộc đời!
Những cái gì có thể nhanh chóng quên sau khi thi, lúc nào cần sẽ mở sách mở vở xem lại thì không phải là kiến thức thường trực, bạn hãy “để dành” những cái đó học lúc gần thi. Còn có những điều bạn cảm thấy không cần thiết lắm nhưng vẫn có nguy cơ bị hỏi đương nhiên cũng “để dành” học lúc gần thi - Thày cô thích hỏi thì em trả lời nhưng chữ của thày cô em sẽ trả lại thày cô ngay sau khi thi! Đây là một cách học “chống chế chân chính”. Tôi hy vọng nguy cơ bị hỏi vô lý sẽ giảm dần song song với quá trình quán triệt nguyên tắc dạy học theo mục tiêu của các thày cô.
Nhiều sinh viên kêu ca chương trình học tập bây giờ quá nặng. Các bạn này hoàn toàn đúng, ý kiến của các bạn đã được nhiều hội nghị về đào tạo gần đây khẳng định. Dù như vậy các bạn vẫn phải học và phải thi. Nếu vì khả năng nhớ không được tốt lắm hoặc vì một lý do nào đấy mà bạn thiếu thời gian thì ngay cả lúc gần thi hãy cứ theo cách học lúc xa thi trình bày ở trên. Chỉ cần hiểu và nhớ những điểm quan trọng nhất là bạn đã có khả năng đạt được điểm khá rồi. Nếu thi vấn đáp không loại trừ khả năng còn được cả điểm giỏi. Học theo phương pháp này khó trượt lắm!

Kiến thức then chốt cần phải hiểu và nhớ lâu dài
nên học từ lúc xa thi.
Kiến thức nặng về học thuộc không cần nhớ lâu dài
gần thi hãy học.

 
9. Tự kiểm tra đánh giá mức độ hiểu bài

Làm thế nào để có thể tự kiểm tra đánh giá mức độ hiểu bài? Trước câu hỏi này, bốn cách trả lời thường gặp của các bạn sinh viên là:

Cách trả lời thứ nhất: Hiểu hay không hiểu thì tôi tự biết, cần gì phải … “làm thế nào”!

Cách trả lời thứ hai (ngược với cách trả lời thứ nhất)
: Làm sao mà tôi tự đánh giá được mình đã thực sự hiểu bài hay chưa, chỉ có thày hoặc ít ra là một bạn học giỏi hơn hẳn tôi mới có thể kiểm tra đánh giá được!

Cách trả lời thứ ba
: Tôi thường chỉ tự kiểm tra xem mình đã thuộc bài chưa. Rất đơn giản, chỉ việc gấp sách vở nói lại hoặc viết lại, rồi mở sách vở xem mình nói hoặc viết đã đúng, đã đủ chưa. Đôi khi tôi “đổi công” với một bạn, tôi nói thì bạn đó cầm sách kiểm tra và ngượi lại.

Cách trả lời thứ tư
: Tôi thường tự đánh giá mình bằng một số cách sau…(nêu các cách tự đánh giá cụ thể).

Đối với những bạn có cách trả lời thứ nhất
. Nếu bạn nói “không hiểu” thì tôi có thể tin, còn nếu bạn nói “hiểu” thì chưa chắc vì bạn mới chỉ “cảm thấy hiểu” – Rất có thể bạn chưa hiểu hoặc hiểu sai!

Đối với những bạn có cách trả lời thứ hai
. Xin đừng nghĩ thế! Nếu muốn, bạn hoàn toàn có khả năng tự đánh giá được mình đã hiểu hay chưa hiểu, không nhất thiết phải nhờ thày hoặc người học giỏi hơn hẳn bạn.

Đối với những bạn có cách trả lời thứ ba
. Xin được nói thẳng thắn, cách này đã quá “lạc hậu” vì đấy là cách tự kiểm tra kết quả học thuộc lòng hay còn gọi là … “học vẹt”!! Thật đáng buồn, qua quan sát của tôi thì hiện nay những bạn này vẫn còn rất nhiều “chiến hữu”!

Sau đây là tổng hợp ý kiến của các bạn sinh viên thuộc nhóm thứ tư về các cách để chúng ta tự đánh giá mình đã thực sự hiểu bài hay chưa, ngoài cách “kinh điển” là trả lời các câu hỏi tại sao, như thế nào.

- Bạn đã chỉ ra được những ý then chốt (cốt lõi) của bài chưa?
Khi đã thực sự hiểu bài thì bạn có thể làm việc này một cách dễ dàng, nếu còn lúng túng là chưa hiểu. Ngay cả định nghĩa, khái niệm là những nội dung mà ta tưởng rằng chỉ cần “thuộc”, người có cách học tốt cũng không bằng lòng chỉ học thuộc mà vẫn tự yêu cầu phải hiểu. Hai người đều có khả năng nhắc lại vanh vách định nghĩa, nhưng khi hỏi định nghĩa này chứa đựng những ý then chốt gì, từ khoá của định nghĩa đâu, thì người học “thuộc hiểu” sẽ nói được ngay, còn người học “thuộc lòng” sẽ chịu hoặc nói lúng túng.

- Bạn đã có khả năng “co ngắn” bài chưa?

Nội dung nếu trình bày đầy đủ phải mất 30 phút, bạn đã có thể trình bày trong 15 phút, 10 phút, thậm chí 5 phút được không? Nếu bạn dễ dàng trình bày vấn đề một cách mạch lạc trong thời gian ngắn dài khác nhau là bạn đã thực sự hiểu bài. Một cách tương tự, nếu bạn có khả năng viết ngắn gọn hơn mà vẫn có đủ những ý then chốt là đã thực sự hiểu bài. Xin lưu ý nếu khi viết co ngắn mà bạn phải lệ thuộc quá nhiều vào câu cú của sách, hoặc chỉ co ngắn được bằng cách giữ lại tên những mục và tiểu mục là chưa thực sự hiểu bài!

- Bạn có thể diễn đạt bằng một số cách khác mà vẫn giữ được nội dung của bản gốc?

Chỉ khi thực sự hiểu bài bạn mới có thể diễn đạt một cách “mềm mại”. Với các sơ đồ, biểu đồ sau khi thực sự hiểu nội dung mà sơ đồ, biểu đồ chuyển tải bạn có thể vẽ rất khác về hình thức mà nội dung không hề thay đổi – Xin đọc lại bài “vẽ giống hình và vẽ đúng ý” .

- Nhờ những bạn học tốt hơn kiểm tra.

Những bạn “học tốt hơn này” không chỉ có kiến thức tốt mà quan trọng hơn phải có phương pháp học tốt! Có phương pháp học tốt họ mới nêu được những câu hỏi hiểu để nếu bạn học thuộc lòng thì không thể trả lời được. Sau khi ôn tập, bạn cũng nên thử sáng tạo một số câu hỏi hiểu. Người ra được câu hỏi dạng này tất nhiên phải hiểu bài.
Rất có thể bạn còn có các cách khác nữa để tự kiểm tra mức độ hiểu bài.


Tự kiểm tra là năng lực cần thiết bậc nhất trong tự học.
Tự kiểm tra mức độ hiểu bài quan trọng hơn mức độ thuộc bài.

 
10. Xin đừng “thết khách cả gai”

Tôi đã nhiều lần nghe học sinh vốn là “công nhân” có bậc cao ở một số lò luyện thi nói rằng, có thày cô dặn dò: “Khi đi thi thì cố mà viết thật nhiều, đừng quá quan tâm đến chọn lọc đúng sai. Đúng thì được điểm, sai không bị trừ đâu mà lo. Bài tập khi phát hiện thấy sai cần làm lại cũng đừng dại gạch bỏ phần đã làm (!?), cứ để cả hai cách, cách nào đúng sẽ được chấm...”.

Các bạn sinh viên thân mến! Nếu ai đã từng được “hun đúc” từ những lò như vậy, nay may mắn đỗ vào đại học, xin hãy mau mau quên những lời dặn dò thừa sai thiếu đúng đó đi thì mới có thể trở thành sinh viên thực thụ được.

Bạn thử hình dung mình là thực khách được mời thưởng thức món mít. Chủ nhà trịnh trọng bê lên một đĩa to tướng đầy ắp, lẫn lộn múi cùng xơ cái xơ con, lại còn có cả những mảnh vỏ gai xu xi nữa! Trong trường hợp đó cũng có thể bạn vẫn thản nhiên nhặt múi mà xơi... Nhưng nếu bài làm của bạn mà như đĩa mít đó thì đừng hy vọng thày cô vẫn thản nhiên chọn ý đúng mà cho điểm!

Nguyên tắc chấm thi viết không cho phép giám khảo phạt điểm khi gặp những “ý gai”. Nhưng tôi cam đoan với các bạn rằng, những bài có lẫn nhiều “xơ” và “gai” chắc chắn sẽ bị chấm rất chặt tay! Hơn nữa nguyên tắc chấm thi viết vẫn cho phép không chấm những ý đúng nếu trong bài lại tồn tại cả ý sai đối lập với ý đúng đó. Tương tự, nếu bài làm để cả hai cách giải cho kết quả hoàn toàn khác nhau, một đúng một sai, thì cách giải đúng cũng sẽ không được công nhận, bởi vì nó chứng tỏ thí sinh không biết như thế nào là đúng, là sai.

Còn khi thi vấn đáp mà “xuất khẩu” ra cả “xơ” và “gai” thì thưa bạn, hậu quả sẽ chẳng biết thế nào mà lường!


Câu trả lời tốt nhất là câu trả lời
sát ý hỏi nhất, diễn đạt mạch lạc nhất và ngắn nhất.





(Đã in trong “Cẩm nang học tích cực cho sinh viên y khoa”,
PGS.TS Nguyễn Đức Hinh chủ biên, Nhà xuất bản Y học 2011)
 
@@ 10 cack p nyz cho hẳn 10 pai lun, :) nhưng du` sao van~ tks p nhju`
p/s: học bất bình đẳng chak ai cug~ sd oy, còn viek đọc trk khi học thi` AD dc 1 thời gian oy chju hém theo lun,hehe
ma` hink` như các VD đều lấy nganh` Y ra thi` phải ^^
 
Gà uống nước thì có liên quan gì ?
 
Bạn ơi, cảm ơn bạn nhưng bạn gộp vào làm một được không?
 
@@ 10 cack p nyz cho hẳn 10 pai lun, :) nhưng du` sao van~ tks p nhju`
p/s: học bất bình đẳng chak ai cug~ sd oy, còn viek đọc trk khi học thi` AD dc 1 thời gian oy chju hém theo lun,hehe
ma` hink` như các VD đều lấy nganh` Y ra thi` phải ^^

uhm, đúng rồi
người viết bài này làm trong ngành y mà ^^!

Gà uống nước thì có liên quan gì ?
bạn đã đọc hết chưa vầy?
nếu đọc rồi sẽ hiểu thôi
đừng thắc mắc khi chưa tìm hiểu kĩ vấn đề nhé

Bạn ơi, cảm ơn bạn nhưng bạn gộp vào làm một được không?
bạn thấy gộp vào tiện hơn à?
tại mình sợ gộp nhìn dài quá hông ai dám đọc :d
 
Mình toàn đọc sách trước...................khi thi không hà :KSV@16:
 
×
Quay lại
Top